+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 5 của 5

Chủ đề: Giáo phái chân lý aum

Hybrid View

  1. #1
    binhminh
    Guest

    Re: Giáo phái chân lý aum

    Tuy đồng nghĩa với thần Shiva trong Hindu giáo nhưng Shiva trong Hindu giáo chỉ là hóa thân của Đại Shiva mà thôi. Hơn thế nữa, Asahara Soko là đệ tử của vị thần này nên cũng được coi là một hoá thân của thần Shiva. Giáo lý của Aum du nhập cả kỹ thuật của Mật giáo Tây Tạng, cả cơ sở của Phật điển Pali, cơ sở Phật giáo nguyên thuỷ và Yoga nguyên thuỷ. Với quan niệm tôn giáo là con đường tu hành, Giáo phái Chân lí Aum được được coi là bao gồm một phần vũ trụ quan của Phật giáo và Yoga. Giáo phái Chân lí Aum lấy phương châm là tìm kiếm chân lí bao hàm các tư tưởng tôn giáo thần bí như Nho giáo, Đạo giáo, Kitô giáo, Bái hỏa giáo. Kết quả là thu nhận vào giáo lý của mình những quan điểm về sự huỷ diệt của thời đại, như là một trong những chu kỳ lặp đi lặp lại của “sáng tạo- duy tri- phá hủy” mang tính Phật giáo, hay thuyết tận thế của Kitô giáo. Phương pháp tu hành hướng tới những người tu hành xuất gia, cụ thể là 36 đạo phẩm và 7 khoa của Phật giáo Thượng tọa bộ. Giáo phái này còn sử dụng cả Lục Ba La Mật (6 lối lên Niết bàn) của Phật giáo Đại thừa, sử dụng Yoga và nhiều phương thức khác nữa để lôi kéo những kẻ tu hành tại gia. Năm cột trụ cơ bản của Aum giáo được đưa ra và được cường điệu là “Tôn giáo thực tiễn” là: 1) Có người hướng dẫn về mặt tâm linh để đi đến địa điểm cuối cùng. 2) Giáo lý chính xác dựa trên sự Vô thường. 3) Phương pháp tu hành có thể dựa vào kinh nghiệm bản thân đối với giáo lý. 4) Có người tu hành tiên phong bằng việc thực hành giáo lí trong thực tế. 5) Cần có sự khai tâm để tiến tới tu hành. Nội dung tu hành của Aum giáo có thể chia làm 3 hay 4 chủng loại: Tiểu thừa (Hinayana), Đại thừa (Mahayana)... Ở đây được biểu lộ bằng 4 hệ thống tu hành. Và những định nghĩa của giáo đoàn dưới đây, cũng khác với định nghĩa của Phật giáo thông thường. Hinayana (Tiểu thừa) Hinayana là con đường sự xa rời thế giới ngoại cảnh, hướng tới sự thanh tịnh hóa và hoàn thiện bản thân. Hinayana là nền móng của toàn bộ. Mahayana (Đại thừa) Mahayana là con đường đạt đến Niết Bàn không chỉ cho bản than mình mà còn là sự cửu thế, tế độ cho nhiều người khác nữa. Giáo đoàn được coi là Mahayana. Tuy nhiên, nếu không hoàn thành Hinayana, hay tự kỷ chưa hoàn toàn thanh tịnh thì ý nghĩa chân chính của Mahayana cũng chưa được hoàn thành. Cơ quan xuất bản của Aum cũng mang tên Mahayana. Tantorayana (Mật thừa) Tantorayana chỉ cách tu hành mang tính Mật giáo như là tụng Mật tông (マントラ). Trong kiến giải chính thức của giáo đoàn thì những bộ phận được coi là phi đạo đức, phi luân lí đã bị phủ nhận. Vajirayana (Kim cương thừa) Vajirayana là con đường hình thành trong quan hệ 1 đối 1 giữa đệ tử và người thầy. Người thầy đột phá những ham muốn nội tại trong đệ tử, tạo ra những hoàn cảnh có thể lý giải những khổ não, dục vọng. Để vượt qua những ham muốn đó, phải dủng cả những phương pháp khắc nghiệt như là Mahamu Dora (マハームドラー). Trong giáo lý của Vajirayana, cũng có cái được gọi là “Ngũ Phật quy tắc”(五仏の法則), được giải thích là “pháp tắc của thiên giới, không có ở thế giới nhân gian”. Đây được coi chính là những hành động, ngôn từ không còn dục vọng, toàn tâm lợi tha phản ánh trong giới luật nói chung. Điều này có thể được thấy trong trong giáo huấn của Kim cương kinh của Chân Ngôn tông. Đáng chú ý là giáo phái này giải thích rằng, việc tàn sát để cứu những linh hồn đang ngày một chất chồng ác nghiệp, hay là cướp đoạt tài sản để cứu giúp những linh hồn đang ngày càng nhiều thèm muốn xấu xa, hay như việc hướng dẫn chân lý bằng cách sử dụng sự dối trá… được lí giải như là sự tu hành như của Bồ Tát ở Thiên giới. Giáo lý Vajirayana của giáo phái Chân lý Aum chính là lí luận nhằm làm chính đáng hóa những việc như tàn sát, cướp đoạt …của nó bị xã hội lên án. Cục Cảnh sát Nhật Bản cũng cho rằng giáo đoàn hiện nay vẫn dựa vào cốt cát của giáo lí này. Tín đồ giáo phái chia ra làm tín đồ tại gia và tín đồ xuất gia (Samana-サマナ). Tín đồ tại gia vừa không thực hiện những sinh hoạt đời thường, vừa tham gia những hội thuyết pháp vừa tu hành theo hướng của các nơi tập luyện của các chi bộ. Và cũng mở những buổi Semina tập trung vào các kỳ nghỉ. Về cấp độ tu hành, giáo phái này cũng chia ra các cấp độ khác nhau để chỉ mức độ tinh tiến về tinh thần. Các cấp độ có khác nhau theo từng thời kỳ, tại thời điểm năm 1995, đối với người xuất gia, có các trình độ như “Tập kiến Samana, Samana, Trưởng Samana, Sư bổ (師補), Sư (gồm Tiểu sư, Ái Sư, Ái Sư trưởng bổ, Ái Sư trưởng, Bồ Sư, Bồ Sư trưởng bổ, Bồ Sư trưởng), Chính Hộ Sư (gồm Chính Hộ Sư, Chính Hộ Sư trưởng bổ, Chính Hộ Sư trưởng), Chính Đại Sư. “Sư” là người đã đạt được “Kundalini- Yoga, Chính Hộ Sư là người đạt được “Mahamu Dora” tương đương với “A La Hán” (Arakan- 阿羅漢) của Phật giáo (cấp độ tu hành cao nhất của Phật giáo”. Chính Đại Sư là người được coi là đạt được “Yoga của Đại thừa”, từ đó theo cấp độ trong giáo phái mà quyết định chức vụ, vị trí.

  2. #2
    binhminh
    Guest

    Re: Giáo phái chân lý aum


    Asahara và tín đồ

    Trong số những nhân vật phụ trách của Aum, có rất nhiều người tốt nghiệp từ các đại học cấp cao. Trong số đó có luật sư Aoyama Yoshinobu, kế toán viên Shibata Toshiro, bác sĩ Hayashi Ikuo, bác sĩ Nakagawa Tomomasa… Như đã đề cập, Giáo phái Chân lí Aum không chỉ tồn tại ở lãnh thổ Nhật Bản mà còn có các chi nhánh của giáo hội ở nước ngoài. Năm 1991, lần đầu tiên Asahara Shoko thăm Nga. Asahara ở Matxcova đã tiếp xúc với những chính khách cao cấp ở Nga như nguyên phó tổng thống Nga Aleksandr Vladimirovich Rutskoi, hay nguyên Thủ tướng Nga Victor Stepanovich Chernomyrdin, hay nguyên thị trưởng Matxcova Yurii Mikhailovich Luzhkov. Vào năm trước, sau khi Thư ký Hội đồng Bảo An Oleg Ivanovich Lobov tới Nhật và nhận tiền tài trợ từ Asahara, bước tiến sang Nga của Aum được đẩy mạnh. Thông qua đài phát thanh có tên là “Evangelion”, thay thế cho chương trình 12 giờ đêm sau khi chương trình tiếng Nhật hướng về Nhật Bản của đài phát thanh Matxcơva (hiện nay là đài “Âm thanh Nga”) kết thúc (tần số phát sóng vẫn giữ nguyên), tổ chức một dàn nhạc tên là Chyren. Aum được cho phép tổ chức một công ty du lịch, tổ chức những Tour huấn luyện trong lĩnh vực thiết bị quân đội đặc thù của Nga từ Nhật, mặt khác từ Nga cũng cho nhập những thiết bị quân sự như trực thăng. Hơn nữa Asahara cũng cho mở nhiều chi bộ ở Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, trụ cột tinh thần bị lung lay, khiến rất nhiều người trẻ Nga cảm thấy thích hợp với Aum. 3. Ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội của giáo phái Năm 1988 với sự kiện tín đồ tử vong tại gia, năm 1989 với sự kiện sát hại một tín đồ nam giới, và sự kiện sát hại gia đình luật sư Sakamoto, các hoạt động mang tính tội ác của giáo phái Chân lý Aum ngày càng nhiều hơn. Năm 1990, giáo phái cho đăng lên tạp chí và tivi những hình thức tu hành, rồi tiếp theo là hoạt động bầu cử, tiếng tăm cũng tăng lên nhanh chóng. Tháng 5 năm 1990, khi đến thị trấn Namino thuộc tỉnh Kumamoto, họ gặp phải sự vận động phản đối gay gắt của dân địa phương. Hơn nữa, liên quan tới việc này, họ còn bị điều tra cưỡng chế về việc vi phạm luật kế hoạch sử dụng đất công. Năm 1994 và 1995 đã xảy ra những rất nhiều vụ việc trầm trọng. Trong số rất nhiều sự việc được cho là dính líu tới giáo phái này, có sự kiện khí độc Sarin ở Matsumoto, nhưng cũng chưa đưa ra được kết luận chính thức. Năm 1995, cảnh sát quyết định tiến hành điều tra các cơ sở của Aum trên toàn quốc. Bộ phận lãnh đạo Aum đã nắm được thông tin về điều tra, và nhằm thoát khỏi con mắt của cảnh sát và muốn tạo nên một sự kiện lớn ở thủ đô, ngày 20 tháng 3, họ đã tiến hành đầu độc bằng khí Sarin ở tàu điện ngầm. Thế nhưng chỉ 2 ngày sau đó, ngày 22 tháng 3, cơ sở chính của giáo phái ở thôn Kamikuishiki, tỉnh Yamanashi (nay là thành phố Fuji kawaguchiko) đã bị cưỡng chế khám xét. Tại đây họ đã tìm thấy thiết bị chế tạo vũ khí hóa học như Sarin, thiết bị vũ khí vi khuẩn, những công cụ như máy bay trực thăng quân sự để thực hiện việc phát tán, sự bất thường ở giáo phái Aum đã được làm sáng tỏ. Sau đó, do sự kiện ngày 20/3 cũng như các sự kiện trước đó, các lãnh đạo của giáo phái đã bị bắt giữ, ngày 16 tháng 5 năm 1995, đại diện của giáo phái Aum, Matsumoto Chizuo (Asahara Shoko) đã bị bắt giữ tại cơ sở ở thôn Kamikuishiki. Cục kiểm sát địa phương đã truy tố Matsumoto Chitsuo với 17 tội danh, trong đó có 4 tội liên quan tới các loại thuốc bị cấm như thuốc mê, chất kích thích, Mescalin (Ancalôit gây ra ảo giác, có trong ngọn cây xương rồng pê-dô-ti), LSD (Ma túy mạnh gây ảo giác). Những kẻ bị tình nghi quan trọng nhất liên quan tới sự kiện trên như Hirada Shin, Takahashi Katsuya, Kikuchi Naoko vẫn đang bỏ trốn, trong khi cảnh sát đang treo tiền thưởng cho ai bắt được chúng. Tuy giáo phái vẫn tiếp tục hoạt động với người đại diện là Muraoka Tatsuko, nhưng ngày 30 tháng 10 năm 1995, tòa án địa phương đã ra lệnh giải thể giáo phái, cùng năm đó, ngày 19 tháng 12, tòa án tối cao Tokyo cũng y lệnh giải thế đó. Tuy giáo phái có kháng cáo ngay lập tức, nhưng vào ngày 30 tháng 1 năm 1996, Tòa án Tối cao đã bác bỏ kháng cáo đặc biệt, cùng với đó là quyết định buộc giáo phái phải giải thể tư cách tôn giáo pháp nhân. Ngày 28 tháng 3 năm 1996, tòa án Tối cao Tokyo chiếu theo luật phá sản, chỉ thị cho cho giáo phái Aum phải tuyên bố phá sản. Vào ngày 11 tháng 7 năm 1996, Sở Công an đã tiến hành các cuộc điều tra và yêu cầu áp dụng Luật đề phòng phá hoại đối với tổ chức tội phạm nguy hiểm làm nguy hại tới lợi ích chung của cộng đồng để trừng phạt giáo phái này. Tuy nhiên, cũng có một số nhà nghiên cứu hiến pháp cho rằng việc áp dụng Bộ luật này là vi phạm Hiến pháp Nhật Bản, bên cạnh đó giáo phái này cũng đã giảm nguồn tiền bất hợp pháp và cắt bỏ nhiều hoạt động chung, nên yêu cầu trừng phạt đã được Hội đồng điều tra của Sở công an rút lại. Giáo phái sau khi bác bỏ được yêu cầu trừng phạt theo luật phòng ngừa phá hoại, lại tiếp tục hoạt động. Họ vẫn tiến hành các hoạt động truyền giáo khiêu khích như “chúng ta vẫn hoạt động như Aum” hay các hành động xin cung ứng tiền tài trợ như bán máy tính. Mặt khác, về một loạt các sự kiện trên, họ cho rằng “Chẳng có bằng chứng là chúng tôi thực hiện”, cho thấy không hề có sự hối hận hay tạ lỗi, hay bồi thường đối với những tổn thất của các nạn nhân. Những biểu hiện của giáo phái trên đã khơi dậy sự phản đối quyết liệt của xã hội, cùng lúc với sự vận động của dân chúng ở thôn Kitamimaki, quận Kitasaku, tỉnh Nagano (nay là thành phố Higashio), phong trào phản đối giáo phái Aum đã dâng lên khắp toàn quốc, dẫn đến việc Quốc hội cũng phải đưa ra Luật mới, thường được gọi là “Luật mới Aum”, là quy chế về những giáo phái đã tiến hành những vụ giết người quy mô lớn không phân biệt, được coi như đối sách với Aum. Trong nội bộ giáo phái liên quan tới các sự kiện trên, đã có 13 người bị kết án tử hình (trong đó 7 người đang kháng cáo) và 5 người bị kết án khổ sai. Giáo phái kết giao với nhiều nhân vật nổi tiếng, nên sau sự kiện trên, nhiều người cũng bị ảnh hưởng theo, như Kurimoto Shinichiro, Peter Takeshi, nhà tôn giáo học Nakazawa Shinichi… 4. Sự phá sản và phân liệt của giáo phái Chân lý Aum Ngày 4 tháng 2 năm 2000, do bị cấm sử dụng tên “Giáo phái chân lý Aum” và được cho là phá sản từ phía người quản lý phá sản, từ năm trước một giáo phái mới theo mô hình “Giáo phái chân lý Aum” đã được thành lập, với người đại diện là Jouyu Fumihiro, gọi là giáo phái “Aleph”. Tháng 7 cùng năm, Aleph theo phương án của người quản lý phá sản đưa ra, trên cơ sở những ràng buộc về hợp đồng bồi thường cho những nạn nhân, cam kết về sau vẫn tiếp tục bồi thường cho họ. Năm 2003 đổi thành “Aaleph”, năm 2008 lại đổi về thành Aleph. Tháng 5 năm 2007, Jouyu và một bộ phận tín đồ rút khỏi giáo phái, tạo thành một tổ chức tôn giáo mới tên là Hikari no Wa (ひかりの輪, tức là “Bánh xe ánh sáng”, tên tiếng Anh là “Circle of Light” ). Giáo phái này cùng chí hướng là từ những lời dạy của Matsumoto Chizuo, đồng thời riêng biệt tiến hành bồi thường cho các nạn nhân một khoản nhỏ. Tuy là một tổ chức tồn tại không liên quan tới cái tên “Giáo phái chân lý Aum”, nhưng vẫn phát sinh những lời đồn bất lợi nghi ngờ về thực chất của giáo phái mới này. Giáo phái Chân lý Aum đã có ảnh hưởng to lớn đến xã hội Nhật Bản hiện đại. Một tổ chức tôn giáo thay vì đem lại ích lợi cho con người thì đã sử dụng ma tuý trong những lễ nghi, đưa trạng thái u mê cùng với thức tỉnh tôn giáo, đã thực hiện việc xả khí gas để đầu độc giết người hàng loạt. Dư luận rất lo ngại tại sao những tín đồ của giáo phái Aum phần đông còn rất trẻ, nhiều thành viên từng là sinh viên của các trường đại học lại bị mê hoặc bởi những giáo điều tội ác của Giáo phái Chân lý Aum chống lại xã hội, lại thực hiện những tội ác không thể tha thứ? Theo giải thích của một số nhà nghiên cứu thì Giáo phái Chân lý Aum sinh ra sau chiến tranh không có gì đáng ngạc nhiên. Chính những vấn đề như giáo dục luân lý, đạo đức trong nhà trường, nỗi thất vọng gia tăng khi không tin vào một chính phủ với một tương lai không rõ ràng về sự thịnh vượng của đất nước, sự chuyển biến của gia đình đa hệ sang hệ thống gia đình hạt nhân, nơi chỉ có một con và cả cách thức công nhận địa vị hợp pháp của các đoàn thể tôn giáo sau chiến tranh đã trở thành nguyên nhân cho sự ra đời của giáo phái Aum.

  3. #3
    binhminh
    Guest

    Re: Giáo phái chân lý aum

    Các nạn nhân trong vụ tấn công bằng khí độc sarin ở Tôkyô năm 1995



    Tin về vụ tấn công bằng khí độc sarin ở Tôkyô năm 1995 làm rúng động cả Nhật Bản và thế giới.

    Giáo phái Aum và hành vi phạm tội của nó đã gây sự chú ý không chỉ của các học giả, các nhà báo, mà của toàn xã hội. Ngày 20 tháng Tư năm 1995 Hội đồng về pháp nhân tôn giáo, một tổ chức tư vấn của Bộ giáo dục đã xem xét vấn đề của giáo phái Aum. Hội đồng này đã họp phiên đặc biệt để xem xét Luật pháp nhân tôn giáo và xem luật đó cần được chỉnh sửa như thế nào. Khi nhiều cuộc điều tra dư luận công chúng do báo Ashahi tiến hành thì phần đông những người được hỏi ý kiến đều tán đồng việc xem xét lại luật pháp nhân tôn giáo. Tuy nhiên một số đoàn thể tôn giáo như Sokagakkai, Liên minh nhà thờ Cơ đốc Nhật Bản, Hội Phật giáo Kyoto và nhiều tổ chức tôn giáo khác đã lên tiếng phản đối việc xem xét lại luật. Thậm chí sau khi Hội đồng về các đoàn thể tôn giáo đệ trình báo cáo, có một số thành viên của hội đồng này không nhất trí với bản đệ trình đó. Song xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cần có một sự điều chỉnh nhằm ngăn chặn những tội ác do một giáo phái gây ra lại tiếp diễn, dự luật sửa đổi Luật pháp nhân tôn giáo được Quốc hội thông qua vào ngày mồng 8 tháng 12 năm 1995. Đây cũng là một vấn đề rất lý thú và hữu ích cho công tác quản lý tôn giáo của nước ta. Song do dung lượng bài viết có hạn, chúng tôi rất mong sẽ được đề cập tới vấn đề này trong những bài viết tiếp theo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Phạm Hồng Thái (Chủ biên), Đời sống tôn giáo Nhật Bản hiện nay, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005. 2. Murakami Shigeyoshi, Tôn giáo Nhật Bản, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2005. 3. Joseph M.Kitagawa. Nghiên cứu tôn giáo Nhật Bản. Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002. 4. Richard Bowing và Peter Komicki. Bách khoa thư Nhật Bản. Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản. Hà Nội, 1995. 5. Sueki Fumihiko, Lịch sử tôn giáo Nhật Bản, dịch giả Phạm Thu Giang, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011. 6. 出口三平、新宗教時代(I)、大蔵出 株式会社、1997. 7. 島田裕巳、新宗教ビジネス、株式会 講談社、2008. 8. 島薗進、現代宗教の可能性オウム真 教と暴力、株式会社岩波書店、2002. 9. 島田裕巳、日本の10大新宗教、幻冬舎 新書061. 10. 石倉浩、日本の新宗教(知らないで すまされない)-読んでナットグ、 億人、巨大市場の裏のウラ、文庫ぎ んが堂、2008. 11.http://ja.wikipedia.org/wiki/%E3%82%...90%86%E6%95%99 12. http://baotintuc.vn/133N201101041128...oi-den-toi.htm 13. https://dobatnhi.wordpress.com/tag/zoroaster/ 14. http://www.aleph.to/aleph/01-01.html Người viết: Nguyễn Ngọc Phương Trang Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á Đăng WEBSITE Nghiên cứu Nhật Bản ngày: 22-7-2011.

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình