Vì hâm mộ Phật pháp, cả 4 người trong cái gia đình nhỏ bé ấy đều cạo trọc đầu như những nhà sư. Cũng vì lẽ đó, những người hàng xóm đều thân mật gọi gia đình Nguyễn Tuấn Nghĩa là “Gia đình đầu trọc”.

Đều đặn mỗi buổi tối, bỏ qua những xô bồ của đô thị, 4 thành viên của “gia đình trọc đầu” ấy bắt đầu hành trình đạp xe qua những con phố sầm uất của đất Hà thành để đến với bãi giữa sông Hồng (thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) hòa mình tận hưởng cuộc sống giữa thiên nhiên.

Duyên Phật ngộ

Hỏi chuyện về những cái đầu trọc có vẻ lập dị của các thành viên gia đình và thói quen ra bãi giữa sông Hồng ngồi thiền, anh Nguyễn Tuấn Nghĩa cười sảng khoái tâm sự: “Vì hâm mộ đạo Phật, nên gia đình mình để đầu trọc muốn thể hiện sự kính bái đức Phật.

Và hơn nữa ngày ngày đạp xe để rèn luyện sức khỏe. Hòa mình vào thiên nhiên gia đình mình được tĩnh tâm, tự tại, xua đi những mệt mỏi xô bồ của cuộc sống”.

Căn hộ nho nhỏ của vợ chồng anh Nghĩa ở chung cư CT2B (Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) được trang trí khắp nơi bằng những bức tranh, ảnh về Phật giáo. Giáo lý chép lại từ kinh sách viết đầy trên tường nhà, treo giăng như thiên la địa võng từ phòng nọ sang phòng kia.


Gia đình Nghĩa ngồi hít khí trời ở bãi giữa sông Hồng

Rót cốc nước thân tình mời khách, chuyện mình, chuyện đời được Nghĩa bắt đầu bằng giọng nói trầm ấm. Sinh năm 1974, anh Nghĩa là con cả trong một gia đình 3 người con, ở phố Hàng Ngang, bố mẹ đều là công chức về hưu
Tuổi thơ của Nghĩa không được may mắn như những bạn bè cùng trang lứa. Năm 10 tuổi, trong một lần nhảy xuống từ tàu điện, Nghĩa bị xe máy va phải dẫn đến chấn thương sọ não. Những khi trái gió trở trời, di chứng của chấn thương luôn khiến anh đau đầu, mệt mỏi. Nhưng Nghĩa vẫn cố gắng chăm chỉ học tập.

Năm 1992, thi trượt đại học, Nghĩa đi học sửa chữa xe máy, thợ phụ, học nghề ảnh, sau đó làm công nhân dệt. Cuộc sống nhọc nhằn mà đầy ý nghĩa với chàng trai trẻ mới chân ướt chân ráo vào đời.

Nghĩa tâm sự, câu chuyện về cái đầu trọc của anh bắt đầu từ năm 1995, khi anh thấy mình có duyên Phật ngộ. Một lần theo cha đến chùa, Nghĩa đọc được giáo lý nhà Phật trong kinh sách, từ đó, tâm tư của Nghĩa có nhiều biến chuyển, anh cạo trọc đầu như một nhà sư.

Suốt một thời gian dài sau đó, anh giam mình trong 4 bức tường nhà, lánh xa âm thanh cuộc sống, chuyên tâm chiêm nghiệm giáo lý của Phật. Không có tiền mua kinh sách thì Nghĩa đi mượn, bất kỳ quyển kinh, sách nào rơi đã vào tay anh đều được nghiền ngẫm kỹ lưỡng.

Hạnh phúc đến từ cô vợ “nhặt”

Với suy nghĩ lánh đời thoát tục, Nghĩa cứ sống 7 năm như vậy trong căn phòng nhỏ khiến cho bố mẹ anh có những tháng ngày khóc hết nước mắt vì đứa con trai độc nhất có lối sống lập dị.

Năm 2002, vì thương bố mẹ, Nghĩa quyết định lấy vợ. Nhưng có lẽ, trong suy nghĩ “cứu nhân độ thế” của một người mộ đạo, việc lấy vợ của anh cũng rất khác biệt. To cao, khỏe mạnh, gia cảnh cũng khấm khá, niềm mong mỏi của bố mẹ là anh cưới được người con dâu đẹp người, tốt nết.

Thế nhưng, mọi người ngã ngửa trước việc Nghĩa chọn lựa một cô gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Hưng Yên, ngay từ nhỏ người bố mắc bệnh tâm thần bỏ nhà đi biệt, để nuôi mẹ già, chăm lo cho em nhỏ.

Qua mai mối, hai người đến với nhau, một người vì muốn tìm nơi nương tựa, còn một người muốn “cưu mang mảnh đời bất hạnh”. Tuy nhiên, hôn nhân vội vã ấy đã sớm nảy sinh những bất hòa trong đời sống vợ chồng trẻ và nhanh chóng tan vỡ.

Chia tay người đàn bà thứ nhất, Nguyễn Tuấn Nghĩa lại đến với một người đàn bà có cuộc đời bất hạnh khác tên Th., hơn anh đến 10 tuổi.

Chị Th. từng có chồng, nhưng không may chồng chết sớm. Thân gái một mình, Th. bị lừa bán sang Trung Quốc, phải làm vợ một người gấp đôi tuổi mình và sinh được 1 đứa con trai.



"Gia đình đầu trọc" đạp xe ra bãi giữa

Tới năm 2000, chị Th. trốn về nước. Thế rồi, chị này theo một anh “đầu trộm đuôi cướp” phiêu dạt sống cuộc sống đầu đường xó chợ ở khu vực cầu Long Biên.

Một ngày thua bạc, người đàn ông này bỏ chị đi mất dạng và chị gặp được Nghĩa. Cảm thương số phận hẩm hiu, anh đưa chị về nhà sống trong sự buồn tủi của bố mẹ.

Vậy nhưng, lần “cưới” vợ này cũng như lần trước, người đàn bà của anh quen cảnh sống lang thang nên đã rời bỏ anh để tiếp tục cuộc sống quen thuộc. Vậy là, hạnh phúc vẫn chỉ như cơn mộng mị, chập chờn xa xôi với Nghĩa.

Đến năm 2006, Nghĩa gặp chị Lê Thị Mùi (SN 1964, quê ở Hải Dương). Trước đó, chị Mùi có chồng bị nhiễm căn bệnh thế kỷ và trốn truy nã, để lại 2 đứa con sinh năm 1992 và 1993 ở quê với ông bà.

Năm 2002, chị Mùi mang theo đứa con trai tên Phả, lang thang nhặt rác kiếm sống ở khu vực cầu Long Biên. Nhớ lại kỷ niệm “nhặt vợ”, Nghĩa vừa cười ngộc nghệch, chỉ tay vào bé Phả (10 tuổi) nói: “Gặp mẹ con nó, thằng bé khi đó cứ bò nheo nhóc trên cầu, trông đến tội. Thoắt cái giờ nó đã lớn chừng này”.

Nghĩa dẫn người vợ rách rưới, nhếch nhác và đứa con còm nhom, đen đúa về nhà sinh sống trong ánh mắt chất chứa thất vọng của cha mẹ. Khốn khổ hơn, thời gian qua, “vợ” anh do sống những ngày lao lực ngoài đường phố, thần kinh bị ảnh hưởng nặng nề.

Những lúc lên cơn hoang tưởng, chị Mùi cứ trần truồng bất kể trong nhà hay ra phố, làm bố mẹ chồng xấu hổ với người dân trong khu phố.

Khuyên răn con dứt bỏ người đàn bà tâm thần không được, cực chẳng đã bố mẹ anh bán đi căn nhà ở khu phố cổ, để chuyển nhà đi nơi khác sinh sống, tránh điều dị nghị.

Quá thương con, năm 2007, bố mẹ của Nguyễn Tuấn Nghĩa mua cho 1 căn hộ chung cư trong khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội).

Nghĩa sung sướng đưa chị Mùi và đứa con trai về nơi ở mới. Kiên trì đến cùng, Nghĩa cần mẫn chăm sóc, dạy bảo “vợ” từng ngày.

Lâu dần, tình yêu thương khiến bệnh tình của “vợ” anh thuyên giảm. Chị đã biết lễ phép chào hỏi mọi người trong khu nhà mới.

Năm 2009, hạnh phúc của anh chị đã đơm hoa kết trái bằng sự ra đời của một bé gái kháu khỉnh. Đặt tên con là Nguyễn Đức Hạnh, anh Nghĩa mong mỏi đứa trẻ lớn lên sẽ có tâm đức, hiếu hạnh và có cuộc sống hạnh phúc.

Những vòng quay an lành

Hạnh phúc của cặp vợ chồng “chắp vá” Nguyễn Tuấn Nghĩa – Lê Thị Mùi cứ như chỉ có trong tiểu thuyết vậy.

Hiện tại, cuộc sống của gia đình anh Nghĩa còn đầy rẫy những khó khăn. Hàng ngày, chị Mùi đi nhặt rác kiếm tiền. Còn chồng chị, vốn bằng lòng với sự tĩnh tại của tâm hồn, nên anh ở nhà chăm sóc con.

Thằng bé Phả còi cọc, đen đúa ngày nào, lớn phổng phao khỏe mạnh từng ngày bên đứa em gái 3 tuổi bụ bẫm.

Có một đặc điểm dễ nhận dạng nhất ở các thành viên trong gia đình của Nguyễn Tuấn Nghĩa đó là những cái đầu không một lọn tóc.

Từ vợ, chồng cho đến 2 đứa con nhỏ đều cạo trọc đầu. Thoạt nhìn có vẻ như đó là một lối sống lập dị, thích thể hiện, nhưng tiếp xúc với họ, mới thấy đó là những con người thuần thiện, bình dị trong cuộc sống an lành, hạnh phúc.

Gần 4 năm qua, cứ đều đặn mỗi tối, 4 thành viên của gia đình “đầu trọc” lại bắt đầu cuộc hành trình đạp xe qua các con phố Hà thành, để đến với bãi giữa sông Hồng (thuộc phường Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) để được hòa mình tận hưởng cuộc sống giữa thiên nhiên.

Chị Mùi cho biết, nếu trời không mưa gió bão bùng, ngày nào anh chị cùng các con cũng đạp xe ra bãi giữa hít thở không khí trong lành.

Một buổi tối như đã hẹn, người viết bài đã mượn chiếc xe đạp, theo chân cuộc hành trình của “gia đình đầu trọc” để cùng trải nghiệm 1 phần cuộc sống của gia đình kỳ lạ.

Xuất phát từ Văn Quán, những vòng xe chầm chậm lăn qua những con đường lấp lánh đèn vàng phố đêm Hà thành…

Tới 23h đêm, trong sự tĩnh mịch của bãi giữa sông Hồng, những con sóng ùng ục cuộn dưới đáy sông, ở giữa thiên nhiên trong lành, “gia đình đầu trọc” thoải mái tắm sông, rộn ràng tiếng cười đùa.

Trải những mảnh nilon trên nền cỏ đẫm sương, cả gia đình họ ngồi bên nhau quây quần hạnh phúc.

Lạ thay, những đứa trẻ quen với việc “gội gió, tắm sương” cứ mỗi ngày một khỏe mạnh, lanh lẹ, trong veo vẻo cùng những tiếng cười giòn giã. Lúc ấy, niềm hạnh phúc của họ dường như hòa quyện với từng hơi thở của thiên nhiên…

(Theo Báo Gia đình và Cuộc sống)