+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 5 của 5

Chủ đề: Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p1)

  1. #1
    hungvn123
    Guest

    Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p1)

    Năm1859, Pháp bắt đầu đánh chiếm Nam kỳ Lục tỉnh (Nam bộ). Một giai đoạn bi thảm bắt đầu trên vùng đất mới khẩn hoang chưa lâu lắm. Triều đình nhà Nguyễn bất lực trước sự xâm lăng ngang ngược của thực dân Pháp đã lên tục nhượng bộ cắt đất, bất lực ngồi nhìn súng đạn thực dân thôn tính miền Nam, sau đó thôn tính và đặt ách đô hộ lên toàn nước Việt. Nhiều bậc trung quân ái quốc tức giận kháng mệnh triều đình. Nhiều chí sỹ tựu quân kháng chiến cứu nước.

    Vùng Bảy Núi, tức Thất Sơn (hiện nay thuộc tỉnh An Giang) trở thành căn cứ địa của các lực lượng nghĩa quân Nam Bộ. Thật ra, Thất Sơn có đến 10 ngọn núi nhưng thời vua Tự Đức chỉ đặt tên cho 7 ngọn tượng trưng cho 7 linh huyệt gồm: Anh Vũ Sơn (Núi Kéc), Thiên Cẩm Sơn (Núi Cấm), Ngũ Hồ Sơn (Núi Dài), Liên Hoa Sơn (Núi Tượng), Thủy Đài Sơn (Núi Nước), Ngoạ Long Sơn (Núi Dài Văn Liên), Phụng Hoàng Sơn (Núi Tô).

    Do địa điểm hiểm trở, dãy nối dãy, ngọn liền ngọn, rừng rậm hoang vu nên vùng núi này có nhiều loại thực vật, động vật cực kỳ bí hiểm. Cọp beo, rắn rết cùng những loại cây ăn thịt (dân gian gọi là ngãi) đã khiến nhiều người bỏ mạng mất xác khi cố tình thâm nhập.

    Trước sức mạnh vũ khí hiện đại của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân chỉ có binh khí thô sơ và lòng quả cảm. Những người chỉ huy phải sử dụng đến “vũ khí tâm linh”. Võ phái Thất Sơn thần quyền ra đời từ đó. Để giữ bí mật nơi trú ẩn, nghĩa sỹ kháng chiến đã lợi dụng sự kỳ bí của tự nhiên, lợi dụng địa thế hoang vu hiểm trở của rừng rậm, núi cao thêu dệt nên những câu chuyện linh thiêng nhằm để tiếp thêm sức mạnh cho binh sỹ và uy hiếp kẻ thù.

    Võ sư Hoàng Bá – Đệ tử cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền.

  2. #2
    hungvn123
    Guest

    Re: Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p2)

    Hiện nay, truyền nhân duy nhất và cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền là võ sư Hoàng Bá, cư ngụ tại cầu Tầm Bót, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Đã hơn 75 tuổi, gần 20 năm nay, võ sư Hoàng Bá đóng cửa võ đường, không thu nhận đệ tử nữa. Điều đáng tiếc là võ Sư Hoàng Bá, tuy là truyền nhân nhưng không phải là chưởng môn nên không lĩnh hội được hết tuyệt chiêu của Thất Sơn Thần Quyền. Ông cho biết, người trưởng môn duy nhất và cuối cùng của võ phái, nắm giữ tất cả tuyệt chiêu là ông Đạo Ngựa tu luyện ở núi Sam, Châu Đốc.

    Võ sư Hoàng Bá chỉ là truyền nhân của một bản sao Thất Sơn Thần Quyền. Vì vậy, ông chỉ lĩnh hội được một số tuyệt kỹ thuộc về phần “dương công” của Thất Sơn Thần Quyền, chứ không nắm không nhiều những bí quyết về phần “âm công”.

    Võ sư Hoàng Bá đánh giá: “Thất sơn thần quyền là một môn phái cận chiến thực dụng, chỉ hữu ích trong chiến đấu thuở gươm đao xưa. Người võ sinh có những phương pháp luyện tập dị biệt. Vì bài quyền không có lời thiệu nên bị tam sao thất bổn. Ngoài quyền cước, võ sinh còn được trang bị thêm niềm tin huyền bí để tạo sự tự tin, bình tĩnh. Trong chiến đấu, sự tự tin, bình tĩnh chiếm 50% thắng lợi”.

    Thất Sơn Thần Quyền chính tông là một phái võ đặc dị gồm 2 phần: Quyền và Thuật. Quyền là phần “dương công” gồm những thế võ cận chiến tay không và giáp chiến binh khí. Thuật là phần “âm công” huyền bí, dùng năng lượng siêu nhiên trợ lực. Vì môn qui, người đệ tử duy nhất được chọn kế thừa trưởng môn mới được sư phụ truyền dạy phần “âm công”.

    Tương truyền, võ sinh Thất Sơn Thần Quyền chính phái có tuyệt chiêu gọi hồn nhập xác. Khi giáp chiến võ sỹ chỉ sử dụng quyền thế trong dương công để tấn công đối phương. Nếu gặp đối thủ lợi hại, võ sỹ dùng huyền thuật gọi hồn một vị thần giỏi võ nhập xác vào võ sỹ trợ giúp.

    Vào năm 1967, những người cao niên sinh sống dưới chân Núi Sam (Châu Đốc, An Giang) vẫn còn thấy một đạo sỹ gầy, râu tóc bạc phơ, tu luyện trong rừng sâu trên đỉnh núi. Hàng ngày, vị đạo sỹ này cưỡi ngựa xuống núi trao đổi lương thực với người dân quanh vùng.

    Vị đạo sỹ này rất kiệm lời nên không ai biết thân thế, tên tuổi của ông. Ông không bao giờ rời lưng ngựa. Điều đáng quan tâm là, hình dáng ông trông rất ốm yếu, lại cưỡi ngựa không yên cương. Dốc núi gập ghềnh đá, ông phải có sức mạnh phi thường mới có thể cưỡi ngựa lên đỉnh xuống vồ. Vì thế, người dân địa phương gọi đùa là ông Đạo Ngựa.

    Một lần dong ngựa xuống núi đổi rau củ lấy gạo, bắt gặp một toán cướp dùng súng uy hiếp người dân, ông xuống ngựa can thiệp. Đó là lần đầu tiên người ta thấy ông rời lưng ngựa. Toán cướp thấy ông ốm yếu xông vào toan đánh đập. Không ngờ chỉ bằng một ngón tay, ông đã khiến một tên cướp trợn dọc mắt, ngã lăn bất tỉnh. Tên cướp khác toan nổ súng. Ông rùng mình một cái rồi sau đó như điên loạn.

    Võ sư Nosar (Campuchia), nguyên Phó Hội võ thuật Campuchia năm 1974, cũng là một đệ tử của Thất Sơn Thần Quyền.

    Ông bay vèo đến cạnh tên cướp tước súng rồi vung chân múa tay đánh gục hết những tên còn lại. Ông ung dung lên ngựa trở về núi. Một ông già ốm yếu đánh gục toán cướp khỏe mạnh lại có vũ khí trong tay khiến nhiều thanh niên thán phục. Họ rủ nhau lên núi tìm ông xin học võ. Không ai tìm được nơi trú ẩn của ông.

    Tuy nhiên, có một người thanh niên quyết tâm tìm ông cho được. Người thanh niên này bò lên đỉnh núi Sam tìm nơi ngồi thiền lâm râm khấn: khi nào gặp được sư phụ mới chịu xuống núi. Sau hai ngày chịu nắng mưa, đói khát giữa rừng sâu núi thẳm, người thanh niên ấy ngất xỉu. Khi tỉnh lại thì thấy mình nằm trong một hang động. Kể từ ngày đó, người thành niên ấy trở thành đệ tử chân truyền của Đại sư Đạo Ngựa. Ngoài Hoàng Sơn còn có một tiểu đồng tên Ba giúp ông Đạo Ngựa nhang khói.

    Trong những ngày thụ đạo, người thanh niên ấy mới biết sư phụ mình là đệ tử kế thừa trưởng môn Thất Sơn Thần Quyền của Nam Cực Đường. Nam Cực Đường của Đại sư Bảy Do lập năm từ đầu thế kỷ 20 đào tạo nghĩa sỹ kháng Pháp. Năm 1917, quân Pháp bao vây bắt Đại sư Bảy Do đày ra Côn Đảo. Năm 1926, tạo nhà lao Côn Đảo, Đại sư Bảy Do cắn lưỡi cho máu chảy đến chết.

  3. #3
    hungvn123
    Guest

    Re: Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p3)

    Học được gần 1 năm, đã hết phần “dương công” chuẩn bị bước sang phần “âm công”, người thanh niên ấy xin về nhà giỗ cha. Giỗ cha xong, khi trở lại núi Sam, người thanh niên không tài nào tìm được hang động cũ. Nghĩ rằng sư phụ muốn lẩn tránh mình, người thanh niên ấy đành lại tạ hư không rồi xuống núi. Từ ngày đó cũng không ai còn thấy bóng dáng ông Đạo Ngựa một lần. Ông mất hút giữa rừng núi thiêng.

    Người thanh niên ấy chính là lão võ sư Hoàng Sơn.

    Năm 1960, trong một trận thi đấu tranh giải võ thuật khu vực Đông Nam Á, võ sỹ Hoàng Sơn đại diện đoàn Việt Nam đấu với võ sỹ Kh’mer tên là Nosar. Vào hiệp một, chỉ sau vài chiêu giao đãi, võ sỹ Sonar xin dừng trận đấu vì nhận ra đồng môn.

    Hóa ra, Nosar cũng là đệ tử của Thất Sơn Thần Quyền. Năm 1970, ông Nosar trở thành Phó Chủ tịch Hội đồng võ thuật Campuchia đã đào tạo ra những võ sỹ “thần quyền” nổi tiếng Campuchia như Nosar Long, Nosar Lieng. Hóa ra Nosar là truyền nhân mấy đời của ông Cử Đa ở Tà Lơn.

    Thời điểm đó, đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh đang sưu tầm tuyệt kỹ công phu của các môn phái võ Việt Nam đã phát hiện võ sỹ Hoàng Sơn là truyền nhân của Thất Sơn Thần Quyền.

    Năm 1968, đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh tìm đến tận nhà Hoàng Sơn đề nghị qui tựu những người hiểu biết về Thất Sơn Thần Quyền để sưu tầm một môn phái đã bế truyền.

    Do chưa được truyền thụ phần “âm công” tức phần “thần” mà chỉ biết phần “dương công” tức phần “quyền” nên Hoàng Sơn chỉ dám trương cờ Thất Sơn Võ Đạo tại Long Xuyên. Lá cờ nên đó có thêu hình 7 ngọn núi màu đen. Đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh đứng chân tạo đó làm cố vấn cho Thất Sơn Võ Đạo.

    Mục đích của Thất Sơn Võ Đạo là quy tựu các đồ đệ đồng môn tứ tán khắp nơi về để thống nhất các chiêu thức, các bí thuật “âm công” và truyền dạy lại cho thế hệ sau. Chỉ trong một thời gian ngắn, 10 võ sư từ các nơi nghe tin đã quy tựu về góp sức, gồm: Nguyễn Thành Diệp, Phùng Vũ Châu (Tư Tiếp), Nguyễn Giầu, Nguyễn Thọ, Nguyễn Thôi, Lê Đình Tây, Trần Văn Tủy, Lê Minh Nho, Sáu Rẩm, Hoàng Bá (trẻ tuổi nhất).

    Bích chương quảng cáo một đại hội võ thuật ở Chợ Lớn năm 1972 có nhiều gương mặt Thất Sơn Võ Đạo.

    Trong số 12 thành viên, Đại lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh và đại lão võ sư Nguyễn Thành Diệp cao niên nhất. Đại lão võ sư Nguyễn Thành Diệp là người may mắn nắm giữ được nhiều bí quyết phần “âm công” nhất. Tiếc rằng, đại lão võ sư Nguyễn Thành Diệp chưa kịp hệ thống lại các bí quyết thì qua đời năm 1970. Những bí ẩn của Thất Sơn Thần Quyền xem như chìm vĩnh viễn vào hư vô.

    Tuy không còn lưu giữ được các bí thuật huyền diệu nhưng kể từ ngày thành lập, Thất Sơn Võ Đạo cũng đào tạo được rất nhiều võ sỹ nỗi tiếng khắp Châu Á. Tất cả những trận thư hùng khu vực giữa các võ đường danh tiếng Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Indo, Philipin đều có mặt võ sỹ Thất Sơn Võ Đạo.

    Trận giao đấu tốn nhiều giấy mực của các ký giả thể thao miền Nam lúc ấy là trận Hoàng Thọ, đệ tử của võ sư Hoàng Sơn (môn phái Thất sơn Võ Đạo) đấu với võ sỹ Tinor (Môn phái Trà Kha) vào năm 1973 trong đại hội võ thuật tại Sài Gòn. Tinor là võ sỹ Lào được báo chí đặt cho biệt danh “Cọp bay” bởi chiêu song cước. Nhiều võ sỹ đã phải đo ván bởi cú đá bay nhanh như chớp và chính xác như công thức của võ sỹ này.

    Trận trước, “Cọp bay” Tinor thi đấu với võ sỹ Dương Văn Me (sau này là võ sư Huỳnh Tiền). Khi mới vào kẻng, võ sỹ Dương Văn Me chưa kịp chuẩn bị, “Cọp bay” Tinor đã bay người tung cú đá từ phía sau. Dương Văn Me bị gãy xương sườn, trọng tài xử thua.

    Dưới khán đài, một cuộc ẩu đả xảy ra giữa hai phe cổ động viên. Bất phục, võ sỹ Hoàng Thọ nhảy lên võ đài thách đấu với “Cọp bay” Tinor (lúc ấy luật thi đấu võ thuật cho phép thách đấu). Cuộc thách đấu được các đại lão võ sư cả hai phía chấp nhận thiết lập để vãn hồi trật tự dưới khán đài. Do đó là trận thách đấu nên được Ban Tổ chức thu xếp vào ngày cuối cùng và năm ngoài giải đấu.

    Khi võ sỹ Hoàng Thọ và “Cọp bay” Tinor thượng đài, ai cũng ái ngại cho Hoàng Thọ. Lúc đó, Hoàng Thọ chỉ là một võ sỹ chưa tên tuổi lại thấp hơn “Cọp bay” Tinor một cái đầu.

    Vào hiệp 1, “Cọp bay” Tinor xông lên áp đảo Hoàng Thọ vào góc đài. Chờ Hoàng Thọ lúng túng trong góc chết, “Cọp bay” Tinor tung một cú đá thốc từ dưới bụng lên. Hoàng Thọ dính đòn bật ngửa. Ai cũng tưởng Hoàng Thọ nằm vĩnh viễn trước cú đá bạt sơn của võ phái Trà Kha nỗi tiếng về chuyện mình đồng da sắt.

    Không ngờ Hoàng Thọ tung mình đứng lên, mặt đỏ au, mắt trợn ngược, tóc tai dựng đứng, tay chân vung đánh loạn xạ không theo một bài bản nào. “Cọp bay” Tinor vừa chống đỡ vừa lùi ngược. Hoàng Thọ thét một tiếng rồi vung chân đá thẳng vào hàm Tinor. Tiếng xương hàm vỡ phát ra cùng lúc với tiếng kẻng kết thúc hiệp 1. Tinor đầu hàng.

    Ngay trong ngày, Tinor được đưa về võ quán ở Lào để điều trị rồi chết sau đó vài tháng. Hoàng Thọ trở nên nổi tiếng với bài “Thần quyền giáp chiến” của Thất Sơn Võ Đạo. Đó là một trong số 3 bài quyền còn nguyên vẹn phần quyền (võ) lẫn thuật (phép).

  4. #4
    hungvn123
    Guest

    Re: Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p4)

    Lần theo sử liệu

    Theo hướng dẫn của võ sư Hoàng Bá, chúng tôi tìm đến Học Lãnh Sơn để gặp một đạo sỹ chỉ có cái tên duy nhất là ông Ba. Ông Ba cất một cái am u tịch giữa lưng chừng ngọn Học Lãnh Sơn để luyện đạo. Ông Ba đã 99 tuổi. Thuở thiếu niên ông Ba làm tiểu đồng cho ông Đạo Ngựa để học đạo. Sau vài câu giao đãi, ông Ba trầm ngâm lần tràng hạt, suy tưởng về quá khứ.

    Ông cho biết, ông không học võ thuật mà chỉ học đạo. Ông xác nhận vào thời gian theo ông Đạo Ngựa học đạo có một người tên Sơn được ông Đạo Ngựa truyền thụ “võ thần”. Tuy không học võ nhưng ông Ba được sư phụ kể cho nghe về xuất xứ môn võ này.

    Ông Ba khẳng định, những tổ sư môn võ thần này không đặt tên gọi nhưng do có xuất xứ từ vùng 7 núi linh thiêng nên người đời gọi là Thất Sơn Thần Quyền. Môn võ này có 4 phần luyện là tam đạo nhất thần: Tu tâm dưỡng tính gọi là tâm đạo, định thần dưỡng khí gọi là thể đạo, luyện thân tráng kiện gọi là quyền đạo. Phần luyện thứ tư gọi là luyện thần.
    Ông cho biết thêm, tổ sư của môn phái võ này chính là Chàng Lía, một lãnh tụ kháng chiến chống triều đình trước thời kháng Pháp. Chàng Lía chỉ huấn luyện cho nghĩa binh phần tam đạo chứ chưa có phần nhất thần.

    Khi phong trào kháng chiến của Chàng Lía bị triều đình đàn áp, giải tán, một đại đệ tử là Hải Đề Long dẫn một số đệ tử chạy trốn từ phía Bắc vào Nam trú ở vùng núi Tô Châu lánh trần tu tịnh. Trong số đệ tử có một người tên Nguyễn Văn Đa rất giỏi.

    Thời Thiệu Trị cuối cùng, Nguyễn Văn Đa thi đậu võ cử nên được gọi là Cử Đa.

    Ông Đạo Ba ẩn cư ở Học Lãnh Sơn, nhân chứng cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền.
    Ngày 20 tháng 6 năm 1867, quân Pháp chiếm thành Vĩnh Long. Sau đó, tiến lên huy hiếp thành Châu Đốc, buộc Tổng đốc Phan Khắc Thận phải đầu hàng. Tỉnh An Giang mất vào tay Pháp vào ngày 22 tháng 6 năm 1867. Trần Văn Thành không hàng Pháp mà mang quân qua Rạch Giá, hỗ trợ kháng chiến quân của Nguyễn Trung Trực.

    Trần Văn Thành sinh năm 1920 ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Năm 1840, ông gia nhập quân đội nhà Nguyễn được cử làm suất đội trong chiến dịch giải giáp Nặc Ông Đôn (em vua Cao Miên, khởi quân chống lại Việt Nam). Năm 1845, ông được thăng làm Chánh quản cơ, coi 500 quân, đóng quân ở Châu Đốc để giữ gìn biên giới phía Tây Nam.

    Tháng 6 năm 1968, Nguyễn Trung Trực đánh chiếm được đồn Kiên Giang mấy ngày, thì bị quân Pháp tổ chức phản công. Do địch được trang bị vũ khí vượt trội nên Nguyễn Trung Trực rút lui ra Hòn Chông, còn Trần Văn Thành thì dẫn lực lượng của mình vào Láng Linh - Bảy Thưa dựng trại, khai hoang, luyện quân và rèn đúc vũ khí chờ thời cơ. Đó là khoảng thời gian hình thành môn phái võ Thất Sơn Thần Quyền.

    Khi triều đình nhu nhược trước quân Pháp, ông Cử Đa thất vọng từ quan về vùng Thất Sơn đứng dưới cờ kháng chiến của nghĩa quân Trần Văn Thành (quản cơ Trần Văn Thành) vào năm 1862. Lúc ấy nghĩa quân Trần Văn Thành trú đóng dưới chân núi Liên Hoa Sơn (căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa) lập căn cứ kháng chiến lâu dài.

    Võ sỹ Chhit Sarim Thất Sơn Võ Đạo người Kh’mer .
    Láng Linh - Bãi Thưa là hai cánh đồng rộng nằm liền kề, có nhiều đầm lầy, lau sậy và vô số cây thưa um tùm tăm tối. Căn cứ chính của Trần Văn Thành có tên là Hưng Trung doanh, đặt tại trung tâm rừng Bãi Thưa (nay thuộc xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú, An Giang).

    Ông Cử Đa trở thành người huấn luyện võ thuật cho quân kháng chiến. Trong khi quân Pháp sử dụng vũ khí hiện đại, quân kháng chiến chỉ có các loại đao, thương và súng tự chế. Để trấn an tinh thần nghĩa quân, thủ lĩnh nghĩa quân Trần Văn Thành giao cho Ngô Lợi huấn luyện phép thuật.

    Nhằm tạo niềm tin, thu hút nhiều quần chúng tham gia kháng chiến, Ngô Lợi đem nền tảng đạo Bửu Sơn Kỳ Hương lập một tôn giáo mới có tên gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Những tín đồ được Ngô Lợi phát bùa đeo nhằm… chống đạn. Ông Ngô Lợi còn dùng sấm truyền để tín đồ tin rằng sắp đến ngày tận thế (đồng khởi), ma quỷ (quân Pháp) đã hiện ra đầy đường và núi Cấm sắp mở hội “Long Hoa”.

    Chỉ trong một thời gian ngắn, người dân khắp đồng bằng bồng bế gia đình kéo về vùng kháng chiến Láng Linh nườm nượp. Ngô Lợi phải chia đất cho tín đồ cất nhà, lập làng và tổ chức khai hoang lập ruộng sản xuất lấy lương thực nuôi quân. Theo lệnh của Quản cơ Trần Văn Thành, ông Ngô Lợi còn bày cách cho tín đồ đóng ghe nhiều chèo phục vụ cho chiến đấu.

    Sau một thời gian dài chuẩn bị, năm 1872, Trần Văn Thành chính thức phất cờ chống Pháp, lấy hiệu là Binh Gia Nghị. Nghe tin, Pháp cử chủ tỉnh người Việt tên Trần Bá Lộc đưa mật thám xâm nhập căn cứ.

    Năm 1873, sau khi nắm rõ tình hình nghĩa quân, Trần Bá Lộc dẫn quân Pháp đánh vào Bảy Thưa. Ông Trần Văn Thành tử trận. Cuộc khởi nghĩa thất bại. Quân Pháp tàn sát, giết hại, đốt làng của tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Ông Ngô Lợi thoát nạn, sau này quay trở về Láng Linh tiếp tục chiêu mộ nghĩa quân dưới danh nghĩa tôn giáo chờ thời cơ. Khi quân Pháp càn quét vào vùng căn cứ, một trong những đệ tử của Bổn sư Ngô Lợi đã dùng một chiếc ghe nhiều mái chèo theo sông Cái ra biển đào thoát về tận vùng núi Long Sơn ở Bà Rịa lập nên đạo Ông Trần.

    Riêng ông Cử Đa cải trang thành một vị sư lấy tên là Sư Bảy, giả điên khùng, lưu lạc nhiều nơi để tránh sự truy lùng của quân Pháp. Có lúc ông phái lánh sang Campot,
    Campongtrach, đến núi Tà Lơn tức Bokor (Campuchia).

    Đến năm 1896, ông Cử Đa mới dám trở về vùng núi Cấm lập am ẩn danh. Năm 1896, khi rời Campuchia về nước, ông Cử Đa tìm gặp Đức Bổn sư Ngô Lợi để bàn chuyện tiếp tục đánh Pháp. Nhưng vị tu sỹ này từ chối do chưa đến thời cơ. Thất chí Cử Đa về vùng rừng Tri Tôn lập chùa Năm Căn qui ẩn.

    Riêng làng An Định, nơi được xem là thủ phủ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với ngôi chùa Tam Bửu và Phi Lai do chính Ngô Lợi tạo dựng, quân Pháp bố ráp xóa làng 5 lần nhưng không xóa được lực lượng nghĩa quân này.

    Sau khi Ngô Lợi bị bệnh qua đời, những kháng chiến quân trong đội ngũ tín đồ vẫn tiếp tục rèn luyện võ nghệ chờ thời cơ đánh Pháp. Nhưng do không còn người lãnh đạo, lực lượng này mai một dần.

    Một thời vang bóng

    Khi nhập môn, võ sinh của Thất Sơn Thần Quyền học bài vỡ lòng là bài khấn tổ: Nam mô tổ sư tam giáo đầu sư Dương Gia, Chàng Lía, cha Hồ, chúa Nhẫn, tổ sư Hải Đề Long núi Tô về cảm ứng nhậm lễ chứng miên cho đệ tử…”.

    Sau đó, người võ sỹ được học những bài chú kêu gọi các đấng siêu nhiên nhập xác (như lên đồng) ứng chiến gọi là chú “thỉnh tổ”: “Nam mô thập hương chư phật, chư vị đại thần đại thánh đại hải, chư vị bồ tát…thập bát la hán, bát quái tổ sư… Án Lỗ ban tiên sư phù, Lỗ Ban đại sát, dụng hưng yên bất dụng hương đăng hoa quả vật thực chơn hình trợ kỳ đệ tử thần tự…hội Tà Lơn Thất Sơn, 5 non, 7 núi, rừng rú, tổ lục, tổ lèo, tổ xiêm, tổ mọi, tổ chà đồng lai đáo hạ hộ giá quang minh, chấp kinh trì chú cứu thế trợ dân cấp cấp như luật lịnh sắc”.

    Hình ảnh và bài tường thuật trên một tờ báo thể thao năm 1973 về trận võ sỹ Trần Mạnh Hiền đấu với võ sỹ Hồng Kông là Châu Đạt Vinh Hồng Kông, môn đệ của Vịnh Xuân Quyền.

    Điều này cho thấy các nghĩa quân kháng chiến ngày xưa đã áp dụng bùa Lỗ Ban có xuất xứ từ Trung Quốc vào hệ thống “âm công” của Thất Sơn Thần Quyền.

    Về quyền thế, Thất Sơn Thần Quyền có nhiều bài hay như: Linh miêu đoạt thạch, Tam sơn trấn ải, Mãnh hổ tọa sơn… Vào thập niên 1960, Thất Sơn Thần Quyền kể như không tồn tại nữa mà chuyển thể thành Thất Sơn Võ Đạo. Thất Sơn Võ Đạo là những quyền thế dương công của Thất Sơn Thần Quyền. Tuy không còn yếu tố huyền linh nữa nhưng Thất Sơn Võ Đạo cũng tạo được tiếng vang trong làng võ Nam Bộ thời ấy.

    Thời điểm này, phong trào võ thuật vùng Nam Bộ rất sôi động, nơi nào cũng có võ đường Thần Quyền: Sa Đéc có lò võ Sáu Cường; Lý Suol ở Châu Đốc; Bảy Biển ở Kiên Giang; Ba Hoằng ở Long Xuyên. Nhiều võ sư tạo được tiếng vang nhờ đào tạo được những võ sỹ vô địch trong các trận đấu võ đài. Đến tận ngày nay, những võ sư ấy vẫn còn được nhiều người nhắc như: Hai Diệp, Mười Nho, Nguyễn Mách, Út Dài, Thiên Đường.

    Họ thường tổ chức thi đấu tại Chợ Lớn (quận 5) mang tính giao hữu với các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Hồng Kông. Trong những cuộc đấu giao lưu ấy, nhiều võ sỹ Việt Nam đã tạo được sự thán phục của các võ sư, võ sỹ nước ngoài.

    Báo chí thể thao dạo ấy đã bình luận từng tuyệt chiêu của các võ sỹ Thần Quyền như: Võ sỹ Minh Sang có đường quyền vũ bão; Võ sỹ Minh Sơn có cú đấm nhanh như chớp và cú húc chỏ “hồi mã thương”, võ sỹ Chhit Sarim (người Campuchia theo học Thần Quyền).

    Trong một trận thư hùng giữa võ sỹ Trần Mạnh Hiền Việt Nam đấu với võ sỹ Hồng Kông là Châu Đạt Vinh Hồng Kông, môn đệ của Vịnh Xuân Quyền xảy ra năm 1973 khiến báo chí thể thao miền Nam lúc đó tốn khá nhiều công sức bình luận. Trong đợt thi đấu này võ sỹ Trần Mạnh Hiền đã thắng tuyệt đối bằng một cú đá thần sầu ở hiệp ba khiến khán giả hâm mộ võ thuật sôi sục. Ngày nay, những võ sỹ thuở ấy đã trở thành đại võ sư.

    Ngày nay, Thất Sơn Thần Quyền chỉ còn là ký ức của những võ sư miệt đồng bằng sông Cửu Long. Dù không ai chứng minh được sự mầu nhiệm của môn phái này nhưng xuất xứ của Thất Sơn Thần Quyền gắn liền với một trang sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt. Đó là điều cần ghi nhận.
    Nông Huyền Sơn

  5. #5
    hungvn123
    Guest

    Re: Huyền thoại võ phái Thất Sơn Thần Quyền(p4)

    Các Bạn đóng góp ý kiến, Nhận xét về môn võ này nhé!

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình