Hãy tri kiến và tư duy lại một cách đúng đắn ( Chánh tri kiến và tư duy) để giúp phân biệt rõ ràng và minh bạch (tường minh).
+ Chánh pháp :
- Tôn vinh Chân - Thiện - Mỹ + Giáo hóa giác ngộ + Bình đẳng, đại chúng.
+ Tà pháp :
- Tôn tạo Giả - Ác - Tà + Giáo điều mê tín + Phân chia giai cấp, thứ hạng cao thấp.
Chánh pháp của Phật học nguyên thủy ( chính thống không bị biến tướng) hàm chứa những đặc điểm ưu việt như sau:
1/ Từ, Bi, Hỉ, Xả :
[ Hãy ra đi hỡi các tỳ-kheo, đem lại sự tốt đẹp cho nhiều người, đem hạnh phúc cho nhiều người. Vì lòng từ bi, hãy đem lại sự tốt đẹp, lợi ích cho chư Thiên và nhân loại, mỗi người hãy đi mỗi ngả. Này hỡi các tỳ-kheo, hãy hoằng dương đạo pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng, cao thượng, vừa toàn thiện, vừa trong sạch. Chính Như Lai cũng phải đi hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên ngọn cờ của bậc Đại Trí. Hãy truyền dạy giáo pháp cao cả. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ].
2/ Bình đẳng, không tôn tạo:
[ Ta và vạn pháp đều nương nhờ lẫn nhau, ăn xin lẫn nhau...người khất sĩ chân chính thấu rõ lẽ thật này tất sẽ thấy được chân lý].
[ Này các thầy, giống như những dòng sông, sông Hằng, sông Yamuni, sông Aciravati, sông Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà-La-Môn, Sát- Đế-Lỵ, Phệ-Xá, và Thủ-Đà-La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.]
3/ Đại chúng:
[ Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành].
4/ Biệt lập hoàn toàn với mọi quan điểm giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác :
[ Tự tu, tự chứng, không phụ thuộc hay bám víu vào danh, sắc, tha lực (đấng cứu rỗi, phán xét, thanh trị...), nhắc nhở mọi người hãy tinh tấn vận dụng trí tâm quán xét rõ ràng minh bạch, diệt sạch vọng tưởng, nhìn sâu vào tâm đặng mà soi thấy chân lý...]
5/ Thấu suốt chân lý của vạn vật :
[ Pháp do nhân duyên sinh, cũng tùy nhân duyên diệt...Pháp hữu vi tựa như bóng, như bọt, như tia chớp,...]
6/ Tính thực tế :
[ “Trước sau như một, điều duy nhất mà Như Lai chỉ lý giải và nêu ra, đó chính là chân lý về Khổ (Dukkha) và sự giải thoát khỏi Khổ (Dukkha). Cũng như nước đại dương chỉ có một vị mặn, học thuyết của Như Lai chỉ có một vị là giải thoát ”.]
[ “ Hãy tự làm hòn đảo cho chính mình, hãy lấy chính mình làm nơi nương tựa, không nương tựa vào ai khác, hãy lấy Phật pháp làm hòn đảo, lấy Phật pháp làm nơi nương tựa, không ai khác có thể làm nơi nương tựa cho mình.]
[ “Hỡi các tỳ-kheo, ngay cả quan niệm giải thoát, minh bạch và rõ ràng như thế, nhưng nếu các ông bám chặt vào đó, nếu các ông quý chuộng nó, nếu các ông cất giữ nó, nếu các ông ràng buộc vào với nó, thì vậy là các ông đã không hiểu rằng giáo pháp chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy”.]
7/ Tính khoa học :
[ * Mọi vận hành của sự vật, hiện tượng trong thế giới danh, sắc đều không trường tồn, đó là quy luật tất yếu. (Chư Hành Vô Thường Ấn) * Mọi sự vật, hiện tượng trong thế giới danh, sắc đều không có cái riêng biệt tự do, đó là quy luật tất yếu. ( Chư Pháp Vô Ngã Ấn) * Tồn tại một nơi trong sạch, tự tại ngoài thế giới danh, sắc gọi là Niết-Bàn, đó là quy luật tất yếu. ( Niết-bàn Tịnh, Tĩnh, Không).]
[ “ Này quý thầy ! Đối với nhưng giáo pháp Như Lai đã giảng, quý thầy hãy ghi nhớ lấy, đừng để cho quên mất ! Như Lai cũng như ông thầy thuốc, chẩn bệnh và cho thuốc, còn uống hay không là do người bệnh; Như Lai cũng như người chỉ đường, chỉ rõ con đường đúng, còn đi hay không thì không phải lỗi của người chỉ đường. Này quý thầy ! Những giáo pháp về bốn sự thật, mười hai nhân duyên vv ...mà Như Lai đã dạy, đều là những chân lý mà Như Lai đã chứng ngộ, là cây đèn của thế gian, là chiếc thuyền từ trên biển khổ. Những người nào đã hiểu rõ và tin tưởng vào chúng thì chúng chính là cánh cửa đưa họ vào đường giải thoát. Giờ đây Như Lai sắp nhập Niết-Bàn, đối với giáo pháp ấy, nếu còn chỗ nào nghi ngờ thì hãy nên bày tỏ ra để Như Lai giảng giải lại”.]
[" Này các Kàlàmas, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời đồn hay bởi truyền thống, chớ để bị dẫn dắt bởi những lời người khác nói, chớ để bị dẫn dắt bởi những gì ghi lại trong Kinh điển, bởi lý luận hay suy diễn, bởi xét đoán bề ngoài, bởi tán thành một lý thuyết nào đó, bởi lòng tôn trọng "vị Sa môn này là Thầy ta, kể cả Như Lai". Mà này các Kàlàmas, khi các vị tự mình biết rõ: "Những pháp này là bất thiện, những pháp này đáng bị khiển trách và bất lợi". Lúc ấy các vị hãy từ bỏ chúng... Và này các Kàlàmas, khi nào các vị tự mình biết rõ: “Những pháp này là thiện, những pháp này là không lỗi và có lợi”, lúc ấy các vị hãy tiếp nhận và an trú trong pháp đó. "Chớ vì theo Như Lai, tin Như Lai, kính trọng Như Lai mà hiểu sai hay không hiểu lời Như Lai dạy chẳng khác nào phỉ báng nặng nề Như Lai".]
Chính 7 đặc tính nêu trên cho thấy Phật học nguyên thủy (chính thống) do ngài Cồ-Đàm chỉ ra hoàn toàn mang tính Khoa học , rõ ràng, minh bạch, không mang tính cực đoan triết học hay học thuật siêu huyền, thần bí, mê tín, tôn giáo thu phục tín đồ ,...nói đúng hơn, đó là Phật học hay Khoa học Tâm Thức. Ta hãy căn cứ (chiếu theo) 7 đặc điểm vừa nêu để phân biệt đâu là Phật pháp chính thống, đâu là phật pháp biến tướng.
Hãy luôn tri kiến và tư duy đúng đắn (Chánh tri kiến và Chánh tư duy).