Từ trước đến nay chúng ta thường được hiểu về Đạo Phật qua những nhà truyền giáo hay nhà nghiên cứu thuần túy dựa trên văn bản của Đạo Phật.

Nhân Mùa Phật Đản năm nay, tôi xin đăng lại nguyên văn phụ đề Việt Ngữ trong bộ phim CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT do BBC dàn dựng năm 2001, nói về cuộc tìm kiếm của các nhà khảo cổ về những dấu vết thực tế: nơi Đức Phật đã sinh, nơi Ngài đã sống, và cái nhìn khách quan của họ về giáo pháp của Đạo Phật để chúng ta cùng chiêm nghiệm. Cuối cùng là nhận xét của tác giả bài viết.

http://www.youtube.com/watch?v=bo1gj72mUdc

I.- Toàn bộ phụ đề Việt Ngữ của bộ phim:

“Từ 500 năm trước Chúa Giê-su, có một Hoàng Tử trẻ đã mở ra một con đường. Ngài đã trải qua đau đớn và khổ ải để đạt tới Niết Bàn. Niềm hạnh phúc vĩnh hằng mà chúng ta ước vọng đạt tới.

“Biểu tượng vĩnh cửu của sự An Lạc, Từ Bi và phi bạo lực”. (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma). Đó là Đức Phật”.

Ngài được trưởng thành trong một cung điện xa hoa. Khi còn thơ ấu, đặc quyền đã cho phép Ngài thụ hưởng mọi sự nuông chiều, nhưng Đức Phật đã từ bỏ tất cả để đạt được trí huệ tận cùng. Ngài đã du hành đến những ngóc ngách sâu thẩm của tâm trí, trực diện, đối mặt với Ma Tâm bên trong. Đức Phật đã thành lập một tôn giáo đầu tiên trên thế giới – mà hiện nay có hơn 400 triệu tín đồ – Một tôn giáo sử dụng THIỀN ĐỊNH để đạt tới trạng thái an lạc và hạnh phúc tuyệt đối” .

“Sử dụng tiềm năng và nội lực của bản thân chúng ta để biết về Thực Tại Tối Thượng” (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma)

“Các sự kiện trong đời Ngài đã là câu chuyện vĩ đại, và Đức Phật là một biểu tượng tồn tại vĩnh cửu.

Dù Đức Phật đã nhập diệt hơn 2.500 năm, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn tồn tại. Những lời giáo huấn của Ngài vẫn còn nguyên giá trị và Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng tiếp tục truyền đạt giáo huấn của Ngài, tiếp nối truyền thống đã xuất hiện ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn”.

Đạo Phật được nhiều nền văn hóa tiếp nhận và diễn giải bằng nhiều cách khác nhau... Những lời dạy của Phật về một tinh thần tĩnh tại và sáng suốt được nhiều người cho đó là Tôn Giáo, người khác cho là Triết Học hay Tâm Lý Trị Liệu.

Nhiều người cho rằng đó không phải là một tôn giáo mà là khoa học của tâm trí. (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma).

Ngày nay giáo huấn của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị mặc dù đã trải qua 2.500 năm. Nguyên nhân Đạo Phật được phổ biến rộng rãi như vậy là do sự sâu sắc của nó và rõ ràng là Đức Phật khám phá ra nhiều thứ cực kỳ quan trọng.

Khác với nhiều Tôn Giáo khác, Đạo Phật tập trung vào tâm trí và không có một đấng quyền năng tuyệt đối mà thay vào đó là một bậc Thầy vĩ đại: Đức Phật hay Đấng Giác Ngộ. Điều đó hết sức tự nhiên trong thời kỳ mà nhiều người cho rằng Tâm Lý Học là một lựa chọn thay cho tôn giáo, nghĩa là là phương thức trị liệu để đối phó với những vấn đề trong đời sống, và điều này rất dễ được nhiều người tiếp nhận. (Lời nhà khảo cổ).

Có nhiều cách thể hiện Đạo Phật và trong tâm trí mỗi Phật Tử cũng có một hình ảnh của Ngài.

“Một sự giao hòa giữa An Lạc tuyệt đối và phi bạo lực. Tôi nghĩ hẳn là phải như vậy ” (Lời Đức Đạt lai Lạt Ma).

Chỉ rất gần đây – 100 năm trước, Phương Tây hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của Đức Phật, cho đến khi người Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa. – Đất nước nơi Phật đản sanh. Đạo Phật đã từng huy hoàng rồi tàn lụi, bị các vua Hindu cũng như quân Hồi Giáo xâm lược và tàn phá.

Khởi nguyên và các địa điểm gắn với cuộc đời Đức Phật đã thất tung cho tới tận khi một nhà Khảo Cổ người Anh bắt đầu thám hiểm vùng Bắc Ấn và những khám phá của họ bắt đầu gắn cuộc đời của đức Phật với những sự kiện lịch sử.

Vào những năm 1860, nhiều nhà Khảo Cổ đã cố gắng xác định các địa điểm gắn bó với cuộc đời Đức Phật. Cho đến những năm 1890, rất nhiều địa điểm đã được xác định thành công ở khu vực sông Hằng.Nhưng khi đó 2 địa điểm quan trọng nhất với Phật Giáo vẫn còn chưa được khám phá: Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh, và thành Ca Tỳ La Vệ, nơi Đức Phật sinh sống vào thời niên thiếu. Những địa điểm này nằm ở phía Bắc sông Hằng, ít nổi tiếng, một phần bởi vì có khu vực rừng rậm, có nhiều hổ cũng như căn bịnh sốt rét, cần những phát hiện mang tính đột phá để hé mở.

Câu chuyện về nguồn gốc của Đức Phật.

Ở một ngôi làng xa xôi, qua cả biên giới Népal, người ta đã phát hiện một cột đá. Một nhóm người Anh đã được cử đến để giải mã các chữ khắc trên cột. Đó là cổ ngữ Brami, ngôn ngữ của người bản xứ Bắc Ấn, và những dòng chữ ghi trên đó nói rằng: “Đây là nơi Phật hay Đấng Giác Ngộ đản sinh”.

Đây là bằng chứng đầu tiên để chứng tỏ rằng: Đức Phật không chỉ là một hình tượng truyền thuyết. Ngài đã thực sự tồn tại.

Những văn bản cổ xưa của Phật Giáo đã gọi nơi Đức Phật đản sanh là Lâm Tì Ni, và bây giờ các nhà Khảo Cổ đã định vị được nó trên bản đồ và họ chỉ cần tìm được địa điểm Đức Phật đã trưởng thành.

Một thành phổ cổ đại mà trong văn bản cổ xưa gọi là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Rõ ràng rằng địa điểm này nằm ở phía Tây Bắc cách Lâm Tỳ Ni chứng 10 đến 15km về hướng Tây, và đó là khu vực tập trung tìm kiếm. Các cuộc tìm kiếm phát hiện ra 2 địa điểm khả dĩ của thành Ca Tỳ La Vệ. Một ở Ấn Độ và một ở Népal.

Trong hơn 100 năm, các nhà khảo cổ bàn cãi nhau đâu mới là địa điểm thực sự. Nghiên cứu mới của Tiến sĩ Coningham và các đồng sự cho rằng địa điểm cổ xưa này nằm ở vị trí nay là Tilaurakot ở Népal. Đó là một địa điểm cực kỳ tuyệt vời vì còn được bảo tồn khá tốt.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc điều tra về vật lý, địa lý và chúng tôi khám phá rất nhiều con đường và rõ ràng rằng toàn bộ thành phổ được tổ chức theo hình lưới với cung điện nằm ở trung tâm. Đó chính là nơi bắt đầu câu chuyện về Đức Phật. (Lời nhà khảo cổ).

2.500 năm trước kia, Bắc Ấn được chia thành nhiều vương quốc. Thân phụ của Đức Phật, Tịnh Phạn được bầu chọn làm Thủ Lĩnh. Ông cai trị vương quốc của mình từ cung điện nằm dưới chân núi Hi Mã Lạp Sơn này. Hoàng hậu của ông là Maya.

Theo truyền thuyết, vào đêm trăng rằm, bà có một giấc mơ lạ kỳ. Theo đó, một sinh linh đặc biệt là Đức Phật sẽ lại đản sinh trên trái đất. Theo truyền thuyết, 4 vị thần bảo vệ thế giới đã khiêng chiếc giường ngủ của Hoàng Hậu lên đỉnh Hi mã lạp sơn. Họ xức nước thơm tinh khiết và trang điểm cho bà với những đóa hoa từ Thiên Đường. Một con voi trắng 6 ngà bay từ cõi trời xuống với vòi gắn l bông Sen và bay thẳng vào bụng bà. Hoàng Hậu sẽ sinh ra Đức Phật.

Nếu xem xét câu chuyện này, và so sánh với chẳng hạn câu chuyện về Chúa Giêsu đều thấy xuất hiện các Thiên Thần. Tôi tạm đưa ra l giả thuyết cơ bản ở đây: có những lực lượng vượt tầm chúng ta đưa ra những dấu hiệu điều gì đó vĩ đại sẽ xảy ra.

Theo truyền thuyết, Đức Phật sẽ lựa chọn thời gian và địa điểm để tái sinh. Cậu bé được đạt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha) nghĩa là “Thực hiện được mọi mơ ước”. Nhưng Hoàng Hậu Maya lâm bệnh và từ trần vài ngày sau khi sinh nở. Tất Đạt Đa được người dì nuôi dưỡng.

Hoàng gia mời các đạo sĩ Bà La môn đến, và sau đó, một nhà tiên tri đã dự đoán về tương lai của đứa trẻ. Theo truyền thuyết, nhà tiên tri thấy trên cơ thể của Thái tử xuất hiện các tướng tốt lành của bậc vĩ nhân bao gồm cả dấu hình bánh xe trong lòng bàn chân của Ngài. Theo truyền thuyết, Đức Phật sinh ra có 32 tướng tốt của bậc vĩ nhân. Những dấu hiệu này chỉ xuất hiện trên 2 loại người: Thứ nhất là Đức Phật và thứ 2 là Đại Đế thống trị toàn thế giới.

Đức Vua Tịnh Phạn vô cùng sung sướng với ý tưởng con trai của mình sẽ trở thành một thủ lãnh vĩ đại. Do đó, nhà vua vô cùng chiều chuộng con trai để ngăn ngừa Thái Tử nhìn thấy những điều khiến cậu rẽ sang con đường Tôn Giáo. Mọi người biết về dấu hiệu này đều biết Tất Đạt Đa là xuất chúng – đặc biệt là Tịnh Phạn Vương. Nhưng nhà vua quan sát sự trưởng thành của con trai nhỏ tuổi, ham hiểu biết và lo lắng về các lời tiên tri: Một ngày nào đó Thái Tử sẽ từ bỏ hoàng cung và trở thành một nhà Lãnh đạo Tôn Giáo, chứ không trở thành thủ lĩnh của Bộ Tộc Thích Ca.

Khi Tất Đạt Đa trưởng thành, nhà vua cực kỳ mừng vui thấy tài năng tuyệt vời của Hoàng Tử trong các môn: Đánh kiếm, Đấu vật và Bắn cung. Nhưng đồng thời nhà vua cũng thấy Hoàng Tử có tư tưởng sâu sắc và cực kỳ ham hiểu biết. Hoàng Tử dường như luôn ham muốn tìm hiểu bản chất của thế giới chung quanh chớ không phải con đường binh nghiệp, mà đối với một vị vua – đây là điều tối cần thiết! Hoàng Tử trẻ Tất Đạt Đa phải học nếu muốn cầm đầu các chiến binh. Tất Đạt Đa được kỳ vọng trở thành vị vua tương lai, người bảo vệ Ca Tỳ La Vệ, một trong những thành phố đầu tiên ở vùng Bắc Ấn.

Cung điện nơi Tất Đạt Đa trưởng thành đã biến mất hoàn toàn và các nhà Khảo Cổ không còn gì để nghiên cứu, nhưng họ đã tìm thấy những vật liệu xây dựng bền vững hơn tại Tilaurakot.

(Lời các nhà Khảo Cổ) Chúng tôi đã cắt một đoạn mương 3mx3m. Chúng tôi có được các lớp trầm tích của địa điểm và sau đó chúng tôi đã kinh ngạc khi phát hiện được l vật liệu được biết đến là l mảnh bát vỡ được sơn đen. Mảnh bát này có tầm quan trọng đặc biệt. Tiến Sĩ Coningham cho rằng nó được làm từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, là thời điểm tất Đạt Đa trưởng thành trong cung điện. Cái chúng tôi có là trung tâm của l ngành kinh doanh nhỏ - Có thể là một khu định cư. Chúng tôi vẫn phân vân không biết có nên gọi nó là l thành phố không? Khu vực trung tâm thuộc về nhà cai trị và phần lớn cư dân sống trong vòng nội địa. Đây chính là vùng nội địa nằm phía bên ngoài thành và cuốn hút Tất Đạt Đa. Do đó, khi 9 tuổi, nhà vua cho phép Hoàng Tử ra ngoài tham gia lễ hội Cày Ruộng thường niên. Hoàng Tử đã tham gia rất háo hức. Cảm nhận đầu tiên về thực tại của cậu về thế giới bên ngoài. Bức tường đã mở ra cho Tất Đạt Đa một cái nhìn mới về thế giới và đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của cậu.