+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 7 của 7

Chủ đề: NICK VUJICIC - Thông Điệp Cuộc Sống Không Giới Hạn

  1. #1
    Totha_Lien
    Guest

    NICK VUJICIC - Thông Điệp Cuộc Sống Không Giới Hạn

    Cuộc Sống Không Giới Hạn - Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

    Nick sinh ra mắc hội chứng Tetra-amelia bẩm sinh, một rối loạn gene hiếm gặp gây ra sự thiếu hụt chân, tay. Điều đó đồng nghĩa với việc anh có rất ít hy vọng để sống một cuộc đời bình thường. Người mẹ và người cha thân yêu của anh lần đầu nhìn thấy con trai đã sốc kinh khủng. Sự ra đời của Nick đã làm chao đảo cả cuộc sống của một gia đình trẻ. Họ khó có thể chấp nhận được sự thật đau lòng về đứa con bé bỏng; không chỉ vô cùng đau khổ, họ còn hết sức lo lắng cho tương lai của con trai.

    Lớn lên, bắt đầu ý thức về thân phận của mình cũng là lúc Nick chỉ muốn biến mất khỏi cuộc sống. Như anh từng tâm sự: “Hoàn cảnh nghiệt ngã tưởng đã có lúc nhấn chìm tôi. Hơn ai hết, tôi từng muốn tự tử, và đã từng rất nhiều lần định bỏ cuộc. Nhưng cuối cùng, tôi đã can đảm đứng dậy sau hàng ngàn lần ngã…”
    Điều gì đã khiến Nick đứng dậy và đi qua tất cả? Đó thật sự là một điều kỳ diệu lớn lao – Khát vọng sống mãnh liệt và ý chí quật cường chiến thắng số phận.

    “Thường thì chúng ta cứ tự nhủ rằng mình không đủ thông minh hoặc không đủ hấp dẫn hoặc không đủ tài năng để theo đuổi những ước mơ. Chúng ta tin những gì người khác nói về chúng ta,hoặc tự đặt ra những giới hạn cho bản thân mình. Tồi tệ hơn, khi bạn tự coi mình là một người vô giá trị có nghĩa là bạn đang đặt ra giới hạn cho những điều kỳ diệu mà Chúa có thể trao gửi cho bạn!”-(Nick Vujicic)

    “Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi tin rằng cuộc đời không có bất cứ giới hạn nào hết. Cho dù những thách thức mà bạn đang phải đối mặt là gì đi nữa, cho dù những thách thức ấy có khốc liệt, nghiệt ngã đến mức nào chăng nữa, tôi cũng mong bạn hãy tin tưởng và cảm thấy như vậy về cuộc sống của chính mình…” - (Nick Vujicic)

    Nick đã và đang sống để chứng minh chân lý lớn lao: Không có giới hạn nào lớn hơn sự tự giới hạn chính mình. Chỉ cần nhắc tới cái tên Nick Vujicic, hàng triệu người trên toàn cầu đã có thể bật khóc vì xúc động và cảm phục. Nick đã trở thành một ân phúc thật sự cho những ai được tiếp xúc với anh, hoặc từng biết đến anh qua sách, báo, băng đĩa, internet…

    Không có tay, Nick Vujicic vẫn chạm tới trái tim của hàng triệu người mỗi khi hiện diện. Không có chân, Nick vẫn đi tới khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Hiện tại, Nick là Chủ tịch và là CEO của tổ chức quốc tế Life Without Limbs, là giám đốc công ty Attitude Is Altitude, đồng thời là một diễn giả có sức truyền cảm lớn nhất và đặc biệt nhất hành tinh.

    “Là đứa con của Chúa, bạn chắc chắn đẹp đẽ và quý giá hơn tất cả những viên kim cương trên thế gian này. Bạn và tôi cực kỳ thích hợp để trở thành những con người mà đấng sáng tạo ra chúng ta muốn chúng ta trở thành! Dẫu vậy, chúng ta nên luôn luôn đặt ra cho mình mục tiêu trở thành những con người tốt hơn, toàn thiện hơn, đẩy lùi và loại bỏ những giới hạn bằng cách mơ những giấc mơ lớn lao. Trong hành trình đó, chúng ta luôn cần có những điều chỉnh (bởi vì cuộc đời này không phải lúc nào cũng toàn là màu hồng), nhưng cuộc đời này luôn đáng sống. Tôi đến đây để nói với bạn rằng cho dù bạn đang ở trong hoàn cảnh nào, miễn là bạn còn thở, thì bạn vẫn có thể đóng góp cho cuộc đời này…”


    “Tôi không thể đặt bàn tay lên vai bạn để động viên, nhưng tôi có thể nói lời nói chân thành nhất từ tận đáy lòng mình. Dù cuộc đời của bạn có đáng thất vọng đến mức nào, thì niềm hy vọng vẫn luôn ở phía trước. Trong khốn cùng, vẫn có ngày mai tươi sáng đang chờ bạn…” – (Nick Vujicic)

    Chuyện cổ tích hiện hữu trong đời thực

    Nick hiện tại đang vô cùng hạnh phúc bên người vợ tên là Kanae Miyahara, một cô gái xinh đẹp,hoàn toàn bình thường. Đám cưới của họ diễn ra vào ngày 10 tháng 2 năm 2012 ở California, Mỹ. Hàng trăm tờ báo trên thế giới đã đưa tin về đám cưới của Nick. Người ta gọi đám cưới của Nick là đám cưới của thế kỷ, là sự kiện tuyệt vời nhất, thông điệp hy vọng có sức thuyết phục nhất của năm2012.

    Và hơn thế, Nick đang hồi hộp chờ đón đứa con đầu lòng. Đó là đứa bé được sinh ra từ lòng can trường của người bố và tình yêu tuyệt vời của người mẹ. Nhưng đó không phải là điều kỳ diệu duy nhất của cuộc sống và của Nick, chính chúng ta cũng hoàn toàn có thể biến cuộc sống của chính chúng ta trở thành kỳ diệu khi biết thoát ra những điều giới hạn, biết đối mặt với thử thách, và hơn hết đừng bao giờ hoài nghi về khả năng của bản thân mình, như Nick mong muốn thông qua cuốn tự truyện “Cuộc Sống Không Giới Hạn”.



    http://www.youtube.com/watch?v=wQiW7zi4idY
    http://www.youtube.com/watch?v=JM9Moiibles
    http://www.youtube.com/watch?v=VlL3WKn-Ibc
    http://www.youtube.com/watch?v=yNumeeFUiig
    http://www.youtube.com/watch?v=uJjTXc5jpq8
    http://www.youtube.com/watch?v=da5QQSxSsGY

  2. #2
    chanh_ly
    Guest

    Hạt giống Tâm hồn

    Hạt giống Tâm hồn

    Bài văn xúc động của cô học trò nhỏ
    "Bố ơi! Con nhớ bố lắm! Biết đến bao giờ bố và em trở về ngôi nhà mình để cả nhà lại sống như ngày xưa hả bố? Con nhớ bố lắm bố ơi!"

    Có đôi khi mình cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi có cơ hội để khám phá thêm những mảnh nhỏ cuộc đời. Những cung bậc vui buồn dằn vặt của những tâm hồn mong manh qua các bài văn học trò. Thường là trong 90 phút viết bài hai tiết, tâm hồn vốn nhậy cảm và chân thực ấy biểu hiện nhiều điều.

    Trong những bài văn ấy, có một bài văn mà làm mình xúc động vô cùng. Đề văn với yêu cầu: Em hãy viết những cảm xúc của mình về một người thân nay đã xa.

    Con bé ấy khi đọc đề là bắt đầu viết cắm cúi. Mình yên lặng chờ đợi. Nó viết và hầu như không ngẩng lên trong suốt thời gian ấy, chỉ có điều mình nhận rõ con bé vừa viết vừa khóc. Nó nộp bài cho mình đầu tiên rồi ngồi yên lặng.

    Bài viết là một cảm xúc về gia đình.


    “Tôi có một gia đình nhỏ bé. Bố, mẹ và cậu em trai nghịch ngợm lắm. Bố thì bận công việc suốt ngày những lại nấu ăn rất giỏi và vui tính nữa. Bao giờ cũng vậy, vào cuối tuần là bố trổ tài nấu nướng. Khi bầy thức ăn lên bàn rồi, tôi mới thấy bố tài ba đến thế nào.

    Bố hay cười và vì thế mà không khí gia đình tôi rất vui. Bố rất yêu hoa phong lan và thường chăm sóc nó. Đặc biệt là giò phong lan móng rồng mầu vàng.

    Chiều nào cũng vậy, tôi cùng bố lên chăm sóc những khóm hoa phong lan ấy. Hương thơm của hoa , sự chăm chỉ của tôi và bố khiến giàn hoa nhà tôi đẹp lắm! Tôi thấy mình có một gia đình thật là hạnh phúc.

    Nhưng rồi, niềm hạnh phúc của gia đình tôi thật là ngắn ngủi. Mẹ đi làm về muộn hơn. Bố mẹ thường đóng cửa và cãi vã nhau. Lúc đó, tôi và em chỉ biết bảo nhau im lặng.

    Tôi sợ không khí ấy, sợ một điều gì đó sẽ đến với gia đình mình. Thế rồi nó đã đến thật.

    Tôi khóc mãi khi nghe mẹ nói với tôi rằng: Bố mẹ sẽ ly hôn, em sẽ ở với bố và con sẽ ở với mẹ. Tôi xin mãi mà bố mẹ không nghe lời tôi.

    Tôi khóc, em trai cũng vậy. Tôi ôm em trai và buồn vô cùng khi nghĩ rằng nó sẽ phải về một nơi xa để sống cùng bố và ông bà nội.

    Bố và em đi rồi. Trong nhà bây giờ chỉ còn tôi với mẹ. Tôi thấy căn nhà rộng quá. Tối đến, mẹ vào phòng làm việc rồi, chỉ còn mình tôi. Tôi nhớ em, nhớ bố. Tôi nhớ bố lắm. Bằng giờ này mọi khi bố cũng lúi cúi trong phòng làm việc, bên bản vẽ.

    Tôi nhớ tiếng bố đi hay kéo đôi dép xốp lẹt xẹt, nhớ cách bố hút thuốc lá, nhớ tiếng ho của bố, nhớ nụ cười của bố. Tôi nhớ những buổi tối cuối tuần với bữa ăn mà bố chế biến cùng nụ cười bố hiền từ biết bao.

    Tôi không ngủ được. Suốt đêm tôi nghĩ về bố, nghĩ về ngôi nhà rộng và lạnh lẽo chỉ có hai mẹ con, tôi khóc ướt đầm cả gối mà mẹ không biết.

    Mấy tuần rồi, tôi không dám lên tầng để tưới cho những giò hoa phong lan. Tôi sợ lên đó. Vì nơi đó sẽ gợi nhớ hình ảnh thân yêu và cặm cụi của bố mỗi buổi chiều ngày xưa. Bố yêu hoa lắm mà. Tôi không lên đó nữa.

    Nhưng rồi chiều nay, không hiểu sao, tôi đã lò dò bước lên. Khi nhìn những giò hoa phong lan yêu quí, tôi ngồi xụp xuống và không ngăn được dòng nước mắt.

    Những giò hoa phong lan của bố xanh mướt là thế, hoa đẹp là thế mà đang dần chết héo vì thiếu nước. Những chiếc lá lan vàng úa, khô khỏng. Tôi vội vã tưới nước và thì thầm nói lời xin lỗi... Tha lỗi cho ta nhé Lan. Tại tao sợ nhìn chúng mày... Tại tao nhớ bố quá.
    Lâu rồi, tôi không gặp bố. Mà có lẽ gần một tháng rồi, bố không gọi điện cho tôi. Tôi nhớ bố và mong gặp bố biết chừng nào. Bố ơi! Con nhớ bố lắm! Biết đến bao giờ bố và em trở về ngôi nhà mình để cả nhà lại sống như ngày xưa hả bố? Con nhớ bố lắm bố ơi!”

    Đọc bài viết của con bé, mình không kìm nổi xúc động và bảo ngay: Cho cô xin số điện thoại của bố.! Mình chạy ra ngoài và gọi.

    Không biết trước sau mình đã nói những gì bởi vì mình nói trong một tâm trạng đầy xúc động.

    “Tôi là giáo viên dậy văn của cháu. Tôi không biết hoàn cảnh gia đình mình cho đến khi đọc bài văn của cháu hôm nay.

    Có thể vì một lý do nào đó mà gia đình mình không còn vẹn toàn song là một giáo viên, cũng là một người mẹ nữa, tôi mong anh chị đừng làm tổn thương con trẻ, bù đắp cho cháu để nó không cảm thấy mất mát quá.

    Bởi vì tôi thấy trong bài viết , cháu nó rất yêu bố, rất mong gặp bố, mong bố trở về. Tự nhiên tôi nghĩ đến trách nhiệm và đôi khi là sự ích kỷ của người lớn chúng ta anh ạ.

    Chúng ta mải mê quá, tìm điều gì xa xôi mà không để ý tới tình yêu thương và hạnh phúc của các con mình đang dành cho ta đang ở rất gần.

    Tôi xin lỗi vì nói nhiều tới chuyện gia đình xong mong anh hãy trở về thăm cháu nhiều hơn anh ạ, gọi điện cho cháu nữa. Con gái anh là một đứa trẻ nhậy cảm và giàu tình yêu thương... nó rất yêu anh.”

    Có thể người cha ấy nhận ra cảm xúc của mình khi nói nên giọng trầm xuống buồn bã. Người cha ấy nói lời cảm ơn mình và xin lại bài văn viết của con gái. Anh hứa sẽ về thăm cháu thường xuyên hơn và vì hoàn cảnh công việc luôn phải xa nhà. Anh hứa sẽ dành nhiều thời gian hơn cho con gái...

    Sau buổi học, mẹ cô bé đến đón, mình gọi ra một góc và nói chuyện đó. Người mẹ trẻ nghe xong câu chuyện về con gái không nói một câu nào mà chỉ ngồi khóc mãi không thôi.

    Có lẽ một điều linh cảm nào đó cho mình biết nguyên nhân có thể bắt đầu từ người mẹ và sau đó mình đã không lầm.

    Một tuần sau, con bé thì thầm nói với mình. Bố em về thăm em cô ạ. Một tuần 3 lần cô ạ. Bố còn gọi điện liên tục cho em nữa. Bố nói chuyện với mẹ rất lâu cô ạ. Đôi mắt con bé ngập đầy hạnh phúc.

    Hết học kỳ 1 con bé lại thì thầm thông báo: Bố em nói rằng: Hết học kỳ I này sẽ chuyển cho em trai lên thành phố học cô ạ. Em vui lắm.

    Và một thông báo mới toanh trước khi nghỉ tết. Bố và em trai em về nhà ăn Tết rồi cô ạ. Bố chuyển hết đồ về nhà rồi. Chiều qua, em với bố lại lên tưới hoa phong lan. Bố mẹ em làm hòa với nhau rồi cô ạ. Cô ơi! Có phải là do bài văn của em không cô.?
    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/112...c-tro-nho.html

  3. #3
    chanh_ly
    Guest

    Hạt giống Tâm hồn

    Hai bài văn điểm 10 khiến dân mạng rớt nước mắt

    Cả hai bài văn đều được các em viết ra từ những xúc cảm của mình, nên đã được điểm 10, nhưng điểm chấm bằng bút mực màu đen làm không ít người vẫn phải thắc mắc?

    Bài văn thứ nhất là của một em học sinh lớp 8, tên Nguyễn Thị Kiều Vân, sinh ngày 17/01/1997, dự thi môn Ngữ văn ngày 17/9/2010.
    “Tuổi thơ tôi không được may mắn như bao đứa trẻ khác. Từ khi sinh ra tôi đã mồ côi cha. Một mình mẹ nuôi tôi khôn lớn, mẹ là người cha, người mẹ tuyệt vời nhất trên đời này. Nhưng khi tôi lên chín tuổi, thời gian quá ngắn giữa mẹ và tôi thế nhưng mẹ đã bỏ tôi một mình bơ vơ trên cõi đời này mà ra đi. Chỉ chín tuổi tôi còn quá nhỏ để hiểu được sâu sắc việc mãi mãi không có mẹ bên cạnh. Như hình ảnh ngày nào của mẹ thì không bao giờ phai trong tôi, mỗi bước chân tôi đi như có bóng mẹ soi đường, chỉ tôi. Mẹ là người sống mãi mãi trong lòng tôi.

    Mẹ tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, mẹ luôn sống vì tôi. Tuy cuộc sống vất vả và phải sống chung với căn bệnh hiểm nghèo nhưng mẹ sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ tôi cao, làn da xám đen vì nắng gió. Khuôn mặt phúc hậu, hiền từ. Mẹ luôn dạy bảo tôi những điều tốt nhất. Mẹ động viên tôi những khi tôi buồn, tôi thất bại. Mẹ luôn lo lắng, mang những điều tốt đẹp đến cho tôi còn tôi thì chỉ biết làm mẹ buồn, mẹ khóc.

    Mẹ dạy tôi rất nhiều điều “Phải sống trung thực, ngay thẳng. Phải biết ơn nhưng không được nhớ oán. Phải biết tha thứ yêu thương người khác. Nhất định chị em phải đoàn kết với nhau mà sống, đừng để mọi người chê cười con không có dạy”. Đó là tất cả những gì mẹ để lại cho tôi trước lúc ra đi. Lúc đó, tôi chẳng hiểu gì cả, tôi sống vô tư có mẹ cũng như không có mẹ. Nhưng Mẹ ơi? Giờ con mới hiểu mồ cô mẹ là gì? Giờ con mới biết những lời nói đó là tài sản quý giá nhất mà mẹ đã dành cho con. Con nhớ me nhiều lắm, nhất định cn sẽ làm theo những gì mẹ dạy.

