+ Trả lời Chủ đề
Trang 1 của 2 1 2 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 14

Chủ đề: Chánh Pháp Là Gì ?

  1. #1
    chanh_ly
    Guest

    Chánh Pháp Là Gì ?

    Chánh Pháp Là Gì ?


    Hoà thượng Tuyên Hoá
    Chánh Pháp là gì? Phật Pháp được chia thành ba thời kỳ là thời Chánh Pháp, thời Tượng Pháp, và thời Mạt Pháp. Các thời kỳ Pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được ghi chép trong các kinh điển thì không đồng nhất, nhưng hầu hết các bậc cổ đức đều theo thuyết định thời kỳ Chánh Pháp là 500 năm, thời kỳ Tượng Pháp là 1.000 năm, và thời kỳ Mat Pháp là 10.000 năm. Trong thời Chánh Pháp (chánh có nghĩa là chứng), mặc dầu Đức Phật đã diệt độ, nhưng Pháp nghi vẫn không thay đổi. Có giáo pháp, có sự hành trì, và có người chứng đắc quả vị--đó gọi là thời kỳ Chánh Pháp, và còn được mệnh danh là thời kỳ "Thiền Định kiến cố". Trong thời Tượng Pháp (tượng có nghĩa là biểu tượng), tuy vẫn có giáo pháp, có sự hành trì, nhưng số người chứng đắc quả vị thì rất ít; thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ "tự miếu kiên cố". Trong thời Mạt Pháp (mạt có nghĩa là suy vi, yếu kém), Phật Pháp trở nên suy tàn, chỉ có giáo pháp chứ không có sự hành trì, và càng không có người chứng đắc quả vị. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ "đấu tranh kiên cố". Đây là lời giải thích thông thường về ba thời kỳ "Chánh, Tượng và Mạt" của Phật Pháp.

    Thế nhưng, Hòa Thượng định nghĩa về Chánh Pháp như sau:

    "Quý vị thành thật tu hành, không ham hư danh giả lợi, không tham của cúng dường — đó chính là Chánh Pháp trụ thế. Nếu mọi người xuất gia đều có thể giữ giới không đụng đến tiền bạc, đều có thể ngồi Thiền, có thể ngày ăn một bữa lúc giữa trưa, có thể luôn luôn mặc giới y và nghiêm trì giới luật, thì đó là Chánh Pháp đang trụ thế vậy!"

    Thậm chí Hòa Thượng còn giảng nghĩa một cách đơn giản hơn nữa:

    "Nếu quý vị có thể không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, và không nói dối, thì đó chính là Chánh Pháp đang trụ thế vậy!".

    Như vậy, thế nào là thời kỳ Mạt Pháp? Trong quyển 5 của Pháp Hoa Nghĩa Sớ có chép: "Khi [Pháp] trở thành suy vi, đó gọi là thời Mạt Pháp." Trong quyển 6, chương Nghĩa Lâm của Đại Thừa Pháp Uyển có nói: "Chỉ có giáo pháp mà không có gì khác thì gọi là Mạt Pháp." Tuy nhiên, sự mô tả chân chánh tường tận về thuyết Mạt Pháp được xuất hiện trong Kinh Đại Phương Đẳng Đại Tập, phần Nguyệt Tạng, và trong Kinh Pháp Diệt Tận. Về sau, thuyết Mạt Pháp xuất hiện dưới triều đại Bắc Tề (550-377 SCN), trong bài văn phát nguyện của Thiền Sư Huệ Tư ở Nam Nhạc (Nam Nhạc Tư Thiền Sư Lập Thệ Nguyện Văn). Thiền Sư Huệ Tư đã tự ghi lại là ngài sanh vào năm thứ 82 của thời Mạt Pháp và đã chép lại toàn bộ Kinh Bát Nhã cùng nhiều bản văn khác. Ngài đã nguyện sẽ truyền Pháp cho đến khi Bồ Tát Di Lặc đến thế gian này. Đời nhà Tùy (589-618 SCN), Thiền Sư Tín Hành đề xướng "giáo pháp ba giai đoạn" (tam giai giáo) với Nhất Thừa là giai đoạn đầu tiên, Tam Thừa là giai đoạn thứ nhì, và Phổ Pháp (toàn bộ lời dạy của Đức Phật) là giai đoạn thứ ba.

    Trong đời nhà Đường (618-905 SCN), Đại Sư Đạo Trác và Đại Sư Thiện Đạo có nói rằng đương thời là đã vào thời Mạt Pháp, và chủ trương "thời giáo tương ưng" (khế hợp giáo pháp với thời đại), khuyến khích người đời tu pháp môn Niệm Phật. Nói chung, cho dù thời kỳ Mạt Pháp nhất định có xảy đến chăng nữa, thì trong quyển 49 của Thập Tụng Luật, Đức Phật cũng đã nêu ra năm điều có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    Năm điều này là:

    1. Tôn Trọng Chánh Giáo. Điều này có nghĩa rằng các Tỳ Kheo chỉ dựa vào giáo pháp chân chánh mà tiến tu, xa lánh cái nhìn lệch lạc (thiên kiến) của Tiểu Thừa cùng các tà thuyết của ngoại đạo; nhờ đó có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    2. Chỉ Tức Sân Ác (đình chỉ nóng giận và ác độc). Điều này có nghĩa rằng các Tỳ Kheo luôn luôn thực hành hạnh nhẫn nhục, không nóng giận, danh tiếng về đức độ lan xa làm cho mọi người đều quay về và dốc lòng kính ngưỡng; nhờ đó có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    3. Kính Sự Thượng Tòa (tôn kính phụng sự các bậc trưởng thượng). Điều này có nghĩa rằng các Tỳ Kheo tôn kính và phục tòng các vị đại đức ở hàng thượng tọa và chuyên cần cầu học yếu nghĩa Phật Pháp từ họ; nhờ đó có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    4. Ái Lạc Chánh Pháp (trân quý Chánh Pháp). Điều này có nghĩa rằng các Tỳ Kheo trân quý thâm sâu những điều pháp nghe được từ các bậc thượng tọa, trưởng lão kỳ cựu, và vui mừng thực hành theo; nhờ đó có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    5. Thiện Hối Sơ Tập (giải thích kỹ càng cho kẻ sơ học). Điều này có nghĩa rằng các Tỳ Kheo phương tiện diễn nói pháp Đại Thừa một cách khéo léo, làm cho những kẻ mới bắt đầu học Phật Pháp có thể dựa vào để tiến tu trên đường Đạo; nhờ đó có thể khiến cho Chánh Pháp không bị hủy diệt.

    Vào thời Mạt Pháp chúng sanh không thể liên tục phân biệt đuợc chánh tà, đến nỗi nhiều người muốn vào cửa Phật nhưng đã vào lầm cửa mà tu hành. Đó là do họ thiếu "Trạch Pháp Nhãn." Mặc dầu trong thời Mạt Pháp, hiện tượng "mắt cá xen lẫn ngọc trai" [vàng thau lẫn lộn] trong cửa Phật không phải là ít, song nguyện lực của Hòa Thượng rất rõ ràng:

    "Tôi nhất định phục hưng Chánh Pháp. Tôi chỉ cho phép Phật Giáo có Chánh Pháp chứ không có Mạt Pháp! Bất cứ nơi nào tôi đến, nơi đó sẽ có phước đức, trí huệ và được giảm bớt tai ương. Đây là nguyện lực của tôi. Do đó, không quản khả năng giới hạn của mình, tôi đi khắp nơi tuyên thuyết Chánh Pháp và hành trì Chánh Pháp."

    Mặc dầu Đức Phật nhiều lần đề cập đến sự hủy diệt của Phật Pháp, tuy nhiên Đức Phật cũng có ý khắc phục sự hủy diệt của Chánh Pháp. Như trong Kinh Niết Bàn có chép: "Trong thời Mạt Pháp sẽ có mười hai vạn (120.000) vị Đại Bồ Tát trì Pháp, khiến cho bất diệt." Từ đó có thể biết được rằng nguyện lực "không cho phép có Mạt Pháp" của Hòa Thượng há chẳng phải chính là tâm đại từ đại bi của chư Như Lai hay sao?

    Hòa Thượng đã cảm khái rằng:

    Phật Pháp vị diệt, Tăng tự diệt,

    Đạo đức ưng tu, nhân bất tu,

    Lão thật chân thành chiêu vật cơ,

    Hư ngụy giảo hoạt thọ bao ưu.

    Cử thế ngũ trược thanh thậm tiễn.

    Chúng sanh tam túy tỉnh vô thu,

    Ân cần ký ngữ Tăng thanh bối,

    Chấn hưng Phật Pháp tại Tỳ Kheo.


    Tạm dịch:

    Phật Pháp chưa diệt, Tăng tự diệt,

    Đạo đức cần tu, chẳng ai tu,

    Thành thật chân chánh, bị chế diễu,

    Gian ngoa xảo trá, được tán dương.

    Muốn đời Ngũ Trựơc nên tươi sáng,

    Chúng sanh tỉnh hẳn ba lần mê,

    Ân cần nhắn nhủ Tăng Ni trẻ:

    Chấn hưng Phật Giáo cậy Tỳ Kheo!

  2. #2
    chanh_ly
    Guest

    Re: Chánh Pháp Là Gì ?

    Trong Phật Giáo không thể có 99%--nếu chỉ một phần nhỏ trong Phật Giáo là giả dối, thì đó không còn là "Chánh Pháp" nữa! Do đó chúng ta phải phân biệt thật rõ ràng, bởi vì trong các chùa chiền đều có cả "tà pháp và ngoại đạo". Phật Giáo có câu: "Thà cả ngàn năm chẳng vãng sanh, còn hơn một ngày trong ma đạo". Nếu chúng ta thiếu Trạch Pháp Nhãn của "Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối" (trong Kinh Lăng Nghiêm) e rằng chúng ta có thể trở thành quyến thuộc của loài ma mà chính mình lại không hay không biết!

    Nhân đây, người viết xin giới thiệu bảy điểm rất quan trọng trong việc phân biệt chánh tà:

    1. Vị Thầy lấy việc trao đổi chồng vợ, nam nữ hoang dâm, buông thả vô độ, làm mồi nhử để thu hút đồ chúng, và xem như là phương tiện để cứu thế gian; đó là tà.

    2. Vị Thầy khơi dậy lòng tham của đồ chúng bằng cách nói rằng mình có thể dùng bùa, chú, và thần tài để giúp họ trở nên giàu có; đó là tà.

    3. Vị Thầy khuyến khích trực tiếp hay gián tiếp việc giết hai chúng sanh và ăn thịt chúng sanh, còn nói rằng mình có thể dùng bùa chú để cứu độ vong linh của những chúng sanh bị ăn thịt; đó là tà.

    4. Vị Thầy thực hành các loại khổ hạnh kỳ dị, tự làm thương tổn để tác động chúng sanh, và gọi đó là chịu khổ thay cho chúng sanh; đó là tà.

    5. Vị Thầy dùng thần thông và các điều kỳ dị làm "công cụ" để thu hút những chúng sanh có lòng hiếu kỳ; đó là tà.

    6. Vị Thầy tự ý thêm bớt, sửa đổi các quả vị tu hành trong Phật Giáo và giải thích lệch lạc ý nghĩa của "tín, giải, tu, chứng," còn tự cho mình là giáo chủ; đó là tà.

    7. Vị Thầy tự lập ra tông phái rồi tự xưng là giáo chủ mà chính mình lại không có căn bản chân thật về đạo lý Phật Giáo; đó là tà.


    Phần 1: Chánh Pháp và Mạt Pháp

    Một lần nọ, có một Phật tử hỏi:

    "Hòa Thượng thường nói rằng:

    Chân thật nhận lỗi mình,

    Không bàn lỗi người khác,

    Lỗi người tức lỗi mình,

    Đồng thể tức Đại Bi.


    Thế nhưng tại sao Hòa Thượng lại thường công khai phê bình, bàn luận thị phi về người khác và đăng trong Kim Cang Bồ Đề Hải (Vajra Bodhi Sea - nguyệt san của Vạn Phật Thánh Thành)? Như vậy phải chăng là nói một đường, làm một nẻo?"

    Hòa Thượng trả lời:

    "Người sẽ bị đọa địa ngục là tôi chứ không phải ông. Nếu những gì tôi nói là đúng sự thật, thì đó không phải là thị phi; nếu không đúng sự thật, thì tôi chắc chắn sẽ bị đọa địa ngục. Nếu có kẻ nói rằng bậc đại tu hành không bị nhân quả, thì quả báo là 500 đời làm thân chồn (hồ ly).

    Nếu tôi chối bỏ nhân quả--gọi đen là trắng, gọi trắng là đen, nói đúng thành sai, nói sai thành đúng - nói những điều không đúng thật, thì tôi sẽ bị đọa địa ngục Bạt Thiệt (rút lưỡi). Nếu tôi không nói sai, thì tôi không có tội.

    Mạnh Tử có nói: ‘Ta há phải thích biện luận đâu! Ta cũng bất đắc dĩ đó thôi! Nếu cái đạo của Dương Tử và Mặc Tử không tắt đi, thì cái đạo của Khổng Tử chẳng được sáng rỡ vậy!’ (1)

    Tại sao tôi thích nói 'thị, phi’ (điều đúng và điều sai)? Vì trong Phật Giáo có quá nhiều 'thị, phi’!

    Lại còn nào là hắc giáo (giáo phái đen), bạch giáo (giáo phái trắng), hoàng giáo (giáo phái vàng), hồng giáo (giáo phái đỏ) ... thảy đều biến thành nhiều màu sắc khác nhau, đến hoa cả mắt. Ngay cả đen cũng không biết mình là đen, trắng cũng chẳng hay mình là trắng. Cho nên, tôi muốn nói ra những điều mà người khác không dám nói; nếu quý vì có ai không hài lòng thì cũng không sao, tôi cũng chẳng bận tâm. Tôi là kẻ chuyên môn đả phá tà tri tà kiến của người khác!"

    Từ đoạn nói chuyện trên, chúng ta có thể thấu rõ được tâm từ bi bao la không đành lòng thấy chúng sanh bị đau khổ của Hòa Thượng. Đó gọi là "đại từ đại bi, gần như tàn nhẫn", và chính là thiện xảo phương tiện để giáo hóa chúng sanh của bậc Bồ Tát. Hòa Thượng có lần viết bài thơ nói lên quyết tâm của Ngài:

    "Tôi muốn nói lời thật,

    Không sợ bị đánh, chửi.

    Giết tôi, tôi chẳng sợ,

    Giải thoát, có gì ngại?"


    Hòa Thượng Hư Vân đã nói:

    "Nho sĩ là tội nhân của Khổng Tử; Tăng sĩ là tội nhân của Phật." Ngài còn nhấn mạnh: "Kẻ hủy diệt Phật Pháp chính là giáo đồ của Phật Giáo, chứ không phải các giáo phái khác. Kẻ làm cho Lục Quốc diệt vong chính là Lục Quốc, chứ không phải nhà Tần. Kẻ làm suy sụp nhà Tần chính là nhà Tần, chứ không phải Lục Quốc vậy."

    Trong kinh có nói rằng những biểu hiện suy tàn của thời kỳ Mạt Pháp có thể nhận thấy ở khắp nơi - như việc Tăng sĩ cưới vợ, ni cô lấy chồng, giới y cà-sa được thay bằng y phục thế tục, Cư sĩ ngồi trên tòa cao, Tăng sĩ ngồi toà dưới , Tăng sĩ mãi mê thuyết pháp thị danh mà chẳng lo hành trì phẩm hạnh, tinh tường ngũ minh,... v.v ... Có cư sĩ Âu Dương Cánh Vô đã dùng tri kiến riêng của mình mà viết ra Lăng Nghiêm Bách Ngụy Thuyết để phản đối Lăng Nghiêm.

    Lại có Pháp Sư Viễn Tham nói rằng Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Viên Giác, Kinh Pháp Hoa và nhiều kinh khác, cũng như Đại Thừa Khởi Tín Luận đều là giả mạo. Đây chính là những hiện tượng của Thời Kỳ Mạt Pháp.

  3. #3
    chanh_ly
    Guest

    Re: Chánh Pháp Là Gì ?

    Hòa Thượng đã nhiều lần lập đi lập lại lời huấn thị về việc bảo vệ và duy trì Chánh Pháp:

    "Trong Phật Giáo, tất cả kinh điển đều rất quan trọng, nhưng Kinh Lăng Nghiêm còn quan trọng hơn nữa. Phàm hễ nơi nào có Kinh Lăng Nghiêm, thì nơi đó có Chánh Pháp trụ thế. Khi Kinh Lăng Nghiêm bị mất đi, đó là dấu hiệu của Thời Kỳ Mạt Pháp. Khi giảng Kinh Lăng Nghiêm, tôi có nói rằng: 'Vào thời kỳ Mạt Pháp, Kinh Lăng Nghiêm sẽ bị diệt trước nhất. Sau đó dần dần các kinh khác cũng bị diệt theo.' Kinh Lăng Nghiêm là chân thân của Phật, là xá-lợi của Phật, là tháp miếu thờ Phật. Nếu Kinh Lăng Nghiệm là ngụy tạo, thì tôi sẵn sàng chịu đọa địa ngục Vô Gián, vĩnh viễn ở chốn địa nguc, không bao giờ được trở lại thế gian để gặp mọi người nữa! Người nào có thể học thuộc Kinh Lăng Nghiêm, học thuộc Chú Lăng Nghiêm, thì người đó mới là đệ tử chân chánh của Phật!"

    Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói với Tôn Giả Ca Diếp rằng:

    "Trong quá khứ khi Ta là vị vua tên Hữu Đức, để hộ trì Chánh Pháp, Ta đã chiến đấu với những kẻ muốn hủy hoại Chánh Pháp, và đã thiệt mạng. Sau khi chết, Ta được sanh về cõi nước của Phật A Súc Bệ và trở thành đệ tử thượng thủ của Đức Phật đó. Này Ca Diếp! Những người hộ trì Chánh Pháp được quả báo công đức vô lượng như thế. Do nhân duyên hộ trì Chánh Pháp này, mà nay Ta được tướng hảo trang nghiêm và thành tựu được Pháp thân kim cang bất hoại."

    "Pháp" tự nó vốn không có "Chánh, Tượng, Mạt"; nhưng tâm con người thì có sự phân biệt về "Chánh, Tượng, Mạt". Theo Hòa Thượng, bất cứ khi nào còn có người dụng công tu hành, thì khi đó là Chánh Pháp còn đang trụ thế.

    Nếu không còn ai tu hành, không có người nào đọc, tụng, và học thuộc Kinh Lăng Nghiêm, thì đó là Thời Kỳ Mạt Pháp. Bởi trong Kinh Lăng Nghiêm, có phần "Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối" giảng về sát sanh (sát), trộm cắp (đạo), dâm dục (dâm), dối trá (vọng); với phần "Ngũ Thập Ấm Ma” giảng về thiên ma, ngoại đạo cặn kẽ đến tận xương tuỷ; và cả hai phần này đều nói rất rõ ràng rằng khi nào không còn người giữ giới, thì khi đó là Thời Kỳ Mạt Pháp. Giới còn, tức là Phật Pháp còn vậy!

    Vào năm 1990, trong một lần thuyết giảng tại Trung Tâm Lao Công ở Cao Hùng, Đài Loan, Hòa Thượng đã khẩn thiết nói rằng: "Thời Kỳ Mạt Pháp là do những người tại gia chỉ hộ trì cho một người xuất gia riêng lẻ mà tạo thành!". Vì sao lại như thế?

    Hòa Thượng giải thích rằng:

    "Người xuất gia sống một mình một chùa, xưng vương xưng bá, làm vua một cõi. Người tại gia do thiếu Trạch Pháp Nhãn' nên đi theo hộ Pháp cho họ, hộ tới hộ lui, và hộ luôn xuống địa ngục! Vào Thời Kỳ Chánh Pháp, tất cả đại chúng đều sống chung trong một đại tùng lâm của chùa và cùng nhau dụng công tu Đạo. Song, vào thời kỳ Mạt Pháp, người ta lại không thích nếp sống của đại tùng lâm nữa. Mỗi người ở một chùa riêng - ông theo cách của ông, tôi theo cách của tôi - khiến cho người tại gia trở nên hoang mang, bối rối. Họ thấy ông sư nầy tướng mạo trông đẹp đẽ bèn hộ pháp cho ông ta, xây chùa riêng cho ông ta trụ trì. Rồi sau đó lại thấy một vị sư khác cũng không tệ lắm, họ lại xây cho vị đó một ngôi chùa nữa. Hộ tới hộ lui, rốt cuộc là làm cho những người xuất gia sanh lòng tham danh hám lợi đến nỗi phải hoàn tục!"

    Hòa Thượng hoàn toàn không phản đối việc xây chùa, nhưng chỉ vì con người ngày nay quá hưởng thụ, không biết lấy Pháp nghĩa và giáo dục (nghĩa lý Phật Pháp và đạo lý giáo dục) để hóa độ chúng sanh. Họ chỉ biết dùng "chùa lớn" để độ chúng sanh, cùng bày ra phương cách để được nổi tiếng và trở nên giàu có.

    Cái nhìn của Hòa Thượng về việc xây chùa như sau:

    "Tạo chùa không bằng tạo người, tạo người không bằng tạo Phật. Tôi muốn làm một người thợ đúc tượng. Tôi muốn đúc nên những vị Phật sống, những vị Bồ Tát sống, những vị Tổ Sư sống. Tôi còn muốn làm cho tất cả chúng sanh trên toàn thế giới này đều biến thành những vị Phật sống, Bồ Tát sống, Tổ Sư sống luôn nữa! Tôi đả phá đây không phải là những ngôi chùa lớn, mà là các miếu thờ Thổ Địa, miếu thờ Thành Hoàng, miếu thờ của gia tộc. Khi những người ở chùa nhỏ dọn sang chùa lớn, thì tất cả có thể cùng nhau tu hành, như thế mới là nếp sinh hoạt của một đại tùng lâm. Vì sao ở chùa nhỏ thì không được tốt? Bởi vì ở đó thiếu sự gò bó, câu thúc; không cần phải "quán tự tại", mà có thể ăn tự tại, mặc tự tại, đi đứng tự tại, nên rất dễ quên đi việc tu Đạo. Hàng ngày chỉ biết phan duyên, mà tập khí nầy chính là vết thương trí mạng làm băng hoại Phật Giáo!"

    Tôi hy vọng Phật Giáo sẽ ghi lòng tạc dạ những lời này và đừng tiếp tục "bịt tai ăn cắp chuông," dối gạt nhân loại nữa. Hiện nay, các dấu hiệu hỗn loạn trong Phật Giáo tại Đài Loan đã vô cùng nghiêm trọng, có thể nói là đến mức phải báo động rồi; thế nhưng, chẳng có người nào dám đứng ra lên tiếng kêu gọi; mà ai nấy chỉ trố mắt ngồi nhìn cảnh Phật Giáo đang đi dần về hướng diệt vong.

    Cách ba bước là có một tịnh xá, đi năm bước là gặp một ngôi chùa lớn – mọi người đều ra sức tổ chức Pháp hội, siêu độ vong linh, làm lễ quán đảnh, truyền Pháp, xây chùa..., mà chẳng hay biết gì về việc hoằng dương giáo nghĩa, hướng dẫn chúng sanh làm thế nào để chấm dứt sanh tử! (2)

    Giáo nghĩa căn bản của Đức Phật là giáo dục, làm cho tất cả chúng sanh đều có trí huệ, có Trạch Pháp Nhãn, biết nhân biết quả, đoạn ác tu thiện; chứ chẳng phải một mực chú trọng về việc xây chùa dựng miếu, tổ chức Pháp hội! Chúng ta có bao giờ tự hỏi rằng đằng sau những lời giáo huấn nghiêm khắc này của Hòa Thượng ẩn giấu biết bao máu lệ xót xa?

    Như ý nghĩa trong câu “đản năng quang chiếu viễn, bất tích tự phần thân”, Hòa Thượng chỉ muốn ánh sáng từ ngọn đuốc trên tay Ngài soi sáng đuợc càng xa càng tốt, mà chẳng quan tâm đến việc mình bị phỏng! "Dầu gặp muôn vàn khó khăn, tôi vẫn giữ vững ý chí của mình." Đây là lời mô tả chân thật nhất về Hòa Thượng.

    Trần Do Bân

    Dịch từ nguyên bản Hoa Ngữ : Thí Luận Tuyên Hóa Lão Hòa Thượng Đích Phật Học Cống Hiến đăng trên nguyệt san Vajra Bodhi Sea từ số tháng 6, 1996 đến số tháng 10, 1997.

    Ghi chú của Ban Việt Dịch:

    (1) - Mạnh Tử (Mạnh Kha), người đất Châu (372-289 trước Tây lịch), là một nhà hiền triết có công rất lớn trong việc làm sáng tỏ đạo Nho.

    - Dương Tử (Dương Chu), người nước Vệ (khoảng 440-360 trước Tây lich); là một triết gia thời Chiến Quốc; chủ trương thuyết "vị ngã"—chi lo riêng về việc mình mà không hề đếm xỉa đến thiên hạ sự, quyết gạt bỏ ngoài tại chuyện của người.

    - Mặc Tử (Mặc Địch), người nước Sở, là một đại học giả thời Chiến Quốc, làm Đại Phu cho nước Tống; chủ trương thuyết kiêm ái và hòa bình; lập ra học phái Mặc Gia, lấy kiêm ái làm chủ đích.


    (2) Lão Hòa Thượng Quảng Khâm đã từng khai thị rằng: "Trên thế gian hiện nay, đích thực có những người xuất gia như thế. Họ chỉ mưu tính khuếch trương ngôi chùa của mình cho lớn, chiêu dụ tín đồ theo mình cho đông, để khoe là có khả năng trước mặt mọi người! Họ không cho phép tín đồ kính tin các vị Phật ở những chùa khác (chỉ được tin vị Phật ở chùa của họ mà thôi!); và tín đồ cũng chỉ được tin một mình họ thôi, không được tôn kính những người xuất gia khác. Hạng người cống cao ngã mạn, tự tôn tự đại này, chẳng phải vẫn còn lăn lóc trong vòng danh lợi giống như người tại gia bình thường, sống lây lất trong khổ não qua ngày đoạn tháng sao? Phật Pháp vốn chưa suy vi, chính là lòng người đang suy vi vậy!"


  4. #4
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    1/- CÁCH TIN PHẬT

    Đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất của người theo Đạo Phật. Bởi tùy theo Cách Tin của ta mà ta mà kết quả của mọi công năng tu tập sẽ hướng về đó.

    Có hai cách tin Phật. Thứ nhất, gọi là Nhị Thừa, tức là tin có Phật, nhưng cho rằng Phật là thần linh, tất cả mọi người đều là những Chúng Sinh của Ngài, cần phải tôn thờ Ngài, và ráng cố gắng sống thiện, Giữ Giới, ăn chay, tụng Kinh, niệm Phật, mục đích là để cầu xin “được độ”. Khi sống thì tăng ích, tăng thọ. Lúc chết thì được về Tây Phương Cực Lạc của Đức A Di Đà.

    Thứ nhì gọi là NHẤT THỪA, và những điều tôi sắp trình bày sau đây thuộc Nhất Thừa thì tin rằng : ĐẠO là CON ĐƯỜNG, PHẬT là Giải Thoát. ĐẠO PHẬT có nghĩa là con đường mà bất cứ ai đi trên đó, hành đúng theo những gì Phật chỉ dạy đều sẽ được Giải Thoát hay còn gọi là THÀNH PHẬT như Đức Thích Ca và chư vị đi trước đã thành. Vì tất cả chúng ta đều là những Phật Tử, tức là những người CON CỦA PHẬT, có đủ tố chất để nối nghiệp cha, tức là sẽ Thành Phật, như lời Ngài đã Thọ Ký : “CHÚNG SINH LÀ PHẬT SẼ THÀNH”.

    . 2- NGUỒN GỐC ĐẠO PHẬT

    Ai cũng biết Đạo Phật được khởi đầu bằng sự Xuất Gia của Thái Tử Sĩ Đạt Ta cách đây 2.552 năm. Nhân một chuyến đi dạo ra ngoài thành, Thái Tử lần đầu tiên trông thấy người GIÀ, BỊNH, CHẾT, là những điều từ trước đến giờ khi sống trong hoàng cung, với cuộc sống xa hoa, hưởng thụ. Mắt chỉ nhìn thấy những cái đẹp. Tai lúc nào cũng được nghe âm thanh của nhạc điệu du dương, trầm bỗng. Cuộc sống trong nhung lụa vàng son, Ngài chưa bao giờ biết rằng có những cảnh Khổ luôn đè nặng lên kiếp người. Vì thế, những điều trông thấy làm cho Ngài xúc động mãnh liệt nên đã hỏi viên cận thần là Ngài sẽ phải gặp những cảnh khổ như vậy không ? Vị quan đó trả lời là bất cứ ai, dù ở địa vị nào cũng đều không thoát khỏi.

    Về nhà, Thái tử suy nghĩ mãi, Ngài muốn tìm cách để Thoát những cảnh đó. Thấy những vị tu hành có vẻ ung dung, tự tại, nên Ngài cương quyết trốn ra khỏi hoàng cung, bỏ lại vợ đẹp, con xinh, đi theo họ, hy vọng sẽ tìm được lời giải đáp.

    Sáu năm dài, Ngài được Sáu vị Thầy hướng dẫn - sau này gọi là Lục Sư ngoại đạo – Với mỗi vị thầy, do bản chất thông minh, lại có quyết tâm nên Ngài đều học được hết tuyệt kỹ của họ mà vẫn thấy rằng không giúp tìm ra được đáp án cho điều Ngài luôn trăn trở, nên quyết định đi tìm Thầy khác. Khi nghe Ngài bảo sẽ rời họ, vị nào cũng năn nỉ Ngài ở lại và hứa chia đệ tử cho Ngài, nhưng Ngài dứt khoát ra đi.

    Dù Ngài sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ, hành thân xác đến mức tối đa như lõa thể, khổ hạnh, nhịn đói, nhịn khát….nhưng kết quả chỉ là học được những phép thuật, thần thông, là những thứ Ngài không thiết tha..trong khi đó, thân xác ngày càng suy kiệt. Cuối cùng, Ngài thấy rằng “tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối” nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, và trải tòa cỏ, ngồi THIỀN ĐỊNH dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện : “Chỉ đứng dậy khi nào tìm ra được Con Đường Giải Thoát””.

    Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài đã tìm ra điều mình cần tìm, nên xả Thiền đứng dậy, hân hoan tuyên bố : “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao nhiêu kiếp. tìm mãi mà không thấy kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi, rui, mè của nguơi đã tan nát cả rồi, trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn, ta đã hoàn toàn giải thoát”. Sau đó Ngài dành suốt cuộc đời để rao giảng “Chân Lý Giải Thoát” đó.

    Đạo Phật tính từ Đức Thích Ca cho tới Lục Tổ Huệ Năng là Tổ cuối cùng thì có tất cả là 33 vị nối tiếp nhau để truyền. Nhưng cho đến thời Lục Tổ Huệ Năng thì Đạo Phật đã phổ biến khá rộng, được nhiều người tin theo. Vì thế một số người không thật tâm tu hành, không biết tu hành để làm gì, chỉ thấy Y BÁT là quyền lực đi đôi với quyền lợi của Đạo. Có Y Bát là được làm Tổ, được mọi người trong vọng nên tranh dành quyết liệt đến nỗi sẵn sàng giết cả người giữ nó hầu chiếm đoạt !. Chính vì vậy, Ngũ Tổ đã bảo Lục Tổ dấu đi không truyền nữa, vì nếu còn truyền thì tính mạng người giữ Y Bát rất nguy. Y BÁT mất dấu kể từ đó.

    Đệ tử của Lục Tổ về sau một thời cũng rất nổi trội với 5 Phái Thiền, là Pháp Nhãn Tông, Vân Môn Tông, Qui Ngưỡng Tông, Lâm Tế và Tào Động. Nhưng theo Thiền Sư Nguyệt Khê viết trong Cội Nguồn Truyền Thừa thì : “Pháp Nhãn Tông truyền sang Cao Ly. Vân Môn Tông đã thất truyền từ lâu, chỉ còn lại ba Tông Qui Ngưỡng, Tào Động và Lâm Tế, nhưng con cháu của các Tông chỉ lấy cội nguồn gia phổ để truyền thừa với nhau, ghi trên pháp quyển là Thiền Sư đời thứ mấy mà thôi. Nếu hỏi về gia phong, Tông chỉ thì ngơ ngác chẳng thể trả lời” ! (tr. 53)

    Thiền Sư Nguyệt Khê đã tịch từ năm 1965 hẳn là quyển sách đó phải được viết trước đó nhiều năm. Như thế, nhận xét về các Tông Thiền của Ngài cũng phải cách đây gần 50 năm, và cho đến hiện này con cháu các Tông cũng vẫn tiếp tục kế thừa, nhưng có phục hồi lại được nghiệp Tổ hay không thì tôi không rõ, vì không có nghiên cứu về họ. Riêng Tông Tào Động, thì tôi đọc được quyển Chân Thiền ZEN của Thiền Sư TAISEN DESHIMARU tự xưng là Tổ hiện đời của Phái Thiền Tào Động và là Tổ đời thứ 84 tính từ Đức Phật Thích Ca. Nhưng những gì ông viết về Thiền trong đó không thấy giống như những gì Lục Tổ thuyết về Thiền Định trong Pháp Bảo Đàn Kinh, dù Phái này cũng bắt nguồn từ một trong những đệ tử của Hạnh Tư Thiền Sư, là người đắc pháp với Lục Tổ. Thứ nửa là Thiền Sư Taisen Deshimaru tự xưng mình là Tổ thứ 84 của Đạo Phật là không đúng, vì trong Pháp Bảo Đàn Kinh cũng viết rõ là Hạnh Tư Thiền Sư được Lục Tổ kêu đi truyền đạo, nhưng không hề có việc Ngài được truyền Y Bát !

    Chính vì vậy, theo tôi, người nghiên cứu Đạo Phật tốt nhất là chỉ nên đọc chính Kinh và những kinh được các Tổ, là những người chính thức được truyền Y Bát giảng dạy mới không sợ bị nhầm lẫn. Vì mỗi đời Tổ, số người theo học rất đông, nhưng Y Bát chỉ được truyền cho một người xuất sắc nhất, đã Thấy Tánh, để cho đời sau lấy đó làm tín hướng, vì biết chắc chắn rằng lời vị đó không sai tông chỉ của các đời Tổ trước. Còn những người khác, tuy cùng học một thầy, nhưng trình độ chưa đủ để giảng dạy nên không được truyền. Như trường hợp của Sư Thần Tú, dù học với Ngũ Tổ trước cả Ngài Huệ Năng và làm đến chức Giáo Thọ trong chùa. Nhưng vì chưa Thấy Tánh nên không được truyền Y Bát, và những việc Sư và các đệ tử làm sau đó được ghi lại trong Pháp Bảo Đàn Kinh, đã chứng minh là Ngũ Tổ không nhầm lẫn khi trao Y Bát cho Lục Tổ Huệ Năng.

  5. #5
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    3.- ĐỨC THÍCH CA ĐÃ ĐẮC NHỮNG GÌ GỌI LÀ “ĐẮC ĐẠO” ?

    Với những người sẵn niềm Tin nơi Đạo Phật thì mặc nhiên chấp nhận những gì được nghe thuyết hay Kinh dạy rằng Đức Thích Ca “Đắc Đạo”. Do đó, họ không cần tìm hiểu xem Đạo Ngài “đắc” đó là Đạo gì ? Có ích lợi gì cho mình hay không ? Ngài đã làm gì để Đắc ? Chúng ta có thể Đắc được như Ngài hay không ? Riêng tôi, do không chấp nhận những gì người khác nói, nên đã bỏ ra một thời gian khá dài, lục tìm trong bao nhiêu sách vỡ, tài liệu, để rồi bị thuyết phục bởi những lý lẽ và tính chất chân thật của Đạo Phật thu nhiếp, nên kể từ lúc đó tôi lại say mê đọc Kinh và cố gắng theo hướng dẫn trong Kinh để thực hành đôi chút. Cuối cùng, tôi gom lại những gì Đức Thích Ca đã thuyết rải rác trong các Kinh về lý do vì sao chúng ta nên tu hành theo Đạo Phật cũng như Ngài Đắc gì để gọi là “đắc Đạo” như sau :

    Đà SINH ra làm kiếp người là không ai tránh khỏi cảnh GIÀ, BỊNH, CHẾT. Do kiếp sống tuy được cho là ngắn ngủi, nhưng cũng kéo dài cả 100 năm. Thời gian đó, mỗi người chúng ta phải chịu đựng biết bao nhiêu điều bất như ý : Cầu mong mà không được. Người thương thì không được gần. Kẻ ghét cứ phải gặp gỡ. Ngay cả thiên nhiên cũng không tha. Nào nắng, mưa, gió, bão, động đất, thiên tai, lũ lụt cũng rình mò chờ tấn công tấm thân yếu ớt của con người. Nội thân thì cũng tự sinh ra bịnh, cộng với sự tấn công của thời tiết cũng làm cho ta nhức đấu, sổ mũi không yên. Dù vậy, nếu được sống yên ổn, vợ chồng con cái đề huề, cùng nhau chia sẻ những khổ, vui của cuộc sống là cả một hạnh phúc lớn. Nhưng nào mấy ai được toàn vẹn ! Đang yên vui bỗng bị chia lìa. Đang làm ăn phát đạt bỗng gảy đổ vì tai bay, vạ gởi. Đang khỏe mạnh bỗng phát hiện mình đang mang một căn bịnh hiểm nghèo ! Chỉ cần một cú té ngà, va đập là có thể mang thương tích, có khi còn mất mạng ! Chừng đó đủ cho ta thấy cái Thân này thật mong manh, không có gì bền chắc, không đáng cho ta nương tựa.

    Cuộc sống là phải liên tục đối phó với cơm, áo, gạo, tiến không bao giờ yên. Thoát được nỗi buồn này thì cảnh khổ khác lại ập tới. Vậy mà trong thời gian chưa biết đến Đạo Phật đôi khi ta đã vì cái Thân mà giận, hờn, thương, ghét, mong cầu, khổ vui biết bao nhiêu lần. Chính vì có cái Thân và có gia đình nên phải cần có vật chất để phục vụ cuộc sống, mà hang hóa ngày càng tinh xảo, hấp dẫn hơn. Tiền kiếm được thì có giới hạn mà nhu cầu ngày càng đòi hỏi. Vì thế, có người không cưỡng được lòng Tham đã tìm cách để chiếm đoạt những thứ không do công sức lương thiện của mình mà Đạo Phật gọi là Tạo Nghiệp. Rồi cuộc sống thì chưa kịp hưởng gì mà thần chết đã lù lù đến. Cái Chết là điều đáng sợ nhất đối với con người. Trước hết là mất hết những người ta thương, những gì ta thích, đã phải chịu bao nhiêu vất vả, gian khổ để có được. Sau nữa là không biết điều gì chờ đợi mình sau khi rời cái Thân, trong khi chưa hề chuẩn bị gì cho chuyến đi xa vĩnh viễn đó. Cả người thân cũng thế. Khi còn sống bên nhau thì hờ hững, đôi khi còn giận hờn, gây gỗ, tranh dành, hơn thua với nhau. Đến lúc phải xa lìa nhau mới thấy tiếc nuối, xót xa. Nhưng không còn có thể làm gì cho nhau được nữa, chỉ còn biết khóc lóc, kêu gào thảm thiết. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca cho rằng : “Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn biển cả”.

    Nhưng phải chi cuộc sống chấm dứt theo cái Chết thì không có gì đáng nói, vì làm tốt hay làm xấu đều cũng trở về cát bụi ! Trái lại, tất cả chỉ kết thúc đối với Cái Thân. Trong Thân này, mỗi người chúng ta lại có một cái Phật gọi tên là CHÂN TÂM. Cái đó mới THẬT LÀ MÌNH. Nó trường tồn, bất biến. Vì thế, sau khi Thân cũ hết Nghiệp, lại phải nhận lấy một cái Thân mới để trả những gì đã gieo, gọi là “hưởng Quả”, nếu trước kia mình gây Nhân Thiện. Và “Trả Quả”, nếu trước kia mình gây Nhân Ác. Cuộc sống mới lại tiếp tục. Cứ thế vòng quanh trong 6 đường : Địa Ngục, Ngạ Quỷ, súc Sinh, Nhân, Thiên, A Tu La….tùy theo Nghiệp nặng hay nhẹ gọi là Luân Hồi. Con đường Tu Phật là để kết thúc chuỗi LUÂN HỒI đó. Cho nên, cái “Đắc Đạo” của Đức Thích Ca chính là tìm ra con đường Giải Thoát khỏi Sinh Tử Luân Hồi. Thoát Sinh Tử Luân Hồi thì cũng Thoát Khổ, nên Đạo Phật còn được gọi là Đạo “Độ Khổ”.

    4.- ĐỨC THÍCH CA ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ ĐẮC ĐẠO ?

    I)- Ngài đã THIỀN ĐỊNH

    Đức THÍCH CA chỉ NGỒI THIỀN có 49 ngày đêm.

    THIỀN ĐỊNH là là một Độ trong LỤC ĐỘ của đạo Phật. LỤC ĐỘ gồm có : BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC, TINH TẤN, THIỀN ĐỊNH, TRÍ HUỆ.

    Mục đích của Lục Độ là để Độ cho Lục Đạo, tức là 6 việc làm, hỗ trợ cho nhau để giúp gở dần sự dính mắc vào cái THÂN. Như vậy, nếu ta chỉ tách riêng ra một Độ Thiền để Hành thì không thể nào đạt được mục đích. Cũng giống như một món bánh phải gồm đủ sáu nguyên liệu, mà ta chỉ dùng l nguyên liệu thì không thể làm ra cái bánh được.

    Mọi người đều biết Đức Thích Ca đã nhờ 49 ngày đêm Thiền Định mà Đắc Đạo. Nhưng tất cả những thế hệ tu hành về sau cũng đua nhau Ngồi Thiền. Họ cũng Ngồi bất động theo thế Kiết Già hay Bán Già. Ngồi nhiều thời, nhiều năm tháng.. nhưng tại sao không thấy có người đắc đạo ? Vậy thì cái khác nhau giữa NGỒI THIỀN của Đức Thích Ca và của người thời nay ở đâu ?

    Qua nghiên cứu, tôi thấy : mọi người chỉ bắt chước Đức Thích Ca về cái TƯỚNG THIỀN, tức là Ngồi kiết già hay Bán già, thân bất động, mắt khép hờ…Nhưng TƯỚNG NGỒI thì giống, còn Đức Thích Ca làm gì trong lúc Ngồi Thiền thì không ai biết, nên không thể bắt chước. Riêng phần chúng ta, nếu ai có Ngồi Thiền sẽ thấy : Trong lúc cái Thân Ngồi bất động thì tư tưởng bắt đầu hoạt động không ngừng, Nó hết nghĩ đến việc này, lại chạy sang nghĩ tới điều khác. Dẹp cái này, cái khác lại mọc lên, cứ thế liên tục diễn ra. Dùng phương pháp đếm hơi thở để kềm nó thì lúc nhớ, lúc quên. Thỉnh thoảng lại không nhớ mình đã đếm tới số mấy ! Như thế dù cho có Ngồi một giờ hay 2 giờ liên tục nào có được ích gì ? Hoặc có môn phái dạy cứ Ngồi, bỏ tư tưởng trống không, đừng nghĩ gì hết, hết xuất lại Xả Thiền ! Thử lấy lý luận đời để xét : Nếu ta ngồi đó mà tư tưởng chạy nhảy lung tung thì hóa ra ta chỉ kềm được cái thân, đâu có khống chế được cái tâm ? Nếu có kềm được cái tâm, nó không còn chạy nhảy lung tung, nhưng lại bỏ khơi khơi đó, như người tập trung dầu, đèn, rồi để đó, không soi rọi thì thấy được gì ? Có người ngồi đó rồi bị hôn trầm như người ngủ say. Như vậy giờ Ngồi Thiền của ta khác nào hai loại học sinh. Cũng vào lớp, nhưng đứa thì ngồi lơ láo, đứa thì ngồi ngủ gục. Như vậy hết tiết học nó tiếp thu được chi ? Hoặc có người xuất hồn đi đến những cảnh giới khác lạ, tiếp xúc, học hỏi với những tiên, thần, mà quỷ, thì đó là ma cảnh. Người ngồi như thế dần dà có thể có những suy nghĩ, hành động bất thường mà mọi người hay gọi là tẩu hỏa nhập ma.

    Đối chiếu với việc Ngồi Thiền của Đức Thích Ca, ta thấy : trước khi NGỒI THIỀN Ngài có mục đích rõ ràng và không ngừng trăn trở để tìm lời giải đáp. Như vậy, với Ngài, THIỀN là phương tiện Ngài dùng mục đích là để tập trung cả Thân và Tâm rồi tư duy tìm đáp án. Bởi rõ ràng, qua lời tuyên bố khi xả Thiền thì Ngài đã TÌM ĐƯỢC KẺ LÀM NHÀ. Như vậy, nếu thời gian NGỒI đó, Ngài không tìm hắn thì làm sao gặp ? Chính vì vậy mà THIỀN ngày xưa được gọi là Tĩnh Lự hay TƯ DUY TU. Tức là mượn phương tiện Ngồi Thiền để tập trung mà Tư Duy.

  6. #6
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    II)- CÓ 2 CÁCH NGỒI THIỀN :

    1)-- THIỀN HỮU TƯỚNG, tức là NGỒI bất động, tay chân khoanh lại, mắt

    Khép hờ

    2/- THIỀN VÔ TƯỚNG : Không cần NGỒI khoanh tay, chân, khép mắt…. Có thể ngồi, nằm, đi, đứng tùy ý. Chỉ cần tập trung tư tưởng mà TƯ DUY. Vì thế, nếu cứ nhất định THIỀN là phải NGỒI thì ta thấy LỤC TỔ HUỆ NĂNG không hề NGỒI THIỀN. Vì 8 tháng ở sau chùa Ngài chỉ giả gạo, chẻ củi, không có thì giờ để NGỒI THIỀN mà vẫn được Truyền Y Bát chứng tỏ THIỀN có tướng hay không không quan trọng. Chủ yếu là giữ cái tâm không bị xao động để tư duy các pháp của Đạo Phật, sinh ra trí hiểu biết thuộc về Đạo Phật gọi là TRÍ HUỆ mà thôi.

    III.- TẠI SAO CHÚNG TA CŨNG NGỒI THIỀN GIỐNG NHƯ ĐỨC THÍCH CA MÀ KHÔNG ĐẮC ĐẠO ?

    Có 3 lý do :

    a)- THIỀN ĐỊNH là 1 độ trong Lục Độ, chúng ta chỉ sử dụng riêng một Độ THIỀN ĐỊNH thì không đủ.

    b)- Không có mục tiêu là “Con đường Giải Thoát” để tìm.

    c)- Ngồi đó rồi suy nghĩ vẩn vơ. Thả hồn đi cõi khác. Bặt đi đâu mất hay ngủ

    gục !

    IV- CHÚNG TA NÊN NGỒI THIỀN NHƯ THẾ NÀO ?

    Thiền Định đã được Đức Thích Ca sử dụng, mục đích là để tìm Con Đường Giải Thoát. Con đường này Ngài đã tìm ra rồi, Kinh sách viết đã nhiều, chúng ta đâu có gì để khám phá nữa. Vì thế, chúng ta chỉ cần kiểm chứng lại những gì Ngài đã nói, đã làm, đã thành tựu, xem nếu những điều đó đúng và thích hợp với ta thì thực hành theo. Mục đích Thiền Định là để sinh Trí Huệ. Vì thế, không bắt buộc phải NGỒI THIỀN có tướng, chỉ cần tập trung cái Tâm để Soi, Quán, Tư Duy. Khi ta tìm được Trí Huệ là ta đã Thiền Định thành công vậy.

    5.- LÝ DO ĐỨC THÍCH CA ĐƯA ĐẠO PHẬT RA GIỮA THẾ GIAN

    Mục đích của Đức Thích Ca khi đưa Đạo Phật ra giữa thế gian được giải thích rõ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Ta thấy các chúng sanh bị những sự Sanh, Già, Bịnh, Chết, lo buồn khổ não nó đốt cháy. Cũng vì năm món dục tài lợi mà bị các điều thống khổ. Lại vì tham mê đeo đuổi tìm cầu nên hiện đời thọ các điều khổ, đời sau thọ khổ Địa Ngục, Súc Sanh, Ngạ Quỷ. Nều sanh lên trời và ở trong loài người thời nghèo cùng khốn khổ. Bị khổ về người yêu thường xa lìa, kẻ oán ghét lại gặp gỡ. Các món khổ như thế mà chúng sanh chìm trong đó vui vẻ dạo chơi, chẳng hay chẳng biết, chẳng kinh, chẳng sợ, cũng chẳng sanh lòng nhàm, không cầu giải thoát, ở trong nhà lửa tam giới này đông tây rảo chạy, dầu bị khổ nhiều vẫn chẳng lấy làm lo” (DPLH tr.117)

    Và :
    Tự tại nơi các pháp

    Vì an ổn chúng sanh

    Nên hiện ra nơi đời

    Pháp ấn của ta đây

    Vì muốn làm lợi ích

    Cho thế gian nên nói (DPLH tr. 139)


    Đạo Phật sở dĩ có mặt ở trần gian là vì con người, để đưa ra con đường cho những ai tin, hành theo đó thì sẽ được Thoát Khổ, được an ổn trong kiếp sống. Vì thế, Đạo Phật cũng có tên gọi khác là “Đạo Độ Khổ” như chúng ta đều biết. Hoặc gọi là Đạo Nhân Quả vì dùng Nhân Quả để giáo dục con người, cho họ bớt gây Nghiệp để kiếp sống hiện tại được an vui và những kiếp về sau sẽ được hưởng những quả lành do những việc tốt đẹp đã gây tạo trong kiếp trước.

    Khi chưa biết đến luật Nhân Quả, con người thường gán cho Thượng Đế, Phật, hay thần linh đã ban ơn, giáng họa cho mình. Vì thế họ cúng kiến, ca tụng để xin ơn. Tạ ơn khi được điều mong cầu. Oán trách khi gặp những điều bất như ý. Nhưng theo Phật thì không có việc “trời làm mà Phật chịu”, tức là mọi người phải chịu trách nhiệm những việc mình đã làm. Dù kết quả không đến ngay lập tức, nhưng việc tốt hay xấu, sớm muốn gì cũng đều sẽ trả lại cho người gieo. Không phải là sự thưởng phạt của thượng đế, Phật, hay thần linh nào. Có vậy thì mới chí công. Còn nếu cứ cầu xin mà được, thì mọi người cần gì phải sống lương thiện, phải làm điều tốt ? Rồi thì người làm tốt mà không cầu xin thì không được ban cho. Kẻ làm xấu mà cứ dai dẳng cầu xin, cúng kiến cho nhiều thì được như ý. Như vậy khác gì cảnh bát nháo của cõi trần ? Thánh thần mà còn ăn của đút lót để đổi xấu thành tốt liệu có đáng cho ta tôn thờ ? Cho nên, tin vào nhân Quả thì vừa hết mê tín, thần quyền, và vì biết rằng không thể dùng lễ vật và lời cầu xin để xóa tội được thì con người sẽ không làm ác, để cõi trần gian được an vui. Đó là mục đích của Đạo Phật vậy.

    6.- THẾ NÀO LÀ THÀNH PHẬT ?

    Qua Kinh sách, chúng ta thấy lý do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta phát tâm rời bỏ hoàng cung, vợ đẹp, con khôn - sau này gọi là đi tu - là để tìm cách thức để Thoát Sinh, Lão, Bịnh, Tử. Qua bao nhiêu phương pháp mà thất bại, cuối cùng Ngài đã dùng THIỀN ĐỊNH, tập trung tất cả Thân và Tâm để tìm. Khi Thấy được cách thức Thoát Sinh Tử thì gọi là Đắc Đạo. Do đó, nghĩa của Đắc Đạo là “Được con đường” chẳng phải là điều gì linh thiêng, huyền bí hay cao siêu nào. Con đường đó gọi là “CON ĐƯờNG GIảI THOÁT”. Vì vậy, Thành Phật chỉ có nghĩa là “thành tựu công việc tự Giải Thoát” cho bản thân người thành, không phải là thành một “Ông Phật” như là một vị Thần Linh có quyền ban ơn, giáng phúc, cứu khổ, ban vui để cho người khác tôn thờ. Người Giải Thoát được cũng không thể “Độ” được cho ai khác, bằng chứng là con một của Đức Thích Ca là La Hầu La, và em là Ngài Anan cũng phải tự mình tu hành, và mọi người về sau cũng thế, nên Đạo Phật gọi là đạo “TỰ ĐỘ”. Nếu Phật đã “Độ tha” được thì còn bắt em là Ngài Anan và con là La Hầu La phải đi tu làm chi !.

    Chính vì không đọc Kỹ Kinh nên hiểu sai về Phật. Cho nên người tu Phật cũng có hai hạng. Hoặc xem Phật là Thần Linh để tôn thờ, cho bất cứ ai có ý tưởng muốn thành Phật là tăng thượng mạn. Hoặc học được ít gì trong Đạo Phật thì lại tưởng rằng mình sắp thành Phật, ngồi trên tòa sen cứu độ cho tất cả mọi người nên kiêu mạn ! Điển hình là trong các Công Án của các Thiền Sư đời trước, ta thấy có vị còn nói với đệ tử là chỉ cần giải được công án đó là làm thầy của Phật ! Trong Vô Môn Quan - sách mà Thiền Tông xem đó là tài liệu để “Chân hưng Thiền Tông” - ta thấy có vị còn ra công án là “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của những kẻ ấy”. Những kẻ dám phát ngôn cao ngạo như thế, bảo đảm họ càng gia công hành trì thì càng xa rời Đạo Phật mà thôi, vì tu theo Đạo Phật là để bỏ cái Giả Ngã, mà con đường họ đang hành trì thì lại làm lớn thêm cái giả Ngã !

    7.- PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH ĐỂ THÀNH PHẬT THEO CHÍNH KINH.
    Thời xưa cũng như thời nay, con người cũng không khác, cũng thân thể, đầu mình, tay, chân, tư tưởng… cũng lục dục, thất tình…vì thế cách thức tu hành mấy ngàn năm về trước hay triệu triệu năm về sau cũng không thay đổi. Kinh khẳng định là mọi người đều có thể tu hành để THÀNH PHẬT. Sau đây là những phương pháp tu hành thành Phật được trích ra từ một số kinh.

    1)- KINH VIÊN GIÁC - CHỈ QUÁN SONG TU : “Đây là phương tiện tu hành của hành giả, tức BA PHÁP QUÁN. Nếu các chúng sinh tinh tấn siêng tu ba pháp này được hoàn toàn tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy (V.G.tr. 176)

    2)- Kinh LĂNG NGHIÊM : “Anan, hiện nay các căn của ông, nếu hoàn toàn gở hết khắn chặt nơi trần cảnh, trong chinh phục được phiền não, trở về Chân Tâm rồi, thì hiện tiền thân căn và thế giới đều không còn, cũng như nước nóng băng tan Ông liền chứng được quả Phật”. (L.N. tr.149)

    3))- SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT :

    - “Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phât (tr. 128)

    - “Nếu Thấy Tánh chiên đà la cũng thành Phật được (129)

    - “Phật trước Phật sau chỉ nói pháp truyền Tâm, ngoài ra không pháp nào khác. Nếu thấy rõ pháp ấy thì phàm phu ngu dốt không biết một chữ cũng vẫn là Phật (130)


    Như vậy chúng ta có thể kết luận là những người chưa hành trì theo các pháp như Kinh hướng dẫn trên, thì chưa thật sự là người tu Phật.

  7. #7
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    8.- 32 TƯỚNG TỐT CỦA PHẬT

    Nếu tu hành theo như lời Kinh dạy là chỉ Tự Độ cho mình, chỉ làm các việc như CHỈ, QUÁN, CHỈ QUÁN SONG TU, THẤY TÁNH, THẤY ĐƯỢC BỔN TÂM là Thành Phật, như vậy tại sao nói rằng Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp mà từ trước đến nay mọi người vẫn ca tụng, tôn thờ Phật vì những tướng này? Những tướng đó do đâu mà có ?

    Đọc Kinh ĐẠI PHUƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN ta sẽ thấy mô tả rõ, 32 tướng đó là :

    1.- Bàn chân bằng phẳng

    2.- Bàn chân có nghìn xoáy ốc

    3.- Ngón tay dài và nhỏ

    4.- Gót chân đầy đặn

    5.- Ngón tay có nhiều vân

    6.- Chân tay mềm mại

    7.- Bụng tròn trĩnh, đầy đặn như bụng kim sắc lộc vương

    8.- Mắt cá chân bằng phẳng

    9.- Tay dài tới đầu gối

    10.- Nam căn ẩn kín như tượng mã vương

    11.- Mình tròn trặn, đầy đặn như cây Ni câu đà

    12.-Lông trong mình đều nghiêng lên phía trên

    13.- Lông đều xoáy theo bên phải

    14.- Thân mình sắc vàng

    15.- Thường chiếu ánh sáng cách thân 8 thước

    16.- Lớp da mịn màng, không dính bụi bặm

    17.- Bảy chỗ đầy đặn, bằng phẳng

    18.- Nửa mình trên như mình sư tử

    19.- Cánh tay tròn lẳn

    20.- Xương ngực bằng phẳng

    21.- Thân hình vạm vỡ

    22.- Trong miệng có 40 răng

    23.- Răng nhỏ khít và rất đều

    24.- Răng trắng như ngà

    25.- Hàm vuông như hàm sư tử

    26.- Khi ăn thấy hương vị thượng hảo

    27.- Đỉnh trên trán nhô lên thành tướng nhục kế

    28.-Lưỡi dài và rộng

    29.- Tiếng như tiếng Phạm Âm

    30.- Sắc mắt xanh biếc

    31.- Mắt như mắt ngưu vương

    32.- Khoảng giữa lông mi có một sợi lông dài và trắng

    Những tướng này do các việc làm được ghi rõ như sau :

    “Như Lai đã từng trong vô lượng a-tăng-kỳ kiếp dốc lòng tu trì tịnh Giới, cho nên nay mới được cái tướng bàn chân bằng phẳng.

    Nhờ sự cúng dàng cha mẹ, Hòa Thượng, Sư Trưởng và các bậc có đức nên được tướng nghìn xoáy ốc dưới bàn chân.

    Đối với chúng sanh không mang lòng làm hại, không có ý tưởng cướp đoạt. Hễ thấy cha mẹ, Hòa Thượng, Sư Trưởng và những bậc có đức thì rq xa đón chào, sửa đặt tòa ngồi, cung kính lễ bái, dẹp bỏ lòng kiêu mạn, nhờ thế mà nay được tướng ngón tay dài và nhỏ.

    Có đủ ba hạnh kể trên, nên được tướng gót chân đầy đặn.

    Nhờ dùng Tứ nhiếp pháp giúp đỡ chúng sinh, nên được tướng ngón tay có nhiều vân.

    Dùng các thứ dầu thơm tắm gội cho cha mẹ, Sư trưởng và các bậc có đức, nhờ thế mà được tướng chân tay mềm mại.

    Nhờ công tu tập các pháp lành không biết chán mỏi, nên được tướng bụng tròn trặn, đầy đặn.

    Nghe pháp vui vẻ, thích nói lại cho người khác nghe, và ưa làm việc đạo, nhờ thế mà được tướng mắt cá chân bằng phẳng.

    Nhờ Ba Nghiệp thanh tịnh, khám bệnh, cho thuốc, phá trừ lòng kiêu ngạo. Ăn uống có chừng mực, nên được tướng tay dài bằng gối.

    Thấy người chia rẽ dùng lời nói khéo cho người ta đoàn tụ với nhau. Biết tự tu hỗ thẹn, lại dạy người tu. Nhờ thế mà được tướng năm căn ẩn kín.

    Tự mình tu sạch Ba Nghiệp lại dạy người khác tu. Nếu chúng sinh nào đau ốm thì tìm cách chạy chữa, như thế mà được tướng thân mình tròn lẵn.

    Nhờ lòng vui vẻ nghe pháp, lại hay nói lại cho người khác nghe mà được tướng lông trong mình đều hướng lên phía trên.

    Suy nghĩ ý nghĩa sâu xa của các pháp, ưa tu các pháp lành, cúng dàng cha mẹ, Sư Trưởng và những bậc có đức. Nếu đi dọc đường gặp pháp hoặc Tăng phương đều cúng dàng. Giữa đường nếu có gạch đá, gai góc hay vật bẩn thỉu thì dọn đi, nhờ thế mà được cái tướng lông trong mình đều xoáy về bên phải.

    Nếu đem thức ăn hoặc đồ châu báu cho người thì không bao giờ sinh lòng sân hận, nhờ thế mà được hai tướng : Một là sắc vàng, hai là thường có ánh sang và lại được tướng da mịn màng, không dính bụi nhơ.

    Thường giúp cho người những thứ cần dùng nhờ thế mà được tướng bảy chỗ đầy đặn.

    Tự mình dẹp bỏ tính kiêu mạn, biết điều hòa tính tình tùy theo sở thích của mọi người. Như pháp tu hành để diệt các điều bất thiện và tăng trưởng các pháp lành. Nhờ thế mà được tướng nửa mình trên như mình sư tử, tướng cánh tay tròn lẳn và tướng xương ngực bằng phẳng, tướng ngón tay nhỏ và tướng thân mình đầy đặn.

    Nhờ không nói lưỡi hai chiều và làm cho những người tranh dành phải hòa thuận mà được tướng có 40 răng, tướng răng khít không hở kẽ, tướng răng bằng nhau, đều đặn.

    Nhờ tu các nghiệp từ bi, thiện lạc mà được tướng răng trắng như ngà.

    Thấy người thiếu thốn vui vẻ giúp đỡ, đón đưa. Nhờ thế mà được tướng hàm vuông như hàm sư tử.

    Coi hết thảy chúng sinh như con một, vì thế mà được tướng ăn thức gì cũng thấy mùi vị thượng hảo.

    Thường bố thí chúng sinh pháp vị vô thượng. Gặp người hay quên thì cho trí nhớ. Tư mình giữ Năm Giới lại dạy người cùng giữ. Tu tập lòng từ. hay bố thí pháp cho mọi người. Nhờ nhân duyên ấy mà được tướng nhục kế, tướng lưỡi dài rộng.

    Cứ như thực tế mà nói pháp cho mọi người vui mừng. Nói những lời êm ái, dịu dàng, không đúng thời không nói. Do đó mà được tiếng Phạm Âm.

    Chứa góp lòng thương. Coi hết thảy chúng sinh như cha mẹ. Nhờ nhân duyên ấy mà được sắc mắt xanh biếc và tướng mắt như mắt ngưu vương.

    Thấy những người có đức thành thật tán thán, do đó mà được tướng bạch hào.

    Đó là 32 tướng, tuy có những nhân duyên khác nhau, nhưng nhân duyên chính là cái nhân “Trì Giới” và “Tinh Tiến”. Tại sao vậy ? Vì nếu không chịu trì giới và siêng tu tinh tiến thì đến thân người còn chẳng được làm, nói chi đến 32 tướng.

    (ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN tr. 461)

    Tạm trích lời Phật giải thích về 32 tướng để chúng ta thấy rõ ràng : đó không phải là những gì huyền bí, linh thiêng, cao siêu nào, mà chỉ là những việc làm tốt đẹp của một con người : Kính trọng, phụng sự sư trưởng, cha mẹ. Giúp đỡ mọi người. Không nói những lời gây chia rẻ. Thương chúng sinh. Nghe pháp, tu hành. Làm thiện nghiệp. Không kiêu mạn…Tướng như thế làm sao ta có thể dùng vàng, ngọc để tạc mà thờ ? Trái lại, đó là phương tiện khuyến thiện của Phật, là những tấm gương cho chúng ta bắt chước mà tạc lấy nơi chính Thân, Tâm của mình, để mình cũng có được những tướng tốt như Phật.

  8. #8
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    9.- CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH hay CÚNG DƯỜNG PHẬT

    A).-VIỆC ĐỘ SINH CỦA ĐỨC THÍCH CA

    Kinh dạy : “Muốn Thành Phật thì phải “Độ tận chúng sinh” . Đức Thích Ca đã độ tận chúng sinh nên mới thành Phật. Vì thế, người cho rằng tất cả mọi người là chúng sinh của Ngài, chỉ cần thành khẩn cầu xin thì sẽ “Được Độ” là hiểu lầm Ý Kinh, vì Chúng Sinh được độ rồi thì phải được đưa về Niết Bàn, không còn phiền não, đau khổ. Đức Thích Ca đã “Độ tận chúng sinh”, nên Ngài đã thành Phật rồi. Nếu chúng ta là chúng sinh của Ngài thì phải được đưa về Niết Bàn rồi. Nhưng chúng ta thì vẫn còn đầy phiền não, và đang ở trong cõi trần ô trược này, thì không thể nào là chúng sinh của Ngài được. Hay nói ngược lại, nếu chúng ta là chúng sinh của Đức Thích Ca thì Ngài vẫn chưa thành Phật !

    B.- CÚNG DƯỜNG PHẬT

    Mọi người vẫn thường hay dùng hoa quả đặt trước tượng Phật rồi thắp hương, cho đó là Cúng Dường Phật vì họ không hiểu được PHẬT có nghĩa là tình trạng giải thoát trong Tâm của người tu hành. Đức Thích Ca đã Giải Thoát được thì Ngài là Phật Thích Ca. Bất cứ ai tu hành giải thoát được thì cũng thành tựu như Ngài. Vì thế, Kinh gọi là có đến TAM THẾ PHẬT. Tức quá khứ đã có người Thành Phật. Hiện tại, nếu ai tu hành đúng thì cũng được thành Phật. Tương lai cũng thế. Còn Tượng là hình ảnh mô phỏng theo các tướng tốt của Phật được viết trong Kinh. Tượng dù được đúc bằng vàng, bạc, đồng, hay tạc bằng ngọc…thì cũng chỉ là tượng, vô tri, vô giác, làm sao có thể nghe lời ta thỉnh cầu ?.Làm sao có thể ban ơn, giáng phúc cho ta ? Cho nên chúng ta đừng nhầm lẫn, cúng dường tượng mà tưởng là cúng dường Phật !

    Muốn tìm Phật thì Tổ Đạt Ma dạy : “Muốn tìm Phật thà tìm tâm”. Như vậy, nếu muốn tìm Phật để cúng dường thì cũng phải tìm ở Tâm. Muốn tìm chúng sinh để độ thì cũng phải tìm ở đó. Chư Tổ đều giải thích : Chúng sinh và Phật chỉ là một. Khi đau khổ, phiền não thì là chúng sinh. Hết phiền não thì là Phật.

    Chúng sinh được Lục Tổ chỉ rõ như sau : “Chư Thiện tri thức. Chúng sinh trong tâm mình là lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện. lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh” (PBĐK tr. 81). Vì thế, khi ta chuyển hóa một tư tưởng, làm cho nó hết phiền não, trở nên thanh tịnh, đó là nghĩa của “cúng dường một vị Phật”, vì đã đưa một chúng sinh đang từ phiền não, đau khổ, đến bờ giài thoát. Mỗi kiếp sống, mỗi người chúng ta đều có vô lượng phiền não, cần phải “độ” cho hết, nên gọi là “cúng dường vô số ức Đức Phật” để cuối cùng “người cúng dường đó cũng thành Phật.”.

    CÚNG DƯỜNG PHẬT như thế cũng là ĐỘ CHÚNG SINH. Đối chiếu với Kinh DUY MA CẬT ta thấy viết :

    - Muốn độ chúng sinh phải làm gì ?

    - Muốn độ chúng sinh phải trừ phiền não. (tr. 97)

    Tại sao độ chúng sinh mà lại là trừ phiền não ? Bởi vì phiền não là Khổ. Hết phiền não là hết Khổ, tức là được Giải Thoát.

    Con Đường Độ Sinh rất quan trọng cho người tu Phật. Công việc Độ Sinh cũng gọi là Hạnh Bồ Tát, vì làm công việc cứu độ chúng sinh cho nó hết Khổ. Đó là lý do mà Đức Phật giảng kinh Diệu Pháp Liên Hoa để chuyển hàng Thinh Văn sang địa vị Bồ tát, Độ Sinh để Thành Phật. Người tu Phật dù làm tất cả thiện pháp. Giữ Giới thật nghiêm chỉnh. Nhưng nếu chưa độ chúng sinh thì chưa phải là người thật sự tu hành theo Chánh Pháp vậy.

    10.- ĐỐN GIÁO VÀ TIỆM GIÁO

    Khi Lục Tổ Huệ Năng là người được truyền Y bát thì bị săn đuổi ráo riết phải lẩn tránh thì Sư Thần Tú không đắc pháp đã mở ra dạy Thiền Tiệm Giáo tại Chùa Ngọc Tuyền ở Nam Kinh, gọi đó là Bắc Tông. Sở dĩ gọi Tiệm Tu là vì Sư Thần Tú chưa Thấy Tánh, do đó không thể chỉ cho người khác cách thức để Kiến tánh, thành Phật. Nên Ngài chỉ dạy thực hành theo như bài Kệ của Ngài đã nói : “Thời thời cấn phất thức”, bởi cái Thấy của Ngài chưa vượt khỏi đối đãI : thiện, ác, nhơ, sạch, nên việc tu hành đối với Ngài là phủi bụi nhơ, đừng để cho nó bám vào !

    Trong khi đó, bài Kệ của Lục Tổ đã nói rõ về cái CHÂN TÁNH : “Bản lai vô nhất vật”, thì chỗ đâu cho bụi bám vào, gọi là “Hà xứ nhá trần ai?”.

    Do cái Thấy đã khác nên cách hiểu, cách hành cũng hoàn toàn khác nhau, từ cách Ngồi Thiền, cho tới cách giải thích về GIỚI, ĐỊNH, HUỆ.

    Về NGỒI THIỀN thì khi Sư Thần Tú sai đệ tử là Chí Thành đến Tào Khê để trà trộn trong đại chúng, nghe trộm pháp rồi về kể lại cho Ngài. Lúc Lục Tổ phát hiện, gọi ra hỏi thì Chí Thành thú thật mọi chuyện. Lục Tổ hỏi về cách dạy Thiền của Sư Thần Tú thì Chí Thành trả lời :

    “Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm”.

    Lục Tổ bảo : Trụ tâm quán tịnh ấy là bịnh, chẳng phải là Thiền. Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với đạo lý có ích chi đâu !”. Và ngài đọc Kệ :

    “Khi sống ngồi chẳng nằm. Lúc chết nằm chẳng ngồi.

    Thiệt đồ xương thịt thúi. Sao luống lập công phu ?”(PBĐK. Tr.120)


    GIỚI, ĐỊNH, HUỆ thì Sư Thần Tú giải thích : Các điều dữ chớ làm, gọi là GIỚI. Các điều lành vâng làm, gọi là HUỆ. Giữ mình trong sạch, gọi là ĐỊNH”. Cả hai việc Ngồi Thiền và Giới, Định Huệ theo giải thích của Sư Thần Tú đều nhắm và thanh lọc cái Thân. Trong khi đó, phía Lục Tổ đi thẳng vảo Cái Tâm. Ngài giải thích :

    “Tâm địa không quấy thì Tánh mình là GIỚI.

    Tâm địa không SI, thì Tánh mình là HUỆ

    Tâm địa không rối, thì Tánh mình ĐỊNH.” (PBĐK.tr.121)
    Hai cách giảng dạy cho ta thấy rất rõ : Sư Thần Tú không biết gì gọi là Tâm, thế nào là Tánh. Ngài chỉ biết phụng thờ các Đức Phật, Bồ Tát và dạy đệ tử giữ hình tướng cho trang nghiêm. Giữ Giới cho kiên cố, chay lạt, tụng Kinh, niệm Phật, Ngồi Thiền..cho rằng cứ từ từ mà sửa đổi, ngưng tạo nghiệp dần dà sẽ tiến bộ gọi là TIỆM GIÁO. Tổ HUỆ NĂNG thì đã THẤY TÁNH, biết rằng Tu Phật là phải Tu Tâm, nên hướng dẫn đệ tử cố gắng dùng Trí Huệ để phân biệt các pháp, rồi theo đó mà tu sửa. Cách thức tu hành này không cần hình tướng, cũng không cần phải tụng kinh, niệm Phật, cũng không cần Ngồi bất động, mà chủ yếu là Biết Tâm mình chính là Phật, rồi tìm xem vì sao mà Phật bị che mờ. Biết do Mê Lầm che lấp CHÂN TÂM, nên nương theo hướng dẫn của Đạo Phật để Biến Mê, thành Ngộ. Hướng dẫn cho người tu cách thức để “Trực chỉ CHÂN TÂM”, Giải Thoát ngay hiện kiếp, nên gọi là ĐỐN GIÁO. Con đường ĐỐN GIÁO mới chính thức là con đường mà các Tổ được truyền Y Bát thuyết giảng vậy.

  9. #9
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    11.- CHÁNH PHÁP VÀ TÀ PHÁP - CHÂN SƯ và TÀ SƯ

    Nếu không hiểu rõ thì chúng ta rất dễ ngộ nhận, vì Chánh Pháp hay Tà Pháp đều dùng Kinh sách của Đạo Phật để giảng dạy. Trường hợp này trong Kinh NHỮNG NGÀY VÀ NHỮNG LỜI DẠY CUỐI CÙNG CỦA ĐỨC PHẬT có viết. Trước khi nhập diệt, thì có một du sỉ ngoại đạo tên là SUBHADDA đã hỏi Phật : “ Làm thế nào để phân biệt trong các người đang thuyết pháp thao thao, Bà la môn, Sa Môn, Giáo Trưởng, Hội Chủ… đang giảng pháp và được đông đảo quần chúng hâm mộ, ai mới là người có Chánh Pháp ?” Phật đáp : “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Chánh Đạo thì trong đó không có Đệ Nhất Sa Môn, không có Đệ Nhị Sa Môn, không có Đệ Tam Sa Môn, không có đệ Tứ Sa Môn. Chính trong pháp luật này có Bát Chánh Đạo. Những giáo pháp khác không có. Này Subhadda.. Nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chánh thì đời này không vắng những vị A La Hán”.

    ( tr. 117).

    Qua đó, ta thấy BÁT CHÁNH ĐẠO là căn bản để phân biệt giữa CHÁNH PHÁP và TÀ PHÁP. Người có CHÁNH TƯ DUY tất nhiên sẽ có CHÁNH KIẾN tức là Trí Huệ để biết rõ những việc cần phải Tu. Có CHÁNH NGỮ nên luôn nói lời chân thật. Nuôi thân mạng bằng những đồng tiền lương thiện… Tóm lại là CHÁNH KIẾN, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG thuộc về cái THÂN. CHÁNH NGỮ thuộc về cái KHẨU. CHÁNH NIỆM, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH ĐỊNH thuộc về CÁI Ý.

    Người có BÁT CHÁNH ĐẠO thì THÂN, KHẨU, Ý Ba Nghiệp thanh tịnh, đó là người đáng cho ta tin tưởng. Ngược lại, người chưa thoát được hơn thua, kiêu mạn, nuôi thân bằng những đồng tiền bất chính, suy nghĩ tà vạy làm sao đáng cho ta học hỏi ? Người không có CHÁNH PHÁP thì dù cũng lấy Kinh Phật ra để giảng dạy, nhưng chắc chắn là chỉ Y NGỮ, không thể Y NGHĨA được. Làm một so sánh nhỏ về giảng pháp, ta sẽ thấy : Người thầy có CHÁNH PHÁP không giảng pháp vì uy tín, vì cầu Danh, cầu Lợi, mà chỉ để đền trả Tứ Ân. Do đó, họ không bao giờ tranh dành tín đồ, cũng không bao giờ chiêu dụ người nghe, vì “pháp bất khả thuyết”. Muốn thuyết pháp cũng phải “đúng thời, đúng lúc, đúng căn cơ”, không phải gặp ai cũng thuyết, bạ đâu cũng thuyết ! Về cuộc sống thì ta thấy : Đức Thích Ca và Chư Tổ một đời chỉ “một Y, một Bát”, vì xem danh lợi như đờm dãi. Ngược lại các tà sư thì mục đích của họ là “mượn đạo, tạo đời”, nên thường lợi dụng lòng tin Phật của tín đồ. Ca ngợi, tán thán Phật, khuyến khích cúng dường Phật càng nhiều càng được phước. Bày ra cúng sao, giải hạn, đổi xấu, lấy tốt, đưa người nghe vào thần quyền, mê tín…Pháp của họ thuyết cũng chỉ đưa người nghe bỏ Ác, hành Thiện, không thể nào đưa đến Nhất Thừa, Kiến Tánh, Thành Phật được. Nhất là nhìn cuộc sống của họ, lời nói thường không đi đôi với việc làm. Bản thân họ cũng không có GIỚI nên khó tránh được Vọng Ngữ, Vọng Hành, kiêu mạn, lợi dụng tín đồ, cạnh tranh, cao thấp, hơn thua…. Chừng đó đủ để ta phân biệt đâu là Chân sư, đâu là Tà Sư.

    Về những người tự xưng là Phật, Bồ Tát hiện đời, thì trong kinh Lăng Nghiêm Phật có dạy : “Anan, ta có dạy các vị Bồ Tát và a La Hán : sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trộm cướp, người thợ thịt, kẻ buôn bán, để lẩn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo.

    Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói : “Ta đây thật là Bồ Tát hoặc A La Hán v.v..” hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi”. (L.N. tr. 186) Như thế, nếu ta thấy có kẻ nào đó tự xưng mình là Phật hay Bồ Tát thì rõ ràng là Tà Sư, không thể nhầm lẫn.

    12.- KẾT LUẬN

    Từ khi Y Bát mất dấu thì tà pháp thịnh hành, khuyến khích nhau cất Chùa cho hoành tráng, tạc tượng Phật cho to để tôn thờ, cầu xin, quên luôn 4 câu Kệ của Kinh Kim Cang : “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo. Bất năng kiến Nhu Lai”. Dịch ra là “Nếu dùng sắc để thấy Ta, dùng âm thanh để cầu Ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thể thấy Như Lai” .Việc tu hành để giải thoát, thực hiện lời Thọ Ký từ lâu không còn nghe nói đến nữa !

    Từ trước đến nay mọi người vẫn cho rằng muốn tu hành thì nhất định phải Xuất Gia, Cạo tóc, đắp Y. Trong khi đó, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết rõ : “CÕI NƯỚC CHỖ NÀO NẾU CÓ NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG, GIẢI NÓI, BIÊN CHÉP, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH, HOẶC LÀ CHỖ CÓ QUYỂN KINH, HOẶC TRONG VƯỜN, HOẶC TRONG RỪNG, HOẶC DƯỚI CÂY, HOẶC TĂNG PHƯỜNG, HOẶC NHÀ BẠCH Y, HOẶC Ở ĐIỆN ĐƯỜNG, HOẶC NÚI HANG ĐỒNG TRỐNG, TRONG ĐÓ ĐỀU NÊN DỰNG THÁP CÚNG DƯỜNG.

    VÌ SAO ? PHẢI BIẾT CHỖ ĐÓ CHÍNH LÀ ĐẠO TRÀNG, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ ĐẶNG VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ CHUYỂN PHÁP LUÂN, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ NHẬP NIẾT BÀN” (tr.479).

    Có nghĩa là chỉ cần đọc, hiểu cho rõ lời Phật dạy trong Kinh rồi ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH. CHUYỂN được PHÁP LUÂN là Thành Phật, bất kể là ở chùa hay ở nhà, trong vườn hay trong rừng, tu sĩ hay tại gia ! Bởi vì nghĩa của XUẤT GIA là RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI, tức là rời bỏ THAM, SÂN, SI. CẠO TÓC là CẠO SẠCH PHIỀN NÃO, và ĐẮP Y là phủ lên Thân, tâm một màu hoại sắc, tức là không để Thân, Tâm dính mắc bởi các tướng hữu vi. Như thế, bất cứ ai, theo đúng nghĩa của chính Kinh mà tu hành thì cũng đều được Giải Thoát.

    Tu Phật chân chính thật ra không cần hình tướng, chỉ cần Tu sửa nơi Tâm. Phật là Vô tướng. Nơi Phật ngự là Cái tâm, nên Xây Chùa chính là chuyển hóa hay điều phục cái Tâm, cho nó được thanh tịnh, không phải là xây dựng bằng gạch ngói cho hoành tráng. Tuy nhiên, nếu Tu Vô Tướng thì bá tánh không có nơi để nương theo, cho nên cũng rất cần có chùa chiền hữu tướng. Vì vậy, theo tôi, Tu sĩ ở chùa, là những vị chấp nhận không dính líu tới cuộc đời để toàn tâm toàn ý phục vụ đạo Pháp thì phải là những bậc chân tu. Nhất là những người có nhiệm vụ thuyết giảng thì phải là những người đã Thấy Tánh, thông thạo Phật Pháp. Cuộc sống không tỳ vết, để người đời kính trọng mà tin, nghe Pháp họ thuyết, đưa con người dần đến con đường Giải Thoát. Do đó, Cửa Chùa không thể là nơi để cho những trẻ con chưa biết gì, hoặc những người hận đời, đau khổ vì thất tình, vì bị ruồng bỏ, hoặc thiếu khả năng để phấn đấu với đời mượn chỗ để nương thân. Hoặc là nơi của những người mơ màng cái Danh của đường tu, muốn “bỏ cái nhỏ để được cái lớn”, như bài viết để khuyến tu của một vị Cao Tăng, mà phải là nơi của những người hiểu rõ về giáo pháp của Đạo Phật, không màng danh, lợi, mượn hình tướng tu hành để phổ biến Chánh Pháp. Họ sẽ hướng dẫn cho Phật Tử không còn mê lầm tin vào tà pháp, cúng kiến, cầu xin để trao đổi, mà tin vào Nhân Quả rồi ngưng tạo Nghiệp, sống thiện, cho cuộc sống hiện kiếp được yên ổn. Kiếp sau nếu có, càng tốt đẹp hơn, như mục đích của Đạo Phật đề ra. Do đó, trách nhiệm của họ rất nặng nề, không phải ai cũng kham nổi. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên viết : “Luận người làm đạo như cầm dao bén, như bưng chén thuốc độc; nếu người nào không kham nổi thì chi bằng đừng làm tốt hơn. Vì sao ? Vì giữ gìn Giới không tinh tấn thì trở lại hại mình” (tr.111)

  10. #10
    TamNguyen
    Guest

    Một cái nhìn mới về đạo phật

    Thật vậy, tự mình mê thì tội còn nhẹ, nhưng không tu hành nghiêm chỉnh, lợi dụng sắc áo nhà Phật rồi chồng mê cho người thì tội trả không biết đến bao giờ. Chính vì vậy, người thấy rằng mình không đủ khả năng để gánh vác việc Đạo, lại còn trách nhiệm với gia đình, thì tu tại gia cũng Thành Phật được. Lục Tổ dạy : “ Chư Thiện Tri Thức, Nếu muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông Phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch, thì Tánh mình là Tây Phương vậy” (PBĐK tr. 64).

    Tất nhiên Tự Độ mình để tu sẽ khó hơn, vì không những không có danh tu hành, không được ai tôn trọng, mà còn phải tự trang trải miếng cơm, manh áo ! Nhưng điều đó mới thật sự nói lên cái quyết tâm của ta, mà cũng phù hợp với lời Phật dạy, vì “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”. Ta tu thì ta nhờ. Dù có chứng đắc cũng đâu có độ được cho bá tánh, tại sao phải đợi bá tánh cúng dường thì mới chịu tu ? Hơn nữa, tự độ cho mình để tu, thì dù không tu xong cũng không mang nợ của bá tánh. Trong Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN Phật dạy các Tỳ Kheo : “Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng chớ không dùng tâm tà thọ người cúng thí. Khó lắm ! Khó lắm. Cẩn thận. Cẩn thận !” (VTHTND.111). Vì vậy, chỉ có người không biết Nhân Quả mới dám vô tư hưởng dụng của thường trụ.

    Qua tham khảo rất nhiều bộ chính Kinh, tôi thấy con đườngTu Phật thật sự rất thiết thực và có ích lợi cho con người, giúp con người trở thành một người tốt, có ích cho xã hội, cho cuộc đời và chính bản thân họ. Không phải để thành ông Phật, ông Thánh để cứu độ cho người khác. Tu chỉ là SỬA, nên không cần phải “đi”, không cần rời bỏ nhà cửa, gia đình. Cũng không cần đợi đến về hưu rảnh rang, mà bất cứ độ tuổi nào, hoàn cảnh nào cũng có thể Tu được. Hơn nữa, người tu theo Đạo Phật còn phải đền trả TỨ ÂN, trong đó có Ân đất nước, Ân cha mẹ. Nếu ta không phụng dưỡng song thân, không đem sức, tài đóng góp cho xã hội, chỉ cầu nguyện suông thì sao gọi là trả ân Cha mẹ, Ân đất nước ? Vì trong Chánh Pháp không có Phật như là vị thần linh để ban ơn, giáng họa, nên không có xin, cho, mà phải tự gây Nhân để hưởng Quả.

    Dù trong Kinh Phật sử dụng rất nhiều phương tiện để dẫn dụ. NhưngTu Phật thật sự là chỉ cần xoay chuyển CÁI TÂM VÔ MINH, loại trừ Tham, sân, Si vì đó là nguồn gốc Khổ. Dù vậy, cũng không dễ thực hành, nên cần có Giới, Định, Huệ, Bát Chánh Đạo, một mặt Quán Soi các pháp để hỗ trợ. Cuối cùng người tu sẽ nhận ra CÁI TA THẬT SỰ CỦA MÌNH hay là cái Chân Tâm. Lúc đó cũng đồng thời biết rằng cái Thân giả tướng mà ta đang mang đây cũng chỉ là cái Thân Nghiệp Quả, chừng 100 năm sẽ hết Nghiệp, sẽ trả lại cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn, nên không còn chìu theo sự sai khiến của nó. Chấp nhận cảnh Tạm Có của cuộc đời. Lại biết rằng cuộc sống thật sự không kết thúc sau cái Chết, mà tùy theo Nghiệp Quả sẽ nhận một thân mới. Do đó, Cải Ác, Hành thiện, để mình và mọi người có được cuộc sống an vui giữa cảnh đời biến động. Sống an, chết lành. Kiếp sau nếu có càng tốt đẹp hơn. Đó là mục đích của Đạo Phật chân chính.

    Trở lại cách TIN PHẬT liên quan đến NHỊ THỪA và NHẤT THỪA ở phần mở đầu thì ta sẽ thấy hai cách Tin, Hiểu, đưa đến hai cách Hành trì được phân biệt rất rõ ràng : Nếu TIN rằng Đạo Phật là Đạo NHÂN QUẢ. Biết rằng Tu Phật là TỰ ĐỘ thì không thờ Phật, mà chỉ xem Phật như là tấm gương để học theo, hành theo. Kinh sách là bản đồ, là di chúc, để nương theo đó mà thực hiện lời Thọ Ký. Việc không tôn thờ, ca ngợi, tán thán Phật không hề bị Phật quở trách, Ngược lại, Phật ngôn có câu : “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy. Kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta” . Cho nên, những người xem Phật là Thần Linh để thờ phụng, cầu xin, thì chính là NHỊ THỪA, là Thừa bị Phật quở trách, và “GÃ CÙNG TỬ” trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA nói về đứa con của Trưởng Giả, bỏ cha đi lưu lạc, sau đó về đến nhà cha rồi, mà không dám vô nhận cha để huởng gia tài, chỉ ở bên ngoài, xin làm thuê, hốt phân để kiếm ăn qua ngày thôi ! Đó là Kinh nói về những người tự xưng, tự biết mình là PHẬT TỬ, nhưng không dám tự tu hành để Thành Phật như cha, chỉ biết cầu xin, nương tựa, chờ được độ thôi vậy.


+ Trả lời Chủ đề
Trang 1 của 2 1 2 CuốiCuối

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình