+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Thiền trong võ thuật phương Đông

  1. #1
    thuhuong
    Guest

    Talking Thiền trong võ thuật phương Đông

    Võ học Việt Nam đang trên đường được bảo tồn và chấn hưng. Nhiều bài bản đang được khôi phục, nhiều tinh hoa được tìm kiếm. Nhưng phải chăng, bên cạnh sự tìm kiếm những phần tinh hoa đó, cũng cần để mắt tìm kiếm cái nguồn gốc triết học sâu xa đã là nền tảng, chỗ dựa cho các phái võ Việt Nam qua các thế kỷ chiến đấu chống ngoại xâm mà tinh thần Thiền học Việt Nam là một trong những cội nguồn căn bản? Và nên chăng, trong các chương trình huấn luyện của các võ đường của nước ta, phần kiến thức về võ học, võ đạo , trong đó có Thiền học ứng dụng trong võ đạo cần được nghiên cứu , truyền dạy để đưa võ sinh đến với con đường võ đạo chân chính?


    Những năm gần đây, trong các chương trình “Những chuyện lạ Việt Nam”của VTV3 trình làng, nhiều võ sư đã thi thố các loại công phu như chạy trên mặt nước , dùng đá xanh đập vỡ quả dưà đặt dưới cánh tay….và nhiều loại công phu khác của khí công làm dư luận xôn xao vì khả năng kỳ lạ của con người Việt Nam. Ở một quy mô quảng bá khác, trong hai lần đến Việt nam năm 2002 và 2006 , đoàn võ thuật Thiếu Lâm Tinh Anh của Chùa Thiếu Lâm (Trung Quốc) đã biểu diễn chương trình “Khám phá những điều kỳ diệu của võ thuật” tại TP HCM với những tiết mục biểu diễn khí công độc đáo và bí ẩn của các nhà sư Thiếu Lâm như “nhãn bì khiêu thủy”(dùng mi mắt xách nước),“Thiết đầu công”(dùnggậy sắt tự đập vào đầu ) cũng đã thu hút sự chú ý của công chúng. Một trong những nguồn gốc tạo nên những thành tựu khí công này nói riêng, và nhiều tinh hoa khác trong võ thuật phương Đông nói chung chính là Thiền học. Điểm đáng nhấn mạnh là trong khi nhiều giá trị khác của Thiền đã mai một theo thời gian hoặc chỉ còn trong sách vở, Thiền trong võ thuật vẫn đang tồn tại và được truyền dạy tiếp nối tại các võ đường khắp thế giới. Đó là một loại thiền học ứng dụng vừa thâm sâu, vừa linh hoạt.Tuy nhiên, khía cạnh này còn ít được nghiên cứu,tìm hiểu. Với tinh thần “tuỳ duyên hành động”, người viết xin được lạm bàn về tinh thần Thiền học và những ứng dụng của Thiền học trong võ thuật phương Đông.

    Khác với nhiều người phương Tây quan niệm về võ thuật như một môn thể dục, võ thuật phương Đông bắt nguồn từ một nền tảng triết học sâu xa: Môn Thái cực Quyền mà đến nay rất đông người dân Trung Quốc còn đang luyện tập thoát thai từ các triết thuyết Đạo giáo Lão Trang; võ thuật Thiếu Lâm xuất hiện cùng một lượt với Thiền tông tại Trung Hoa… Tuy những tài liệu lịch sử võ thuật vô cùng thiếu thốn, hầu hết các tài liệu đáng tin cậy như Võ thuật tùng thư của Quảng Từ lão ni (Đời Thanh) đều cho rằng Bồ Đề Đạt Ma cũng chính là người đã sáng tác Dịch cân kinh, khai sáng võ thuật Thiếu Lâm. Ngài đã truyền bá võ thuật từ cái gốc như một nghệ thuật hít thở vận động, một phép hành thiền. Nhiều giai thoại Thiền còn miêu tả Bồ Đề Đạt Ma với những pháp thuật mà thực ra là kỹ thuật tuyệt đỉnh của võ thuật . Truyền thuyết Phật giáo Thiền tông kể rằng, sau chín năm hoằng dương đạo pháp, Sư Tổ phiêu lãng trên mặt nước mênh mông trở về quê hương trên một cành lau. Thực hư những giai thoại này không rõ, song , có thể thấy, quan điểm của Thiền là nền tảng trong các phép tu tập võ thuật khởi nguồn từ Thiếu Lâm, kể cả khí công lẫn các nội ngoại công phu khác. Chẳng hạn, phép thố nạp (hít thở ) của khí công là dựa trên quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” , coi con người là một tiểu vũ trụ được cấu tạo theo mô hình đại vũ trụ, hoà đồng với đại vũ trụ. Khi luyện tập khí công, phải ngồi thiền định theo tư thế kiết già hoặc bán già, giữ cho thanh tâm tĩnh trí để hít thở. Lúc ấy, giữa người luyện khí và đại vũ trụ không còn cách biệt, không còn đối lập, con người sẽ tan vào thực thể bao la và có được nguồn năng lượng mới . Cho nên Phật gia cho rằng: “Thiền định sẽ đưa đến trí huệ, tâm thần an định ắt trí huệ sinh”. Và không chỉ là trí huệ mà những năng lực tiềm ẩn trong con người cũng được khai phá, tạo thành những công năng đặc dị. Tổ sư Ueshiba của Hiệp khí đạo (Aikido) Nhật Bản, người suốt cuộc đời không hề bại trận, đã từng nói: “Các người không thể quật ngã được tôi vì tôi đã hoà đồng cùng vũ trụ”. Ở nước ta, sử sách còn truyền tụng, nhờ tu tập khí công mà có các Thiền sư Vạn Hạnh thông minh siêu dị, Đạo Hạnh pháp thuật cao thâm, Minh Không biến ảo tài tình. Ngay trong thời hiện đại, lão võ sư Hà Châu (TPHCM) còn có thể biểu diễn nằm cho xe lu 13 tấn lăn qua người, dùng tay không nhổ đinh, bẻ sắt, đạt tới trình độ siêu đẳng đến mức khi ông đi biểu diễn ở Ý, báo chí nước này từng gọi ông là Ummo (người ngoài hành tinh). Các tài liệu khoa học nghiêm túc của GS Bs Nguyễn Khắc Viện, Thạc sỹ Ngô Gia Hy cũng đều khẳng định tác dụng chữa bệnh, đồng thời khả năng đem lại công năng kỳ diệu của các phương pháp luyện khí. Mặt khác, một trong những khái niệm rất được coi trọng trong luyện nội công là Tĩnh Tâm. Tĩnh Tâm hiểu theo nghĩa đơn giản, là dẹp bỏ tất cả những tâm tư, tình cảm đam mê xáo động , Nhưng, ở một số trường hợp, nó có thể hiểu là bản thể người, là phần sâu xa của tâm hồn, tiềm thức. Khi những dục vọng mê mẩn, lầm lẫn làm tâm trí luôn xao động, con người không nhìn thấy đựơc cái Chân Ngã của mình. Muốn thấy được bản chất thực, con người phải làm cho những đam mê, ham muốn đó lắng dịu và giữ cho Tâm thanh tịnh “nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ”.

    Một giai thoại võ học có màu Thiền do Cử nhân Nguyễn Trọng Trì (Thế kỷ 19) kể lại trong tác phẩm “Tây sơn lương tướng ngoại truyện” có thể là một ví dụ sinh động cho điều này. Truyện kể về Võ Văn Dũng, một tướng tài của nghĩa quân Tây Sơn đã có một trận quyết đấu kỳ lạ: “Một hôm tại Chợ Gò Chàm, phía Bắc thành Quy Nhơn có một nhà sư Trung Quốc thường đến biểu diễn võ thuật. Nhà sư cởi áo, ngồi xếp bằng, lưng thẳng ,vận công, rồi tha hồ cho ngừơi cầm gươm đao chém khắp vào châu thân. Ban đầu thử nhẹ tay.sau thấy không hề gì, bèn gia tăng sức chém. Ban đầu một người,sau nhiều người . Cũng không làm xây xát nhà sư. Người này lại tỏ thái độ chống đối nghĩa quân nên Nguyễn Nhạc muốn trừ. Võ Văn Dũng xin đi.

    Ông tìm đến gặp nhà sư và hỏi:

    - Hoà thượng là ngừời đã đạt đạo,không biết có khi nào bị lạc thú trần gian cám dỗ chăng?

    Nhà sư đáp:

    - Lòng ta như tro lạnh, không có gì cám dỗ.

    - Lời nói không đáng tin, có cho phép thí nghiệm .

  2. #2
    thuhuong
    Guest
    Nhà sư bằng lòng. Võ thuê vài tên vô lại và gái thanh lâu xinh đẹp , trải chiếu làm chuyện dâm dục trứơc mặt nhà sư. Ban đầu nhà sư cười nói như thường, nhưng một hồi lâu bỗng nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư liền rơi. Võ nói: -Nhà sư không có thuật gì lạ. Dày công luyện khí khiến cho cơ thể cứng rắn. Tâm định thì khí tụ, tâm động thì khí tán. Lúc ban đầu, tâm nhà sư không động nên nhà sư dám nhìn tự do. Đến khi nhà sư nhắm mắt, thì biết tâm nhà sư đã động. Cho nên chém xuống, không thể kháng cự được”Qua câu chuyện, có thể thấy vai trò quan trọng của việc Tĩnh Tâm trong võ thuật. Người luyện công là một Thiền giả thực sự trong lĩnh vực của mình. Hẳn không phải ngẫu nhiên khi câu chuyện này xuất hiện tại một vùng đất võ, nơi có những môn phái võ đạt tới đỉnh cao trong lịch sử võ thuật Việt Nam, cũng đồng thời là nơi ghi dấu sự dừng chân của những thiền sư có tên tuổi của Thiền học Việt Nam như Thiền sư Nguyên Thiều . Mặt khác, không chỉ trong lĩnh vực khí công, nhiều lĩnh vực khác của võ thuật cũng mang nhiều thiền ý. Võ thuật là một nghệ thuật chiến đấu, song, muốn đạt được đỉnh cao trong nghệ thuật này cũng cần đến sự Đốn Ngộ. Người ta thường nhắc đến câu nói của Thiền sư Hạnh Tư, người đứng đầu tăng chủng, học trò của Lục tổ Huệ Năng , có lần nói: “khi chưa tham Thiền, nhìn núi là núi, nước là nước; lúc tham Thiền nhìn núi không phải là núi, nước không phải là nước; tới khi tham thiền khai ngộ, nhìn núi lại vẫn là núi, nước lại vẫn là nước”. Ai đã từng học võ cũng sẽ chia sẻ với Thiền sư Hạnh Tư các giai đoạn cảm nhận “là, không phải là, lại vẫn là” như câu chuyện trên của nhà Phật mới có thể chứng ngộ được chỗ ảo diệu của võ đạo. Lý Tiểu Long(Bruce Lee), một gương mặt xuất sắc của làng võ thế giới thế kỷ 20, đã từng dựa vào ý trên mà đưa ra triết lý võ thuật của mình, sáng lập Triệt Quyền Đạo (Jet kun do). Ông nói: “khi tôi chưa học võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước; khi tôi đã học võ rồi, thấy quyền không phải là quyền, cước không phải là cước; khi tôi đã nhập vào chốn thâm sâu của võ, thấy quyền chỉ là quyền, thấy cước chỉ là cước” (Theo tạp chí Black Belt). Tại sao như thế? Trước Lý, nền võ thuật truyền thống Trung Hoa đang để lại một di sản nặng nề vô số bài bản và những cuộc cãi vã kỹ thuật nào là chính thống, đâu là nguỵ tạo. Lý theo học môn phái Vịnh Xuân Quyền, một môn phái bắt nguồn từ Ngũ Mai lão ni của Chùa Thiếu Lâm, học Karatedo và nhiều môn võ khác . Là một tài năng võ thuật, Lý tìm cách tổng hợp, dung hòa những kỹ thuật các môn phái khác vào vốn võ của mình và loại bỏ những kỹ thuật rườm rà để đạt hiệu quả. Hành trình tìm kiếm của Lý chỉ thực sự đạt đốn ngộ sau khi Lý tiếp xúc với những tư tưởng Thiền học (Lý theo học chương trình triết học ở Đại học bang Califonia ),và Lý đã dung hoà những tư tưởng đó tạo nên sự cách tân của Triệt quyền đạo: không có bài quyền, không có chiêu thức, chặn đối phương từ gốc để đạt mục đích. Và cao hơn, học võ là để đạt đạo, cái tìm được không chỉ là sự khoẻ mạnh của thể chất mà còn là để có thái độ nhìn thẳng, chấp nhận hiện thực trong một thế giới đầy biến động . Bởi lẽ Võ đạo đi đôi với Tâm đạo. Khi chưa học võ, những con người bình thường thấy thế giới ngoài Tâm, quyền cước chỉ đơn giản là thế giới thực trần trụi của những kỹ thuật chiến đấu theo kiểu nhìn gì thấy nấy. Khi đã có cái Tâm võ, con người vượt khỏi thế giới ngoài tâm, trong tâm trí họ những kỹ thuật chiến đấu đã tan biến, cho nên nhìn quyền không phải là quyền, cước không phải là cước. Nhưng khi đã đốn ngộ được chân lý của võ thuật, cái nhìn không còn phân biệt hai thế giới trong và ngoài tâm, dẹp xả mọi hằn thù, không còn ý định sát đấu, thì quyền chỉ là quyền, cước chỉ là cước. Những triết lý “vô chiêu” thâm sâu này có thể thấy hiện hữu trong rất nhiều tiểu thuyết võ thuật cuả Kim Dung, đem lại cái chất nhân bản trong đao kiếm , tạo chiều sâu tâm hồn cho các nhân vật của ông.

    Võ học Việt Nam đang trên đường được bảo tồn và chấn hưng. Nhiều bài bản đang được khôi phục, nhiều tinh hoa được tìm kiếm. Nhưng phải chăng, bên cạnh sự tìm kiếm những phần tinh hoa đó, cũng cần để mắt tìm kiếm cái nguồn gốc triết học sâu xa đã là nền tảng, chỗ dựa cho các phái võ Việt Nam qua các thế kỷ chiến đấu chống ngoại xâm mà tinh thần Thiền học Việt Nam là một trong những cội nguồn căn bản? Và nên chăng, trong các chương trình huấn luyện của các võ đường của nước ta, phần kiến thức về võ học, võ đạo , trong đó có Thiền học ứng dụng trong võ đạo cần được nghiên cứu , truyền dạy để đưa võ sinh đến với con đường võ đạo chân chính?

+ Trả lời Chủ đề

Tag của Chủ đề này

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình