Anh là Nguyễn Hữu Chung (xóm Mới, thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) hiện đang chăm con là bé Nguyễn Hữu Chính (9 tuổi) trong bệnh viện Nhi TW. Gần 9 năm đưa con đi viện, không có lúc nào là anh không đi cùng bởi “Tôi lo cho con lắm hơn nữa vợ tôi ở nhà quen việc chợ búa lại ít học nên làm thủ tục giấy tờ là không biết, tôi thì không đi lại được nhưng hướng dẫn cho vợ làm thì cũng yên tâm hơn” – anh Chung cho biết.


Từ khi sinh ra anh Chung bị chứng bệnh xương thủy tinh nhưng hoàn toàn không hay biết

Là người đàn ông trụ cột trong gia đình nhưng anh không may mắn có được một cơ thể bình thường như bao người khác mà mọi sinh hoạt hoàn toàn đều phải di chuyển trên chiếc xe lăn. Tuy nhiên anh Chung cũng chẳng bao giờ để người khác phải lo cho mình bởi suy nghĩ “tàn nhưng không phế” nên mọi công việc của con mỗi lần đi viện anh cũng đều tự lo hết. Cứ nhìn cái cách anh cẩn thận chỉ cho vợ phải đến phòng này phòng kia hỏi bác sĩ, nhiều bệnh nhân cùng phòng cũng phải nể phục và quý trọng. Nhưng ngặt một nỗi người đàn ông này lại không có khả năng kiếm tiền nên khó khăn chất chồng lắm.
Kể cho chúng tôi nghe anh cho biết : Từ khi sinh ra cơ thể tôi đã thế này, chân không đi lại được nên hoàn toàn di chuyển bằng tay rồi sau này được nhà nước cho chiếc xe lăn thì đi bằng xe. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc đi viện, tôi cũng không biết mình bị bệnh gì cả chỉ biết là hễ cứ động vào cái gì là rất dễ dàng gãy tay hay gãy chân. Sau này tôi may mắn được vợ tôi yêu thương về chung sống và sinh ra cháu Chính nhưng từ khi chào đời cháu cũng không được bình thường và có dấu hiệu giống bố, hai vợ chồng mới tá hỏa cho con đi viện khám thì được bác sĩ cho biết cháu bị bệnh tạo xương bất toàn (còn gọi là bệnh xương thủy tinh) và từ đó là đi viện liên tục.


Đi bệnh viện cùng con, nhưng không có tiền nên chỉ mình cháu Chính được chữa bệnh

Ngồi kế bên cạnh nghe chồng nói, chị Nguyễn Thị Lan (vợ anh Chung) không cầm được nước mắt, ngậm ngùi cho biết thêm: “Từ nhỏ nhà tôi bị thế nhưng có thăm khám gì đâu, có con rồi con cũng giống bố nên mới đến viện thì bác sĩ cho biết cả hai bố con bị bệnh xương thủy tinh. Vì bệnh thế nên tôi cũng không để anh ấy làm gì cả bởi cứ động vào gì là gãy tay, gãy chân phải đến viện”.

Cũng vì thế mà mọi khoản chi tiêu trong gia đình anh đều một tay chị lo hết bằng công việc chạy chợ với gánh rau hay quả na, quả ổi trong vườn. Nhìn cái gương mặt gầy hốc hác và thân hình thấp bé, đen nhẻm của người phụ nữ này tôi cũng hiểu những vất vả mà chị phải gánh. Nhưng biết làm sao khác được bởi chồng con của mình đó mang bệnh thì ‘mình phải ráng chịu để mà cố gắng thôi” (trích lời chị Lan)
Hàng ngày ở nhà, không thể giúp vợ kiếm tiền nên anh Chung đảm nhiệm công việc chở con đến lớp bằng xe chuyên dụng dành cho người khuyết tật. Thương bố vất vả lại mong mỏi vào việc học của mình nên bé Chính năm nào cũng được giấy khen học sinh giỏi khiến cả hai vợ chồng đều phấn khởi lắm. Đôi chân bé xíu, cong vẹo, giống bố em không đi lại được nên di chuyển bằng tay nhưng gương mặt sáng, lanh lợi và đáng yêu.

Ở bệnh viện khi nào muốn đến giường các bạn khác chơi là em lại nhanh nhẹn nhờ mọi người bế xuống rồi di chuyển như một con sóc khiến ai cũng trầm trồ khen ngợi nhưng đằng sau đó là cả sự xót xa thương cảm. “Thằng bé đến là ngoan và thông minh lắm, vậy mà ông trời bắt nó bệnh thế là khổ cả đời rồi” – một người nhà bệnh nhân cùng phòng cho hay.



Không được bình thường như các bạn nhưng năm nào Chính cũng đạt học sinh giỏi

Nỗi lo lắng lớn nhất của gia đình anh Chung đó là khoản tiền chữa trị cho Chính để cho con sống được như những đứa trẻ bình thường. Trao đổi với bác sĩ trong khoa tôi cũng được biết: Đây là bệnh phải chữa trị suốt đời và chi phí tương đối đắt, ngoài ra còn phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống chăm sóc bệnh nhân ở nhà. Nếu như bệnh nhân không được chữa trị thì sẽ tổn thương cả đến răng, tai…thậm chí là cả hình thể.
Trên giường bệnh Chính vẫn đang đùa nghịch hồn nhiên và ngây thơ, nhưng ngồi bên dưới anh Chung buồn lắm. Đôi mắt trũng sâu ngân ngấn nước, anh tự trách bản thân mình sinh con ra mà không lo được cho con…Đứng ngoài bậu cửa, người phụ nữ khổ sở nhìn hai bố con cũng nước mắt lưng tròng. Tôi tự hỏi rồi đây đôi vai gầy của chị sẽ còn phải oằn trũng xuống như thế nào mỗi kì đưa con lên viện?

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

1. Anh Nguyễn Hữu Chung và chị Nguyễn Thị Lan (xóm Mới, thôn Đại Đồng, xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội)

Số ĐT: 0978439232