“Có một thầy tu hành hương ngang qua bìa làng, định ngủ qua đêm dưới gốc cây thì bỗng thấy một nông phu hớt hả chạy tới:

- Viên đá!

Ông ta vừa cúi sát vừa hổn hển nói:

- Đưa viên đá cho tôi.

- Viên đá nào? Thầy tu ngạc nhiên hỏi.

- Đêm qua tôi mơ thấy có một thầy tu đến gốc cây này và trao cho tôi một viên kim cương.

Hãy đưa nó cho tôi.

- Tôi có nhặt được một viên đá trên đường đây. Thầy tu nói rồi mở cái bị bên hông ra. - Đây, ông cầm lấy.

Hóa ra đó là viên kim cương to bằng nắm tay. Thế mà ông thầy tu chẳng biết gì. Đúng là “man”. Người nông phu đỡ lấy, sung sướng đến run rẩy. Trời ơi! Cả một gia tài đây! Anh ta từ từ lui bước, rồi bất ngờ quay ngoắt lại, chạy biến mất, như thể sợ bị đòi lại.

Thầy tu cứ thanh thản ngã lưng xuống đất dưới tàn cây rồi ngủ thiếp.

Sáng hôm sau vừa tỉnh dậy, ông lại thấy người nông phu đến – lần này đầu tóc bơ phờ, không biết những gì đã xảy ra đêm qua – và ngồi thừ cách ông mấy bước. Thầy tu mới hỏi:

- Tôi có thể giúp ông được gì không?

Anh nông phu khẽ nói:

- Thưa thầy, có. “Xin thầy cho tôi cái gia tài mà nhờ có nó, thầy đã cho không viên kim cương này.”

Nói như thế, anh nông dân đã khám phá ra chân lý cuộc đời không phải là viên kim cương hay bất cứ tài sản nào, mà chính là tâm hồn siêu thoát, giải thoát tất cả mọi giá trị vật chất của thế gian. Đó mới chính là kho tàng vô giá. Khi nhận được kho tàng vô giá ấy, người ta sẵn sàng bán đi tất cả trong nỗi vui mừng: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được, liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.” (Mt,13,44)

Kho tàng chôn trong ruộng chính là Chúa Thánh Linh, Thần Khí Chúa, là Thiên Tâm, là Linh Quang, là Chơn Như Bản Thể đang chứa sẵn trong tâm điền của mỗi con người. Khi con người giác ngộ thấy được kho báu đó vội chôn vùi lại có nghĩa là kho báu tâm linh do mỗi người tự chứng, làm sao phô bày cho mọi người hiểu được. Khi giác ngộ rồi thì tất cả những gì con người có như danh, lợi, tình, tiền… đều là số không, không còn gì vướng mắc như tâm hồn giải thoát của vị thiền sư qua chuyện kể trên.

Muốn đến được “nước Trời”, mỗi người phải khôi phục lại trạng thái tâm linh, hồn nhiên thuở ban sơ, chưa nhiễm bụi trần, có nghĩa là “trở về trạng thái “trẻ nhỏ” (Mt,18-3) để được vào “nước Trời” như lời Chúa dạy.

Trạng thái “Trẻ Nhỏ” là “Tâm Xích Tử” của đạo Lão, là “Bản Lai Diện Mục” của đạo Phật, là Thần Khí Chúa, là “Điểm Linh Quang” của đạo Cao Đài.

Thế nên, Đức Chúa dạy: “Ai thấy Thầy là xem thấy Chúa Cha.” Cụm từ “ai thấy Thầy” cũng có thể hiểu là ai thấy Thần Khí Chúa, Chúa Thánh Linh trong chính mình, đó chính là giờ phút thấy Nước Trời, thấy Chúa Cha vậy.

KẾT LUẬN

Trong những giờ phút vừa qua, đạo muội đã trình bày cùng quý vị sơ lược về tiểu sử và cuộc đời hành đạo của Chúa Giê-su cũng như cùng ôn lại những lời dạy của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh và Thánh giáo Cao Đài.

Bài học về đạo làm người (thế đạo) là bài học về thương yêu, thương yêu là chia sẻ. Bài học về nhân hòa, tha thứ, công bình và khiêm tốn.

Bài học về đạo giải thoát (thiên đạo) là xây dựng nước Thiên Chúa (Nước Trời) trong tâm hồn mỗi người và theo Chúa là phải biết “từ bỏ” những cám dỗ trong cuộc sống và thực thi tình thương và bảo vệ sự sống.Đó cũng chính là thực hiện quyền pháp đạo Cao Đài Thượng Đế đến với con người, và con người trở về cùng Thượng Đế, con người tìm đến con người trong tình huynh đệ đại đồng cùng là con cái của Đấng Cha Trời.

Để tôn vinh tình yêu của Chúa, trước khi dứt lời, đạo muội thấy không gì hơn xin mời quí vị cùng đạo muội thành tâm hướng về Thiên Chúa, Đấng Cha Trời với tâm nguyện hiến dâng thực hành theo ý Cha, qua lời "Kinh Hòa Bình" của Thánh Phăng-xi-cô:

“Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mỗi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa, xin hãy dạy con tìm an ủi người, hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời. Ôi, Thần linh thánh ái xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí Ơn an bình".

"Chúa cứu thế muôn đời còn mãi sống,
Sống muôn đời và sống mãi muôn đời;
Việt Nam ơi, Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị".(Thánh Giáo Sưu Tập 1967, Cơ Quan PTGLĐĐ)
Đạo muội xin chân thành cảm tạ tất cả quý vị đã giúp đạo muội hoàn thành công quả trình bày về Đức Chúa ngày lễ Giáng Sinh hôm nay. Kính chúc quý vị hưởng mùa Giáng Sinh trong tình yêu thương của Đấng Cha Trời.

Bài nói chuyện tại Thánh thất Bàu Sen
Lễ Giáng Sinh 24/12/2010

Giáo sĩ Hoàng Mai