Các người theo Đạo thường lẫn lộn Đại Đạo và Tôn Giáo, nhưng các bậc hiền minh, thánh triết thì thấy Tôn Giáo và Đại Đạo hết sức khác nhau.

Lecomte Du Noüy chủ trương Chân Đạo phát xuất từ một nguồn, sau biến thiên thành nhiều tôn giáo. Ngày nay các tôn giáo phải cố sao tìm lại tương đồng nguyên thủy ấy. [1]

Trong bài tựa cuốn «Kim Liên Chính Tông» của Đạo Lão, ta thấy có quan niệm tương tự:

«Đạo không đầu cuối,
Giáo có trước sau.»

Hỏi: «Vậy Đạo và Giáo khác nhau sao?» Thưa: «Khác.»

«Đạo thời chân thường siêu việt; giáo thời dạy cách độ người. Đạo là Bản Thể qua muôn ngàn đời không hề biến dịch; giáo là công dụng có lúc thịnh, có lúc suy.» [2]
Cao Hoàng luận về Tam Giáo có viết: «Thiên Hạ vô nhị Đạo, Thánh Nhân vô nhị Tâm.» [3]
Thẳng thắn mà xét thì vấn đề «chính đạo tại tâm» là một quan niệm mà chỉ có một số ít chính nhân, quân tử, hiền thánh mọi nơi mọi đời chấp nhận.
Nó đòi hỏi một sự suy xét sâu xa, một tâm hồn tế nhị có thể thâu nhận được những ý niệm từ đáy lòng hiện lên tâm thức. Đó là công việc mà những người tầm thường không làm nổi.

Mục Đích của Đại Đạo:

Dạy con người thực hiện Thiên Tính.

Dạy con người Tiến Hóa, tiến tới Toàn Thiện. (Trung Dung, Đại Học)
Mở rộng tầm mắt bao quát vạn vật và không gian thời gian, ta thấy vũ trụ như có hai chiều hướng biến dịch, tiến hóa.

Một chiều tiến hóa theo các định luật vật chất ngày một tiến tới bất động ù lì, tối tăm, lạnh lẽo, hỗn loạn.

Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh thần ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp đẽ, trật tự, hòa hợp. Và khi tinh thần tiến tới chỗ tinh hoa, tuyệt diệu, thì vật chất sẽ tiến tới chỗ hỗn loạn và triệt tiêu.

Ta cũng thấy song song với các đạo giáo và triết thuyết hiện hành còn có một thứ triết thuyết và đạo giáo của các nhà huyền học tứ phương.

Về triết lý các nhà huyền học chủ trương con người gồm đủ Tam Tài Thiên Địa Nhân.
Nghĩa là con người gồm có:

[
B]Xác (Địa)
Tâm (Nhân)
Thần (Thiên)
[/B]
Đó là quan niệm Tam Tài mà chính Thánh Kinh cũng đã nhiều lần đề cập. (1 Thessaloniciens, 5, 23; Mat. 22, 37)

Suy rộng ra, thì con người có ba bổn phận:

Vật đạo: Lo cho xác thân được khang kiện, chế ngự được ngoại cảnh.
Nhân Đạo: Lo cho tâm hồn được khinh khoát, thoát vòng kiềm tỏa của dục tình, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, tiếp nhân xử kỷ cho phải phép.
Thiên đạo: Vươn lên tới bình diện tâm linh, sống phối hợp cùng Thượng Đế, bỏ lốt phàm tâm, thể hiện «Thiên Tâm». Đó là giai đoạn «tâm tử, thần hoạt» của Lão Giáo, hay «Tận nhân dục tắc Thiên lý hiện» của Nho gia.

Như vậy, con người sinh ra chưa phải là con người thực, còn phải tốn công mài giũa, tu luyện lâu lai mới thành người; từ con người, đến địa vị thần thánh, cũng thực là nhiêu khê, vất vả. Sinh ra là phàm nhân, con người phải dùng đời mình để cố gắng trở nên những con người xứng đáng, trở nên hiền thánh. Như vậy thì càng về chiều, càng về già, thời gian càng trở nên quí báu, quan trọng. Và con người không bao giờ được ngừng nghỉ, mà phải tiến bước mãi để đạt đích hoàn thiện. Con người chỉ trở nên bất tử, khi thực hiện được Thiên Tâm.

Các hình thức bên ngoài, các giáo lý mới đầu, rất cần thiết vì nó hỗ trợ con người trong công trình đi tìm chân lý, nhưng khi đã nhìn thấy con đường nội tâm, và đã biết những phương pháp suy tư, định tâm, định trí bên trong, thì tất cả các phương thức bên ngoài trở thành tùy thuộc. Tất cả các phương thức chỉ có giá trị ở chỗ giúp đỡ con người tìm ra được Chân Thần, sống cao siêu, phối hợp được cùng Thượng Đế ngay từ khi còn ở gian trần này. Khi đã đạt đích, thì mọi sự không còn cần yếu nữa.

Con người cần phải chứng nghiệm được những giai đoạn mình đã băng qua, những kết quả đã thâu lượm được, ngay từ khi còn ở trần hoàn; cho nên mới đầu thì phải nhờ người hướng dẫn, sau dần đà phải tự mình điều khiển, lèo lái lấy cuộc đời mình, theo đúng đường lối, gương tích các bậc thánh hiền tiền bối.

Định mạng con người cũng như định mạng nhân quần rất là sang cả, rất là cao siêu. Nó chỉ có một, đó là Hoạt động theo Trời, sống phối kết với Trời. Nho gia xưa gọi thế là Dữ Thiên đồng đức, hay Thiên Nhân hợp phát.

Công Giáo nói: «Hãy trở nên hoàn thiện như Cha ta ở trên Trời.» (Mat. 5, 48.)
Trung Dung (chương 20) cũng viết:

«Hoàn Toàn là Đạo của Trời
Trở nên hoàn thiện, đạo Trời xưa nay.»

(Thành giả Thiên chi Đạo dã, Thành chi giả Nhân chi Đạo dã. 誠 者 天 之 道 也 誠 之 者 人 之 道 也 ) [4]

Đại Học (chương 1) viết «Chỉ ư Chí Thiện» 止 於 至 善 (Dừng chân nơi Chí Thiện)

Tóm lại, tiến sâu vào đáy lòng, cố dẹp bỏ thú tính, cố sống cho cao siêu, khinh khoát, để thể hiện nơi ta một tâm hồn siêu đẳng. Đó là chốt then của sự Tiến Hóa để tiến tới vinh quang, tới Định Mệnh sang cả của con người, theo đúng Thiên Ý.