+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ bùa

  1. #1
    binhminh
    Guest

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Võ bùa

    Người học võ nếu học thêm bùa, phép thì khi kết hợp lại sẽ làm cho uy lực tăng gấp nhiều lần. Dù võ bùa thường chỉ dùng nhằm mục đích chữa bệnh cứu người, nhưng nhiều người học đã cố tình dùng sai, gây hại người khác, khiến giới võ lâm coi người học võ bùa là “tà đạo”.

    Bỏ “thư”

    Vùng Thất Sơn là nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhất tỉnh An Giang. Họ sống tập trung tại các phum sóc, hầu hết theo đạo Phật. Trước đây, người Khmer ở Bảy Núi gần như sống tách biệt với cộng đồng, không thích qua lại với các dân tộc anh em khác tại địa phương. Không biết có phải vì thế mà họ thêu dệt nên các câu chuyện huyền bí, rùng rợn hay không. Nhưng cho đến bây giờ người ta vẫn tin rằng một số ít người Khmer vẫn có khả năng bỏ “thư”.


    Một “thầy” dùng võ bùa chữa bệnh cho người dân ở Tri Tôn, An Giang - Ảnh: M.T

    “Thư” tiếng Khmer gọi là Thnup. Người dân Bảy Núi trước đây rất sợ loại bùa phép này. Bởi họ tin rằng, người có bùa “thư” có thể sai khiến một vật to lớn “đi” vào bụng người, mà đi một cách êm ru, đối phương không hề hay biết. Phổ biến nhất là các “thầy bùa” thường dùng 1 nùi tóc rối, 1 miếng da trâu hay 1 khúc gỗ to để “thư” người khác.

    Theo truyền thuyết, “thầy bùa” sẽ đọc chú để biến các vật vụng trên nhỏ dần, nhỏ dần đến khi chỉ còn bằng… hạt bụi. Khi đó, họ sẽ nhét “hạt bụi” vào bụng con cá hoặc thức ăn của người khác. Khi “hạt bụi” đã vào được bụng của đối tượng thì sẽ trở về hình dáng cũ, gây đau đớn ghê gớm.

    Cho đến bây giờ, người dân vùng Bảy Núi vẫn còn truyền khẩu câu chuyện huyền bí về vợ chồng bà lão được cho là biết bùa “thư” ở phum Là Ca (xã Ô Lâm, H.Tri Tôn). Ai làm mất lòng hay có hiềm khích với vợ chồng bà lão thì chỉ cần bà này đi ngang qua nhà, y như rằng trong nhà sẽ có chuyện. Người ta sợ đến mức hễ thấy vợ chồng bà lão đi ngang qua là tất cả lu nước phải đổ bỏ, đồ ăn thức uống trong nhà cũng không dám động vào vì sợ bị “thư”. Vì câu chuyện huyền bí không có lời giải thích này khiến phum Là Ca càng thêm thâm u, không một người lạ nào dám bén mảng tới đây.

    Có một sự trùng hợp khiến bọn lính Tây khiếp vía, không dám đặt chân đến Là Ca. Chuyện là, một ngày nọ, bọn lính Pháp bất ngờ kéo vào phum Là Ca vơ vét tài sản, gà vịt, thức ăn của người dân nơi đây rồi bày ra ăn nhậu, còn chửi thề ỏm tỏi. Trong lúc đó thì bà lão kỳ dị ấy đi ngang qua. Một lúc sau, vài tên trong nhóm bỗng ôm bụng té lăn, ói mửa. Vốn đã nghe tiếng bùa “thư” ở nơi này từ trước, bọn lính càng tin chúng đã bị dính “thư” nên cuốn gói bỏ chạy, về sau không dám bén mảng.

    Theo truyền thuyết, người muốn luyện loại bùa thuật này phải ăn toàn đồ dơ bẩn như rác rưởi, thậm chí là… kinh nguyệt của phụ nữ. Đêm đêm họ phải ra các bãi tha ma, hoặc đi vào rừng thẳm để luyện phép, kêu gọi ma quỷ nhập thân bằng những câu thần chú đầy ma quái. Sau nhiều ngày tháng luyện tập như vậy, đến lúc luyện thành thì người này có thể sai khiến được ma quỷ đi càn quấy, hại người khác. Những người lớn tuổi ở Bảy Núi kể lại rằng, cách đây rất lâu, sau một cuộc đua bò, anh “tài xế” bò thua cuộc cho rằng người thắng đã chơi xấu, bỏ “bùa” khiến quỷ hiện hình làm bò của anh ta sợ hãi bỏ đường đua chạy trốn. Vì vậy, anh này đã bất chấp cả mạng sống, cố công đi luyện bùa “ếm” để trả thù. Một thời gian sau, bụng người thắng cuộc bỗng dưng to lên, da vàng, mỗi ngày ăn cả năm sáu nồi cơm mà thân hình vẫn ốm nhom như que củi, riết rồi chết… Thực hư câu chuyện chưa được xác nhận.


    Bùa lỗ ban - Ảnh: M.T

    Trận đánh giành đệ tử

    Ông Trần Thanh Tùng (65 tuổi, nhà ở núi Cấm, xã An Hảo, H.Tịnh Biên) nói rằng cha ông là ông Trần Văn Trị (Ba Trị - đã mất) trước đây vừa là thầy võ, vừa học cả bùa lỗ ban. Ông Tùng vẫn nhớ như in lời kể của cha mình trong suốt những năm bôn ba khắp vùng để tầm sư học đạo.

    Ông Ba Trị có món nghề võ khá tiếng tăm, nhưng cuộc sống ở Thất Sơn lúc bấy giờ rất hỗn loạn, trong rừng đầy hùm beo, rắn rết… đe dọa mạng sống con người. Thấy vậy, ông Ba Trị bàn với một đồng môn là ông Tám Đạt cùng đi tìm thầy học bùa lỗ ban. Hai người lên núi tìm tới một hang đá, nơi thầy Hai Đảnh đang ẩn tu. Cạnh bên đó là thầy Hai Mon, cũng là một thầy võ, thầy bùa lỗ ban có tiếng. Khi thấy có 2 người muốn bái sư, 2 ông thầy không ai chịu nhường ai nên quyết phân cao thấp. Họ giao kèo, sau khi đánh nhau, người thắng sẽ được nhận đệ tử dạy. Vốn là người có võ nghệ và đạo phép cao siêu, sợ lúc đánh nhau sẽ gây thương tổn nặng, thầy Hai Mon đề nghị đấu phép, nếu phá được bùa phép của ông thì đệ tử do thầy Hai Đảnh dạy. Cuối cùng, ông Hai Đảnh nhận ông Ba Trị với ông Tám Đạt làm học trò.

    Theo lời ông Tùng, thầy Hai Đảnh giỏi võ, giỏi bùa lỗ ban lắm nhưng ông chỉ làm thuốc trị bệnh cho nhiều người mà không ăn tiền ai hết. Thầy bùa, nhất là thầy lỗ ban đều nghèo. Nhà chỉ là cái chòi lụp xụp. Trị bệnh xong ổng chỉ ăn uống, cúng tổ. “Nhiều người khá giả, thấy thương ổng nên “lòn cửa sau” đưa tiền bạc, đồ đạc cho bà Hai Đảnh, bả nhận. Còn ổng thì bị tổ hành cứ ôm cột nọc lặn hụp dưới sông, mặc trời gió bất lạnh thấu xương. Tới khi nào bả đem đồ trả lại cho người ta thì thôi. Biết vậy nên sau này tía tôi cũng đi khắp nơi chữa bệnh giúp người, không lấy của ai một xu”, ông Tùng nói.

  2. #2
    khanang
    Guest

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Võ gồng

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Võ gồng

    Người luyện được võ gồng thì đao thương bất nhập, thân thể như “mình đồng, da sắt”. Tương truyền, có 2 người tu luyện thành công võ gồng ở núi Tà Lơn (Campuchia), sau đó về Thất Sơn ẩn dật. Đó là tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín và ông Ba Đạo.

    Học trộm từ “Thiên thư bí quyết”

    Theo ghi chép của các nhà nghiên cứu, tướng cướp Đơn Hùng Tín tên thật là Lê Văn Tính, người ở miệt Ba Sao (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Tín chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt và không có võ nghệ, nhưng mê đọc truyện Tàu và có chí làm… ăn cướp. Chán ngán cuộc sống bị bọn cường hào ác bá hà hiếp, Tín rời bỏ quê nhà tìm đến núi Tà Lơn. Khi đến đây, Tín gặp một thầy giáo bị sa thải khỏi ngành tên là Phép. Theo lời thuật của giáo Phép, ngay tại những hang động ở điện Cán Dù, có một ông lão học được phép màu trong quyển “Thiên thư bí quyết”. Số là, ông này nuôi một con khỉ, mỗi ngày cho nó nuốt một lá bùa nhưng đến ngày thứ 7 khỉ lăn ra chết. Đem xác khỉ cất vào cái hộp, đúng trăm ngày giở ra, khỉ mở mắt, ông liền cho nó uống lá bùa thứ 8 thì khỉ sống lại, lanh lẹ và nhất nhất tuân lời ông. Từ đó, mỗi buổi sáng con khỉ phải chạy từ trên núi xuống chợ Cần Giọt (Campuchia) lấy cắp 2 đồng xu về cống nạp cho ông lão. Giáo Phép biết rằng, cái lão tu tiên kia cất giữ “Thiên thư bí quyết” không khác chi báu vật và chẳng bao giờ truyền dạy cho ai trên núi này. Cho nên hắn ngày đêm nghĩ cách để đánh cắp mang về cho Đơn Hùng Tín. Trong số rất nhiều bí quyết võ công, bùa chú trong quyển “Thiên thư bí quyết”, giáo Phép từng nghe nói đến loại võ gồng.


    Trung Thiên Sơn tự - ngôi chùa do ông Ba Đạo xây dựng, sau khi bị Pháp đốt được
    con cháu xây dựng lại trên núi Cấm - Ảnh: Mai Tuyết

    Nhờ bí quyết này mà Đơn Hùng Tín đã luyện thành loại võ gồng và ngang nhiên trên bước đường hành tẩu cũng như nhanh chóng trở thành một tướng cướp lừng danh. Dân chúng quanh vùng tỏ ra yêu mến cái danh của đảng cướp Đơn Hùng Tín hơn là kinh sợ vì họ thường nhận được nhiều khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” đúng vào lúc gia cảnh lâm vào khốn khó. Về sau, Đơn Hùng Tín rời Tà Lơn về núi Cấm lập bản doanh và đánh cướp khắp Nam kỳ lục tỉnh. Có tài liệu nói rằng, ông bị bắn chết tại vàm Cồn Rồng (Mỹ Tho) do tên thuộc hạ bán đứng thông tin để nhận khoản tiền thưởng kếch xù. Nhưng cũng có người bảo rằng, người chết chỉ là một thủ hạ trung thành thế mạng để “cứu chúa”. Người ta còn quả quyết là sau trận máu lửa ấy, Đơn Hùng Tín vẫn ung dung giong thuyền ở tận Biển Hồ bên Chùa Tháp.

    Voi giẫm không chết

    Bà Trần Thị Cẩm Tiên, cháu ngoại của ông Ba Đạo (đạo sĩ Nguyễn Thành Đạo), hiện đang sinh sống cùng chồng là Nguyễn Trung Huê gần Vồ Ong Bướm trên đỉnh núi Cấm để giữ gìn đất tổ. Bà Tiên cho biết, ông ngoại bà trước đây tu tại núi Tà Lơn. Năm 1920, ông về núi Cấm dựng lên ngôi chùa đồ sộ đặt tên là Trung Thiên Sơn tự. Tại đây, ông Ba Đạo cũng mở võ đường, thu nhận nhiều đệ tử. Trong số những đệ tử ruột của ông là ông Trần Văn Thất (Ba Tiêu) và bà Chín Huê (ở Cao Lãnh). Vì là người tu tiên, không cạo đầu, để tóc làm đạo sĩ nên ông Ba Đạo vẫn có vợ và 1 người con gái. Về sau, ông gả con gái cho đệ tử giỏi nhất của mình là Trần Văn Thất và truyền dạy hết những món võ tuyệt kỹ đã luyện thành. Còn bà Chín Huê cũng vừa mất cách đây khoảng 3 năm.

    Ông Nguyễn Trung Huê cho biết, trước đây là bộ đội và được phân công canh giữ tại Vồ Pháo Binh, núi Cấm. Sau đó, ông gặp bà Trần Thị Cẩm Tiên, lập gia đình và sinh sống trên núi đến nay đã mấy chục năm. Ông Huê nói từng nghe cha vợ và bà Chín Huê lúc sinh tiền kể rất nhiều về ông ngoại vợ. Câu chuyện mà cho đến nay ông vẫn nhớ như in trong đầu là nhờ có võ gồng mà ông Ba Đạo bị voi giẫm không chết. “Theo lời tía vợ tôi kể, hồi trước có một con voi nuôi ở Ba Soài (huyện Tri Tôn, An Giang) xổng chuồng. Nó đi quậy phá khắp nơi, gặp nhà là húc đổ, gặp cây thì nhổ gốc, vườn rẫy của người dân trên núi bị nó giẫm nát tan hoang. Hôm đó, con voi to tướng đang phá rẫy cặp bên Trung Thiên Sơn tự. Ông ngoại vợ tôi nghe nói liền xách một cây thương chạy ra xua đuổi. Khi ông vừa đến gần thì bất ngờ bị con voi dùng vòi quấn chặt, giở ổng lên khỏi mặt đất rồi quăng xuống. Nó điên cuồng dùng chân giẫm đạp lên người, nhưng ông ngoại vợ vận võ gồng để chống đỡ. Sẵn còn cây thương nhọn trong tay, ông đâm một phát trúng ngay yết hầu khiến nó đau đớn mà bỏ chạy. Nhờ vậy ông mới thoát chết”, ông Huê kể.

    Vào những năm 1940, số người tìm đến Trung Sơn Thiên tự để quy y, học nghệ rất đông. Ông Huê còn nhớ lời bà Chín Huê kể, luyện võ gồng không khó lắm nhưng đòi hỏi phải có tính kiên trì. Trước tiên, người học sẽ được sư phụ thông các huyệt đạo trên người bằng nội lực. Sau đó sẽ chỉ cho các câu thần chú, rồi cứ học thuộc trong lúc ngồi thiền. Cứ kiên trì luyện tập ngồi thiền, đọc chú kết hợp với vận nội công hằng ngày thì tự nhiên nội lực sẽ tăng lên. Khi tập đến đỉnh thì da cứng như đồng, như sắt, đao kiếm không gây thương tích được.

    Ngày nay, dấu tích của ông Ba Đạo vẫn còn trên núi Cấm. Bên trong ngôi chùa còn lưu giữ hình ảnh của vị đạo sĩ Ba Đạo thời trai trẻ. Câu chuyện về người đạo sĩ nổi tiếng với món võ gồng vẫn còn được người dân núi Cấm kể cho nhau nghe hằng ngày, như để tưởng nhớ về một thuở hồng hoang, với những con người chân cứng đá mềm khai phá nên vùng đất.

    Nguồn thanhnien.com.vn

  3. #3
    khanang
    Guest

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Đường Phong

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn - Đường Phong

    Đây là võ phái ở Thất Sơn ít người biết đến. Người sáng lập ra võ phái này là cụ Cử Đa. Còn vị đệ tử chân truyền đời thứ 9 của Đường Phong là lão đạo sĩ già Ba Lưới, hiện sinh sống trên đỉnh núi Cấm.

    Giai thoại về cụ Cử Đa

    Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, người làng Phù Cát, H.Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Bình Định). Do thi đỗ võ cử nhân (có thể là năm Thiệu Trị thứ năm - 1845 hoặc thời vua Tự Đức - 1852) nên người đời gọi là ông Cử Đa. Sau khi đỗ đạt, Cử Đa đi khắp nơi để tham gia huấn luyện võ thuật cho nghĩa quân của ông Trần Văn Thành chống Pháp. Dù vậy do lực lượng mỏng, quân khí lại không dồi dào nên nghĩa quân nhanh chóng bị tan vỡ. Ông Trần Văn Thành tử trận còn Cử Đa thì cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Ông phải lánh sang Campot,
    Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia) để ẩn tu. Tại đây, Cử Đa được gặp minh sư truyền đạo pháp, được đặt cho đạo hiệu là Ngọc Thanh. Về sau, ông thu nhiều tín đồ ở Tà Lơn.

    Đến năm 1896, ông Cử Đa từ Tà Lơn trở về Thất Sơn. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe ông nói giọng miền Trung nên gọi là Thầy Huế. Ông đã đem hết võ nghệ ra thi triển nhằm chiêu mộ nhân tài, tiếp tục lập nghĩa quân chống Pháp. Và võ phái mang tên Đường Phong ra đời. Tảng đá lớn có bề mặt khá bằng phẳng ở Vồ Thiên Tuế (núi Cấm) được ông Cử Đa dùng làm sân dạy võ cho đệ tử. Sau khi thấy lực lượng đã khá mạnh, Cử Đa đến núi Tượng tìm gặp Ngô Lợi (Giáo chủ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) để bàn chuyện xuất binh xuống núi đánh Tây. Dẫu rất thán phục khí phách và lòng trung nghĩa của ông Cử Đa, nhưng biết không phải thời thế thích hợp nên Ngô Lợi không đồng ý.

    Mặc dù thất vọng, Cử Đa vẫn tụ tập lực lượng kéo đánh đồn Cây Mít (nay thuộc huyện Tịnh Biên) của Pháp ở mé kênh Vĩnh Tế. Binh lính không kinh nghiệm chiến trường, vũ khí thô sơ nên thất bại. Ông Cử Đa một lần nữa sang núi Tà Lơn để tránh liên can cho đệ tử và người dân vô tội. Tuy vậy, lâu lâu ông cũng trở về Bảy Núi thăm các đệ tử cũ. Dần dà, chẳng còn ai thấy tăm hơi gì về ông. Thỉnh thoảng có người thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cưỡi hổ mun vượt cánh rừng nối dài giữa Tà Lơn và Thất Sơn. Người ta bảo đó là cụ Cử Đa, đã tu tiên đắc đạo ở Tà Lơn.


    Tương truyền ông Cử Đa chọn đỉnh núi Cấm làm sân luyện võ cho đệ tử


    Đạo sĩ Ba Lưới hiện đã 100 tuổi là đệ tử của môn phái Đường Phong

    Tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”

    Sau rất nhiều lần trò chuyện, dẫu biết vị đạo sĩ già cuối cùng trên đỉnh núi Cấm - Ba Lưới thời trai trẻ có võ nghệ siêu quần, nhưng ông nhất quyết không nói rõ theo học môn phái nào. Mãi đến lần này, khi chúng tôi quyết “ở lì” lại núi Cấm nhiều ngày, ông lão mới chịu tiết lộ. “Hồi trước, tôi theo học nhiều thầy lắm. Tôi học bốc thuốc chữa bệnh của thầy Năm Sanh. Còn học võ thì rất nhiều thầy. Nhưng học chánh tông là võ phái Đường Phong. Tôi là đệ tử đời thứ 9 của ông Cử Đa ở ngọn núi này. Hồi đó, sư phụ tu tiên đắc đạo ở núi Tà Lơn rồi mới về núi này dạy võ. Sư phụ Cử Đa thì nổi tiếng lắm, nhưng môn phái Đường Phong ở Thất Sơn này lại ít người biết tới”, vị đạo sĩ 100 tuổi nói.

    Theo lời lão đạo sĩ Ba Lưới, sư tổ Cử Đa có tài tay không đánh hổ. Lúc cụ mới đặt chân đến Thất Sơn, vì lạ đường, lạ cảnh nên trong lúc băng rừng đã chạm trán hổ dữ. Thế võ tuyệt chiêu mà cụ Cử Đa dùng để đả hổ là “Bình phong lạc nhạn”. Khi mãnh hổ lao vào tấn công, chỉ một cái nhún chân ông đã phóng lên cao hơn chục thước. Từ trên không trung ông lao mình trở xuống như cánh nhạn lướt gió, tung một cước trúng gáy hạ gục chúa sơn lâm. Về sau, biết tiếng cụ Cử Đa, toàn bộ hổ trong rừng ở Thất Sơn gặp cụ đều nằm mọp xuống đất.

    Nói về võ phái Đường Phong, lão đạo sĩ Ba Lưới cho hay có rất nhiều thế võ cực kỳ lợi hại. Thế nhưng, trong số hàng trăm đệ tử của Đường Phong chỉ có một số ít đệ tử được chân truyền từ thầy. Mặc dù lúc ông được nhập môn thì sư tổ Cử Đa đã không còn ở Bảy Núi, nhưng tuyệt kỹ trấn môn vẫn được truyền thụ cho đệ tử đời sau. Và ông là một trong số những người này, học được tuyệt chiêu “Bình phong lạc nhạn”. Tuy nhiên, lão đạo sĩ già cho biết để luyện được chiêu thức này không hề đơn giản. Thuở trước, khi mới nhập môn, hằng ngày ông phải chạy bộ lên xuống núi để tập sức khỏe dẻo dai. Rồi phải đào hố sâu rồi từ dưới nhảy lên bờ. Mỗi ngày, hố càng được đào sâu thêm.

    Sau một thời gian luyện tập, khi thành thục, chỉ cần nhún một cái có thể phi thân lên khỏi mặt đất năm bảy thước. Nhờ quyết chí luyện tập, ông Ba Lưới có thể thi triển thuần thục chiêu thức bí truyền này. Hơn nữa, ông còn dùng chính chiêu thức này để hạ mãng xà khổng lồ và thoát chết trong lần chạm trán với hổ trên núi Cấm. “Chiêu này đặc biệt hữu dụng trong đối đầu với hổ. Vì chỉ cần một bước nhảy thì đã có thể đứng được trên ngọn cây cao, tránh hổ dễ dàng. Còn với mãng xà thì phải ra đòn quyết định, một chiêu hạ xác nó luôn, không thì sẽ trở thành món “điểm tâm” của nó”, lão đạo sĩ phân tích.

    Mai Tuyết thanhnien.com.vn

  4. #4
    khanang
    Guest

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường

    Đi tìm dấu vết võ học Thất Sơn: Nam Cực Đường

    Để qua mắt lính Tây, cụ Bảy Do dựng lên một ngôi chùa lá lấy tên Nam Cực Đường làm chốn tu hành. Thực chất, đây là một võ đường.

    Đêm đêm, các đệ tử cùng nhau luyện tập võ nghệ ngay tại sân chùa. Ngày nay, Nam Cực Đường chính là chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm (An Giang).

    Có ông Phật mới cho tu

    Cụ Bảy Do tên đầy đủ là Nguyễn Văn Do, quê ở làng An Hội (Bến Tre), cháu của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Là con trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cha mẹ Bảy Do đều tử trận trong các cuộc kháng Pháp. Vì thế, ngoài học văn, Bảy Do còn cố công luyện tập, trau dồi võ nghệ chờ có dịp trả thù nhà nợ nước. Năm 1911, người ta thấy tại sườn núi Cấm xuất hiện một thảo am với một đạo sĩ lực lưỡng, tướng mạo phi phàm. Vị đạo sĩ thường khoác áo tràng đen, đi chân đất, đầu búi tóc, ngày 2 buổi ngồi thiền, nhưng đêm đêm vẫn miệt mài luyện tập võ nghệ, mài gươm dưới trăng. Nhiều người tò mò, hỏi ra mới biết vị đạo sĩ đó chính là Bảy Do.


    Chùa Phật Lớn được xây dựng lại ngay trên chính nền chùa cũ của Nam Cực Đường
    - Ảnh: Mai Tuyết

    Lúc bấy giờ, núi Cấm là nơi của quần hùng tứ phương tề tựu nên bọn lính Pháp luôn để mắt tới. Gần như ngày nào chúng cũng cho lính đi lùng sục khắp các sườn đồi, đỉnh núi để truy tìm bóng dáng của nghĩa đảng. Ban đầu, ông Bảy Do mở một võ phái lấy tên là Nam Cực Đường. Tuy có nhiều môn đồ theo học ở Nam Cực Đường nhưng do lính Pháp và mật thám thường xuyên lai vãng, nên ông Bảy Do cùng các đệ tử âm thầm hoạt động bí mật. Ngày ngày họ vẫn lên núi phá rừng làm rẫy, săn bắt thú rừng. Đêm đêm, khi thấy tình hình an toàn thì mới kéo nhau ra vồ đá to để luyện võ. Các bậc cao niên ở vùng Bảy Núi kể lại, để qua mặt bọn Pháp, ông Bảy Do phải ẩn tu trong một hang động. Có lần khi đang ngồi thiền trong hang thì bị lính phát hiện. Một tên đại úy hỏi ông: “Mày ở đây làm gì?”. Ông Bảy Do đáp: “Tôi ở đây tu”. Tên đại úy gằn giọng: “Có ông Phật tao mới cho mày tu, còn không thì tao bắt hết”. Chính từ câu nói của tên đại úy, ông Bảy Do đã đắp một tượng Phật khá lớn bằng xi măng, rồi dựng lên một ngôi chùa bằng lá ngay nơi đặt tượng, lấy tên chùa là Nam Cực Đường. Cũng nhờ có chùa, có “ông Phật” nên bọn lính ít để ý tới.

    Đốt võ đường


    Chùa Phật Lớn - nơi trước đây cụ Bảy Do lập võ phái Nam Cực Đường

    Số lượng đệ tử nhập môn học võ ở Nam Cực Đường lên đến hàng ngàn người, nhưng môn quy nghiêm ngặt, ai nấy đều răm rắp chấp hành nên tôn ti trật tự luôn được giữ. Ngoài việc luyện võ, tất cả đệ tử của Nam Cực Đường còn được nghe giảng đạo pháp. Nhưng rồi Pháp thả mật thám, giả làm bổn đạo gia nhập Nam Cực Đường. Sau một thời gian dò la, toàn bộ hoạt động của Nam Cực Đường bị mật báo về cho chủ tỉnh Châu Đốc. Năm 1917, Pháp đem quân vây Nam Cực Đường. Hàng trăm gươm giáo bị tịch thu, 6.000 chiếc đũa bị phát hiện cùng với 20 cái chảo đun cỡ lớn dùng để nấu cơm cho hàng ngàn người ăn. Ông Bảy Do bị bắt cùng với vài chục đệ tử thân tín, còn hàng ngàn người khác thì tháo chạy vào rừng, tản lạc khắp nơi. Bọn Pháp đốt võ đường, bắt ông Bảy Do đem về giam ở khám lớn Sài Gòn, bị kêu án 5 năm cấm cố. Sau đó, ông tiếp tục bị phát vãng ở Côn Lôn. Không khuất phục trước kẻ thù, ông Bảy Do đã cắn lưỡi tử tiết trong đề lao trên hải đảo vào ngày rằm tháng 3 năm 1926. Lúc đó ông mới 45 tuổi. Toàn bộ đệ tử chân truyền của Nam Cực Đường cũng bị bắt, vướng vào vòng lao lý. Về sau, không thấy dấu tích của đệ tử võ phái này chấn hưng lại môn phái.

    Tuy nhiên, theo ghi chép của nhà nghiên cứu - dật sĩ Nguyễn Văn Hầu trong cuốn Nửa tháng trong miền Thất Sơn (xuất bản năm 1970), thì tác giả có gặp được một đệ tử của ông Bảy Do vẫn còn sống sót. Người đệ tử này không xưng danh tính, nhưng cho biết là người cùng quê tỉnh Bến Tre với cụ Bảy Do. Trước khi tham gia Nam Cực Đường, người này vốn là một thầy giáo, bỏ sở theo phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu. Khi chưa kịp xuất dương sang Nhật thì bị phát hiện, ông liền bỏ trốn đến vùng núi Cấm. Mặc dù đến ẩn cư trước ông Bảy Do và ngang hàng tuổi, nhưng vì mến mộ đức tính và lòng trung nghĩa cùng hào khí võ nghệ của Bảy Do nên ông quy phục làm đệ tử. Sau ngày bị Pháp tập kích, ông Bảy Do bị bắt, may mắn là người đệ tử này chạy thoát vào rừng. Sau đó, ông trở lại chốn cũ, lập lại cái am, ngày đêm nhang khói cho tượng Phật để tưởng nhớ về sư phụ và một thời lừng lẫy của Nam Cực Đường. Tuy nhiên, theo ông thì thuở trước, Nam Cực Đường chủ yếu là rèn luyện cho đệ tử kỹ thuật giáp chiến, đao thương giết giặc chứ không chú trọng đến tên gọi các bài quyền. Vì vậy, dù là một võ phái có số lượng đệ tử lớn nhất Thất Sơn lúc bấy giờ, nhưng không có một chiêu thức võ học nào của Nam Cực Đường được nhân gian nhớ đến. Dấu vết võ học của Nam Cực Đường vì thế cũng trở nên mờ mịt và không còn hậu thế.

    Sau ông Bảy Do, một đạo sĩ khác là Trương Minh Thành đã tìm đến ở tu ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Ông Trương Minh Thành cho cất lại chùa ngay nơi có tượng Phật do ông Bảy Do để lại và lấy tên là chùa Phật Lớn. Ông Tư Ngà (80 tuổi, hiện sống tại xã Bình Giang, H.Hòn Đất, Kiên Giang) - thư ký của ông Trương Minh Thành - cho biết trong thời gian tu tại núi Cấm, cụ Thành chỉ làm thuốc cứu người. Mặc dù ông này có võ nghệ cao siêu nhưng không thu nhận đệ tử, không mở võ đường. Lần lượt các vị đạo sĩ người đến, người đi. Vị đạo sĩ sau cùng quyết giữ gìn và tôn tạo hoàn chỉnh chùa Phật Lớn là ông Ba Lưới (tên thật Nguyễn Văn Y). Ngày nay, chùa Phật Lớn được xây cất lại ngay trên nền cũ của Nam Cực Đường. Còn vị đạo sĩ Ba Lưới đến nay đã 100 tuổi, hiện là Trưởng ban Quản tự chùa Phật Lớn.

    Mai Tuyết thanhnien.com.vn

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình