Trong dân gian thường nghe kể chuyện mèo là cô và cũng là sư phụ truyền dạy võ công cho cọp. Mèo dạy nhiều “bí kíp công phu” cho cọp nhưng giữ lại một tuyệt chiêu không truyền dạy, đó là “bí kíp leo cây”, nên cọp có nhiều chiêu thức chiến đấu giống mèo mà không có được “công phu leo cây”.


Bước đi (bộ pháp) của mèo nhẹ nhàng, uyển chuyển; thân hình (thân pháp) mèo mềm mại, linh hoạt; mèo vô thế rình mồi vững vàng (tấn pháp); kín đáo, kiên nhẫn, tập trung (phòng thủ), vồ mồi quyết đoán, bất ngờ, chớp nhoáng, có sức lực, chính xác, dũng mãnh (tấn công). Mèo quả là một hảo thủ có võ công siêu quần bạt tuỵ. Mèo còn được gọi là “miêu”. Trong thập nhị chi (12 con giáp), mèo đứng sau hổ (dần) có tên là “mão”.

Sách nghiên cứu động vật học chép rằng họ mèo (Felidae) là một trong chín họ của bộ thú ăn thịt (Carvinora), loại động vật có vú nhỏ. Họ hàng mèo theo cây tiến hoá động vật ăn thịt có cầy hương, linh cẩu hay măng gút. Mèo xuất hiện cách nay khoảng 40 triệu năm và đã sống gắn bó, gần gũi với con người ít nhất 9.500 năm và hiện nay, cùng với chó, mèo là một trong những con vật cưng phổ biến nhất trên thế giới. Người ta tin rằng tổ tiên trung gian gần nhất trước khi được thuần hóa của mèo là mèo rừng châu Phi (Felis silvestris lybica).

Mèo có nhiều chủng loại, nhiều màu lông khác nhau, cũng có một số không có lông hoặc không có đuôi. Mèo có kỹ năng của loài thú săn mồi với khả năng săn bắt nhiều loài sinh vật khác để làm thức ăn. Mèo thông minh và sống thích nghi trong môi trường hoang dã. Tại Tây Ninh, Việt Nam có giống mèo ri thuộc loài động vật quý hiếm, nặng từ 4 – 6 kg, lông tro sáng đến nâu vàng, lông mép trắng, tai nhọn cao, mặt ngoài của bốn chân có nhiều vạch và đốm, mút đuôi đen, sống hoang ở làng bản cũ, chùa chiền, miếu hoang lâu năm, ăn thú nhỏ, còn gọi là mèo núi.

Ở các quốc gia có nền văn hoá cổ như Ai Cập cổ, Trung Hoa cổ, Na Uy…, mèo được khắc hoạ trong nhiều truyền thuyết, thần thoại. Vua Heywel Dda, xứ Wales thời Trung cổ đã thông qua bộ luật bảo vệ động vật đầu tiên trên thế giới bằng quy định luật pháp cấm giết hoặc làm tổn hại mèo, kèm theo hình phạt nặng nề cho những ai vi phạm.

Võ thuật khắc hoạ hình ảnh mèo sống động. Bậc kỳ nhân võ thuật được mệnh danh “người mèo”, đó là võ sư Gogen Yamaguchi, ông sinh năm 1907 tại Kyusyu thuộc hạt Miyataki Ken, dòng dõi samurai chính tông. Từ nhỏ, ông đã làm quen và luyên tập nhiều môn võ, đặc biệt là Judo. Năm 20 tuổi, ông theo gia đình về sống ở Kyoto và tại đây, ông bắt đầu làm quen với môn võ Karate Goju của võ sư Chojun Miyagi, người gốc Okinawa. Ông đã đạt tới trình độ đệ ngũ đẳng Judo. Về văn hoá, ông theo hoc ngành luật và ngành y. Ông đậu tiến sĩ y khoa ngành cốt học, và thạc sĩ triết học Đông Phương. Ông còn say mê đạo học và là một tu sĩ Thần Đạo nổi tiếng. Ông luôn truyền bá phép quán tưởng, để tóc dài và ăn chay trường.

Ông được mệnh danh “người mèo” sau cuộc tử chiến trong tù với cọp đói do các cai ngục sắp đặt (Mãn Châu 1939): Chúng lột truồng Yamaguchi và ném ông vào chuồng cọp. Chúng vững tin con người tầm vóc cao có 1,53 mét bị bỏ đói lâu ngày đó sẽ là miếng mồi ngon cho cọp. Nhưng thật bất ngờ và không chút sợ hãi, Yamaguchi hét lên một tiếng kinh hồn rồi lao vào tấn công con cọp. Mọi người chưa kịp nhìn rõ ông bị ném vào chuồng cọp thế nào thì chân ông đã tung một ngọn cước vào mũi con thú. Con vật lạng quạng vì trúng đòn, chưa kịp phản ứng thì đã lãnh thêm một đòn cùi chỏ trí mạng vào mang tai, khuỵu hẳn xuống. Không cho cọp kịp gượng dậy, Yamaguchi phóng thẳng lên lưng nó và dùng thế siết cổ. Các bắp thịt trên toàn thân ông co siết lại trong khi ông hét lên một tiếng vang rền. Tiếng thét và đòn siết cổ đã kết liễu tính mạng con cọp. Trận đấu diễn ra trong sự kinh hoàng tột độ của đám tù nhân và cai ngục.

Báo Bình Định (www.binhdinhffc.com) và nhiều báo chí khác trong nước nhắc đến võ sư “mèo” của gia phái họ Lý có bài quyền được mệnh danh là tuyệt kỹ công phu “Miêu tẩy diện” (mèo rửa mặt) nổi tiếng khắp làng võ cổ truyền Bình Định Việt Nam. Bài quyền ấy được ông nội ông mô phỏng theo thế đánh nhu nhuyễn, linh hoạt của loài mèo mà sáng tạo ra, tính đến nay đã trên trăm năm. Võ sư “mèo” ấy chính là lão võ sư Lý Xuân Hỷ, Phó chủ tịch Liên đoàn võ thuật Bình Định, ở thôn Tây Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn, Bình Định. Theo lão võ sư Lý Xuân Hỷ, tập “Miêu tẩy diện” khó nhất là thân pháp, tập đến khi nào tới lui uyển chuyển, mặt lắc theo bộ đồng điệu thì mới coi là đạt. “Miêu tẩy diện” tha thướt, nhẹ nhàng nhưng dũng mãnh, ít gây tiếng động. Bài này thật ra là mô tả sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của con mèo.

Một võ sư “thúc bá đồng đường” với lão võ sư Lý Xuân Hỷ là võ sư Lý Thành Nhân, sinh năm 1946, cả hai đều là truyền nhân chính thống của Lý gia võ đạo Võ cổ truyền Việt Nam với tuyệt kỹ “Miêu tẩy diện”, Võ sư Lý Thành Nhân có một đệ tử chân truyền trẻ tuổi rất tâm đắc ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, võ sư Võ Kim Long, có thể biểu diễn thuần thục công phu “Miêu tẩy diện”.
Với môn phái Võ Đang, Miêu vương tẩy diện là bài tập thứ nhất trong tám phép luyện thân pháp gọi là Bát bảo thân pháp: 1) Miêu vương tẩy diện. 2) Thiên long bãi vĩ. 3) Chảo mã chuyền. 4) Đồ sư bảo bối. 5) Câu liêm túc. 6) Hồi sát chẩu. 7) Phi long tứ diện. icon cool Võ Mèo – The Cat Kungfu Thiềm thừ quá hải.

Nhiều thuật ngữ Võ cổ truyền có hình bóng mèo như: Miêu tấn, Miêu trảo, Linh miêu phục thử, Linh miêu tẩy diện… và các bài quyền Linh miêu hý thử (mèo giỡn chuột), Linh miêu quyền công (võ mèo)…

LINH MIÊU HÝ THỬ


Lập bộ bái tổ.

Tróc diện phục thân.

Nghịch cước lưỡng biên.

Song chuỳ hồi đả.

Linh miêu tróc thử.

Tấn đả song quyền.

Tả chi đả cẩu.

Phản hồi miêu thủ.

Nhị môn đồng thủ.

Đáo đả tiếp liên.

Phản địa thăng thiên.

Phiên thân đả diện.

Bái tổ sư lập như tiền.

(Môn phái Bình Định chân truyền)

LINH MIÊU QUYỀN CÔNG

Tướng quân bái tổ.

Linh miêu phục thử.

Tấn công hoành hậu.

Trá bại di quyền.

Tả hữu lưỡng câu.

Tam hoành hậu đả.

Lưỡng hoành giáng phục.

Lưỡng kích xung thiên.

Thối thân bình địa.

Thập chỉ chiếc mồi.

Hồi phục như tiên.

Bái tổ sư lập như tiền.

(Môn phái Tâm Quyền đạo)

Không chỉ trong võ thuật cổ truyền, hình ảnh mèo còn xuất hiện nhiều trong văn học, đặc biệt trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao dân gian Việt Nam, đượm màu triết lý giáo dục sống: Mèo bị bỏng sợ cả nước lạnh. Mèo cào không xả vách vôi. Mèo con bắt chuột cống. Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu. Mèo già hoá cáo, cáo già ra ma. Mèo già khóc chuột. Mèo già thua gan chuột nhắt. Mèo hoang lại gặp chó hoang. Mèo khen mèo dài đuôi. Mèo lành ai nỡ cắt tai. Mèo lành chẳng ở mả, ả lành chẳng ở hàng cơm. Mèo mả gà đồng. Mèo mẹ bắt chuột con. Mèo mù vớ cá rán. Mèo nào cắn mỉu nào. Mèo nào chẳng ăn vụng mỡ. Mèo nhỏ bắt chuột con. Mèo vẫn hoàn mèo. Mèo vật đống rơm…

Con mèo trèo lên cây cau;

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà;

Chú chuột đi chợ đường xa;

Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo.


(Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam)