Khi ta muốn nói đến một sự vật nào đó trong thiên nhiên, một sự kiện nào đó trong lịch sử, thì phải đặt cho nó một tên gọi. Có thế khi dùng tên ấy để nhắc đến nó trong những hoàn cảnh khác nhau, ta mới chắc được rằng ta vẫn nói về sự vật hay sự kiện ấy, mà người nghe cũng nhận ra như thế. Nếu mỗi lúc lại dùng một tên khác mà gọi, thì người nghe làm thế nào cùng biết được ta vẫn nói về một sự việc, một sự kiện, và rồi chính ta cũng không nhận ra được nữa. Vì, trừ những tên riêng ra, thì mỗi tên gọi có công dụng làm cho ta và người khác nhận định sự việc dưới một khía cạnh nhất định nào đó.

Chính vì thế mà các khoa học đều phải xác định danh từ chuyên môn, phải có chính danh, để ai nấy đều rõ ta muốn nói về cái gì. Danh từ chuyên môn trong các khoa học thường được định nghĩa một cách thực dụng, vì căn cứ vào những tác động và những kinh nghiệm có thể đo lường được, để ai nấy đều làm được như nhau và cùng hiểu đích xác như nhau. Ðó là lối định nghĩa khách quan. Nhưng những danh từ đó, nhất là khi phiên dịch từ ngoại ngữ, nếu không biết lựa chọn cho chính xác, thì làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hẳn đi.

Người Việt chúng ta, khi nói về các nhân vật, thường không bỏ được cái thói quen, là thêm vào tên gọi những tiếng nói lên tình cảm riêng của mình. Ví dụ khi muốn tỏ ra lòng kính trọng (thật hay giả, cũng vậy) thì thêm chữ “cụ”, “ngài”, v.v…; nếu muốn tỏ ý khinh bỉ thì thêm những chữ “thằng”, “tên”.

Các sử gia nghiên cứu ở Việt Nam về đạo Thiên Chúa, thường gặp thấy trong sách vở nhiều tên gọi khác nhau, như: đạo Ðức Chúa Trời, đạo Gia Tô, đạo Cơ Ðốc, đạo Hoa Lang, đạo Khirixitô, đạo Kirixitô, đạo Kitô, rồi đạo Công giáo nữa. Những tên gọi khác nhau ấy, chắc gì có cùng một nghĩa như nhau. Cho nên vấn đề là phải gọi thế nào cho đúng, cho chính danh.

Cách gọi tên đạo Thiên Chúa của người Trung Hoa cũng rất lúng túng, nhất là khi người ngoại đạo đặt tên cho nó. Ví dụ trong buổi đầu, vào thế kỉ XVI, người ta gọi là thập tự giáo. Trong một cuốn từ điển in tại Trung Hoa, tôi thấy dịch chữ christianisme là Cơ Ðốc giáo, nhưng lại dịch chữ Catholicisme là Thiên Chủ giáo, và chữ Protestantisme là Gia Tô giáo. Cũng không trách được: chính vì hiểu biết mập mờ, cho nên phân loại lộn xộn, gọi tên không chính danh. Vì thế ta không nên cứ thấy người Trung Hoa dịch thế nào thì theo như thế. Bên Việt Nam ta quen gọi Catholicisme là đạo Công giáo, và Protestantisme là đạo Tin Lành. Như thế có phần đúng hơn, nhưng không phải là không có chỗ thiếu chính xác, gây nhiều thiên kiến, như tôi sẽ trình bày sau đây.

Thiết tưởng muốn gọi tên cho đúng thì người trong cuộc, để hiểu biết rõ hơn về đạo của mình, phải đứng ra giải thích cho rõ nghĩa và đề nghị tên gọi cho đúng ý. Có thế mới tránh được những cách gọi lầm, đưa đến những lối hiểu sai trong khi tìm hiểu và nghiên cứu. Ðó là dự định của tôi trong bài này.

Những cách gọi tên một tôn giáo

Theo thói quen, người ta có nhiều tiêu chuẩn để gọi tên một tôn giáo, một chi nhánh hay một tông phái.

Cách thứ nhất là gọi theo tên vị giáo tổ, hay vị đã khởi xướng ra giáo phái. Ví dụ: Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo, đạo Mahômét (Mohammed), đạo Luther, đạo Calvin, v.v…

Cách thứ hai là gọi tên theo đối tượng. Ðạo thờ vị nào thì gọi theo tên vị đó. Ví dụ: đạo Bàlamôn, đạo Siva, đạo Phật, đạo Cao Ðài, Thần đạo, đạo Thiên Chúa, v.v…

Cũng có khi lại gọi theo tên của dân tộc theo đạo. Ví dụ: Ấn (Ðộ) giáo, Hồi giáo (người Hồi ở Tây- Bắc Trung Hoa theo đạo Mahômét), Anh giáo (người nước Anh theo một tông phái của đạo Thiên Chúa). Tuy vậy, người tín đồ có thể ý thức được rằng đạo mình theo không phải là của riêng dân tộc nào, là đạo ai cũng có thể và nên theo. Ðó là lúc nảy ra ý thức truyền giáo. Truyền giáo để chia sẻ với người khác những niềm tin mà mình cho là cao quý nhất.

Như thế đủ biết là một tôn giáo có thể có nhiều tên gọi. Ví dụ đạo Mahômét (gọi theo tên vị giáo tổ) còn gọi là đạo Hồi hồi, hay Hồi giáo (vì là đạo của người Hồi theo), lại cũng có tên là đạo Islam (tên chỉ thái độ tuyệt đối quy phục Thiên Chúa); còn đạo do giáo tổ Giêsu, có biệt hiệu là Christos, truyền bá, thì người Châu Âu gọi là Chritianisme; người Trung Hoa có hai tên gọi: gọi theo tên vị giáo tổ là Yesu, đọc theo kiểu Hán – Việt là đạo Giatô; gọi theo biệt hiệu phiên âm là Jilisisu (Kilisitu), đọc theo kiểu Hán – Việt là Cơ lợi tư đốc, gọi tắt là đạo Cơ Ðốc; còn ở Việt Nam thì ngay từ buổi đầu đã phiên âm là đạo Khirixitô hay là Kirixitô, gọi tắt là Kitô.

“Ðạo” hay là “tôn(g) giáo”?

Trong truyền thống văn hóa của Trung Hoa không có sẵn từ ngữ nào để phiên dịch cho đúng từ ngữ religion của người Châu Âu. Học giả Léon Vandermeersch, chuyên gia về văn hóa Trung Hoa có viết: “Ngay từ ngữ đó cũng không có trong chữ Hán cổ điển, kiểu nói zong-jiào (tông giáo) là một từ ngữ cũng mới được đặt ra, trong kiểu nói ấy ta chỉ thấy có chữ jiào (giáo là dạy), nhưng nó không phải là từ ngữ riêng về tôn giáo. Còn về những lễ nghi trong Khổng giáo, thì chữ lỉ (lễ) dùng để chỉ nó, lại không thể dùng để chỉ các lễ nghi trong tôn giáo hiểu theo nghĩa của Châu Âu, vì thế cả Phật giáo lẫn Lão giáo cũng đều bỏ, không dùng đến nó” [1] .

Tuy là mới được đặt ra nhân dịp tiếp xúc với người Châu Âu, nhưng từ tôn giáo chúng ta dùng đã quá quen rồi, cho nên thiết tưởng không nên thay đổi nữa. Tuy nhiên dùng nó không phải là không có cái bất tiện, bất cập. Thực thế, hiểu theo đúng nghĩa chữ, thì tông giáo có nghĩa là lời dạy (giáo) của ông tổ (tông). Dĩ nhiên là tôn giáo cũng là một di sản văn hóa được truyền lại. Nhưng nghĩa của nó quá rộng, vì bất cứ cái gì được truyền từ đời này sang đời khác đều có thể gọi là tông giáo cả. Cho nên có thể dùng nó để chỉ những cái mà người Châu Âu không gọi là religion. Chẳng lẽ chúng ta coi Phật giáo, Thiên Chúa giáo cũng là một loại như Bạch Liên giáo? Nói cho cùng, chính cái ý niệm tôn giáo đối với người Âu -Mỹ ngày nay cũng rất khó định nghĩa, vì trong định chế tự do tôn giáo, có nhiều người đem vào Âu-Mỹ hay là chế biến ra tại Âu-Mỹ những hệ thống tư tưởng và thực hành, viện cớ là tôn giáo mới, để được tự do truyền bá, tuy nhiều khi người dân Âu-Mỹ cũng khám phá ra trong đó có những điều nhảm nhí, lừa bịp để làm tiền.

Nói tóm lại, dùng từ ngữ tôn giáo chỉ nói lên được rằng đó là một truyền thống được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chứ không nói rõ được cái nội dung của những truyền thống ấy.

Trong tiếng Việt bây giờ người ta cũng hay dùng chữ đạo. Tôi nghĩ dùng như thế hay hơn, đúng hơn và giầu ý nghĩa hơn. Chữ đạo mà ta lấy lại của người Trung Hoa, vừa có nghĩa là đường, đường phải đi, lối phải sống, lại vừa có nghĩa là nguyên lí điều hòa vũ trụ, thiên địa nhân. Nó có tính cách thực hành, có liên quan đến hành vi, hạnh kiểm, nếp sống, như người ta nói: sống cho phải đạo.