Người dành hết yêu thương cho trẻ nhiễm HIV

(CATP) Cuộc sống luôn dành cho mỗi người những lựa chọn, hướng đi riêng. Số phận dường như đã sắp đặt cho chị Phan Thị Ngại gắn chặt với trẻ thơ nhất là các trẻ bị nhiễm HIV. Chị vui với cuộc sống khi nhìn chúng lớn lên từng ngày, nhưng nhiều lúc tim tưởng như nghẹn thắt khi có bé mãi mãi ra đi...


Hơn nửa đời người chị dành trọn cho việc chăm sóc bệnh nhi. Sáu năm lại đây, nhân duyên đưa chị đến với việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV, thuộc Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1. Từ 6 giờ mỗi ngày chị đã tất bật rời khỏi nhà để đến bệnh viện. Hôm chúng tôi gặp chị, dù đã hơn 11 giờ 30 nhưng phòng khám vẫn còn bệnh nhân. Dù đã đến giờ nghỉ trưa cộng thêm thời tiết khá oi bức nhưng chị Ngại vẫn nhẹ nhàng, từ tốn, ân cần giải thích cho bệnh nhân. Khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh như bị xóa bỏ từ lúc nào... Phòng khám cho trẻ nhiễm này có trên 600 bệnh nhi. Gắn bó lâu dần thành thương, chị xem đây như đại gia đình của mình.

Đã bước qua tuổi sáu mươi, không vướng bận chồng con nên chị dồn sức cho bệnh nhi của mình. Nhiều trẻ bị nhiễm HIV thường bị lao, chăm sóc và phát thuốc cho những trẻ này phải đúng giờ, đúng ngày. Người nhà bệnh nhân thường rất hay quên, không cho trẻ uống thuốc đúng phác đồ, như thế khả năng kháng thuốc rất cao. Nhiều khi lo lắng, chị phải gọi điện đến từng gia đình nhắc nhở cho trẻ uống thuốc. Khi hỏi về chị, bác Đinh Thị Gái (Bến Tre) đang nuôi cháu ngoại nhiễm HIV sốt sắng: “Nhờ có cô Ngại đây mà sức khỏe của cháu tôi tốt lên từng ngày”. Vượt qua cú sốc tinh thần, giờ đây bà cháu chăm sóc cho nhau. Hằng tháng, bà lại lặn lội đưa cháu ngoại lên bệnh viện và cô Ngại là người giúp bà lo chuyện thuốc men. Bà nói: “Suốt đời tôi không quên ơn cô điều dưỡng”. Gia đình ông Trần Văn Năm - ông của bệnh nhi Nguyễn Đức (Đồng Xoài, Bình Phước) tan nát vì cơn đại họa HIV/AIDS. Hết mẹ rồi đến cha lần lượt chết, thằng cháu ốm nheo, gầy trơ vì HIV để lại cho ông. Ở vùng kinh tế mới đời sống khó khăn, ông Năm phải thuê nhà trọ để ở. Hằng tháng, ông cháu đi xe đò xuống Bệnh viện Nhi đồng 1 lấy thuốc. Là bệnh nhân lâu năm của phòng khám, ông cháu Đức không còn xa lạ gì với điều dưỡng Phan Thị Ngại. “Nhiều bữa không có tiền về xe, cô Ngại móc tiền túi giúp hai ông cháu...”.

Không những lo thuốc đủ, đúng ngày cho các cháu, chị còn làm cầu nối để những Mạnh Thường Quân có lòng hảo tâm tìm đến và đích thân chị ngồi chia từng phần quà cho lũ trẻ. Làm thì nhiều nhưng chị không thích nói về bản thân. Theo chị, tất cả cốt ở tấm lòng và sự thương cảm. “Thương hoàn cảnh các cháu từ nhỏ đã chịu nhiều bất hạnh. Gặp gỡ, gắn bó riết rồi thành thân quen. Vắng tụi nhỏ là chị thấy nhớ...”, chị Ngại bộc bạch. Chị cho biết thêm, trẻ nhiễm HIV nếu được chăm sóc tốt cả về dinh dưỡng lẫn thuốc men thì chúng sống khỏe mạnh bình thường. Cũng chính vì vậy, chị Ngại càng thấy công việc của mình có ý nghĩa đến dường nào. Mỗi ngày trôi qua, từng gói thuốc trao tay bệnh nhân với những lời dặn ân cần chu đáo cũng là cách để chị thắp sáng ngọn lửa yêu thương, tiếp thêm sự sống cho bọn trẻ.

Ở Khoa nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, chị Ngại được đồng nghiệp rất yêu quý. Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa nhiễm cho biết, hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, chị luôn có tấm lòng và sự tận tụy của người điều dưỡng. Sự gắn bó, yêu nghề và làm việc miệt mài là những gì có thể thấy ở người điều dưỡng này. Dù đồng lương của người điều dưỡng chẳng là bao, lại thường xuyên vơi bớt khi gặp những mảnh đời khốn khó nhưng chị Ngại không nản lòng. Chị không xem trọng vật chất, chỉ cần được làm công việc mình yêu thích và “làm được điều gì đó cho bọn trẻ là chị vui rồi”. Như “nghiệp đã vào thân”, hằng ngày, hằng giờ trôi qua, chị Ngại cảm thấy hạnh phúc và bình yên bên những đứa trẻ thơ vô tội gặp nhiều bất hạnh.