Gồm ba vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo: Brahma là đấng tạo hóa, Vishnu là đấng bảo hộ, còn Shiva là đấng hủy diệt. Cả ba tạo thành bộ tam thần Trimurti.
Thần Brahma (Phạm Thiên)

Tượng Brahma khắc tại một ngôi đền ở Halebidu
Trong những bộ Vêđa sớm nhất có ghi về Brahma như một vị thần sáng tạo và đầy quyền năng, thống trị cả vũ trụ. Dần dần sau đó triết học Vêđa hướng đến sự diễn giải về thuyết độc thần, nói về vũ trụ và khởi nguyên của nó, và quyền năng thiêng liêng của vị thần sáng tạo ấy dần dần được nhân cách hóa thêm. Vào thế kỷ thứ IV và thứ V sau Công nguyên, Brahma lúc ấy lại được xem là một trong ba vị có quyền năng cao tột bậc nhất trong Ấn giáo cùng với Vishnu và Shiva.
Hình ảnh Brahma thường được thấy với ba mặt và bốn tay, mỗi tay cầm quyển kinh Vêđa, cầm bông hoa sen, cầm chùy, bắt ấn … đầu có vòng hoa và râu rậm; khi thì cưỡi con thiên nga Hamsa (tượng trưng cho tri thức), khi thì ngồi trên một bông sen mọc từ rốn của Vishnu, khi thì nằm trên mình con rắn Naga nổi bồng bềnh trên đại dương nguyên thủy.
Theo thần thoại Hindu là người sáng tạo và lèo lái vũ trụ. Brahma là cha của các thần và của loài người. Trong ý tưởng xưa của người Ấn Độ, thần này cùng với các thần Vishnu, Shiva hợp thành bộ ba gọi là Trimurti. Vishnu và Shiva là hai thế lực đối nghịch nhau, còn Brahma là một thế lực cân bằng.
Brahma còn là một sự nhân hóa của Brahma (Đại ngã). Ban đầu từ này được dùng để chỉ quyền năng thiêng liên trong một buổi lễ hiến tế, nhưng sau đó nó được dùng để chỉ quyền năng được gọi là "Tuyệt đối" đằng sau mọi sự sáng tạo.
Trong khi thiền quán, thần Brahma đã tạo ra tất cả mọi yếu tố vật chất của vũ trụ và các khái niệm giúp cho loài người hiểu được các yếu tố đó. Cứ mỗi ngày, trong cuộc đời Brahma, vũ trụ lại một lần được sáng tạo, rồi lại bị hút đi mỗi đêm. Trong mỗi chu kỳ này có bốn giai đoạn nối tiếp, hay Yuga, bắt đầu bằng Krita Yuga, hay giai đoạn vàng son và kết thúc với Kali Yuga, tức là giai đoạn đầy xung đột và tuyệt vọng hiện nay của chúng ta.
Theo một câu truyện thần thoại, Brahma tạo ra nữ thần Satarupa kiều diễm từ chính cơ thể mình. Nàng ta đáng yêu đến nỗi Brahma không ngớt đăm đăm nhìn nàng và mỗi khi nàng nhích qua một bên để tránh cái nhìn của ông thì Brahma lại mọc ra thêm một cái đầu mới để có thể tiếp tục nhìn nàng. Cuối cùng Brahma vượt qua sự e lệ của nàng và cầu hôn với Satarupa. Họ lui về sống một nơi bí mật trong 100 năm thiên giới, cuối cùng thì Manu, con người đầu tiên đã được sinh ra.
Một thần thoại khác về sự sáng thế nói rằng vào lúc khởi nguyên, vũ trụ chìm trong bóng tối. Sau cùng một hạt giống bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ đã tạo nên một cái trứng đẹp đẽ, sáng ngời. Theo các tư liệu thiêng liêng có tên là "Luật Manu" thì "Đấng tối cao nằm trong trứng suốt một năm rồi tự dùng sức mình để tách cái trứng ra làm đôi". Ngài dùng một nửa để làm nên bầu trời hay thiên cung còn nửa kia thì tạo ra quả đất hay thế giới vật chất, ngài xếp vào giựa hai phân nửa quả trứng này nào là không khi, nào là tám hướng chính và trú xử muôn đời của nước". Từ nơi chính mình ngài lấy ra phần Hồn, trong đó hàm chứa cái thực thể và phi thực thể, rồi từ Hồn mà sinh ra sự ý niệm về bản ngã vốn là sự ý thức về bản thể của mình và là điều quan trọng nhất. Cái trứng cuối cùng để lộ ra thần Brahma, vị thần này tự tách mình ra làm hai người, một nam một nữ. Sau đó, hai thực thể này tạo ta toàn bộ thần còn lại của thế gian. Một lời kể khác về truyện thần thoại này nói rằng thần Brahma đã từ quả trứng mà ra dưới dạng một thực thể nguyên thủy mang tên là Purusha. Thực thể này có 1000 chân, 1000 tay, 1000 mắt, 1000 mặt và 1000 đầu. Để cho vũ trụ xuất hiện, thần đã tự lấy thân mình làm vật hiến tế. Từ cửa miệng ngài sinh ra loài người và thần linh, từ hố nách sinh ra bốn mùa, từ chân chân sinh ra đất và từ mắt ngài sinh ra mặt trời.
Thần Brahma đôi khi cũng có tên là Narayana, hay "Người từ dưới nước hiện lên". Trong hình thức này, thần được xem như đang nằm trên một chiếc lá nổi trên mặt nước nguyên thủy, miệng ngậm ngón chân - biểu tượng của sự trường cửu.
Việc thờ cúng Brahma có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm vào các thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất sau CN. Tuy nhiên, thần này thường được xem là ít quan trọng hơn các thần Vishnu và Shiva. Ngày nay chỉ có duy nhất một đền thờ dành cho thần này trên toàn cõi Ấn Độ.
Sự mất đi tính chất tối cao của thần Brahma được giải thích trong một câu truyện thần thoại nói về nguồn gốc của thần Shiva. Theo truyện này, một ngày kia Brahma và Vishnu đang tranh luận xem ai trong họ là người có quyền năng nhất. Cuộc cãi cọ đang hồi sôi nổi nhất thì từ dưới đại dương của vũ trụ trồi lên một lingam (sinh thực khí nam) - vật biểu trưng có hình dương vật của thần Shiva - thật lớn, xung quanh là một vòng lửa, khi Brahma và Vishnu đang xem xét cái lingam thì nó nổ tung ra. Hai thần này nhìn thấy trong ấy là vị thần Shiva sáng tạo tối cao và họ phải tuân phục quyền uy của thần này.
Thần Brahma thường được thể hiện với bốn đầu và bốn tay, mỗi tay cầm một cuốn kinh Vệ Đà, thánh điển của người Ấn Độ cổ đại. Các vật biểu trưng khác của thần gồm một chai đựng nước sông Hằng và một vòng hoa hồng. Thần cưỡi trên một con ngỗng hay con thiên nga có tên Hamsa. Vợ của Brahma là người đẹp Sarasvati, nữ thần của học vấn và là thần đỡ đầu của nghệ thuật, khoa học và ngôn từ.

Nguồn http://www.totha.vn/religion_detail.php?id=62