    Mẹ tôi đã vượt qua khó khăn để sống và tôi cũng sẽ thế. Mẹ luôn là một vầng ánh sáng soi dẫn đường tôi. Những nụ cười của mẹ sao nó cứ hiện mãi trong đầu tôi cả lúc mẹ ra đi nữa. Giờ tôi muốn được nắm tay mẹ, muốn được ngồi vào mẹ nhưng tôi không thể! Mẹ tôi rất thương yêu tôi, mẹ đã hi sinh cuộc đời mình để tôi được sống tốt hơn. Ngày ấy, lúc mẹ đau đớn giữa đêm khuya, thấy mẹ đau tôi chẳng biết làm gì mà chỉ biết khóc. Mẹ nắm tay tôi và cười trong những giọt nước mắt “Mẹ không sao đâu con. Thế là tôi đã ngủ thiếp đi, sao tôi lại khờ dại đến ngu ngốc thế chứ? Tôi hiểu mẹ yêu tôi nhường nào và tôi cũng vậy. Tuy giờ không có mẹ bên cạnh nhưng mẹ vẫn sống trong tâm trí tôi. Tôi sẽ sống thật tốt để mẹ được vui lòng, giờ tôi chỉ có thể làm được thế thôi.

    Mẹ tôi là người thế đó, tôi chỉ có thể nói là mẹ tôi rất tuyệt. Mẹ là người tôi yêu quý nhất trên đời và dù me đi xa nhưng mẹ vẫn như còn đó đứng bên cạnh tôi. Giá như, tôi được sống với mẹ dù chỉ là một ngày. tôi sẽ chăm sóc cho mẹ, việc mà tôi chưa từng làm, tôi sẽ làm mẹ vui, không làm mẹ phải khóc. Và điều tôi muốn nói với mẹ là “Mẹ ơi! Con yêu mẹ rất nhiều, con rất muốn được sống và lo cho mẹ. Mẹ ơi! Con rất muốn”.

    Hỡi những ai còn mẹ thì đừng làm mẹ mình phải khóc, dù chỉ là một lần!”


    Còn bài văn thứ 2 là của em Phạm Thị Thu Hà, một học sinh lớp 6. Bài văn được viết trên giấy kẻ ôli vuông, cũng dài hơn 2 trang giấy và điểm tối đa cũng là 10, cùng với lời nhận xét “Bài viết có cảm xúc, rất tốt".
    “Những ngôi sao thức ngoài kia
    Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con.
    Đêm nay con ngủ giấc tròn
    Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”

    Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chọt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó.

    Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ.

    Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn” quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp.

    “Bàn tay ta làm nên tất cả
    Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”

    Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lốn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao sậm, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.

    Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà... thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng.

    Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua.

    Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi.

    Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ.

    “Mẹ như biển cả mênh mông
    Con luôn ghi nhớ công ơn của người”.


    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/117...-nuoc-mat.html

  4. #4
    Totha_Lien
    Guest

    Re: NICK VUJICIC - Thông Điệp Cuộc Sống Không Giới Hạn

    Cám cảnh bé lớp 6 ‘nuôi’ năm em ăn học

    - Vừa đi học về, Sùng Thị Dợ (11 tuổi), học sinh lớp 6A, trường THCS Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa) lại lao ngay vào bếp để nấu cơm cho 5 người em và cháu ăn trong căn lều lụp xụp.

    Chỉ mới 11 tuổi, nhưng Dơ già dặn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, ở cái tuổi như em để lo được cho bản thân mình còn khó. Thế mà Dợ đã thay được công việc làm “mẹ” để nuôi thêm 3 em ruột của mình và 2 cháu nhỏ (con của anh chị) ăn học.



    5 đứa trẻ mà Dợ đang nuôi nấng

    Gặp chị em Dợ trong căn lều lụp xụp, vẻ mặt già giặn của Dợ không thể che lấp được sự hồn nhiên của cô bé khi chúng tôi hỏi: Trưa nay mấy chị em ăn gì? Tỏ ra ngượng ngùng, Dợ bảo: Tuần trước về nhà mẹ lấy cho ít cá khô, vẫn còn, rau thì lên rừng lấy.

    Nhà Dợ cách trường gần chục cây số, em sinh ra trong một gia đình nghèo, lại có tới 9 người con. Dợ là con thứ 5, cũng là người đầu tiên của gia đình được đến lớp. Mấy anh chị đầu của Dợ đã có gia đình riêng, nhưng cuộc sống khó khăn. Các con của anh chị xuống trường học đều một tay Dợ lo hết.

    6 miệng ăn, nhưng mỗi lần về nhà Dợ chỉ lấy được khoảng vài kg gạo, ít cá khô. Chị em ăn chắt bóp chỉ được vài ngày là hết lượng thực. “Có những hôm hết gạo nấu cơm, mấy đứa nhỏ chạy “sơ tản” sang các lều, lán của các anh chị khác xin cơm ăn cho đỡ đói. Còn em lại lên rừng tìm cái gì đó về nấu”, Dợ tâm sự.

    Kể chuyện với chúng tôi chưa dứt lời, thằng Sùng A Phưng (4 tuổi) đi chơi nghịch ở đâu về từ đầu xuống chân nhem nhuốc đất. Dợ lại phải bỏ mọi câu chuyện chạy ra bế em xuống suối tắm cho nó. Xong việc, Dợ cười hiền nói: “Ngày nào em cũng phải làm vậy hết. Có hôm đang ăn cơm, đứa la đau bụng, đứa buồn đi ị em lại phải bỏ bát dẫn chúng đi”.


    Học về Dợ không được nghỉ ngơi đã phải chăm lo cho các em, các cháu
    Tôi hỏi, như vậy có vất vả lắm không? Dợ trả lời: Trông nom bọn chúng không đã khó rồi, hàng ngày Dợ vừa đi học, vừa lo cơm nước, chăm các em… nhiều lúc phát ốm nhưng vẫn phải gượng dậy.

    Thương con, nhiều lần bố mẹ Dợ đã khuyên em nghỉ học về nhà. Nhưng rồi cái ước mơ con chữ nên Dợ không đồng ý. Dợ bảo, em muốn học thật giỏi để sau này lấy kiến thức dạy lại cho các em các cháu của mình. Và em muốn trở thành cô giáo dạy cho trẻ em nghèo như mình.

    Được phân một suất vào nhà bán trú để ở, nhưng Dợ xin thầy cô ra ngoài dựng lều lán để tiện chăm sóc các em, cháu của mình. “Nhà trường tạo điệu kiện cho em, em rất cảm ơn. Nhưng em ở trong đó các em của em sẽ sống thế nào vì cả 5 đứa mới học mẫu giáo”, Dợ cho biết.

    Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu phó Trường THCS Mường Lý cho biết, hoàn cảnh của em Dợ rất đáng thương. Chỉ là một đứa trẻ, để lo việc học cho bản thân đã khó, em còn chăm lo cho 5 đứa em và cháu như một người trưởng thành.


    Dợ đang đọc chữ cái để các em đọc theo
    Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Dợ rất ham học. Ngoài thời gian chăm sóc em, cháu Dợ chỉ vùi đầu vào sách vở. Tranh thủ thời gian rỗi em lại lên rừng lấy củi, lấy rau rừng về nấu.

    Hiện Dợ đang là lớp trưởng của lớp 6A. Theo thầy Hà, Dợ là người học rất khá, nhất là môn toán và tiếng anh. Tuy vất vả hơn các bạn cùng lớp nhưng em rất tích cực tham gia trong các hoạt động xã hội của nhà trường.

    Mới đây, em Dợ cũng là người duy nhất của trường được nhận học bổng “Để em không phải bỏ học” với số tiền hơn 2 triệu đồng.

    Số tiền này Dợ đã nhờ thầy giáo Chủ nhiệm Hoàng Trọng An cất giữ để mỗi tuần thiếu tiền ăn, tiền sách vở… em lại lên nhờ thầy rút ra một ít. “Em phải gửi thầy giáo mới có thể giữ được tiền. Vì nếu em mang về đưa cho bố, bố sẽ mua rượu uống hết”, em Dợ tâm sự.

    http://vietnamnet.vn/vn/ban-doc-phap...em-an-hoc.html

    MỌI SỰ ỦNG HỘ XIN GỬI VỀ:
    1.Gửi trực tiếp: Sùng Thị Dợ (11 tuổi), học sinh lớp 6A, trường THCS Mường Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa.
    2, Qua Báo VietNamNet: Ghi rõ ủng hộ em Sùng Thị Dợ ở Thanh Hóa )
    Qua TK ngân hàng Vietcombank:
    Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
    Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam - 198 Trần Quang Khải, Hà Nội
    - Chuyển khoản từ nước ngoài:
    - Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
    - The currency of bank account: 0011002643148
    -Bank:- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
    -Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
    -SWIFT code: BFTVVNVX

    - Qua TK ngân hàng Viettinbank:
    Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VietNamnet
    Số tài khoản: 1020.1000.158.2330
    Ngân hàng Vietinbank Hoàn Kiếm, Hà Nội
    - Chuyển tiền từ nước ngoài:
    Vietnam Joint Stock Commercial Bank for Industry and Trade, Hoan Kiem Brand
    - Address:37 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
    - Swift code:ICBVVNVX122

    3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
    - Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
    - Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
    Email: banbandoc@vietnamnet.vn

  5. #5
    Lotus
    Guest

    Re: NICK VUJICIC - Thông Điệp Cuộc Sống Không Giới Hạn

    Bài văn 9,5 điểm viết về cha xôn xao dân mạng
    Bài văn về người cha của một nữ sinh lớp 10 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh - Nghệ An) đang được cư dân mạng chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội.




    Bài văn kể về người cha đầy xúc động của Nguyễn Thị Hậu

    Trên trang cá nhân của mình, luật sư Trần Đình Triển cho biết xuất xứ của bài văn xúc động này đó là của học sinh Nguyễn Thị Hậu lớp 10A2, từng được thầy Lê Trần Bân, hiệu phó trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, đọc trước toàn trường trong buổi lễ chào cờ đầu tuần.

    Với đề bài “Em hãy phát biểu cảm nghĩ về một người thân yêu nhất", nữ sinh Nguyễn Thị Hậu, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh - Nghệ An) đã chọn nói về người bố yêu thương làm nghề xe lai (xe đạp ôm) của mình.

    Bài văn xúc động người đọc bởi cảm xúc chân thành từ chính tình cảm của người con dành cho người cha tần tảo của mình.

    Bài văn đã được 9,5 điểm và lời nhận xét của cô giáo: “Em là một người con ngoan, bài viết của em đã làm cho cô rất xúc động. Điều đáng quý nhất của em là tình cảm chân thực và em có một trái tim nhân hậu, em đã cho cô một bài học làm người. Mong rằng đây không chỉ là trang văn mà còn là sự hành xử của em trong cuộc đời”.

    Khi đọc bài văn này, luật sư Triển chia sẻ: “Trong hoàn cảnh mà nhiều vụ án con giết, đánh, đối xử tệ bạc, kiện cáo với cha mẹ trở thành tiếng chuông báo động sự suy thoái về đạo đức của xã hội thì bài văn của em đã lấy máu từ trái tim truyền cảm cho mọi người”.

    Bài văn xúc động về người cha của Nguyễn Thị Hậu:

    Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa?

    Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

    Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ.

    Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

    Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió.

    Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình. Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày.

    Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

    Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.

    Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường.

    Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

    Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

    Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

    Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

    Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng...

    Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong tuổi trẻ của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

    Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố.

    Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi. Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào?

    Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật. Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa.

    Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với “tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

    Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia.

    Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại.

    Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa. Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố?

    Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.

    Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi.

    Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.
    http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/118...-dan-mang.html

  6. #6
    chanh_ly
    Guest

    Voi con không chịu rời xác mẹ

    Voi con không chịu rời xác mẹ
    Voi con đứng bên voi mẹ rất lâu, nó dùng vòi và chân cố gắng lay mẹ thức dậy, hình ảnh xúc động này diễn ra tại một khu bảo tồn ở Kenya.

    Voi con đứng bên cạnh và cố gắng đánh thức mẹ nó tỉnh dậy, dù cạnh đó là nguy hiểm từ con sử tử và linh cẩu đang rình rập.
    Nhiếp ảnh gia Sarah Skinner, 38 tuổi ghi lại hình ảnh diễn ra trong Khu bảo tồn động vật Masai Mara, Kenya.
    Những thành viên khác trong đàn tập trung quanh xác con voi như để cùng chia sẻ nỗi đau mất mát.
    Nguyên nhân cái chết của voi mẹ chưa được làm rõ, song dấu vết trên cơ thể nó cho thấy có thể nó bị sư tử tấn công.


    Cho dù những con voi khác bỏ đi, nhưng voi con vẫn đứng bên cạnh xác mẹ nó.

    "Đó là khoảnh khắc vô cùng cảm động. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh này", nhiếp ảnh gia Sarah Skinner nói.
    [url]http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2013/05/voi-con-khong-chiu-roi-xac-me/[/url

  7. #7
    Totha_Lien
    Guest

    Re: NICK VUJICIC - Thông Điệp Cuộc Sống Không Giới Hạn

    Khâm phục thí sinh làm bài thi bằng... chân

    Bị chứng bại liệt từ nhỏ, chân tay Duẩn yếu ớt chẳng cầm nổi cây bút. Để cầm bút viết, em phải dùng những ngón tay yếu mềm kết hợp với chân phải điều khiển cây bút. Dù khó khăn như vậy, em vẫn tự tin dự thi tốt nghiệp THPT như bao bạn bè khác.
    Đó là em Nguyễn Lê Duẩn (SN 1993, thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định) học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (thị xã An Nhơn), dự thi tại hội đồng thi Trường THPT An Nhơn 2.

    Để làm bài thi Duẩn kẹp cây bút giữa kẻ 2 ngón tay và chân phải điều khiển tay để viết.
    Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, tại hội đồng thi Trường THPT An Nhơ 2 (thị xã An Nhơn, Bình Định), nhiều thí sinh cũng như các bậc phụ huynh không khỏi cảm phục nghị lực của chàng trai bị bại liệt không thể đi lại nên người mẹ nghèo ngày ngày chở con đến trường thi cùng với một chiếc bàn được thiết kế đặc biệt dành riêng cho Duẩn.

    Ngay khi bài báo này được đăng tải trên Dân trí, rất nhiều độc giả đã gửi bình luận ngỏ ý muốn chia sẻ đến em Nguyễn Lê Duẩn. Chúng tôi xin đăng số điện thoại của Lê Thị Phương Dung - mẹ em Duẩn để độc giả có thể liên lạc động viên và chia sẻ cùng gia đình em. Số điện thoại của chị Phương Dung: 01222 476 029. Địa chỉ: thôn Thuận Đức, xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, Bình Định.
    Trước kỳ thi, do không thể ngồi bàn của các thí sinh bình thường được nên gia đình trình bày khó khăn với ban hội đồng thi trường An Nhơn 2. Vì vậy, trước kỳ thi, lãnh đạo Sở GD-ĐT Bình Định đến thăm động viên và đồng ý để Duẩn được ngồi chiếc bàn đặc biệt do người cha đóng để Duẩn học bài bấy lâu nay.

    Duẩn ngồi thi một mình trên chiếc bạn đặc biệt do chính bàn tay người cha đóng cho em.
    Duẩn được bố trí đặt chiếc bàn ngay trên bục giảng để làm bài. Trong suốt 5 buổi thi qua, Duẩn phải một mình ngồi một trên chiếc bàn đặc biệt làm bài thi. Chứng kiến hình ảnh Duẩn một mình say xưa dùng tay, chân nắn nót viết từng câu chữ phép toán mới thấu hiểu nghị lực và khát khao được đến giảng đường đại học lớn hơn bao giờ hết.

    Gặp Duẩn khi vừa kết thúc môn thi Toán sáng nay, em tươi cười chia sẻ: “Em làm bài cũng tạm, 5 môn thi vừa qua cộng lại có khi cũng đủ điểm đâu. Em sẽ cố gắng làm tốt môn còn lại để tập trung ôn thi đại học”.


    Sau mỗi buổi thi, người bạn thân lại bế Duẩn ra xe để về.



    Xong mỗi môn thi người mẹ lại vội vàng đèo Duẩn về nhà ăn uống, nghỉ ngơi chuẩn bị cho buổi thi tiếp.
    Chia sẻ ước mơ, Duẩn tâm sự: “Em bị bại liệt nên khó lựa chọn ngành nhưng em nghĩ Công nghệ thông tin là phù hợp, nên em làm hồ sơ thi vào khoa CNTT Trường Đại học Quy Nhơn. Em sẽ cố gắng thực hiện ước mơ trở thành một kỹ sư CNTT”.

    Bên ngoài, người mẹ nghèo tần tào từng buổi thi lại tranh thủ đưa Duẩn đến trường thi rồi lại tranh thủ chạy về nhà lo việc ruộng đồng, gần hết giờ thi lại vội vã đến đón con về ăn uống nghỉ ngơi để lấy sức thi tiếp.

    “Duẩn bị bại liệt chẳng đi lại được suốt ngày phải ngồi xe lăn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng làm nông với 2 sào ruộng nuôi 3 con ăn học đã khó mà còn Duẩn bị bại liệt mình cũng không đi đâu xa làm được. Biết vậy nhưng cháu muốn được đến trường muốn theo đuổi ước mơ mình phải chiều theo ý con, chứ sinh con ra mà không lo cho con được thì tội cháu...” - chị Lê Thị Phương Dung, mẹ em Duẩn tâm sự.
    Doãn Công

    nguồn: Dantri

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình