+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Đại đạo và Tôn giáo

  1. #1
    aiquocv
    Guest

    Đại đạo và Tôn giáo


    Các người theo Đạo thường lẫn lộn Đại Đạo và Tôn Giáo, nhưng các bậc hiền minh, thánh triết thì thấy Tôn Giáo và Đại Đạo hết sức khác nhau.

    Lecomte Du Noüy chủ trương Chân Đạo phát xuất từ một nguồn, sau biến thiên thành nhiều tôn giáo. Ngày nay các tôn giáo phải cố sao tìm lại tương đồng nguyên thủy ấy. [1]

    Trong bài tựa cuốn «Kim Liên Chính Tông» của Đạo Lão, ta thấy có quan niệm tương tự:

    «Đạo không đầu cuối,
    Giáo có trước sau.»

    Hỏi: «Vậy Đạo và Giáo khác nhau sao?» Thưa: «Khác.»

    «Đạo thời chân thường siêu việt; giáo thời dạy cách độ người. Đạo là Bản Thể qua muôn ngàn đời không hề biến dịch; giáo là công dụng có lúc thịnh, có lúc suy.» [2]
    Cao Hoàng luận về Tam Giáo có viết: «Thiên Hạ vô nhị Đạo, Thánh Nhân vô nhị Tâm.» [3]
    Thẳng thắn mà xét thì vấn đề «chính đạo tại tâm» là một quan niệm mà chỉ có một số ít chính nhân, quân tử, hiền thánh mọi nơi mọi đời chấp nhận.
    Nó đòi hỏi một sự suy xét sâu xa, một tâm hồn tế nhị có thể thâu nhận được những ý niệm từ đáy lòng hiện lên tâm thức. Đó là công việc mà những người tầm thường không làm nổi.

    Mục Đích của Đại Đạo:

    Dạy con người thực hiện Thiên Tính.

    Dạy con người Tiến Hóa, tiến tới Toàn Thiện. (Trung Dung, Đại Học)
    Mở rộng tầm mắt bao quát vạn vật và không gian thời gian, ta thấy vũ trụ như có hai chiều hướng biến dịch, tiến hóa.

    Một chiều tiến hóa theo các định luật vật chất ngày một tiến tới bất động ù lì, tối tăm, lạnh lẽo, hỗn loạn.

    Một chiều tiến hóa theo các định luật tinh thần ngày một tiến tới tinh vi, kỳ ảo, linh động sáng tươi, đẹp đẽ, trật tự, hòa hợp. Và khi tinh thần tiến tới chỗ tinh hoa, tuyệt diệu, thì vật chất sẽ tiến tới chỗ hỗn loạn và triệt tiêu.

    Ta cũng thấy song song với các đạo giáo và triết thuyết hiện hành còn có một thứ triết thuyết và đạo giáo của các nhà huyền học tứ phương.

    Về triết lý các nhà huyền học chủ trương con người gồm đủ Tam Tài Thiên Địa Nhân.
    Nghĩa là con người gồm có:

    [
    B]Xác (Địa)
    Tâm (Nhân)
    Thần (Thiên)
    [/B]
    Đó là quan niệm Tam Tài mà chính Thánh Kinh cũng đã nhiều lần đề cập. (1 Thessaloniciens, 5, 23; Mat. 22, 37)

    Suy rộng ra, thì con người có ba bổn phận:

    Vật đạo: Lo cho xác thân được khang kiện, chế ngự được ngoại cảnh.
    Nhân Đạo: Lo cho tâm hồn được khinh khoát, thoát vòng kiềm tỏa của dục tình, ăn ở xứng đáng với danh nghĩa con người, tiếp nhân xử kỷ cho phải phép.
    Thiên đạo: Vươn lên tới bình diện tâm linh, sống phối hợp cùng Thượng Đế, bỏ lốt phàm tâm, thể hiện «Thiên Tâm». Đó là giai đoạn «tâm tử, thần hoạt» của Lão Giáo, hay «Tận nhân dục tắc Thiên lý hiện» của Nho gia.

    Như vậy, con người sinh ra chưa phải là con người thực, còn phải tốn công mài giũa, tu luyện lâu lai mới thành người; từ con người, đến địa vị thần thánh, cũng thực là nhiêu khê, vất vả. Sinh ra là phàm nhân, con người phải dùng đời mình để cố gắng trở nên những con người xứng đáng, trở nên hiền thánh. Như vậy thì càng về chiều, càng về già, thời gian càng trở nên quí báu, quan trọng. Và con người không bao giờ được ngừng nghỉ, mà phải tiến bước mãi để đạt đích hoàn thiện. Con người chỉ trở nên bất tử, khi thực hiện được Thiên Tâm.

