VẤN: Giờ đây, hãy bàn đến danh từ "Từ bi". Theo Phật giáo, từ bi là gì?

ĐÁP: Cũng như trí tuệ bao gồm phần trí năng hay sự hiểu biết trong bản chất thiên nhiên của ta, từ bi gồm khía cạnh xúc cảm hay cảm giác trong tâm tính thiên nhiên của ta. Cũng như trí tuệ, từ bi là phẩm hạnh đặc thù của con người. Khi ta thấy người nào đang ở trong cơn phiền muộn sầu não mà ta động lòng trắc ẩn, cố gắng làm vơi hay chấm dứt nỗi khổ của họ, đó là từ bi. Như vậy, tất cả những gì tốt đẹp nhất trong con người, tất cả những đức tính "giống hạnh Phật" như chia sẻ, sẵn sàng giúp cho người khác với tinh thần thoải mái, thiện cảm, chăm lo và quan tâm – tất cả đều là những biểu hiện ra ngoài của lòng từ bi tiềm ẩn bên trong. Ta sẽ hiểu biết những điều gì tốt đẹp nhất cho chính ta. Chúng ta thông cảm người khác khi ta thông cảm chính ta.
Như vậy trong Phật giáo, phẩm hạnh cao đẹp của ta sinh sôi nảy nở một cách rất tự nhiên trong sự quan tâm của ta đối với người khác. Đời sống của Đức Phật cho thấy rõ điều này. Ngài trải qua sáu năm dài dẳng chiến đấu để tìm trạng thái an lành cho chính Ngài. Sau đó, Ngài có thể ban rải những lợi ích ấy cho toàn thể nhân loại, và đó là nguồn hạnh phúc cho tất cả chúng sinh.

VẤN: Vậy thì Sư nói rằng có thể giúp người khác hữu hiệu nhất khi ta tự giúp ta. Đó có phải là hình thái của lòng ích kỷ hay không?

ĐÁP: Chúng ta thường xem lòng vị tha, quan tâm đến người khác trước khi nghĩ đến mình là đối nghịch với tính vị kỷ, lo cho mình trước rồi mới lo cho người khác. Phật giáo không phân biệt, tách rời hai sự việc ấy; trái lại, cái nhìn của Phật giáo là thấy chúng hòa lẫn với nhau. Niềm quan tâm, thành thật lo lắng cho mình, sẽ dần dần tăng trưởng, thuần thục và trở nên chăm lo cho người khác, bởi vì ta thấy rằng người khác thật sự cũng như ta, không khác biệt. Đó thật sự là từ bi. Lòng từ bi quả thật là viên ngọc báu kim cương được tôn trí trên vương niệm của Pháp Bảo, những lời dạy vàng ngọc của Đức Tôn Sư.
*

8. ĂN CHAY

VẤN: Người Phật tử phải ăn rau đậu hay ăn chay, có đúng vậy không?

ĐÁP: Không nhất thiết. Đức Phật không trường chay. Ngài không dạy hàng môn đệ phải ăn chay, và cho đến nay, có rất nhiều người Phật tử thuần thành mà không trường chay.

VẤN: Nhưng nếu Sư dùng thịt cá, ắt Sư gián tiếp có trách nhiệm về cái chết của con vật. Có phải chăng đó là vi phạm giới thứ nhất?

ĐÁP: Đúng rằng khi ăn thịt cá, ta gián tiếp và có phần nào trách nhiệm về tội sát sinh con vật, nhưng điều này cũng đúng khi ta ăn rau cải. Người nông dân xịt thuốc, dùng thuốc độc giết côn trùng để lúc nào cũng có những lá rau, lá cải không bị sâu rầy đục khoét được dọn lên trên bàn ăn. Lại nữa, những con thú bị giết để cung ứng da làm giây nịt hay làm túi xách, dầu và xà bông mà ta dùng và trăm ngàn sản phẩm khác. Chúng ta không thể sống mà không gián tiếp trách nhiệm về cái chết của chúng sinh này hay chúng sinh khác, bằng cách này hay cách khác. Khi xin thọ trì giới đầu tiên, ta nguyện cố gắng tránh xa trực tiếp sát sinh, trực tiếp trách nhiệm sát hại sinh linh.

VẤN: Có phải người Phật tử theo truyền thống Mahāyana (Đại thừa) không ăn thịt cá?

ĐÁP: Điều này không đúng. Người Phật tử Đại thừa Trung Hoa thường chú trọng đến việc phải ăn chay. Nhưng những bậc xuất gia và hàng cư sĩ nam nữ theo truyền thống Đại thừa ở Nhật Bản và ở Tây Tạng lại thường ăn thịt cá.

VẤN: Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng người Phật tử phải ăn chay.

ĐÁP: Giả sử có người kia trường chay rất nghiêm chỉnh mà ích kỷ, gian dối, bất lương và đê tiện, và một người khác không ăn chay mà biết lo nghĩ đến kẻ khác, chân thật, liêm khiết, quảng đại và hiền lương, trong hai người ấy, người nào là Phật tử tốt hơn?

VẤN: Người chân thật và hiền lương.

ĐÁP: Tại sao?

VẤN: Bởi vì người như thế đó hiển nhiên là có tâm địa tốt.

ĐÁP: Hẳn như vậy. Người ăn thịt cá cũng như người ăn rau đậu đều có thể có tâm trong sạch, mà cũng có thể có tâm nhơ bẩn. Trong giáo huấn của Đức Phật, điều quan trọng là phẩm chất của tâm, mà không phải là loại thức ăn của ta. Có những người Phật tử rất thận trọng, không bao giờ ăn thịt cá, nhưng ít bận tâm tự xét mình có ích kỷ, thiếu chân thật, hung tợn hay ganh tỵ hay không. Sửa đổi thức ăn là dễ, nhưng sửa đổi tâm tính là việc khó làm, nên thường hay bị hờ hững lãng quên. Vì vậy, cho dù ta ăn chay hay không, nên nhớ rằng điều tối quan trọng trong Phật giáo là thanh lọc tâm, làm cho tâm trở nên trong sạch.
*
9. MAY MẮN VÀ THỜI VẬN

VẤN: Đức Phật dạy thế nào về bùa phép và bói quẻ?

ĐÁP: Đức Phật xem những công việc như bốc số bói quẻ, đeo bùa phép hộ mạng, xem địa lý, xem ngày tốt, v.v. là vô ích, và Ngài khuyên đệ tử không nên thực hành. Ngài gọi đó là "nghệ thuật thấp kém", và dạy rằng:
"Có vài đạo sĩ, trong khi sống nhờ vật thực mà tín đồ dâng cúng, lại tìm cách sinh sống bằng những nghệ thuật thấp kém, những nghề sinh sống như xem chỉ tay, xem tướng số, bàn mộng, cúng vái cầu thần tài, xem địa lý để xây cất nhà cửa v.v., Tôn giả Cồ-đàm (Gotama) tránh xa những nghệ thuật thấp kém, những nghề nuôi mạng tương tự" (Trường bộ, I. 9-12).

VẤN: Vậy tại sao đôi khi người ta làm những chuyện tương tự và đặt tin tưởng vào đó?

ĐÁP: Vì lòng tham, vì tính hay lo sợ, và vì vô minh. Ngày nào mà người ta thấu hiểu những lời dạy của Đức Phật, họ sẽ nhận thức rằng một tâm trong sạch có thể bảo vệ mình vững chắc hơn nhiều so với những mảnh giấy, những thẻ kim khí và một vài câu kinh đọc tụng. Lúc đó, họ sẽ không còn ỷ lại nơi những điều tương tự. Trong giáo huấn của Đức Phật, lòng chân thật, tính cương trực và những đức hạnh tốt đẹp khác thật sự bảo vệ và đem lại cho ta trạng thái phong phú, thịnh vượng thật sự.

VẤN: Nhưng nhiều bùa phép quả thật linh thiêng, bạch Sư, có phải thế không?

ĐÁP: Tôi có biết một người sinh sống bằng nghề bán bùa phép. Người ấy khoe rằng bùa của ông ta có thể đem lại may mắn, thịnh vượng, và đảm bảo rằng ông ta sẽ chọn đúng ba số trúng cho các kỳ xổ số. Nhưng nếu đúng như lời ông ấy khoe, tại sao chính ông ấy không trở thành triệu phú? Nếu bùa phép quả thật linh thiêng, tại sao ông ấy không trúng số hết tuần này qua tuần khác? Điều may mắn duy nhất của ông ấy là được có nhiều người khá điên rồ đến mua bùa của ông ta.

VẤN: Vậy có những chuyện như may mắn không?

ĐÁP: Từ điển giải thích "vận mạng" (fortune) hay "may rủi" là "tin rằng bất cứ gì, dù tốt hay xấu, xảy ra đến một người, đều là ngẫu nhiên, do thời vận hay số mạng". Đức Phật phủ nhận hoàn toàn lối tin tưởng như vậy. Tất cả những gì xảy ra đều do một hay nhiều nguyên nhân, và phải có vài liên hệ nào đó giữa nguyên nhân và hậu quả.
Thí dụ như lâm bệnh, là do những nguyên nhân chính xác. Ta phải có tiếp xúc với vi trùng và cơ thể ta đủ yếu để cho vi trùng có thể bám vào và nảy nở. Có mối liên hệ nhất định giữa nhân (vi trùng và cơ thể yếu) và quả (chứng bệnh), vì ta biết rằng vi trùng tấn công những bộ phận của cơ thể và làm cho ta bệnh. Nhưng chúng ta không thấy có liên hệ nào giữa sự việc đeo một lá bùa với việc trở nên giàu có hay thi đậu.
Phật giáo dạy rằng bất luận chuyện gì xảy đến cho ta đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận rủi may hay số mạng. Người chú trọng đến thời vận thường muốn được một điều gì ¬ tiền bạc hoặc của cải. Đức Phật dạy rằng điều quan trọng hơn, mà ta cần phải quan tâm, là trau giồi và phát triển tâm trí:

"Học sâu hiểu rộng,
nghề nghiệp tin xảo,
Được rèn luyện đúng mức
và nói đúng chánh ngữ:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Phụng dưỡng cha mẹ,
thương yêu nuôi nấng vợ con
Và sống theo chánh nghiệp:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Quảng đại bố thí,
công minh chánh trực,
Giúp đỡ họ hàng quyến thuộc
và sống đúng chánh mạng:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Tránh xa hành động bất thiện, say sưa,
Và nghiêm trì giới luật:
Đó là vận mạng tốt nhất.

Kỉnh mộ, khiêm tốn, tri túc, tri ân
Và thành kính lắng nghe
Giáo Pháp cao thượng:
Đó là vận mạng tốt nhất."
(Kinh Đại hạnh phúc, Tiểu bộ)