Thường thì người ta cho rằng, Phật giáo là một tôn giáo vô thần, và đức Phật không tin có sự tồn tại của Thượng đế. Tuy nhiên, nếu nói như thế thì quá đơn giản. Trong tư tưởng Phật giáo Ấn Độ thời xưa, bác bỏ một cách rõ ràng ý niệm về vĩnh cữu, đã nêu lên thuyết vạn vật thay đổi mà trong đó thuyết Duyên khởi đóng vai trò chủ đạo, vai trò của Thượng đế Toàn năng hay đấng Sáng tạo đã bị thay thế. Quan niệm về các vị thần linh, mặc dù có trong Phật giáo nhưng đó không phải là điểm trọng tâm của giáo lý hay được sử dụng như là nền tảng của giáo lý Phật giáo.

Đức Phật phản đối về thuyết đấng Sáng tạo, Thượng đế vừa tạo ra các loài hữu tình vừa tạo ra thế giới. Trọng tâm lý thuyết của Phật giáo Ấn Độ thời xưa nhấn mạnh rằng, các pháp là những thực thể nằm trong dòng chảy biến đổi liên tục. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn trong Trường Bộ kinh có nói khá rõ về cách hình thành loài người và thế giới, không phải do một đấng Thượng đế Toàn năng nào tạo nên mà đó là sản phẩm của quá trình tiến hóa.
Văn học Phật giáo thời kỳ đầu đã từng nêu lên một cách rõ ràng rằng, giả thuyết về một đấng Toàn năng tối cao sáng tạo thế giới không phù hợp với niềm tin đạo đức của con người. Vì thế, trong kinh Tăng Chi Bộ có nói rằng: “Có một số ẩn sĩ hay Bà-la-môn nào đó chấp chặt tư tưởng này: “Bất cứ cảm thọ nào dù là vui thích, đau khổ hay cảm thọ trung dung thì đều được tạo ra bởi Thượng đế”. Sau đó, Ta – Đức Phật – đã dạy cho họ rằng: “Nếu do Thượng đế Toàn năng sáng tạo thì Thượng đế cũng đã tạo ra những kẻ giết người, kẻ nói dối, kẻ tà dâm, kẻ trộm cướp v.v… Những kẻ đó cũng sẽ không thể trở nên thánh thiện, từ bỏ tâm ác của mình cũng bởi vì đã được Thượng đế Toàn năng tạo ra, không thể biến đổi. Vậy có cần thiết để có những danh từ như ẩn sĩ hay Bà-la-môn không, khi mà những cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau, những hành động thiện hay ác đều do Thượng đế tạo ra?”
Hay trong chuyện Tiền thân Mahabodhi và Bhuridatta cũng nói rằng, thế giới đầy phiền muộn và đau khổ này không thể được sáng tạo bởi một đấng Tối cao, vì đấng Thiên chủ luôn yêu thương chúng sanh, luôn coi chúng sanh như những đứa con của mình. Trong kinh Tam Minh (Trường Bộ Kinh) Đức Phật cũng bác bỏ cái gọi là học thuyết về đấng Phạm thiên của Bà-la-môn. Những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà không biết, chưa từng được thấy, không thấy con đường đưa đến cộng trú với Phạm thiên mà thuyết dạy: “Đây là trực đạo, đây là chánh đạo hướng đến, dẫn đến cộng trú với Phạm thiên cho những ai thực hành theo”, thì thật không thể có sự kiện ấy. Này Vàsettha, ví như một chuỗi người mù ôm lưng nhau, người trước không thấy, người giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy. Như vậy, này Vàsettha lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà, người đầu không thấy, giữa cũng không thấy, người cuối cùng cũng không thấy, giống như lời nói mù quáng. Lời nói của những Bà-la-môn tinh thông ba tập Vedà như vậy là lời nói đáng chê cười, là lời nói suông, là lời nói không tưởng, là lời nói trống rỗng.
Vào thời đức Phật, Bà-la-môn tin rằng Phạm thiên là đấng Thượng đế Toàn năng, Người tạo ra thế giới và vũ trụ. Trong nhiều kinh khác nhau, Đức Phật đã dạy rằng, Phạm thiên không phải là đấng sáng tạo thế giới và rằng đây là tư tưởng sai lầm. Ngài dạy rằng, các loài hữu tình vì nghiệp của mình mà sanh ra, do nghiệp dẫn dắt và hình thành. Nếu nói Thượng đế tạo ra loài người thì tại sao lại có nhiều hạng người khác nhau, không có bình đẳng trong xã hội, chẳng lẽ Thượng đế yêu mến người này lại căm ghét kẻ khác. Thuyết Duyên khởi đã chỉ ra rằng, từ một nguyên nhân này sanh ra các nguyên nhân khác; “Vì cái này sanh cho nên cái kia sanh; vì cái này diệt nên cái kia diệt”. Thuyết về nghiệp (Kamma) không tương thích với sự giả định rằng có đấng Sáng tạo, bởi vì do nghiệp nên mới có những hạng người khác nhau, do nghiệp được tạo tác nên mới sanh ra kết quả hạnh phúc hay khổ đau. Thuyết hữu thần ôm chặt cái ý tưởng đấng Sáng tạo chính là kẻ hủy diệt hành tinh này cũng như phá hủy môi trường đạo đức.
Đức Phật từng dạy rằng: Chúng sanh là kẻ thừa tự của nghiệp. Những hành động có ý thức do chúng ta tạo ra chính là đấng Thượng đế của mình. Vì thế, chúng ta chính là đấng Sáng tạo cũng như kẻ hủy diệt bản thân mình và thế giới này chứ không ai khác. Con người sẽ không thể thay đổi nghiệp lực của mình, không thể từ ác tâm sang thiện tâm, không thể chứng quả giải thoát nếu do một đấng Thiên chủ tạo nên. Vì thế, Phật giáo không bao giờ cho rằng có Thượng đế toàn năng.
STTT