NHẬN THỨC PHẬT GIÁO

(Giáo dục hạnh phúc mỹ mãn)
(Phần 1)

Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Boston Úc Châu

Xin chào các vị đồng tu!

Đầu năm mới năm nay, chúng ta có thể bắt đầu tụ hội ở Âu Châu này cùng giảng nói Phật pháp với mọi người, tôi cảm thấy rất là hoan hỉ, nhân duyên thực là tốt đẹp không gì bằng. Lần giảng này, chúng ta chọn lấy đề tài là “Nhận Thức Phật Giáo”. Từ những năm trước, Miếu Thiên Hậu ở Cựu Kim Sơn từ Đài Loan tách nhánh đến nước Mỹ có mời tôi diễn giảng, tôi liền nghĩ ngay đến đề tài này, đồng thời cũng viết ra một đại cương như vậy. Thế nhưng vào lúc đó, thời gian chỉ có một tiếng rưỡi đồng hồ, không thể nào giảng giải tường tận. Về sau vào năm 1992, khi tôi đến thăm nước Mỹ, ở mỗi một thành phố, tôi đều vì mọi người giảng giải đại ý của Kinh Địa Tạng. Sau khi đến Miami, ở đó có cư sĩ Tăng Hiến Vĩ (sau này ông cũng xuất gia rồi) tiếng Anh rất tốt, năng lực thông dịch rất giỏi, vào lúc đó cũng có một số người ngọai quốc đến nghe, tôi xem thấy tình hình của hiện trường liền đổi ngay đề giảng, không giảng giải Kinh Địa Tạng mà giảng giải về Nhận Thức Phật Giáo này. Tôi nhớ lại thính chúng ở Miami so với hiện trường hiện tại này của chúng ta, số lượng chỉ bằng phân nửa, thế nhưng ảnh hưởng của một tuần giảng giải đó rất lớn, băng thu âm những buổi giảng đó sau này được mang ra viết lại thành một quyển sách lưu truyền khắp thế giới, số lượng in ra cũng rất nhiều, tôi nghĩ các vị đều đã xem qua.

Lần này tôi hoằng pháp ở Singapore. Gần đây, các đồng tu ở Singapore muốn đem những băng thu âm này làm thành đĩa để dễ cất giữ. Thế là mọi người đến nói với tôi rằng: quyển sách Nhận Thức Phật Giáo này rất là quan trọng, đáng tiếc là không có băng thu hình, nếu như có thể làm thành đĩa thu hình thì là lý tưởng nhất. Cho nên lần này chúng tôi có duyên đến đây, để đáp lại nguyện vọng của họ, lần này chúng tôi cố gắng thu hình, làm thành một bộ đĩa, tương lai có thể dễ phổ biến, lưu thông. Đây là nói sơ lược qua cái nhân duyên này cho các vị nghe.

Thời nay, chúng ta thấy ở rất nhiều quốc gia khu vực khác, người học Phật càng ngày càng nhiều. Thế nhưng rốt cuộc Phật pháp là gì thì người chân thật có thể hiểu được rõ ràng tường tận lại không nhiều. Do đó, đề giảng này đích thực là vô cùng quan trọng. Vào những năm đầu dân quốc ở Trung Quốc, dường như là năm dân quốc thứ mười hai, có một vị tiên sinh tên là Âu Dương Cảnh Vô, tôi nghĩ đối với Phật giáo Trung Quốc, Phật giáo cận đại, người hiểu nhiều một chút thì đều biết đại sư Âu Dương. Ông đã từng có một lần diễn giảng ở Trường Đại học Trung Sơn Đệ Tứ, đề giảng của ông là “Phật giáo không phải là tôn giáo, không phải triết học, mà là điều người đời nay cần đến”. Lần diễn giảng này đích thực là đã làm chấn động toàn thể giới Phật giáo Trung Quốc, bởi vì thông thường mọi người đều đem Phật giáo xem thành tôn giáo. Vì sao Phật giáo không phải là tôn giáo? Trong giới học thuật, đặc biệt là giới học thuật của Nhật Bản, họ đem Phật pháp xem thành triết học, nhưng đại sư Âu Dương nói Phật giáo cũng không phải là triết học. Thế nhưng rốt cuộc Phật giáo là gì thì ông không nói ra, ông chỉ nói đó là điều người đời nay cần đến, đó là điều người hiện đại cần thiết phải học tập. Lần diễn giảng này do học trò của ông là cư sĩ Vương Ân Dương ghi lại, đây là ghi chép rất nổi tiếng được phổ biến vào những năm đầu dân quốc.
Vào năm 1977, tôi xem được bản chép của thiên diễn giảng này ở Thư Viện Phật Giáo Trung Hoa Hongkong, sau đó tôi mang đến Đài Loan phiên dịch in ấn lưu thông cũng rất nhiều. Khi tôi đọc xong quyển sách nhỏ này, cảm thấy quan điểm của ông rất là chính xác. Vậy thì Phật giáo rốt cuộc là gì vậy? Chúng ta cần phải nhận biết tường tận, Phật giáo là giáo dục, đích thực là giáo dục chí thiện viên mãn của Thích Ca Mâu Ni Phật đối với chúng sanh trong chín pháp giới. Từ những chỗ nào mà chúng ta có thể thấy được vậy? Trước tiên chúng ta từ phương diện xưng hô trong Phật giáo thì có thể phát hiện ra. Bạn xem, chúng ta gọi Thích Ca Mâu Ni Phật là Bổn sư, sư là thầy giáo, bổn sư chính là thầy giáo ban đầu, dùng lời hiện đại để nói thì chính là người sáng lập ra giáo học này. Ngài là một vị thầy sáng lập, còn chúng ta tự xưng là đệ tử, đệ tử là học trò, như vậy từ nơi xưng hô thì rất rõ ràng nhận ra được, chúng ta cùng với Phật là quan hệ thầy trò. Trong tôn giáo không có cách xưng hô này, trong tôn giáo có quan hệ chủ và tớ, quan hệ cha và con, quan hệ thần và người, các quan hệ loại này không có trong nhà Phật, việc này chúng ta cần thiết phải nhận biết cho thấu đáo.

Người sáng lập Phật giáo là Thích Ca Mâu Ni Phật. Lịch sử của Ngài ở đây chúng ta không cần phải mất thời gian tìm hiểu, vì trong sử truyện đều có thể xem hiểu ra được. Ngài sanh ra ở bắc Ấn Độ, ngày nay là Nê Pan, phía nam của dãy Himalaya. Ngài sanh vào năm Giáp Dần thứ 26 Châu Chiêu Vương của Trung Quốc, Phật diệt độ là vào năm 53 Châu Mục Vương, đây là ghi chép trong lịch sử Trung Quốc. Về niên đại của Phật, Trung Quốc và ngoại quốc ghi chép sai biệt rất lớn. Chiếu theo ghi chép này thì từ sau khi Phật diệt độ đến nay phải là 3021 năm, nhưng ghi chép của người ngọai quốc thì chỉ mới hơn 2500 năm, khác biệt nhau có đến 600 năm. Về việc này không chỉ là Phật Đà mà kể cả người xưa, nếu như khảo cứ niên đại năm sanh thì dường như đều có rất nhiều cách nói khác nhau. Rốt cuộc thì cách nói nào là chính xác vậy? Rất khó đoán định, cũng có thể nói là không cách gì mà đoán định. Nhưng thực tế mà nói thì những việc này cũng không phải là quan trọng lắm, chúng ta không làm công tác khảo cổ, cho nên quan trọng nhất là chúng ta phải hiểu rõ giáo nghĩa của Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật đích thực là một con người, năm xưa Ngài giảng kinh nói pháp, cũng đích thực đã lưu lại rất nhiều kinh điển, đây là việc đáng được chúng ta khẳng định.
Phật giáo chính thức truyền đến Trung Quốc là vào Hậu Hán năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình, công nguyên năm 67, đây là lúc chính thức tiếp nhận triều đình Trung Quốc, cũng chính là Đế Vương Trung Quốc phái đặc sứ nghinh thỉnh đến Trung Quốc. Việc Phật giáo truyền đến Trung Quốc một cách không chính thức trong lịch sử cũng có ghi chép lại, đại khái vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có tin tức của Phật truyền đến Trung Quốc. Nhưng từ trong lịch sử mà nói, chúng ta vẫn là lấy quốc gia chính thức mời thỉnh mà ghi chép lại.

Cho nên, y theo cương lĩnh này mà nói thì Phật giáo là giáo dục của Phật Đà. Phật Đà là từ tiếng Phạn dịch âm ra, ý nghĩa của nó là trí tuệ, là giác ngộ. Vì sao năm xưa phiên dịch không dịch thành Trí Giác để ngày nay chúng ta xem thấy danh từ này thì cũng sẽ rất dễ hiểu, không đến nổi mê hoặc? Đây là thể lệ trong phiên dịch kinh điển thời xưa, có năm loại không dịch, gọi là năm điều không dịch, đây là thuộc về một trong năm loại đó, tức là thuộc về hàm nghĩa quá nhiều nên không dịch. Danh từ này có rất nhiều ý nghĩa trong đó, trong từ vựng của Trung Quốc không tìm ra một chữ tương đương để phiên dịch, cho nên liền dùng dịch âm, sau đó thêm phần giải thích. Trí mà trong chữ Phật Đà này nói so với trí tuệ mà trong khái niệm thông thường của chúng ta là không giống nhau, do đó cần phải thêm phần giải thích. Tóm lại mà nói, Trí tuệ trong chữ Phật Đà chính là đối với quá khứ vị lai của vũ trụ nhân sanh đều có thể thông suốt, hơn nữa thấu suốt chính xác, thấu suốt rốt ráo viên mãn. Trí tuệ như vậy mới gọi là Phật Đà. Chúng ta thoạt nghe cách nói này thì thấy rất khó tiếp nhận, chỗ này có một chút giống như trong tôn giáo gọi Thượng Đế là toàn tri toàn năng, con người thì làm gì có được như vậy? Hơn nữa, Thích Ca Mâu Ni Phật nói với chúng ta là tất cả chúng sanh bao gồm chính con người chúng ta trong đó, đích thực đều có trí tuệ này, đều có năng lực này.

Như vậy, Phật pháp đối với tất cả chúng sanh đều là có cách nhìn bình đẳng, vốn dĩ bình đẳng, Phật cũng không cao hơn chúng ta một bực, chúng ta cũng không kém hơn Phật chỗ nào. Tuy là bình đẳng, nhưng trí tuệ năng lực của chúng ta ngày nay không thể giống nhau được, ở trong xã hội có người thông minh, cũng có người ngu si, có người năng lực rất tốt, có người năng lực rất kém. Vì sao có hiện tượng này? Phật nói với chúng ta, đó chính là bởi vì bạn mê mất đi bản năng của bạn. Vốn dĩ bạn có trí tuệ nhưng bạn đã mê mất đi trí tuệ cứu cánh viên mãn, mê mất chứ không phải thật đã mất đi, chỉ là mê mà thôi. Nếu như có thể phá trừ mê hoặc thì năng lực của bạn liền hồi phục lại. Do đó, Phật dạy chúng ta không gì khác hơn là dạy chúng ta đem mê hoặc điên đảo trừ bỏ, hồi phục bản năng chúng ta mà thôi. Cho nên trên kinh Đại thừa thường nói, Phật không độ chúng sanh. Phật không hề độ chúng sanh, Vậy chúng sanh làm thế nào có thể thành Phật? Là bạn chính mình thành Phật, Phật chỉ giúp đỡ bạn. Việc giúp đỡ này chỉ là Phật xem bạn mê như thế nào thì đem những chân tướng sự thật này nói cho bạn nghe. Sau khi bạn nghe nói rồi, bạn giác ngộ, sau đó bạn đem cái mê hoặc của bạn buông bỏ thì bạn liền thành Phật thôi.