Phần III

Phải luyện tập như thế nào
để thường trú trong tánh không


Trong buổi thuyết trình lần thứ hai vừa qua, tôi đã giải thích thế nào là tánh không. Vì thế hôm nay thiết nghĩ chỉ cần trình bày về các cách luyện tập nhằm giúp thường trú trong tánh không – một điều mà tất cả mọi người đều có thể thực hành được, kể cả những người chưa được học hỏi nhiều về kinh điển Phật Giáo hoặc không có căn bản học vấn cao.
Nhập đề
Để có thể hiểu được "thường trú trong tánh không" là gì thì phải tìm hiểu cặn kẽ ý nghĩa của một vài từ như: "hiểu biết", "thực hiện", "quán thấy minh bạch", "thường trú trong...", "trở nên trống không". Dưới đây là cách định nghĩa thông dụng của các từ này:
Hiểu biết = có nghĩa là hiểu biết tánh không
Thực hiện = có nghĩa là thực hiện tánh không
Quán thấy minh bạch = có nghĩa là quán thấy minh bạch tánh không
Thường trú trong... = có nghĩa là thường trú trong tánh không
Trở nên trống không = có nghĩa là trở nên trống không trong tánh không, hay trở thành tánh không.
Vậy đâu là những khía cạnh khác biệt và tinh tế có thể giúp phân biệt các từ và các cách diễn đạt trên đây? Chúng ta phải hiểu như thế nào về ý nghĩa của từng chữ và từng cách diễn đạt ấy tùy theo các bối cảnh và trường hợp khi chúng được nhắc đến?
Tìm hiểu tánh không
Nếu bảo rằng chúng ta "hiểu tánh không", thì tức khắc mọi người sẽ nghĩ rằng chúng ta đã từng có dịp được học hỏi và nghiên cứu về chủ đề này. Thế nhưng nếu không cố gắng suy nghĩ xa hơn thì chúng ta cũng sẽ không thể nào hiểu được tánh không một cách đúng đắn được. Theo ý nghĩa trong Dhamma (Đạo Pháp) thì chữ "hiểu biết" không phải là một sự hiểu biết nhờ vào nghiên cứu, nghe giảng, hay nhờ vào bất thứ gì khác đại loại như thế. Nếu chỉ dựa vào cách hiểu biết như vừa kể (tức nhờ vào sự học hỏi) thì dù cho chúng ta có quả quyết cho rằng mình đã thấu triệt tường tận đi nữa, thì nó vẫn chưa phải là một sự hiểu biết hoàn hảo. Theo cách nói thông thường thì các chữ "biết" và "hiểu" chỉ đơn giản phản ảnh những gì thâu thập được nhờ vào việc đọc sách, nghe giảng, suy nghĩ hay cách suy luận lô-gic (sự hợp lý). Đối với tánh không thì tất cả các cách trên đây không thể nào giúp mang lại sự hiểu biết đúng thật được. "Hiểu tánh không" có nghĩa là ý thức được tánh không với một tâm thức khi nó đã thật sự trống không (trong thiền học thì người ta gọi đấy là một sự hiểu biết - hay quán thấy - bằng trực giác, tuy nhiên phải nói rằng cách giải thích của Buddhadasa trên đây cụ thể và dễ hiểu hơn nhiều. Trong thiền học người ta thường quanh co tìm những phương tiện gián tiếp để chận đứng sự suy nghĩ và hiểu biết quy ước để "quán nhận bằng trực giác", thế nhưng nhiều người bị "khựng" lại vì không thấu triệt được "quán nhận bằng trực giác" là gì vì đấy cũng chỉ là một cách bắt họ phải quay trở lại với các thuật ngữ quy ước). Để có thể hiểu được tánh không là gì thì phải cảm nhận được tánh không ngay vào lúc ý thức được nó (bằng trực giác nếu nói theo thiền học): đấy là giây phút xảy ra một sự cảm nhận trực tiếp. Đấy là gì mà người ta gọi là "hiểu biết tánh không".
Cũng có thể xảy ra trường hợp chẳng hạn như khi được nghe nói đến một thứ gì đó đôi lần và sau đó thì tiếp tục suy nghĩ thêm về chuyện ấy, và cuối cùng thì tâm thức nhờ đã quen với lối suy nghĩ lô-gic của nó nên sẽ cho rằng chuyện ấy là đúng, và trên thực tế thì cũng có thể xảy ra trường hợp là đúng thật như thế. Tuy nhiên đấy cũng vẫn chưa phải là sự hiểu biết mà chúng ta đề cập trên đây (tức sự "hiểu biết" trực tiếp vượt lên trên sự học hỏi). Những gì vừa giải thích cũng chỉ là một sự hiểu biết và thấu triệt theo ý nghĩa thông thường về các chữ ấy. Do đó tôi cũng xin quý vị hãy ghi nhớ ý nghĩa đặc thù của chữ "hiểu biết" trong giáo huấn Phật Giáo ("hiểu biết" trong giáo huấn Phật Giáo là một sự "nhận biết" hay "quán thấy" bằng trực giác vượt lên trên các ngôn từ và các cách diễn đạt quy ước, chẳng hạn như Ma-ha Ca-diếp mỉm cười khi Đức Phật cầm một cành hoa đưa lên. Đức Phật và Ca-diếp cả hai không nói lên một lời nào).
"Hiểu biết Dhamma" có nghĩa là Dhamma thật sự đang hiện hữu và đồng thời chúng ta cũng đang ý thức được sự hiệnhữu đó. Cũng thế, hiểu biết tánh không có nghĩa là ý thức được tánh không đang hiển lộ. Chính vì thế mà tôi luôn khuyên mọi người phải thường xuyên ý thức được tánh không bất cứ lúc nào mà nó hiện ra trong tâm thức mình, dù đấy chưa phải là tánh không thật hoàn hảo và toàn diện đi nữa. Thực ra, tánh không phát lộ nhiều lần trong một ngày, và dù chưa thật sự đúng là tánh không bền vững và tuyệt đối đi nữa thì nó cũng vẫn đáng để cho chúng ta theo dõi và tìm hiểu. Nếu ngay từ đầu (trong việc luyện tập) mà chúng ta biết quan tâm đến thể dạng tánh không ấy (dù chưa được hoàn hảo) thì chúng ta cũng có thể làm phát sinh ra được một sự thích thú nào đó khi cảm thấy mình trống không (một thoáng giác ngộ thật nhỏ), và điều đó cũng sẽ góp phần không ít giúp chúng ta đạt được tánh không đích thật (sau này). Tóm lại, "hiểu biết tánh không" có nghĩa là ý thức được tánh không khi nó hiển lộ ra (cách giải thích về sự "hiểu biết" trong Đạo Pháp trên đây vừa giản dị lại vừa chính xác và nhất là «khéo léo» hơn nhiều so với cách mà các vị thiền sư sử dụng các công án để giải thích cùng một sự "hiểu biết" ấy, và để gọi nó là sự nhận thức, quán thấy, nhận biết... bằng trực giác. Sự khéo léo và tuyệt vời của Buddhadasa là cách sử dụng các thuật ngữ rất thông thường để giải thích những gì thật cao siêu và khó nắm bắt. Các công án chỉ là những cách giải thích "không-giải-thích", do dó dù các công án ấy có giúp ich được nhiều người, thế nhưng cũng có thể đã làm cho nhiều người khác rơi vào sự hoang mang nếu họ không đủ sức nắm bắt).