+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Người mẹ bán ve chai và số phận nghiệt ngã

  1. #1
    DongTam
    Guest

    Người mẹ bán ve chai và số phận nghiệt ngã

    (CATP) Con đường cát bỏng chân giữa nắng hè gay gắt ở thôn Quảng Phú (xã Cam Thành Nam, Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) dẫn đến căn nhà của một phụ nữ nghèo bất hạnh. Vừa tròn tuổi 30, Nguyễn Thị Liễu (ảnh, SN 1982) đã phải chịu tàn phế suốt cả đời.
    Sinh ra trong một gia đình nghèo, 19 tuổi Liễu lấy chồng là một thanh niên cùng quê, mồ côi cả cha lẫn mẹ, không có nghề nghiệp ổn định. Liễu hàng ngày quẩy đôi giỏ đi khắp đầu làng cuối xóm để mua ve chai; còn chồng thì theo nghề đi biển lại không biết chữ, chẳng biết tính toán, thậm chí có khi cả năm đi biển không dư một đồng.


    Cách đây 5 năm, đi cả ngày nhưng không làm được đồng nào để mua gạo, về đến nhà thấy 2 đứa con nhỏ nheo nhóc than đói, chị Liễu liền trèo lên cây chùm ruột cạnh nhà để hái cho các con ăn đỡ đói. Không ngờ chị trượt chân té nhào xuống đất bị gãy 2 đốt sống 9, 10 và trật 2 đốt sống 11, 12. Mặc dù đã được các bác sĩ mổ và nẹp lại bằng ốc vít, nhưng do bị chấn thương tủy sống nên đôi chân của chị dần dần co rút và liệt hẳn. Mọi di chuyển của chị đều do người chồng cõng, bế. Cũng từ đó, chồng chị phải ở nhà chăm sóc chị mỗi ngày.

    Theo anh Hứa Tự Cu (chồng chị Liễu), hàng ngày anh không thể đi đâu vì phải làm vệ sinh cho vợ 3 lần, do nhiều nơi ở phần mông và chân của chị đã bị lở loét. Tuy nhiên, điều khiến anh lo lắng nhất là mỗi khi sốt, vết mổ của chị lại đau nhói thấu tận ngực, như muốn tắt thở. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, các bác sĩ yêu cầu phải chụp cắt lớp (CT) để biết được tình trạng vết thương mới có thể điều trị. Nhưng không có tiền, hai vợ chồng đành quay về nhà. “Cứ mỗi lần nhói đau, nhìn Liễu kêu la thảm thiết tôi không sao cầm lòng được. Nhưng biết làm sao, tiền đâu mà đi chụp CT, chữa trị, đành sống được ngày nào hay ngày đó”, anh Cu vừa nói vừa rơm rớm nước mắt.

    Giờ đây cuộc sống gia đình chị Liễu vốn khó khăn lại càng thêm khốn đốn, bởi chỉ sống nhờ vào mấy đồng tiền bảo trợ xã hội đối với người tàn tật: 270.000 đồng/tháng. Chị Liễu cho biết: “Thấy gia đình tôi quá khổ, thỉnh thoảng sư cô Thích Nữ Thông Chỉnh, trụ trì chùa Tường Vân, mang mì gói, nước tương, vài cân gạo sang giúp đỡ; còn người dân trong xóm lúc thì cho mớ rau, con cá để sống qua ngày. Nhưng người dân ở đây cũng nghèo, chỉ lâu lâu họ có mới cho mình”.

    Cuộc sống gia đình chị Liễu đang đi vào ngõ cụt. Mong sao những tấm lòng hảo tâm gần xa mở rộng vòng tay cứu giúp. Mọi sự giúp đỡ cho chị Liễu xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại: 0985858942.

  2. #2
    DongTam
    Guest

    Bà lão nghèo thoi thóp với căn bệnh mạn tính

    (CATP) Căn phòng trọ nhỏ, ẩm thấp nằm trên đường số 1 cư xá Thành Đô (P4Q3, TPHCM) là nơi bà Đinh Thị Chanh (SN 1934, quê ấp Vĩnh Thuận, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) tá túc mấy năm nay. Bà Chanh cho biết: “Cũng may mà có mấy công nhân tốt bụng, thấy hoàn cảnh thương tâm của tôi cho ở nhờ để tiện chữa bệnh, chứ không bà cũng chẳng biết làm sao. Bởi giờ còn đâu tiền để mà đi xe mỗi tuần 2 lần từ Vĩnh Long lên TPHCM để chữa trị căn bệnh suy thận mạn tính”.


    Năm 2007, bà Chanh bị đau lưng và sốt nhẹ, gia đình đưa bà đi chữa trị khắp nơi trong tỉnh Vĩnh Long nhưng vẫn không hết bệnh. Sau đó, thấy bệnh bà ngày càng nặng, gia đình mới đưa lên Bệnh viện Bình Dân, TPHCM thì phát hiện bà bị suy thận mạn tính. Mỗi tuần bà phải đến bệnh viện này để lọc máu định kỳ 2 lần, bao nhiêu tiền bạc, đất đai trong gia đình lần lượt “đội nón ra đi”. Dù bà thuộc diện hộ nghèo, chi phí cho việc lọc máu đã được bệnh viện giảm nhiều, nhưng mỗi tháng bà phải trả thêm phụ thu viện phí mất trên 3 triệu đồng. Đó là chưa kể mỗi lần lên cơn co giật, sốt cao bà phải vào nằm viện cấp cứu tốn hàng triệu đồng.

    Ngồi trên chiếc xe lăn, bà Chanh vừa kể vừa rơm rớm nước mắt: “Nhà có 4 người con nhưng đứa nào cũng nghèo khó, không giúp được gì. Kể từ ngày tôi mắc bệnh suy thận mạn tính đến nay, mấy công đất ở dưới quê đã bán sạch để lo chữa bệnh. Giờ trắng tay, tui không còn một đồng dính túi. Chiếc xe lăn này cũng là của một người bạn cùng lọc thận mất, con cháu họ thấy tôi nghèo, đi lại không được nên thương tình nhường lại (chiếc xe đã qua 4 đời bệnh nhân sử dụng - PV) để tôi sử dụng. Ngay cả bữa cơm ăn hàng ngày cũng không có tiền để ăn, phải sống nhờ vào việc xin cơm chay miễn phí trong bệnh viện”.

    Cuộc sống bà Chanh hiện rất khó khăn, những lúc lên cơn co giật bà vẫn cắn răng chịu đựng, không dám đến bệnh viện chỉ đợi đến ngày lọc máu định kỳ mới đến khám. Bà mong ước Bảo hiểm y tế sẽ phát miễn phí cho người nghèo và không phải đóng thêm tiền phụ thu giúp những người chạy thận như bà đỡ khổ.

    Mong bạn đọc gần xa mở rộng tấm lòng hảo tâm, giúp đỡ bà Chanh vượt qua khó khăn, để sống với con cháu. Mọi sự giúp đỡ, xin liên lạc với bà Chanh theo số điện thoại: 01228897089.

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình