Ở phương Đông cũng như phương Tây, từ thời xa xưa đến ngày nay vẫn thường thấy một số người tự nhận là mình có những khả năng tâm linh phi thường như phát hiện nguồn nước ngầm, tài nguyên, của cải, hài cốt người chôn giấu trong lòng đất. Họ cũng có thể làm cầu nối gọi hồn người chết về trò chuyện với người thân, trừ tà đuổi ma, trị bệnh nan y... Đó là những người được gọi bằng danh từ: nhà cảm xạ, nhà ngoại cảm. Những nhà cảm xạ ở phương Tây thường dùng những dụng cụ đặc biệt để tìm nguồn nước ngầm và những thứ bị chôn giấu. Đó là những chiếc đũa hình chữ L, chữ Y hoặc những con lắc có thể tự rung động trong tay để phát tín hiệu. Không ít người trong số bọn họ thường lợi dụng sự nhẹ dạ của quần chúng để lừa bịp, trục lợi, ngày càng đi vào con đường tà. Vì vậy từ thời Trung cổ ở châu Âu, các nhà cảm xạ đã từng bị xem là gắn kết với quỷ dữ. Năm 1659, Gaspar Schott tuyên bố cảm xạ là thuộc thế giới Sa Tăng. Năm 1701, Tòa án Dị giáo (Inquisition) cấm sử dụng đũa cảm xạ trong xét xử.
Ngày nay, hiện tượng cảm xạ (radiesthesia) được giải thích bằng sự tương tác về bức xạ giữa nhà cảm xạ với môi trường chung quanh. Tuy vậy, ở nhiều nước cảm xạ vẫn bị coi là ngụy khoa học (pseudoscience).

Riêng ở Việt Nam, những năm sau chiến tranh nhu cầu tìm hài cốt của thân nhân, nhất là hài cốt liệt sĩ, rất lớn. Có lẽ một phần nhằm đáp ứng nhu cầu này, năm 1997 ở Việt Nam có Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người được thành lập do ông Vũ Thế Khanh làm tổng giám đốc. Làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người có khoảng 100 nhà ngoại cảm (thelepath) trong đó nổi tiếng nhất là Phan Thị Bích Hằng, Nguyễn Văn Nhã, Nguyễn Ngọc Hoài, Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Thị Nguyện, Đỗ Bá Hiệp… Bảng thành tích của họ được ghi là đã tìm được hàng ngàn, hàng vạn bộ hài cốt liệt sĩ cách mạng từ thời chống Pháp đến thời chống Mỹ. Cũng trong thời gian này, chính phủ Mỹ cũng có nhu cầu tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Người Mỹ chịu chi phí rất lớn cho công việc này. Thế nhưng điều đáng thắc mắc là đội ngũ hàng trăm nhà ngoại cảm ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người của ông Vũ Thế Khanh tại sao không có ai tham gia việc tìm hài cốt lính Mỹ? Lý do rất dễ hiểu: vì người Mỹ rất cẩn trọng và khoa học. Mỗi mẩu xương mà họ đào được đều phải qua nhiều khâu giám định chuyên môn, nhất là ADN, nếu phù hợp mới được công nhận. Còn việc tìm hài cốt liệt sĩ Việt Nam thì quá dễ dãi, hầu như không hề được giám định ADN mà chỉ căn cứ vào một vài chỉ dẫn mơ hồ. Mãi đến khoảng cuối năm 2013, khi những bộ hài cốt liệt sĩ do các nhà ngoại cảm tìm thấy, lần đầu được Bộ Quốc phòng cho giám định ADN thì mới rùng mình phát hiện ra chỉ là xương chó, mèo, heo, bò… Thì ra lâu nay, bọn họ đã dùng trò này để đánh lừa thân chủ, âm mưu cùng Ngân hàng Chính sách xã hội rút ruột ngân sách hàng chục tỉ đồng. Từ sau vụ này, các nhà ngoại cảm hết linh, tự động ngưng các dịch vụ tìm hài cốt. Nếu trước đây họ ào ạt xông ra nghĩa trang với chuông trống rùm beng thì nay bỗng nhiên lặn đâu mất tăm.
Trung tâm nghiên cứu địa sinh thái của Đại học Hồng Bàng và nhà cảm xạ học Dư Quang Châu:
Sau khi các hoạt động ngoại cảm đi vào thoái trào thì trong ma trận tâm linh ở Việt Nam lại xuất hiện một nhân vật rất nổi tiếng: nhà cảm xạ Dư Quang Châu, đã và đang hoạt động dựa trên danh nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA).

Theo các tài liệu được chính thức giới thiệu trên mạng, ông Châu vốn là bác sĩ, từng phụ trách phòng khám y học dân tộc ngoại trú Bệnh viện tỉnh Đồng Nai (1980-1990), phụ trách phòng khám y học dân tộc của Công ty Dược liệu Trung ương 2 (1990-1992). “Gia đình ông có truyền thống sử dụng cây thuốc phương Đông để chữa bệnh, và ông cũng đã từng công tác nhiều năm tại bệnh viện và từ nhỏ đã say mê sâu sắc tất cả cái gì là điểm cao nghiên cứu về khoa học, khoa học luận, siêu tâm lý, và những cây cỏ làm thuốc. Năm 1992, ông được học bổng nghiên cứu sinh tại Monaco về Y năng lượng (Médecine Énergétique) và Học viện Nghiên cứu về cây thuốc của Địa Trung Hải. Trong quá trình học tập ông đã quan tâm đến những cây thuốc có độc tính cao để làm thuốc vi lượng đồng căn (homéopathie) và tất cả các mặt sâu xa của những nhà Yoga ở Ấn Độ và những giá trị tinh thần của phương Tây lẫn phương Đông. Ông đã có những liên lạc trực tiếp với những nhà nghiên cứu phương Tây trên nhiều lĩnh vực nhất là những lĩnh vực thần bí v.v… Ông là một chuyên gia về cảm xạ học và đã theo đuổi nghiên cứu về chủ nghĩa huyền bí phương Đông và phương Tây, những nghệ thuật thực hành, ma thuật cổ và đương đại và cố gắng cùng với những nhà khoa học Việt Nam dần đưa nó vào chứng minh bằng khoa học…
- Năm 2006, ông Châu được bà Phạm Thị Cẩm Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật suối khoáng Biển Xanh bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng dưỡng sinh năng lượng [công ty này đã ngưng hoạt động từ ngày 7-5-2014].

- Tháng 9-2003, ông Châu được TS Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng cảm xạ địa sinh học do đại học này sáng lập. Ông Châu còn kiêm Giám đốc Trung tâm Năng lượng cảm xạ - thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

- Vừa là người khởi xướng bộ môn Cảm xạ học, bác sĩ Dư Quang Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng bấm huyệt Thập chỉ liên tâm thuộc Liên hiệp khoa học UIA, vừa là nhà tiên phong về liệu pháp Y mao mạch ở Việt Nam với bộ môn nghiên cứu mang tên Thập chỉ liên tâm.

- Trong nhiều năm qua, ông Châu liên tục mở những lớp dạy cảm xạ ở Đại học Hồng Bàng và nhiều nơi khác, trực tiếp hoặc gián tiếp chữa trị cho hàng ngàn người vừa là học viên vừa là bệnh nhân.

- Ngày 7-10-2014, ông Châu được vinh danh trong buổi lễ trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội, vì thành tích đã khôi phục và làm sống dậy phương pháp bấm huyệt Thập chỉ đạo của cố lương y Huỳnh Thị Lịch và phát triển thành Thập chỉ liên tâm, cứu vớt hàng vạn người thoát được những căn bệnh hiểm nghèo và tàn tật.

- Năm 2016, ông Châu được Hội Trí thức khoa học và công nghệ trẻ Việt Nam vinh danh là Trí thức tiêu biểu của Việt Nam với 4 chữ vàng Trí, Tâm, Tài, Dũng.

- Năm 2017, Dư Quang Châu được Hội Người cao tuổi Hà Nội tôn vinh là Danh y đất Việt…”.

Mới đọc qua những lời giới thiệu lý lịch và thành tích nói trên của ông Dư Quang Châu, ai cũng cảm thấy choáng ngợp. E rằng từ các danh y tiền nhân như Hải Thượng Lãn Ông, Tuệ Tĩnh… đến các bác sĩ Tây y đẳng cấp như GS Tôn Thất Tùng, GS Hồ Đắc Di… nếu đọc bản thành tích trên cũng đều phải chắp tay vái Dư Quang Châu mà gọi bằng “cụ”.

Nhưng cần tỉnh táo một chút để rà soát lại mọi chuyện từ đầu.