Thiên Văn học Phương đông có nguồn gốc từ rất lâu đời, những nhà thiên văn phương đông xưa ghi chép kĩ càng về chuyển động của Mặt Trời, Mặt Trăng, 5 hành tinh Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ và các tinh tú trên bầu trời để đoán định về về những biến chuyển ở hạ giới tương ứng và cũng là để đoán định sự cát hung của chuyển động đấy.

Thiên văn học phương đông xem Bắc cực là trung tâm của vũ trụ, là nơi ở của Thượng đế, khác hẳn với phương Tây khi xưa xem Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, họ chia mặt đất làm 9 phận dã, mỗi phận dã chịu ảnh hưởng của một số tinh tú khác nhau. Quan sát những tinh tú này có thể đoán định cát hung cho từng phận dã đó. Những nhà thiên văn xưa dựa vào Mặt Trời, Mặt Trăng mà làm ra nông lịch dùng cho việc trồng trọt, và cuộc sống hàng ngày.
Những vị thiên quan khi xưa còn dựa vào 5 màu sắc của mây, 12 loại gió để mà đoán định hạn hán, thiên tai, môn Thái Ất cũng dựa vào đấy để dùng cho việc binh. Hơn thế thiên văn phương đông còn phát hiện ra tuế sai, và Thái Ất chính là một môn thần diệu mô tả được mọi hiện tượng trong thiên nhiên trên từ trời đất dưới đến phong thủy con người. Đó là môn đứng đầu trong Tam Thức mà thiếu Thiên Văn thì nó như mất hẳn đi phần hồn vậy.

Nói một cách khác, Thiên Văn chính là cội nguồn của mọi môn bói toán của Phương đông. Tham luận này chỉ xin đưa ra một cái nhìn rất sơ lược về thiên văn cổ và một số ứng dụng của nó.

1. Sự kính cẩn trước Thiên Mệnh thông qua Điềm Trời :

Kinh Dịch nói :" Thiên tùy tượng, Thánh nhân tác chi" - Trời báo điềm, thánh nhân theo đó mà làm theo. Từ khi nhà Chu đưa ra khái niệm Thiên Mệnh, và tự xưng là Thiên Tử, các vị Vua đều xem mình là con trời và bổn phận của họ là kính sợ theo điềm trời mà hành đạo, qua đó đủ thấy được điềm quan trọng của điềm trời như thế nào khi xưa ở phương Đông.

Tượng trong Thiên Văn bao gồm: Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần, Phong, Lôi, Vân, Vũ. Vì thế người xưa đặc biệt chú trọng đến chuyển động của Nhật, Nguyệt, Tinh, Thần; hết sức chú trọng những hiện tượng về mưa gió sấm mây để mà đoán điềm trời, đối với các Thiên quan đó lại càng quan trọng vì những điều này họ phải biết để còn tâu lên Vua. Thời Chu đặt ra 7 vị quan trọng yếu của triều đình thì Thiên quan đứng hàng đầu, sau này đó chính là chức vụ Tể tướng.

Trung Dung lại viết: "Quốc gia tương hưng tất hữu trinh, tường; quốc gia tương vong tất hữu yêu nghiệt". Sử ký chép Tuyên Vương năm thứ 46, có hai đứa trẻ mặc áo đỏ dạy cho người ta hát : "Trăng sắp lên, trời sắp xuống, yến công sâm ngô, kỉ vong Chu quốc". Thiên quan bảo : Nguyệt tượng thần, Nhật tượng mạt đó là điềm nữ chủ làm loạn thiên hạ. Sau đó xuất hiện nàng Bao Tự làm mất nhà Tây Chu. Sử ký lại ghi năm thứ 6 đời U Vương NHật Thực vào ngày Tân Mão, mùng 1 tháng 10. U Vương năm thứ 3 Kỳ Sơn núi sụp, ... rất nhiều việc quái dị trước khi nhà Tây Chu mất đã được ghi chép tỉ mỉ.

Xuân Thu kinh, KHổng Phu Tử ghi chép lại tất cả 36 lần nhật thưc, 4 lần sao chổi xuất hiện (612, 524, 515, 482). Mỗi lần sao chổi xuất hiện là một lần biến động lớn về chiến tranh nổ ra. Mỗi lần xảy ra quái tượng như vậy quần thần họp nhau để tâu lên Vua, và bàn luận xem việc gì sẽ xảy ra.

Xuân Thu chép : Mùa thu, tháng 7 (đời Văn Công thứ 14, tức 612 tcn) có sao chổi hiện ra ở chòm sao Bắc Đẩu. Nội sử nhà Châu là Thúc Phục đoán rằng: Trong vòng 7 năm nữa, các vua nước Tống, nước Tề, nước Tấn đều bị chết vì loạn lạc…

Mỗi khi có nhật thực vua thường ăn bớt bát để tỏ lòng hối hận, lại sai vua chư hầu dâng lễ vật ở đền Xã để tỏ lòng tôn kính thần minh. Vua chư hầu đánh trống ở triều đình mình như muốn nhắc dân phải hết lòng phụng sự quốc quân.

Tấn thư - thiên văn chí chép:Đời Minh Đế, năm Thái Hòa nguyên niên (323), quan thái sử lệnh là Hứa Chí tâu rằng: «Sắp có nhật thực.» Xin được cùng với quan thái úy đi làm lễ nhương sao.

Vua phán: «Ta nghe rằng nếu chính trị của loài người mà không hẳn hoi, thời Trời lấy những điềm tai dị mà đe dọa để khuyến cáo. Khuyến cáo cốt để cho họ sửa mình. Cho nên nhật nguyệt che khuất lẫn nhau để tỏ rõ rằng phép cai trị có điều chẳng phải. Trẫm từ khi tức vị đến nay không làm rạng sáng được thánh đức của các bậc tiên đế, và cách thi nhân giáo hóa có điều không hợp với Hoàng Thần (Hoàng Thiên), vì thế nên Trời cao muốn thức tỉnh để trẫm sửa đổi lại nền hành chánh, tu tỉnh lại hạnh kiểm ngõ hầu báo đáp thần minh. Trời đối với người y như cha đối với con. Chưa có cha nào muốn khiển trách con, mà con có thể làm bữa cơm thịnh soạn dâng lên, xin tha lỗi được. Nay hình hạc bề ngoài sai quan thượng công và quan thái sử lệnh cùng đi làm lễ nhương sao, thì lẽ ấy chưa từng nghe thấy vậy. Quần công, khanh sĩ, đại phu phải cố gắng làm chu toàn phận vụ để bồi bổ những chỗ trẫm còn khuy khuyết. Bèn phong thưởng tất cả.»

Truyện Phi Long diễn nghĩa chép: «Năm Hiển Đức thứ 2 (955), ngày mồng 1 tháng giêng có nhật thực. Vua Thế Tôn thấy vậy bèn hạ chỉ cho các quan trong triều ngoài quận, ai thấy có điều chi lợi hại thì phải lấy lời trực ngôn mà tâu, và ai thấy sự chi có ích chung cho thiên hạ thì cũng dâng biểu về triều tâu cho vua xem.»

Qua đó đủ thấy đươc sự tôn kính điềm trời ra sao ở phương Đông ngày xưa, và những tài liệu về thiên văn hầu như là cấm thư vì nó liên quan đến vận mệnh của cả một triều đại và đất nước.