    Các hình thức bên ngoài, các giáo lý mới đầu, rất cần thiết vì nó hỗ trợ con người trong công trình đi tìm chân lý, nhưng khi đã nhìn thấy con đường nội tâm, và đã biết những phương pháp suy tư, định tâm, định trí bên trong, thì tất cả các phương thức bên ngoài trở thành tùy thuộc. Tất cả các phương thức chỉ có giá trị ở chỗ giúp đỡ con người tìm ra được Chân Thần, sống cao siêu, phối hợp được cùng Thượng Đế ngay từ khi còn ở gian trần này. Khi đã đạt đích, thì mọi sự không còn cần yếu nữa.

    Con người cần phải chứng nghiệm được những giai đoạn mình đã băng qua, những kết quả đã thâu lượm được, ngay từ khi còn ở trần hoàn; cho nên mới đầu thì phải nhờ người hướng dẫn, sau dần đà phải tự mình điều khiển, lèo lái lấy cuộc đời mình, theo đúng đường lối, gương tích các bậc thánh hiền tiền bối.

    Định mạng con người cũng như định mạng nhân quần rất là sang cả, rất là cao siêu. Nó chỉ có một, đó là Hoạt động theo Trời, sống phối kết với Trời. Nho gia xưa gọi thế là Dữ Thiên đồng đức, hay Thiên Nhân hợp phát.

    Công Giáo nói: «Hãy trở nên hoàn thiện như Cha ta ở trên Trời.» (Mat. 5, 48.)
    Trung Dung (chương 20) cũng viết:

    «Hoàn Toàn là Đạo của Trời
    Trở nên hoàn thiện, đạo Trời xưa nay.»

    (Thành giả Thiên chi Đạo dã, Thành chi giả Nhân chi Đạo dã. 誠 者 天 之 道 也 誠 之 者 人 之 道 也 ) [4]

    Đại Học (chương 1) viết «Chỉ ư Chí Thiện» 止 於 至 善 (Dừng chân nơi Chí Thiện)

    Tóm lại, tiến sâu vào đáy lòng, cố dẹp bỏ thú tính, cố sống cho cao siêu, khinh khoát, để thể hiện nơi ta một tâm hồn siêu đẳng. Đó là chốt then của sự Tiến Hóa để tiến tới vinh quang, tới Định Mệnh sang cả của con người, theo đúng Thiên Ý.

  2. #2
    aiquocv
    Guest
    Những Danh Từ dùng để chỉ Đại Đạo

    Người xưa dùng chữ Phối Thiên (Trung Dung, chương 26, 31; Đạo Đức Kinh, chương 68), Nirvana (Bà La Môn, Phật).

    Giám mục Nathan Soderblom, trong quyển La Vie future d’après le Mazdéisme, chủ trương rằng Niết Bàn là một từ ngữ Phật giáo đã vay mượn nơi Ấn Giáo: Nó tương đương với trạng thái huyền đồng, hay đời sống phối kết với Thượng Đế trong Ấn Giáo. Trong Ấn Giáo, Nirvana nhiều khi đi đôi với chữ Brahma... (Sđd. tr. 363)

    Đạo Huyền Đồng (Mysticism) và thuyết Thiên Địa Vạn Vật đồng nhất thể

    Đạo Huyền đồng là sống một đời đạo giáo kết hợp với Trời ngay từ khi còn ở gian trần này.
    Al-Ghazali phê bình: «Khi nhà huyền học sống phối kết với Một, thì đã đi tới giai đoạn tiến hóa chót của con người. Con người không thể nào đi xa hơn thế được, vì đã đi đến Một là không còn Vạn, không còn gì bác tạp nữa.» [5]

    Jalalu'd Din có thơ:

    Hồn ta, hồn Chúa tuy hai,
    Như nước và rượu, hòa hài với nhau.
    Chúa, Ta ý hiệp, tâm đầu,
    Nước kia, rượu nọ, ai hầu phân ra?
    Ngài nay đã trở thành ta,
    Ta nay đã thoát cõi bờ nhỏ nhoi!
    Ngài nay đã chiếm ta rồi,
    Còn ta cũng đã thành Ngài còn đâu?
    [6]

    Đạo Huyền Đồng chủ trương Thượng đế là Bản Thể con người, là cốt lõi con người, và luôn luôn tiềm ẩn trong lòng con người (God is immanent in man). Plotinus nói: «Thượng đế không ở ngoài con người, nhưng ở ngay trong lòng vạn hữu. Chỉ tại ta ngu dốt không biết điều đó mà thôi.» [7]

    Eckhart cũng nói: «Thượng đế gần tôi hơn chính tôi, Ngài cũng gần gỗ đá như vậy, nhưng chúng không biết điều đó.» [8]

    Mục tiêu của Đạo huyền đồng: Trở về với Nhất thể.

    Một người theo đạo huyền đồng chân chính phải biết rằng muôn vật sinh xuất ra từ Một, và có hiểu rõ lẽ sinh hóa từ Một mới là người theo đạo huyền đồng. (Mysticism).

    Eckhart cho rằng: Cái mà con người nhìn thấy thù tạp, phân hóa bên ngoài, thật ra là Một mà thôi. Ở đây, một ngọn cỏ, một tấm gỗ, một phiến đá thật ra cũng là một.[9]
    Tennyson viết:

    «Little flower - but if I could understand
    What you are, root and all, and all in all.
    I shoud know what God and man is.»


    Dịch:

    Bông hoa bé nhỏ con con,
    Nếu tôi hiểu được nguồn cơn, gót đầu.
    Nếu tôi hiểu nó cho sâu,
    Trời, Người bao chuyện nhiệm màu, cũng thông
    .


    Phật Giáo cũng chủ trương Vạn loài đồng thể. Trong quyển Zen and Japanese Culture, nơi tr. 352, Daisetz T. Suzuki trích lời thư Tăng Triệu như sau:

    «Heaven and earth and I are of the same root,
    The ten thousand things and I are of one substance.»
    Đó chính là Thiên Địa Vạn Vật Đồng Nhất Thể.


    Biết được, theo được đạo huyền đồng là cái duyên mà trời đất ban cho những người có căn cơ, gốc gác, cho những người biết lập quyết tâm đi tìm Đạo, tìm Trời. Người xưa nói: Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai, Ai mà có lòng thành tín, thì vàng đá sẽ mở lòng ra.

    Không biết rằng mình phát xuất ra từ một, không biết rằng muôn loài là một, là chính mình, thì không bao giờ vào được đạo huyền Đồng.

    Lã Động Tân viết:

    Ta có một vật báu,
    Giá chẳng đáng đồng tiền.
    Nếu ai mà hỏi giá,
    Muôn vạn lạng hoàng kim.
    Đạo tặc chẳng cướp được,
    Hỏa thiêu cũng y nhiên.
    Ở đời không kẻ biết,
    Chí thân cũng không truyền.
    Ta từ Vân Động đến,
    Tới nay quá thiên niên.
    Hận là không kẻ biết,
    Trong mình vẫn giữ nguyên.
    Nó chẳng đứt, chẳng liền,
    Tung ra trùm trời đất,
    Thu nhỏ lọt đầu kim.
    Nếu ai mà biết được,
    Tu đạo, sẽ thành tiên.
    Bạn hãy kiếm điểm lại,
    Có chăng tại thân biên!


    Bài này là một bài kệ của Lã Động Tân.

    Một hôm, vào khoảng năm 1976, tôi và nhà tôi xuống thăm chùa Đạo Lão là Chùa Khánh Vân, ở đường Lò Siêu, Chợ Lớn, tôi thấy trụ trì đem dưng bài kệ trên cho thiên hạ đọc. Tôi ghi chép lại, và đem về dịch ra tiếng Việt, và cũng đem biếu vị trụ trì một bản.

    Bài này, sang Mỹ rồi, nhà tôi mới đem ghi chép lại. Có thể là thiếu đi ít câu, nhưng đại ý chỉ có vậy.

    Thực ra, Trời là cốt lõi muôn loài, và là chiều sâu con người, nhưng con người đâu có biết có hay. Họ chạy đi tìm những đạo mới lạ, chỉ duy là đã có sẵn đạo cao siêu nhất ở ngay trong mình, thì lại bỏ qua luôn, không thèm để ý tới. Thế chính là Bụt chùa nhà không thiêng. Thế là có của báu trong nhà mà vẫn phải ngửa tay đi ăn xin người.

    Một hôm, tôi sang Paris, lên tháp Eiffel ngắm cảnh. Tôi thấy trăng sao, trời mây ở Paris, là trăng sao, tôi vốn có từ Việt Nam. Tôi nhớ lại đồ ăn, thức uống ở Paris, tôi cũng thấy có ê hề ở Việt Nam. Nghĩa là cái gì cần cho con người như đồ ăn, thức uống, như không khí, thì Trời đã cho tôi có đủ ở Việt Nam. Như vậy, nếu có cái Đạo cần cho con người, thì tôi phải mang nó sẵn trong tôi, chứ nó không thể là cái đạo nhập cảng. Phật nói Ngài là ngón tay chỉ trăng, chứ Ngài không phải là trăng. Đạo Nho nói: Đạo quân tử, phát xuất tự thâm tâm (Cố quân tử chi đạo, bổn chi ư Thân. Trung Dung chương 29). Chính vì vậy mà tôi đã dành nửa đời người để đi tìm cho ra cái đạo tự nhiên, vĩnh cửu mà trời đất đã ban cho tôi từ khi ra đời. Khi còn trẻ, tôi đã đi theo đạo này, đạo nọ, nhưng những gì họ rao giảng, mà không hợp tình, hợp lý, không hợp với tự nhiên, với Thiên Lý, với những định luật vĩnh cửu của trời đất là tự nhiên nó truội đi, như nước đổ đầu vịt.

    Thánh hiền các đạo giáo đều dạy lẽ Qui Nguyên Phản Bản. Lão tử viết:

    Muôn loài sinh hóa đa đoan,
    Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
    Hoàn bản nguyên an nhiên phục mệnh,
    Phục mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.

    (Xem bài Qui Căn, chương XVI, Đạo đức Kinh)

    Các đạo giáo Á đông đều dạy «qui căn phản bản», hay «qui nguyên, phục thủy».

  3. #3
    aiquocv
    Guest
    Bà La Môn dạy ta:

    Tiến từ Hư Vọng, tới Chân Thực.
    Từ tối tăm đến Ánh sáng.
    Từ Tử Vong đến Bất tử.
    (Brih. 1.3.28).
    Đạo Phật dạy bốn chữ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh: Tiến tới Thường Hằng, Hạnh Phúc, Đại Ngã (Phật tính, Chân Tâm), Thanh Tịnh.

    Đạo Nho dạy: Khử nhân dục (Vọng Tâm), Tồn Thiên Lý (Chân Tâm) và hễ Nhân Dục thắng, thì Thiên Lý vong, Và phải sống sao cho lòng được Quang, Minh, Chính Đại.

    Như vậy, giác ngộ là tìm ra được Chân Tâm, Chân Ngã khuất lấp sau bức màn vô minh và hiện tượng.

    Tóm lại, Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể sẽ trở thành một học thuyết đạo giáo hết sức cao siêu, nếu ta thay chữ Bản Thể bằng những danh từ như Thượng đế, Allah, Chân Như, Đạo v.v...

    Tuy nhiên, nó hết sức khác với tôn chỉ của các đạo giáo công truyền, vì nó chủ trương:

    * Con người có Thiên Tính.
    * Thượng Đế ngự trong lòng sâu vạn hữu.
    * Mọi người đều có một giá trị siêu việt, đều có sẵn nơi mình những khả năng vô biên, vô tận, đều có thể tiến hóa vô biên vô tận.
    * Mọi người phải tương ái, tương thân, vì đều có cùng một Bản Thể.
    * Mọi người phải đem tình yêu ban rải tới chúng sinh, vì chúng sinh có đồng một bản thể như mình.
    * Phải đi vào Tâm mà tìm Đạo, tìm Trời.
    * Làm chính trị, hay lãnh đạo dân là phải lo cho dân ấm no, sung sướng,
    * Lãnh đạo nhân quần là phải hướng dẫn nhân quần tới Chân, Thiện, Mỹ.
    * Phải biết đoàn kết để giải quyết mọi nỗi dở dang, chếch mác còn có trên đời này.
    * Mục đích của đời sống là sống cao khiết, kết hợp nhất như với Thượng đế ngay từ khi còn ở gian trần này.
    * Khi còn ngây thơ, thì trông vào tha lực, khi đã trưởng thành, đã giác ngộ, thì trông vào tự lực.
    *Lương tâm là Thiên Thư duy nhất, không nhiễm mầu thời gian và không gian: Không ai có thể manh tâm sửa đổi được.

    Nếu quả thật con người sinh ra ở cõi đời này là cốt để thực hiện cái Bản Thể cao đại của mình, thực hiện một cuộc sống cá nhân và xã hội lý tưởng, thì chúng ta mới tìm ra được một lẽ sống đích thực cho cá nhân và cho nhân loại. Nếu quả thật chúng ta sống ở đời cốt là để thực hiện một cuộc sống lý tưởng cho mình và cho người, ta sẽ tìm ra ngay những thiếu sót mà mỗi người chúng ta, mỗi quốc gia, xã hội đang còn mắc phải.

    Chúng ta còn đói khổ? còn bệnh tật? còn lầm than? chúng ta còn ngu si, dốt nát? chúng ta còn đầy sân hận? chúng ta còn bị dục vọng dày vò? Hoặc xã hội chúng ta còn đang lạc hậu, đang bị bóc lột, đang bị cùm xiềng?

    Khi đã tìm ra căn bệnh rồi, tìm ra thuốc chữa không còn phải là khó. Cái khó là chính vì chúng ta không chịu suy tư, không chịu vươn vượt, không chịu đoàn kết để mà xây dựng tương lai. Nếu chúng ta không cùng nhau ra tay tìm ra nguyên nhân mọi chếch mác dở dang, mọi khổ đau của nhân quần, nếu chúng ta không chịu sửa sai, sửa lỗi, thì không bao giờ chúng ta có một cuộc sống tiến bộ, đáng sống.

    Tin vào sức mạnh mình, tin vào những khả năng vô biên tận của con người, tin vào sức mạnh vô biên của sự đoàn kết, của sự tương kính, tương thân, con người sẽ tạo cho mình một đời sống cực lạc, hạnh phúc - cho mình và cho mọi người- Đó là định mệnh con người trong tương lai, mai hậu.

    Và tôi liên tưởng đến bài thơ Plein Ciel của Victor Hugo:

    Thuyền Nhân loại hướng về đâu tá?
    Thuyền quang hoa băng ngả thần tiên.
    Tiến về mai hậu siêu nhiên,
    Tiến về đức hạnh nguyên tuyền tinh hoa.
    Ánh khoa học Trời xa lóng lánh,
    Thuyền quang hoa băng cảnh thần tiên,
    Tiến về đẹp đẽ tinh tuyền,
    Tiến về Thượng giới, về miền muôn sao.


    Hiện đại dùng chữ: Realization of God, Atonement, Self-Realization, Mysticism. Đạo Huyền Đồng (Thiên Nhân Hợp Phát), Vô Vi, Non-dualism, Advaita, Non-duality.

    Realization of God là Thực Hiện Thượng Đế; Atonement = At one ment là Đắc Nhất; Self-Realization là Thực Hiện Đại Ngã
    Ramakrishna viết: «Uổng thay, con người đã được cái may mắn làm người, mà không thực hiện được Thượng Đế trong kiếp này.» (L’Enseignement de Ramakrishna, p, 5.)

    Triết học của Đại đạo: Thuyết Thiên Địa Vạn Vật nhất thể, hay Thuyết Phóng Phát tán phân (Emanation and Division Theory)

    Đại Đạo tiến hóa có chu kỳ: Vạn Vật tuần hoàn chung nhi phục thủy. Nhất tán vạn, Vạn Qui Nhất; Thủy Chung như nhất.

    Thuyết Thiên địa vạn vật đồng nhất thể chủ trương rằng Vũ trụ này là từ một Bản Thể Duy Nhất sinh xuất ra. Còn đạo Huyền Đồng chủ trương vạn sự trong trời đất này chung qui sẽ phải trở về với Bản Thể đó. Một đàng thì đi ra, một đàng thì đi vô. Hai chiều ráp lại thành vòng Đại Tuần Hoàn của vũ trụ.

    Thuyết Thiên địa vạn vật nhất thể là chiều sinh Nhân, sinh Vật, còn Đạo Huyền Đồng là chiều sinh Thánh, sinh Thần. Chiều đi ra là chiều xuôi, chiều đi về là chiều ngược. Kinh Dịch chung qui là dạy con người Chiều Ngược này, vì thế nói: Dịch, nghịch số dã.

    Từ Vô Cực, Thái cực xuống tới âm Dương, sinh hóa vạn vật, đó là chiều thuận. Đó là chiều từ Thái cực ra đến 64 quẻ của Phục Hi. Đạo gia gọi thế là Giáng Bản Lưu Mạt.

    Từ vạn vật, trở ngược về Bản Thể, hay nói cách khác, từ 64 quẻ trở về tứ tượng, Âm Dương, Thái cực, gọi là chiều nghịch. Đạo gia gọi thế là từ ngọn trở về gốc, (Tự mạt phản bản). Như vậy, chiều thuận sẽ sinh nhân, sinh vật, chiều nghịch sẽ sinh Thánh, sinh Thần.
    Hay nói cho đúng hơn, chiều Thuận là đi từ Thái Cực, đến Âm Dương, Tứ Tượng đến 32 quẻ âm phía trái, tức là từ Cấu, đến Khôn. Còn chiều Nghịch là chiều đi từ quẻ Phục, đến Kiền rồi trở về Thái Cực.

  4. #4
    aiquocv
    Guest
    Chính vì thế mà nơi quẻ Phục có câu: «Phục kỳ kiến Thiên Địa chi tâm hồ?» Con người biết đàng trở về là khi thấy được trong lòng mình có Thiên Địa chi tâm.

    Con người thường đi theo chiều Thuận từ bé đến khoảng 35 tuổi. Rồi từ 36 đến già sẽ đi theo chiều nghịch, nếu có duyên may, hiểu đạo.

    Con đường trở về Nho gia gọi là Phản Cung, hay Phản Thân, tức là quay lưng lại với thế giới vật chất, và hướng về thế giới tinh thần, về Thái Cực, Vô Cực.

    Âu Châu gọi «hướng ngoại trục vật» là Extroversion. Gọi «hướng nội hồi Thiên» là Introversion. Gọi «phản quan» hay «nội quan» là Introspection.

    Phật giáo gọi Chiều Nghịch là «Nội quan» hay «Nội quan quán chiếu».

    Nhìn sang phía Trời Âu, ta thấy nhiều triết gia cũng đã đề cập đến hai chiều Thuận Nghịch của cuộc tiến hóa.

    Hegel mô tả đại khái như sau: Tinh Thần thoạt kỳ thủy xuất phát để phá tán vào vạn vật, rồi qua nhiều thời kỳ văn minh, nhiều chặng đường lịch sử vất vả, lại phục hồi được chân thể, về được với Thượng đế.

    Các triết gia Alexandrin và Thomist cũng chủ trương một vòng tuần hoàn từ Thượng Đế xuống, rồi dần dần quay lại.
    Denis Areopagites một triết gia và một nhà huyền học Âu Châu thế kỷ thứ 5 Công Nguyên cũng chủ trương vũ trụ vận chuyển theo hai chiều: chiều sinh hóa từ Thượng đế phát ra, và chiều phản bản qui nguyên, trở về với Thượng Đế.


    Gần đây, Claude Tresmontant cũng viết: «Có một vấn đề siêu hình thường ám ảnh tư tưởng Âu Châu: Đó là sơ đồ một vòng tuần hoàn từ Nhất sa đọa xuống Vạn, rồi từ Vạn lại phản hoàn về Nhất.»

    Hai chiều Thuận, Nghịch của vũ trụ cũng dần dà được các khoa học gia xác định.
    Chiều Thuận tức là chiều Dương tiêu, âm trưởng đã được Carnot Clausius chứng minh. Quan niệm này được gọi là Nguyên Lý thứ hai của Nhiệt Động Học, hay nguyên lý Carnot-Clausius. Nguyên lý này đại khái như sau:

    a. Năng lực trong vũ trụ có một số lượng nhất định.
    b. Năng lực có thể phân tách thành hoạt lực, và tiềm lực.
    c. Khi tác dụng hoạt lực sẽ tiêu hao, suy giảm dần và không thể phục hồi nguyên trạng.
    d. Rốt cuộc, hoạt lực sẽ tiêu hao dần và có một lúc sẽ triệt tiêu.
    e. Khi ấy, tiềm lực sẽ tăng lên đến mức tối đa (Maximal Entropy), nhưng vô dụng, và thế giới sẽ tận số trong im lìm, lạnh lẽo.

    Mới đầu các khoa học gia tưởng thế giới chỉ chuyển động theo một chiều nói trên. Dần dà, các nhà sinh lý học (biologist) và các nhà sáng tạo các máy móc tự động (Cybernetician) đã nhận thấy rằng Nguyên Lý Carnot-Clausius chỉ áp dụng cho vật chất vô tri, chứ không áp dụng cho sinh vật, nhất là cho con người.

    Trong con người rõ ràng có hai chiều biến chuyển:

    – Tiêu (Catabolism): Chiều thuận.
    – Tức (Anabolism): Chiều nghịch.

    «Đi theo chiều thuận, trong thì bị thất tình, lục dục làm mê muội, ngoài thì bị trăm điều, nghìn việc quấy đảo tâm thần, lấy giả làm chân, lấy tà làm chính, lấy khổ làm vui, cứ bị lôi cuốn theo dục vọng, cho đến khi tiêu hao hết tinh thần.
    «Người đại trí, đại tuệ đi theo chiều nghịch sẽ thoát vòng kiềm tỏa của các định luật tạo hóa, sẽ không còn bị âm dương nung nấu, không còn bị vạn vật lôi cuốn, dùng đời để tu đạo, lấy nhân đạo để chu toàn Thiên Đạo.

    «Nghịch đây là trở về với Tuyệt đối Thể y như một kẻ bỏ nhà ra đi thật xa xôi, nay trở lại nhà. Tuy gọi là «Nghịch Hành», nhưng thực là đi theo đúng lẽ Trời, đó là «cái đại thuận» trong cái nghịch. Nghịch đây bất quá là đi ngược với đường lối của thế nhân thông thường.»
    Dịch kinh trọng chiều nghịch và dạy người quân tử đi theo chiều nghịch, vì thế gọi Dịch là Nghịch Số.

    Lão tử trọng chiều nghịch, vì thế mới nói «Phản giả đạo chi động». (Đạo Đức Kinh, chương XL)

    Các đạo gia cũng hết sức trọng chiều nghịch.
    Các ngài chủ trương cần phải băng qua hào quải (Hoàn cảnh) trở về Thái Cực, băng qua hiện tượng trở về Tuyệt đối. Các ngài chủ trương muôn loài rồi ra cũng trở về với Tuyệt đối.
    Các Ngài chủ trương muôn loài rồi ra cũng trở về với Thái Cực.
    Ngộ Chân trực chỉ có thơ:

    Vạn vật vân vân các phản côn,
    萬 物 芸 芸 各 返 根
    Phản côn, phục mệnh tức trường tồn.
    返 根 復 命 即 常 存
    Tri thường, phản bản, nhân nan hội,
    知 常 返 本 人 難 會
    Vọng tác chiêu hung vãng vãng văn.
    妄 作 招 凶 往 往 聞
    Dịch:
    Vạn vật rồi ra cũng phản côn,
    Phản côn, phục mệnh sẽ trường tồn.
    Tri thường, phản bản người đâu rõ,
    Nên mới chiêu hung, sống mỏi mòn.
    Lưu Nhất Minh có thơ:
    Huyền quan nhất khiếu thiểu nhân tri,
    玄 關 一 竅 少 人 知
    Hoảng hốt yểu minh hàm lưỡng nghi.
    恍 惚 杳 冥 含 兩 儀
    Thuận khứ qui lưu phiền não lộ,
    順 去 歸 流 煩 惱 路
    Nghịch lai tiện thị thánh hiền ki.
    逆 來 便 是 聖 賢 基
    Dịch:

    Huyền quan một khiếu, ít người tri,
    Phảng phất mơ màng đủ lưỡng nghi.
    Đưa đẩy xuôi dòng vương khổ não,
    Ngược chiều, hiền thánh tạo căn ki.


    Trên đây đã:

    1. Minh xác hai chiều thuận nghịch, cùng ý nghĩa và mục địch của hai chiều thuận nghịch.
    2. Đề cao Chiều Nghịch và nhận chân Chiều Nghịch là chiều sinh tiên, sinh thánh, sinh thần.
    Tuy nhiên con người sinh ra đời không phải lúc nào cũng theo được chiều nghịch, mà cũng có lúc phải theo chiều thuận.

    Theo thiển ý tôi, một cuộc

    ống lý tưởng nhất của con người sẽ gồm cả hai chiều thuận nghịch.

    Lúc tuổi trẻ (1–35 tuổi), theo chiều Thuận, chiều Hướng Ngoại, từ tinh thần tiến ra vật chất, ra ngoại cảnh, ra xã hội để mưu sinh, cải tạo hoàn cảnh, góp phần xây dựng giang sơn, đất nước. Nửa đời sau (36–80, 90 tuổi), khi đã công thành, danh toại, sẽ đi chiều nghịch, từ vật chất ngoại cảnh, tiến sâu về phía tâm linh, để thần thánh hóa bản thân, phối hợp với Thái Cực.

    Sách Đạo Nguyên Tinh Vi Ca cho rằng:

    Trước xuống, sau lên hợp tự nhiên.

    Như vậy, là biết hồi hướng phải thời, đúng lúc, theo đúng nhẽ tuần hoàn, vãng lai, phản phúc của Dịch Kinh, và của trời đất.

    Lúc trở vào nội tâm, lúc đi theo Chiều Nghịch, thì mọi sự đều nghịch đảo hết:

    Cái gì xưa kia cho là quan trọng, nay trở thành tầm thường; cái gì xưa cho là tầm thường nay trở nên quan trọng.

    Lúc ấy, Con người thực tế (le moi empirique; The empirical self) nhường bước cho con người lý tưởng (le moi Idéal; The ideal self).

    Thượng đế ngoại tại (God without), sẽ trở thành Thượng đế nội tại (God within).

    Thượng đế xưa kia xa cách, nay trở thành thân mật, gần kề.

    Người ngoài trông vào, tưởng ta bỏ thực, cầu hư.

    Ngược lại, ta biết chắc mình đã bỏ hư, cầu thực.

    Đi theo chiều thuận, hướng ngoại, hoạt động bên ngoài là đi theo đời, «đi đời».

    Đi theo chiều nghịch, hướng nội, sống một đời sống tinh thần súc tích bên trong, là đi theo đạo, «đi đạo».

    Bổn Phận con người:
    Thực Hiện Tính Trời.
    Trở nên Hoàn Thiện


    Các nhà huyền học xưa nay đều chủ trương: Trời Đất, vạn vật chẳng qua là thiên hình, vạn trạng của một Thực Thể duy nhất, của Tuyệt Đối Thể.

    Tuyệt Đối Thể này là hiện thân của Thượng Đế siêu việt, bất khả tư nghị.

    Tuyệt đối Thể này mỗi nơi kêu bằng một danh hiệu, hoặc là Đạo, là Chân Tâm, là Thái Cực, là Logos. Tuyệt Đối Thể này là một Thực Thể duy nhất bao quát cả hai phương diện Tinh Thần và Vật Chất.

    L.M. Teilhard de Chardin gọi Tuyệt Đối Thể này là Nguyên Thể Vũ Trụ. Nguyên Thể này có 2 phương diện Vật Chất và Tinh Thần y như chủ trương của Dịch Kinh: Thái Cực sinh Âm Dương. Nhất thể ấy sinh xuất ra quần sinh, quần sinh lại tiến hóa qui hướng về Nhất Thể,
    Nhất tiến ra Vạn, rồi Vạn lại qui về Nhất, theo nhịp điệu thời gian. Cho nên trong Trời
    Đất đâu đâu cũng tràn đầy lẽ biến dịch. Biến dịch theo hai chiều, hai hướng: hoặc là phân tán đào thải, hoặc là kết tụ, súc tích để tiến tới tinh hoa, trở về Nguyên Bản. Như vậy dưới những lớp lang biến thiên của vũ trụ, dưới những hình thức biến thiên của Tâm Hồn, còn có một thực thể viên mãn, hằng cửu, viên mãn, bất diệt.

    Mọi công cuộc giáo hóa, tu trì là cốt chỉ vẽ cho con người nhìn nhận cho ra được Bản Thể tuyệt đối, bất diệt và hằng cửu ấy.

    – Muốn tìm Tuyệt Đối hằng cửu, bất diệt phải trở về đáy lòng.
    – Muốn tìm Bồ Đề, Niết Bàn phải tìm nơi tâm khảm: Đó là Chủ Trương của Thiền Tông
    – Chu Hi và Nho gia chủ trương:

    «Quay về ta mà tìm Đạo ấy,
    Tìm đáy lòng sẽ thấy chẳng sai.»
    (Trung Dung, chương 1, chú thích của Chu Hi)


    Theo các nhà huyền học Á Đông thì vũ trụ và vạn vật thảy đều biến hóa không ngừng.
    Cho nên con người cũng phải luôn biết biến hóa hoàn cảnh để cho đời sống vật chất thêm đẹp tươi.

    Biến hóa tâm tư, cải thiện đồng loại, để xã hội ngày thêm công bình, hòa hiệp.
    Biến hóa tâm thần để trở thành Tiên Phật Thánh: Phối Thiên, Phối Mệnh kết hợp cùng Thượng Đế.

    Tuyệt Đối Thể vừa là Căn Nguyên vừa là cùng đích muôn loài, cho nên muôn loài phải tiến hóa để tiến dần về Cực Điểm Tinh Hoa ấy.

    Lão Tử viết:


    «Muôn loài sinh hóa đa đoan,
    Rồi ra cũng phải lai hoàn bản nguyên.
    Hoàn Bản Nguyên an nhiên phục Mệnh,
    Phục Mệnh rồi trường vĩnh vô cùng.
    (Đạo Đức Kinh, chương XVI)


    Tất cả lẽ Dịch là «Nhất tán vạn, Vạn qui Nhất», phản phúc, vãng lai, từ Thái Cực phát xuất ra Vạn Hữu, rồi từ Vạn Hữu lại tiến hóa Biến Thiên để trở về Thái Cực. Thế là «Thiên Địa tuần hoàn chung nhi phục thủy». Thế là «Thủy Chung như Nhất».

    Thủy hay Chung vẫn chỉ là một Thái Cực, khác nhau nguytên ở hai thế Ẩn và Hiện, Ẩn lúc ban sơ, Hiện lúc Chung Cuộc. Giữa Thủy và Chung là lịch trình biến thiên tiến hóa của Vũ Trụ theo lẽ Vãng Lai, phản phúc, tuần hoàn.

    Vạn sự từ trung tâm phát xuất, trước sau cũng phải trở về Trung Tâm.

    Trở về được Trung Tâm là Hoàn Nguyên, Phản Bản, thành Thánh Thần Tiên Phật, bỏ được Phàm Tâm, bước lên được bình diện Thiên Tâm, bỏ được Tiểu Tri, Tiểu Kiến, trở thành những bậc Đại Giác, Đại Ngộ.

    Nhân tử NVT

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình