Dù những lời kể này có sức ảnh hưởng như thế nào chăng nữa, thì những người theo chủ nghĩa Duy vật, vẫn sẽ bác lại rằng chúng chẳng qua chỉ là tàn dư của hoạt động thần kinh lúc hấp hối. Phật giáo cho rằng, những người đã trải qua NDE vẫn chưa thực sự vượt qua ngưỡng của cái chết. Nhưng một số người khác (mà thường là những Thiền sư cao cấp hoặc những người bình thường đã trải qua những trải nghiệm kéo dài ở trạng thái NDE), thì họ đã mô tả rất chi tiết các giai đoạn khác nhau của cái chết và của trạng thái trung gian mà họ đã trải qua này.

Bàng chứng thứ hai là về ký ức của các kiếp trước tái hiện vào kiếp sau. Những lời kể theo hướng này rất nhiều, vì chưa được một số đủ lớn các nhà Khoa học kiểm chứng, nên chúng thường không được chấp nhận, tuy nhiên vẫn có một vài ngoại lệ, đó là những trường hợp khá nổi tiếng, mà khả năng người kể bịa đặt hoặc trùng hợp ngẫu nhiên bị loại trừ một cách hợp lý. Đó là trường hợp của Shanti Dévi: cô bé 4 tuổi sinh tại Delhi - Ấn Độ (Xem phụ trương câu chuyện này, ở phần dưới, do nhà Khoa học kiêm Nhà sư người Pháp Matthieu dẫn ra làm luận cứ trong một cuộc đối thoại Khoa học về đề tài này).

Trường hợp Shanti Dévi, mặc dù rất đặc biệt nhưng không phải đơn độc. Giáo sư Ian Stevenson, Trường đại học Virginie, đã nghiên cứu lời chứng của hàng trăm người khẳng định là họ có những hồi niệm tương tự như vậy. Ông đã giữ lại vài chục trường hợp mà ông cho là khó giải thích nếu không dựa vào hiện tượng truyền ký ức.

Nhưng trong bối cảnh nền văn hóa phương Tây quá xa lạ với việc cho rằng, người ta có thể tái sinh nhiều lần, cho nên viện dẫn ra bằng chứng này chỉ làm dấy lên sự bác bỏ. Nhưng cũng khá ngạc nhiên, khi người ta sẵn sàng tin rằng, có gen di truyền trong dòng tộc về bệnh tật, về dị tật, về một tài năng nào đó từ đời các cụ-kỵ xa xưa bỗng tái hiện ở đời cháu–chắt hiện tại. Tình huống ở đây về khoảng cách thời gian và không gian, không thể nói đó là một sự truyền tải kiểu “lây nhiễm” qua thể xác, bởi vì không hề có sự “bắt cầu” di truyền theo thứ tự kế tiếp, mà cách quãng đôi khi khá xa. Vậy thì cái gọi là gen di truyền, được chuyển đi bằng phương tiện nào với quãng cách ấy ? Cho nên, suy cho cùng, sự bác bỏ này, của phương Tây, chủ yếu là do thói quen bản năng, không ưa thích việc phải xem xét lại các quan điểm siêu hình hơn là sự mong muốn làm sáng tỏ vấn đề đang chịu ảnh hưởng mạnh của môi trường văn hóa. Rõ ràng, môi trường văn hóa có ảnh hưởng to lớn đến thế giới quan của chúng ta.

Sự tồn tại Ký ức kiếp trước cũng cho phép giải thích hiện tượng “Thần đồng” và sự đột xuất các tài năng thiên bẩm nói chung.

Tuy nhiên cũng có câu hỏi rằng, nếu như có thể nhớ lại những cuộc đời trước, thì tại sao điều này chỉ xảy ra với một số ít người? Đó là vì cái mà người ta gọi là “sự hôn ám tạm thời”, chẳng hạn, bừng tỉnh lúc nửa đêm, hoặc ra khỏi trạng thái gây mê toàn thân, bị chấn thương, người ta rơi vào trạng thái mơ hồ, trong vài phút, không biết là mình đang ở đâu. Nó tương tự như sự hôn ám của người sau khi chết sống lại, chỉ có điều cường độ khác nhau mà thôi. Do vậy, người ta hiểu rằng, khi chết là một chấn thương gây hôn ám nặng hơn nhiều và sự quên cũng sâu hơn, làm tiêu tán dòng Ký ức. Nhưng cái chết xảy ra trong hoàn cảnh đầu óc còn rất sáng suốt, hoặc ở độ tuổi còn trẻ trung sung mãn, thì có thể xảy ra trường hợp các hồi ức sẽ xuất hiện trở lại trong các kiếp sau.

Hiện tượng này được thể hiện trong suốt tuổi ấu thơ, vì càng lớn lên thì những ấn tượng của cuộc sống mới càng áp đặt và càng hằn sâu vào Ý thức, khiến cho các ấn tượng của kiếp trước tan biến dần. Ở những người đã đạt đến độ làm chủ mình bằng thiền định và biết vượt qua trạng thái trung gian với một đầu óc minh mẫn, thì sự hôn ám do quá trình chết là rất nhỏ. Chính vì thế, ở Tây tạng, các hồi niệm lại kiếp trước, xảy ra nhiều hơn trong lứa tuổi nhỏ do sự tái sinh của các Thánh nhân đã chết.

Mặt khác, đó không phải là loại Ý thức phổ biến chung cho tất cả mọi người và hiện tượng trong tất cả các hiện tượng, mà là một dòng liên tục của Ý thức cá nhân, chuyển từ một trạng thái tồn tại này sang một trạng thái khác. Đó là những dòng chảy mà người ta có thể so sánh với các “Sóng” vì Ý thức chỉ là một chức năng, không có hiện thực nội tại.

Ý thức bao hàm một lượng lớn các quan hệ mà ta có thể xem như chúng sinh ra một “Trường” cũng nghĩa là một “Sóng”, ngay cả khi nó không phải là một sóng Vật lý. Người ta có thể mô tả Ý thức như một dòng chảy, một chức năng duy trì vĩnh viễn, nhưng không nhất thiết phải mang theo một Thực thể tách biệt nào: Một cái gì đó trôi đi nhưng không có một Thực thể di trú. Có thể so sánh dòng tiếp nối này với sự truyền đạt kiến thức: Trong một bài giảng, chắc chắn là có sự truyền thụ nhưng không có sự truyền phát một vật thể nào. Cũng vậy, khi nhìn những con sóng lừng ngoài khơi, ta tưởng rằng, các khối nước lớn đang chuyển động, nhưng không phải như vậy: Các phần tử nước chỉ dập dềnh tại chỗ khi con sóng đi qua, nhưng không đi theo cùng với sóng, nghĩa là một con sóng truyền lan nhưng không có Vật chất nào được truyền lan theo. Tương tự, sự tiếp nối các trạng thái, mà Ý thức trải qua, giống như sự tiếp nối của một sóng lan truyền một chức năng và các thông tin, chứ không có sự chuyển dịch của Vật chất hay một thực thể cụ thể nào. Theo đó, các từ “Đầu thai” hay “Tái sinh” chỉ nói lên một cách gần đúng trải nghiệm vừa nêu trên. Sự trở thành một con người tương ứng với các chuyển hóa của con sóng này, bản chất của những hành vi và suy nghĩ quyết định các trạng thái Ý thức của chúng ta. Nhưng điều đó không có nghĩa là tồn tại sự sở hữu mỗi người một sóng Ý thức riêng, để nhờ có nó mà chúng ta mới có được ý niệm về một bản sắc cá nhân.

Nên nhớ rằng, ta có thể hình dung một người có một Ý thức cá nhân, nhưng không nhất thiết cần phải thừa nhận sự tồn tại của một “Cái tôi” du hành cùng với sóng đó. Bởi vì, nếu Ký ức phụ thuộc vào “Cái tôi”, thì những ai rèn luyện đạt được giải phóng khỏi ảo tưởng của “Cái tôi”, thì lẽ nào, người ấy trở thành người mất trí nhớ? Cho nên, không được nhầm lẫn khái niệm giả tạo về “Cái tôi” với dòng Ý thức cá thể. Sự vắng bóng của “Cái tôi” không hề ngăn cản quá trình nhớ vốn được ghi sẵn trong hệ thống thần kinh và làm thay đổi các đặc trưng của Ý thức Thô tương ứng với hệ thống đó.

“Cái tôi” là một cái nhãn gắn với Tâm thể của chúng ta, giống như chúng ta gọi “Ngôi nhà có nhiều cửa sổ” là tổng thể các thông tin chứa trong bộ phim truyền hình cùng tên, nhưng không thể nghĩ rằng, có một thực thể “ngôi nhà có nhiều cửa sổ” hiện diện ngay trong lòng tổng thể các thông tin của bộ phim này.

3- Thay lời kết :


a) Không chỉ có Thế giới Vật chất mà có cả Thế giới Tâm linh cùng song hành tồn tai trong một Tổng thể và Phụ thuộc lẫn nhau của Vũ trụ. Thế giới Vật chất cung cấp tiện nghi và nuôi dưỡng sự sống. Thế giới Tâm linh cung cấp đạo lý và nuôi dưỡng phẩm chất Tâm hồn. Hai Thế giới bổ trợ nhau tạo ra con người hoàn hảo. Đó là vẻ đẹp mà nguyên lý đối xứng của Vũ trụ mang lại cho chúng ta.

b) Sự tích hợp Khoa học Vật lý và Khoa học Tâm linh sẽ làm triệt tiêu mảnh đất vô minh của sự lòe bịp nhảm nhí, tầm thường hóa Tâm linh. Đồng thời cho phép chinh phục mọi bí ẩn trong nó, sự bí ẩn mà đơn phương Khoa học không thể chinh phục được.

c) Với cấp độ thô, thì Ý thức gắn liền với não bộ. Với Ý thức tinh tế thì đó là những dòng chảy mà người ta có thể so sánh với các Sóng, và do nó bao hàm một lượng lớn các quan hệ, mà ta có thể xem chúng phát sinh ra một Trường (cũng đồng nghĩa với một Sóng), dù nó không phải là một Trường hay một sóng Vật lý.

Người ta có thể mô tả Ý thức như một dòng chảy, một chức năng duy trì vĩnh viễn, nhưng không nhất thiết phải mang theo một thực thể di trú nào. Điều này có nghĩa là Sóng Ý thức vẫn tồn tại ngay cả khi không còn thể xác !

Vì Sóng ý thức tồn tại trong Tính tổng thể Vũ trụ và Tính phụ thuộc lẫn nhau cho nên, nó chẳng những không biến mất khi không còn thể xác, mà nó còn liên tục cập nhật thông tin để duy trì chức năng vĩnh viễn của mình trong dòng Ý thức liên tục. Chính điều này bác bỏ luận giải cho rằng, “ý thức hồi niệm” chẳng qua chỉ là “bức xạ tàn dư” lúc hấp hối.

d) Một luận thuyết Khoa học (dù là Duy lý hay Chiêm nghiệm) được công nhận là đúng đắn, nếu nó giải thích nhất quán những hiện tượng quan sát được và cho phép tiên đoán khá đúng những sự kiện liên quan chưa được phát hiện. Đó là “Cơ sở Khoa học”, chẳng những nền tảng cho lòng tin vào chân lý mà, quan trọng hơn, là cơ sở cho một nhận thức mới: Nhận thức về một “Thế giới tích hợp”: Một Khoa học về Tổng thể Vật chất – Sự sống – Ý thức, hay về Tổng thể Khoa học – Tâm linh.

Hà Nội, mùa đông 2008

(Bài viết có sử dụng một số đoạn trong cuộc đối thoại tay đôi giữa nhà Vật lý thiên văn, Giáo sư Đại học Virginia, Hoa kỳ: Trịnh Xuân Thuận và nhà Khoa học kiêm nhà sư người Pháp Matthieu Ricard, trong ấn phẩm “Cái vô hạn trong lòng bàn tay – Từ Big Bang đến giác ngộ”