Pháp tu lục hòa: 6 điều hòa hợp để tạo sự bình đẳng trong đoàn thể tu học, gồm:
1. Thân hòa đồng trụ (trú)
2. Khẩu hòa vô tranh
3. Ý hòa đồng duyệt
4. Kiến hòa đồng giải
5. Giới hòa đồng tu
6. Lợi (lực) hòa đồng quân

1. THÂN HÒA ĐỒNG TRỤ:
Thân này là thân giả hợp, sinh ra để trải nghiệm và trả nghiệp, nếu hiểu như thế sẽ cố công tu tập tiến hóa => không phân biệt ta với người.
Các bản kinh trước là “Thân hòa đồng Trụ”, nhưng theo lời kinh: Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm (tạm dịch: nên sinh tâm ở chỗ không trụ vào đâu cả) , và Trụ tâm quán tịnh ấy là bệnh (Lục Tổ Huệ Năng). Do đó nên hiểu là Trú. Tất cả đều đang tạm trú chung ở cõi người, cùng nhau hòa đồng để tu tập tiến hóa. Thân là vô thường, vạn pháp vô ngã, cùng tạm trú ngụ ở đây là do nghiệp lực. Không phân biệt cao thấp (thượng/ hạ), lớn nhỏ, địa vị, chức vụ để đối đãi. Người được kính trọng là người có pháp lạp và giới lạp.

2. KHẨU HÒA VÔ TRANH:
4 nghiệp của khẩu (dối, thêu dệt, 2 chiều, thô ác) nếu phạm phải là rơi vào giới khẩu. Tranh luận để tháng thua hơn thiệt sẽ rơi vào tà khẩu, trong đoàn thể nên tránh điều đó. Mà phải cùng nhau kiến giải trên sự hòa đồng, mang lợi ích thiết thực cho mọi người cùng hướng về sự tiến hóa, cùng xây dựng.

3. Ý HÒA ĐỒNG DUYỆT:
Không vướng vào tranh luận ở khẩu, nhưng còn dính mắc ở ý thì cũng rơi vào bất hòa. Cho nên, cùng kiến giải và thảo luận để thống nhất được kết quả chung. Đồng duyệt không có nghĩa là phải theo ý tất cả hay số đông, mà phải dựa theo chánh lý (lý đúng) mà làm.

4. KIẾN HÒA ĐỒNG GIẢI

Những ý kiến trái chiều nên được cùng nhau giảng giải trên tinh thần hòa hợp. Cần nhất là chánh tri kiến và chánh tư duy bám sát vào chánh pháp, đem lợi ích cho mình và cho mọi người.
Phân giải/ giảng giải để cùng hòa đồng, để dần đạt được ý hòa đồng duyệt, trong quá trình đó thì khẩu hòa, và luôn ghi nhớ chúng ta cùng bình đẳng an trú và cùng nhau tiến hóa.

5. GIỚI HÒA ĐỒNG TU
Nghĩa hẹp thì giới là giới tính nam/ nữ.
Nghĩa rộng hơn: mỗi người có một hoàn cảnh, trải nghiệm, nhân sinh quan khác khau, nên giới hạn cũng khác nhau, mức độ giữ giới cũng khác nhau.
Người xuất gia và người tại gia, không vì màu áo vì danh xưng mà khác nhau, tất cả đều là tu tập thì chỉ có giới hạnh mới là thước đo.
Từ đó hiểu mà hòa đồng, không thể bắt người như ta, nếu đem cái của ta ra để là căn cứ so với người thì khác nào thân không hòa đồng trụ, dễ dẫn đến khẩu hữu tranh, ý bất hòa, kiến vô giải.

6. LỢI (LỰC) HÒA ĐỒNG QUÂN

Lợi: lợi ích, lợi lạc… nếu hiểu theo nghĩa này, người tu học còn vướng vào tham dục, lợi là cái dễ sinh ra ái, ra thủ, hữu… chạy theo ngũ dục, tham cấu ngũ trược…
Nên hiểu lực, tức là sức lực, là sức mạnh được tạo thành của cả tập thể, đồng lòng tu học phải dựa vào nhau, chia sẻ nâng đỡ dìu dắt nhau. Đó chính là mang lợi ích cho người mà chính chúng ta cũng có lợi ích lớn lao, lợi ích của sự tiến hóa tâm thức chứ không phải cái lợi nhỏ nhoi ở thế gian.

Pháp tu lục hòa nhằm nhắc nhở các vị tu tập cùng nhau hòa đồng, trong và cả ngoài tăng đoàn đều ghi nhớ những điều này để đối đãi, nếu không sẽ dễ rơi vào phạm giới, nặng hơn là càng phân biệt ta và chúng sanh, ngã mạn chấp cái ta, thì ngay cả ở cảnh thế gian còn bị vướng, nói chi đến cảnh giới thiền định, chắc chắn sẽ dính mắc luôn trong đó, u ẩn không thoát ra được, tự đào hố để rơi vào, không thể cứu cánh then chốt. Người chấp trước ngã pháp là người chìm trong biển sinh tử.