Từ hàng ngàn năm nay, nhiều người có khả năng chữa bệnh huyền bí và một số nhà nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực tâm linh đã tập trung sự chú ý đặc biệt đến cái được gọi là nguồn năng lượng Prana hay gọi tắt là Prana. Theo thuật ngữ Ấn Độ, Prana có nghĩa là Nguyên lý năng lượng mà người xưa đã giả định là tất cả các dạng năng lượng và lực đều phát sinh từ đó. Còn thuyết cổ phương Đông lại cho rằng, Prana có biểu hiện trí tuệ và là phần không thể tách rời của Tạo hoá.


Các mô tả của một số người có tri giác tâm linh phát triển dường như khẳng định là mọi vật hữu tri và vô tri trên hành tinh luôn chìm ngập trong một đại dương năng lượng mà mắt thường không nhìn thấy, đó chính là Prana. Hiện nay, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chữa bệnh không dùng thuốc đang nỗ lực thực nghiệm ứng dụng Prana dựa trên ý tưởng về sự tồn tại trường năng lượng vũ trụ mà nhờ tập luyện, con người có thể cảm nhận được một cách khá cụ thể.

Có nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề cảm nhận và ứng dụng Prana trong cuộc sống thường ngày. Bản chất của Prana là gì? Tập luyện để cảm nhận và thu nạp Prana như thế nào? Vì sao con người cần đến nó? Cách đơn giản sử dụng Prana để chữa bệnh và tăng cường sức khoẻ?

Cho đến nay, chưa thể khẳng định được chắc chắn về bản chất đích thực của Prana là gì. Người ta coi Prana là một dạng đặc biệt của vật chất, có biểu hiện trung gian giữa trạng thái năng lượng và đông kết. Có thể các hạt cấu tạo nên Prana mịn hơn vật chất thông thường nên tri giác con người rất khó cảm nhận chúng.

Việc tập luyện để cảm nhận và thu nạp Prana thường được tiến hành theo các mức khác nhau từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Người tập luyện trước hết phải có lòng tin vào sự tồn tại Prana và tin vào khả năng mình, đồng thời phải luôn duy trì đức tính nhẫn nại trong thực hành. Cách tập luyện đơn giản đòi hỏi trải qua 5 bước chủ yếu sau đây:

1- Xác định tư thế: Người tập thực hiện một trong các tư thế thoải mái tuỳ chọn là ngồi (ngồi xếp bằng, ngồi trên ghế để chân xuống chỗ dựa), nằm ngửa (hai chân duỗi hay co song song) hoặc đứng thẳng (hai tay để dọc thân, lòng bàn tay hướng về phía trước). Nên tạo cho tư thế ổn định, lưng và đầu luôn thẳng nhau, hai bàn tay để ngửa ở vị trí thuận tiện với các ngón tay như đang cầm một vật, lưỡi uốn cong chạm vào vòm hàm trên, còn hai mắt khép nhẹ. Thường sau một thời gian tập luyện nhất định, mỗi người có thể tự tìm ra cho mình một tư thế tiện lợi và có hiệu quả nhất.

2- Thư giãn và tập trung: Để loại bỏ hầu hết mọi cảm xúc và ý nghĩ tự phát không cần thiết, người tập thả lỏng toàn thân và tập trung sự chú ý vào hơi thở, làm cho quá trình hô hấp hoạt động ở mức cao hơn và nhịp nhàng (thở vào sâu và chiếm khoảng thời gian như thở ra, thời gian nín thở xấp xỉ thời gian giữ hơi thở). Vào lúc khởi đầu, nên thở vào qua mũi mấy lần thật sâu và thở ra qua mồm để loại bỏ tạp khí.

Việc thư giãn và tập trung vào hơi thở có thể được thực hiện không mấy khó khăn. Thường sau 15-20 phút thì người tập bắt đầu có cảm giác là quá trình thở dường như trở nên thông thoáng và dễ chịu hơn. Điều này là dấu hiệu để chuyển sang bước tiếp theo.

3- Thu nạp Prana: Trong khi vẫn ở trạng thái thư giãn và giữ cho hơi thở đều, người tập phát lệnh thu Prana vào cơ thể bằng ý nghĩ lặp đi lặp lại nhiều lần như “Hãy thu nạp Prana!” hoặc “Cơ thể, hãy thu năng lượng!” Khi đạt được kết quả, toàn thân sẽ có cảm giác râm ran êm dịu, tựa như có vô số điểm li ti khắp bề mặt cơ thể bị châm nhẹ. Từ hai bàn tay, hiện tượng bức xạ năng lượng có thể trở nên mạnh rõ rệt khi đặt lòng bàn tay đối diện nhau trên khoảng cách 5-10 cm.

Trong quá trình thu Prana, người tập có thể mở mắt nhưng vẫn cần duy trì sự hô hấp sâu và đều. Cường độ thu Prana có thể được điều chỉnh bởi mức nhanh và sâu của hơi thở. Khi lưu lượng Prana vào cơ thể đủ lớn, có thể xuất hiện cảm giác ngứa cục bộ hoặc nhói đau nhẹ tại một số khu vực ngoài hoặc trong cơ thể. Nên cố gắng chịu đựng trong chốc lát.

4- Điều khiển Prana sinh học: Sau khi vào cơ thể, Prana được biến đổi thành Prana sinh học (còn nhiều tên khác như năng lượng sinh học, plasma sinh học, năng lượng con người, nhân điện, tâm năng hay sinh lực). Người tập có thể phát lệnh bằng ý nghĩ để vận hành Prana sinh học đi khắp cơ thể, đặc biệt tới những chỗ đau với mục đích chữa bệnh hoặc củng cố sức khoẻ. Cần chú ý dùng tư tưởng điều khiển Prana sinh học bức xạ từ hai bàn tay để tăng cường quá trình trao đổi năng lượng giữa cơ thể và môi trường xung quanh.

Tại bước này, người tập có thể cảm nhận được rất rõ về các tia năng lượng bức xạ từ bề mặt cơ thể, đặc biệt là từ các đầu ngón tay.

5- Kết thúc: Khi cần kết thúc sự chủ động thu nạp Prana, người tập nên thực hiện thở chậm dần, cử động tay chân, dùng tay tự xoa vuốt mặt, đầu tóc, hai tai, cổ và gáy... Sau cùng, nên thở sâu bằng mũi mấy lần để xả hơi qua mồm trước khi chấm dứt buổi tập.

Khoảng thời gian cho mỗi lần tập tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể, dao động trong khoảng 1-2 giờ hoặc lâu hơn. Trước khi tập không nên uống rượu, bia và tránh những cảm xúc mạnh. Việc tập luyện ở mức cao hơn đòi hỏi phải tìm hiểu nhiều kiến thức bổ trợ, đặc biệt về các cơ thể “hào quang” của con người và hệ thống luân xa tương ứng.

Mặc dù từ rất xa xưa, con người đã cảm nhận được lợi ích thực sự của Prana đối với các cơ thể sống, nhưng ngay cả trong thời đại chúng ta vẫn chưa có câu trả lời chính thức về sự tồn tại của Prana và ý nghĩa của nó đối với thế giới sinh vật nói chung. Có giả thuyết coi Prana là một loại chất liệu siêu mảnh với vai trò thiết yếu trong việc nuôi dưỡng và ổn định các cơ thể “hào quang” – phần cấu trúc không nhìn thấy bằng mắt thường mà dường như chi phối toàn bộ thân thể của mỗi người.

Thực tế chứng tỏ rằng, nếu thường xuyên có ý thức chủ động tập luyện thở đều trong trạng thái tĩnh tâm (cần phải luôn tỉnh táo, chứ không được vô thức như một số tài liệu hướng dẫn), hoặc tiếp sau đó tiến tới việc thu nạp Prana theo cách nêu trên thì người tập luyện sẽ đạt hiệu quả rõ rệt về tăng cường sức khoẻ và tự khỏi bệnh nhanh chóng đối với các loại thường gặp như mệt mỏi toàn thân, đau đầu, mất ngủ, cảm cúm...

(TGTL)