+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 3 của 3

Chủ đề: Hàng loạt món ăn vặt ở Việt Nam có chất gây teo não

  1. #1
    Lotus
    Guest

    Hàng loạt món ăn vặt ở Việt Nam có chất gây teo não

    Hàng loạt thông tin về các món ăn khoái khẩu của nhiều người như quẩy, ô mai, hạt dưa, mới đây nhất là hạt hướng dương có chứa chất độc gây teo não, mất trí nhớ, ung thư khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng.

    Xí muội chứa chất gây ung thư bán tràn lan

    Ngày 24/5/2012, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP.HCM đã lấy 10 mẫu ô mai, xí muội tại các cửa hàng, siêu thị, chợ để kiểm tra. Kết quả, đã phát hiện nhiều mẫu có sử dụng cyclamate, hàm lượng saccharine và chì (các chất có thể gây ung thư) không được phép sử dụng trong thực phẩm.
    Sau đó, thanh tra Sở Y tế TP.HCM và Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Sở Y tế TPHCM đã phối hợp kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng ô mai, xí muội.
    Tại chợ Bình Tây (quận 6), qua kiểm tra phát hiện hầu hết các mặt hàng ô mai, xí muội đều không có bao bì, nhãn mác, không hóa đơn chứng từ. Thay vì được đóng gói ghi rõ nguồn gốc, ngày sản xuất, ngày sử dụng hầu hết các sản phẩm trên được cơ sở kinh doanh chứa trong bịch nilon, đóng trong bao giấy. Tại thời điểm kiểm tra, nhiều sản phẩm ô mai, xí muội đã nổi nấm mốc. Đoàn kiểm tra đã tiến hành niêm phong, thu giữ nhiều mặt hàng; đồng thời tiến hành lấy mẫu mang đi xét nghiệm. Thông tin này đã khiến nhiều tín đồ của món ăn vặt “đáng yêu”’ này chững lại, ngần ngại hơn khi tiêu thụ mặt hàng này.
    Ô mai, hoa quả khô cũng chứa chất gây ung thư
    Cuối tháng 4/2012, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an đã lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên các loại ô mai. Kết quả cho thấy sản phẩm Preserved Fruits có chứa chất cấm cyclamate và loại đường saccharin với hàm lượng vượt hơn 31 lần so với tiêu chuẩn của Việt Nam.
    Chất cyclamate có thể gây ung thư gan, thận, phổi và tiểu đường, từ lâu đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong thực phẩm cho người.


    Ô mai
    Cùng thời điểm đó, báo chí cũng đã thông tin về việc các cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện rất nhiều loại trái cây sấy khô như đào khô, xí muội, hồng khô… của nước này có sử dụng các loại chất phụ gia, hóa chất có thể gây ung thư. Điều đáng nói là những loại trái cây sấy khô này cũng đang được bày bán tràn lan tại Hà Nội, TP.HCM. Ghi nhận tại chợ Bình Tây (TP.HCM) cho thấy, hầu hết các sạp đều có bán các mặt hàng như táo tàu, xí muội, đào khô…
    Không chỉ có vậy, các mặt hàng trên đều không có bao bì, ghi nhãn đầy đủ. Hàng bán theo ký. Do đó, cả bao khối lượng khoảng 10 kg cũng chỉ dán nhãn giấy duy nhất đủ ghi tên mặt hàng và giá bán. Trên nhãn không thể hiện cơ sở sản xuất, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng theo đúng quy định…
    Quẩy gây teo não
    Tháng 7/2012, dư luận đã không khỏi bang hoàng trước thông tin quẩy có xuất xứ từ Trung Quốc có chất gây teo não. Theo thông tin từ cơ quan chức năng thì loại quẩy này được làm từ chất Ammonium aluminium sulfate anhydrous, đây là loại hóa chất dùng để làm thuốc nhuộm, mạ đồng, trong đó Alum là thành phần chính, nếu dùng Alum làm chất phụ gia thực phẩm thì sau khi vào cơ thể, nó sẽ không thải ra được, vĩnh viễn tích lại trong cơ thể.


    Sử dụng Alum trong thời gian dài sẽ gây teo não, lãng quên, ảnh hưởng đến trí lực, dẫn đến chứng Alzheimer của người già. Giáo sư Lưu, chuyên ngành hóa học ở ĐH KHKT Hoa Trung, cho biết, trong tinh quẩy có chứa ion nhôm, là nguyên nhân quan trọng gây nên nhiều chứng bệnh về não, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
    Theo các nhà khoa học, công thức làm quẩy ở Việt Nam cũng giống ở Trung Quốc, tức là sử dụng men vi sinh và bột nở. Nếu người sản xuất sử dụng các hóa chất độc hại để rán quẩy thì chính họ là người chịu hậu quả đầu tiên.
    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm – ĐH Bách Khoa Hà Nội – cảnh báo: “Người sản xuất và người sử dụng quẩy nên biết, thành phần chính cấu tạo bột khai dùng để làm quẩy là (NH4)2CO3, thể rắn và tan trong nước. Khi gặp nhiệt (NH4)2CO3 sẽ bị phân giải thành thể khí (NH3), tạo ra mùi khai và có tính độc, đặc biệt khí này sẽ bay lên khi có sự tác động của nhiệt độ, khi đó người đầu tiên trực tiếp “chịu độc” chính là người rán quẩy sau đó mới đến người sử dụng”.
    Hạt hướng dương chứa chất gây teo não
    Mới đây (ngày 26/2), cơ quan chức năng thành phố Tô Châu, Chiết Giang, Trung Quốc đã cho lấy mẫu kiểm tra các loại hạt hướng dương đã rang chín được tiêu thụ trên thị trường, kết quả phát hiện 7 loại hạt hướng dương có chứa chất nhôm dễ gây teo não.



    Hạt hướng dương

    Để giữ cho hạt hướng dương giòn và bảo quản được lâu hơn, nhà sản xuất đã cho thêm phèn. Phèn có chứa nhôm mà khi vào cơ thể sẽ rất khó bị đào thải ra ngoài, gây tổn hại cho não, tế bào thần kinh khiến trí nhớ giảm sút.
    Ngoài ra, để cho hạt hướng dương bóng đẹp, bắt mắt, nhà sản xuất sẽ cho thêm bột talc, loại bột này có chứa chất gây ung thư.

    Còn đối với vấn đề hạt hướng dương hay hạt dưa có sử dụng chất gây teo não, ung thư khi chế biến, TS Phan Thanh Thảo – Viện Công nghệ hóa học cho biết, việc dùng các loại hóa chất công nghiệp như xút, phèn để tẩy sạch và bảo quản hạt hướng dương và hạt dưa là vô cùng nguy hiểm, xút (NaOH) là chất rắn màu trắng dùng trong tẩy trắng, dùng làm xà bông và xử lý nước thải trước khi cho ra môi trường… Tuy thuộc vào thời gian tiếp xúc mà tính độc hại của xút tác động nhiều hay ít.

    Hiện nay, hầu hết các loại hạt hướng dương, hạt dưa đều có màu sắc rực rỡ, bóng nhẫy, trông rất bắt mắt thường dùng phẩm màu công nghiệp có chứa chất Rhodamine B thường được dùng để nhuộm vải, cấm sử dụng trong sản xuất thực phẩm vì có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến não. Ăn các sản phẩm nhuộm Rhodamine B có khả năng tích tụ các chất độc trong gan, thận, gây dị ứng da. Đặc biệt, việc rang hạt hướng dương, hạt dưa nhưng dùng dầu thực vật loại thải, đã bị hydro hoá cũng không tốt bởi loại dầu ăn này gây nên bệnh tim mạch nếu dùng nhiều và lâu dài.

    Đây không phải là lần đầu người tiêu dùng biết được thông tin thực phẩm, đồ dùng của Trung Quốc chứa chất độc hại. Mà thời gian qua người tiêu dùng đã nhiều phen tá hỏa khi phát hiện hoa quả, đồ chơi trẻ em, lồng đèn… cũng chứa chất độc gây hại trực tiếp cho người sử dụng. Vì vậy, để tránh là nạn nhân của những món đồ độc hại trên, bạn nên tìm hiểu kỹ về những gì mình sẽ mua và sử dụng.

    Theo Kiến Thức

  2. #2
    thientam
    Guest

    Ăn uống trêu ngươi thần chết: Thói quen hay cố tật?

    Ăn uống trêu ngươi thần chết: Thói quen hay cố tật?

    Sau bài viết “Người Việt đang ăn uống kiểu “trêu ngươi” thần chết” và bài viết “Khách Tây sợ kiểu ăn “trêu ngươi thần chết” của người Việt”, báo VietNamNet đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả bày tỏ thái độ trước lối ăn uống hiện nay của người dân.

    Trên các diễn đàn trực tuyến, câu chuyện này cũng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi.

    Đại đa số các ý kiến đều cho rằng họ thực sự lo ngại về sức khỏe trước tình hình an toàn thực phẩm như hiện nay.

    Kết hợp với việc không biết cách ăn uống sao cho hợp lý, nhiều người hàng ngày vẫn đang rước bệnh vào người.

    “Ăn kiểu Việt Nam hiện nay thì có đầu tư xây dựng bệnh viện đến bao nhiêu cũng không thể đáp ứng nổi”, một bạn đọc cho biết.

    Vô trách nhiệm với chính bản thân mình

    Từ nước ngoài, một bạn đọc bày tỏ cảm giác khi chứng kiến cảnh ăn uống mất vệ sinh tại Thủ đô Hà Nội: “Thật khủng khiếp! Mỗi mét vỉa hè góc đường là một quán ăn. Ở đó nào là học sinh sinh viên nào là người già người trẻ túm lăm tụm ba cùng ăn uống với bụi bẩn. Đấy là chưa kể bát đĩa bẩn thực phẩm ôi thối hóa chất độc hại. Thật là khó hiểu cho thói ăn uống của rất nhiều người dân Hà Nội, trong họ không có tiêu chuẩn gì về vệ sinh thì phải”.


    Kiểu ăn uống mất vệ sinh tràn ngập phố phường Hà Nội. (Ảnh: N.A)

    “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ. Đừng vì thèm muốn mà rước họa vào thân. Ông bà xưa có câu: “Bệnh từ miệng vào, họa từ lời ra. Hãy cẩn trọng”, bạn đọc Đoàn Công Tâm nhắc nhở.

    Còn bạn đọc Quỳnh Phương có cách lý giải khác: “Phải nói rằng ngon, tiện, rẻ và vì nhiều người không biết nấu ăn. Hơn nữa văn hoá ăn uống thời mở cửa và sự quản lý yếu kém của chính quyền về an toàn thực phẩm cũng là nguyên nhân . Nhưng quan trọng nhất là sự vô trách nhiệm với chính bản thân của chúng ta”.

    Còn bạn đọc Trần Hà vừa thắc mắc vừa bức xúc: “Trên đời hết thức ăn thực phẩm hay sao mà kiếm những thức ăn chết người? Những năm trước dịch cúm H5N1 hoành hành vẫn chưa sợ sao? Nay có liên cầu lợn trong tiết canh lợn, bệnh này đã mắc nặng sẽ chết nhanh giống như ăn tiết canh vịt, gà. Đây là điều để cảnh tỉnh những người chưa muốn chết”.

    Tăng cường tự nấu nướng

    Nhiều độc giả đồng tình: Người nước ngoài không chê món ăn của ta dở, họ chỉ nói những món ăn được chế biến bằng tay bẩn của người bán, thực phẩm để dưới sàn cạnh nhà vệ sinh, ăn uống cạnh cống thoát nước,... là không an toàn vệ sinh thực phẩm.


    Thích ăn hàng quán ồn ào xô bồ là thói quen lâu nay của người dân. (Ảnh: N.A)

    “Biết rằng người dân Việt Nam ta quen với những chuyện đó rồi nhưng ngày nay đời sống được nâng cao, người bán cũng nên nhìn lại mình thay đổi để phục vụ khách hàng những món ăn vừa ngon vừa hợp vệ sinh, người mua cũng nên biết lựa chọn quán ăn nào sạch sẽ để bảo đảm sức khỏe của bản thân mình”, bạn đọc Csherrypink nói.

    Chung quan điểm với bạn đọc Cherrypink, bạn đọc có nickname Purity0409 cho rằng mỗi người cố gắng ăn sạch được đến đâu hay đến đó.

    Hiện người dân đang sống trong không khí độc hại, nguồn nước bẩn và thực phẩm không nguồn gốc, rất khó để có được cuộc sống đạt chất lượng.

    “Thôi đành tự tay mua đồ về nấu, dù sao chế biến ở nhà, ta cũng giảm thiểu được khâu vệ sinh thực phẩm và đảm bảo ăn chín, uống sôi”, bạn đọc này cho biết.

    Bạn đọc Hà Minh Hoàn thì cho rằng “thà nhịn đói một chút để về nhà nấu ăn” còn hơn là ăn ở ngoài đường. Bởi, ai đã chứng kiến khi quán ăn, nhà hàng chế biến thức ăn sẽ sợ xanh mặt.

    “Các món ốc cũng vậy. Ốc len, ốc vặn, ốc đinh, .... nhìn họ để trong những thau bự, óng ánh nước cốt dừa , mùi thơm khuyến rũ, ai cũng nghĩ là ngon lắm. Nhưng nhìn họ xào nấu thì nổi da gà. Họ còn cho muối diêm vô để ốc dai giòn.

    Chung quy tất cả họ chỉ nghĩ đến bán được nhiều tiền, còn người ăn sống chết mặc bay. Sức khỏe con người là quan trọng. Nếu muốn giữ gìn sức khỏe nên ăn uống cẩn thận”
    , bạn đọc Hoàn nhấn mạnh.

    Nhìn thấy tận mắt mới tin

    Một bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình trên diễn đàn webtretho: “Ngày còn bé má thường không cho mình ăn ở ngoài đường mà cố gắng thấy các con thèm ăn cái gì thì tự mua đồ về rồi hì hụi nấu cho cả nhà ăn.

    Tất nhiên là má nấu làm sao ngon như ở ngoài đường được vì thiếu gia vị, vì má không phải là người nấu ăn chuyên nghiệp, vì thiếu cái không khí xì xà xì xụp nơi hàng quán đông người, vì vv và vv.... Nhất là má không thể nấu được hết tất cả các món ăn mà mình thấy bạn bè hàng ngày khoe khi chúng mình nói chuyện với nhau.

    Nhưng rồi một lần đến chợ Đồng Xuân má chỉ cho mình nhìn phía sau hàng bán bún ốc nhìn thấy họ rửa bát ra sao, họ rửa sau sống như thế nào ... Và rồi đến giờ mình vẫn còn sợ”.


    “Được lời như cởi tấm lòng”, nhiều bạn đọc đã sôi nổi chia sẻ câu chuyện “đau thương” của mình.

    “Có lần người bạn Singapore sang Việt Nam du lịch, mình nhiệt tình rủ đi ăn đặc sản Việt Nam, ăn ít thôi cho biết cũng được, họ cũng nhiệt tình đi theo ăn, đến sáng gọi lại tiễn họ về nước thì mới tá hỏa, người bạn đó bị tào tháo đuổi suốt đêm.

    Sau này rút kinh nghiệm, mình chả bao giờ dám rủ bạn đi vào những quán "đặc sản" nữa, cứ chọn những nhà hàng chuyên bán món Việt mà mời, dù không "thuần Việt" lắm nhưng ít ra họ vẫn an toàn.

    Hiện giờ mình ít dám ăn ngoài lắm, tự nấu nhà ăn vừa rẻ vừa ngon mà ít ra yên cái dạ”, bạn đọc matchbox11 chia sẻ.

    Theo http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/11136...y-co-tat-.html

  3. #3
    Lotus
    Guest

    Tiết lộ sốc về 'đặc sản chết người' ở quán nhậu

    “Những thứ như chân, đầu, cổ, cánh gà, phủ tạng gia súc ở những nước tiên tiến không ăn, dùng làm phân bón hữu cơ hoặc đem tiêu huỷ. Vậy mà khi nhập lậu về VN, được coi là thực phẩm tại các quán nhậu vỉa hè với cái tên rất kêu: chân gà nướng, nầm bò, nầm dê nướng… Dân nhậu Việt đang tiêu thụ giúp “rác” cho thế giới”.
    Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam đã nhận xét như trên trong buổi trao đổi với phóng viên Báo VietNamNet.

    Chúng ta đang “nhậu” hoá chất

    Trả lời câu hỏi của phóng viên về nguồn gốc vú dê, nầm bò, chân gà, óc heo…được chế biến ở quán nhậu từ đâu ra mà dồi dào thế? Để cung ứng đủ số nguyên liệu đó, mỗi ngày phải thịt bao nhiêu con heo, bao nhiêu con bò, con dê? Bác sĩ Ký cho rằng chủ yếu số thực phẩm trên được nhập lậu.

    Ở các nước tiên tiến, chân, đầu, cổ, cánh gà không được sử dụng vì không có giá trị về dinh dưỡng.

    Còn phủ tạng gia súc như tim, gan, lòng, mề rất dễ bị ô nhiễm, dính phân heo, phân gà…gây nhiễm khuẩn, nhiễm độc nên họ càng không ăn.




    Nầm bò, nầm dê là đặc sản quán nhậu vỉa hè. Ảnh: Thanh Huyền.

    Trước đây, Việt Nam còn cho nhập khẩu nội tạng động vật nhưng bây giờ đã cấm.

    Bởi vậy, các gian thương tìm mọi cách đưa những thực phẩm nói trên trái phép qua biên giới Trung Quốc, Lào, Thái Lan…

    Việc ăn những phủ tạng không rõ nguồn gốc nói trên vô cùng nguy hiểm.

    “Ví dụ như, chân gà khi còn ở trạng thái tươi tốt bản thân nó cũng chẳng có chất dinh dưỡng gì, huống hồ lúc ôi thiu, nổi nấm mốc. Món chân gà nướng ở quán nhậu chúng ta ăn chỉ là phần da, gân và xương của con gà. Những mùi vị hoàn toàn do hoá chất và phụ gia tẩm ướp. Hay nói cách khác là chúng ta ăn hoá chất” - bác sĩ Ký nói.

    Theo bác sĩ Ký, tang vật thu được từ các vụ bắt giữ nội tạng thối vừa qua, chỉ có một cách duy nhất là mang đi tiêu hủy vì nó vô cùng độc hại…

    Mua hoá chất tẩy thịt dễ như mua rau

    Theo bác sĩ Trần Văn Ký, các loại thực phẩm là thịt ôi thối được chia làm hai loại. Một loại chỉ bị thiu bên ngoài, loại còn lại đã bị thiu thối hoàn toàn.

    Với thịt mới bị ôi thiu bên ngoài sẽ được các gian thương mua về, rửa sạch, dùng hoá chất để tẩy rửa.





    Thực phẩm hôi thối bị cơ quan chức năng phát hiện trước khi đẩy ra quán nhậu - Ảnh: SGTT

    Bản thân người bán hoá chất và người mua hoá chất cũng chẳng biết đó là gì, công thức ra sao.

    Họ chỉ biết chung chung đây là chất tẩy trắng thịt, tẩy xong thịt tươi như mới, ăn không chết!

    Bị rửa qua nên thịt thối ngấm hoá chất nhưng không nhiều tới mức gây ngộ độc ngay. Những hoá chất này sau mỗi lần ăn nhậu tích tụ dần trong cơ thể dân nhậu, tới lúc đủ sẽ tàn phá cơ quan phủ tạng.

    Đặc biệt là các kim loại nặng có trong hoá chất sẽ tồn lưu, di chuyển, lắng đọng lại ở những cơ quan đại thể của người ăn phải.

    Chúng lưu lại ở bộ phận nào sẽ phá huỷ bộ phận đó. Ví dụ ở gan sẽ phá huỷ tế bào gan, làm men gan tăng, gây xơ gan, khiến bệnh nhân tử vong.

    Đó là chưa kể những thực phẩm đó còn có nấm mốc, dù tẩy rửa, nướng lên cũng không hết. Nấm mốc sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin, gây bệnh ung thư.

    Từ đó, bác sĩ Ký khuyên người dân hãy có văn hoá ăn uống lành mạnh, chỉ ăn những thứ tươi, mới…

    Ngoài ra, người dân nên lựa những quán ăn sạch sẽ, tránh ăn quán vỉa hè hay quán nhậu không đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Quan trọng nữa là cố gắng ăn ít, không nên ăn nhiều, thường xuyên thay đổi khẩu vị, bởi những vị vừa miệng tại quán nhậu là do hoá chất tạo ra.

    “Do tính chất thời gian, kinh tế, các quán nhậu không thể đầu tư chế biến thức ăn như ở gia đình được. Làm như vậy họ sẽ lỗ vốn. Còn dân nhậu Việt Nam lại chẳng mấy quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng mà chỉ cốt sao cho rẻ và vừa miệng”, bác sĩ Ký nhận định.


    Từ đầu tháng 3 tới nay, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM tiếp nhận khoảng 20 ca liên quan tới ăn uống không hợp vệ sinh.
    Các bệnh nhân này nhập viện trong trạng thái đau bụng, ói, tiêu chảy phân lỏng nhiều lần.
    Có trường hợp nặng bị choáng, chóng mặt; trầm trọng hơn là tụt huyết áp. Những bệnh nhân này được chẩn đoán bị rối loạn tiêu hoá, nhiễm trùng tiêu hoá, tiêu chảy nhiễm trùng.
    Đển hình chỉ trong ngày 1/3, tại khoa Cấp cứu tiếp nhận tới 4 bệnh nhân như kể trên.
    Theo bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, sau khi ăn phải thực phẩm kém vệ sinh từ 30 phút tới 1 tiếng bệnh nhân sẽ có các triệu chứng bất thường.
    Nếu nhập viện chậm, bệnh nhân có khả năng không hồi phục, nguy cơ tử vong cao.
    Bác sĩ Hiệp khuyên người dân khi ăn phải thực phẩm kém vệ sinh, bị tiêu chảy không được tự ý uống thuốc cầm đi tiêu mà phải tới cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
    Đặc biệt, người dân cần chú ý nguồn gốc thực phẩm trước khi ăn để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình