Thuật ngữ Thiền vẫn đang được thiên hạ sử dụng rộng rãi hôm nay như Cửa Thiền (chùa chiền, chốn tu hành), Thiền Tông (tông phái đặt nặng nội dung tu học qua việc tham án, thiền định, tĩnh tâm) với vô số danh nghĩa Thiền Phái, Thiền Sư mà mỗi nơi có một lối định nghĩa và hành trì không mấy giống nhau, vốn xuất phát từ chữ Jhàna trong tiếng Pàli và Dhyàna bên tiếng Sanskrit. Hai chữ này theo nghĩa gốc trong Tam Tạng kinh điển nguyên thủy chỉ có nghĩa là bốn tầng thiền chứng Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền. Và theo kinh điển Pàli, tầng Sơ Thiền là trình độ tâm linh chỉ có thể đạt được qua sự tập trung tư tưởng đúng mức trên các đề mục (gồm mấy chục đề mục, xin xem thêm trong Thanh Tịnh Đạo phần giải về Định Học – Samàdhiniddesa). Và trên nguyên tắc, người chứng đạt tầng Sơ Thiền phải vượt qua được năm thứ phiền não thô thiển nhất là Tham Dục, Sân Độc, Hôn Thụy, Trạo Hối, Hoài Nghi. Đồng thời, trình độ tâm linh này bao gồm năm khả năng cần thiết cho tầng Đại Định sơ cấp là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định. Nói vậy có nghĩa là chỉ riêng tầng Sơ Thiền cũng không phải là món dễ nuốt. Nếu hành giả có cơ duyên sâu dày, sau tầng Sơ Thiền sẽ là các tầng thiền chứng còn lại với những nội dung ngày một cao cấp và vi tế hơn. Nếu đến lúc lâm chung mà vẫn giữ được các tầng thiền chứng này, hành giả sẽ sanh vào các cõi Phạm Thiên tương ứng. Khi không có chư Phật ra đời, trong thiên hạ vẫn có những người tu tập và chứng đắc các tầng thiền định trên đây, nhưng thường thì cứu cánh cao nhất mà họ đạt được chỉ là khả năng thần thông (với trình độ Tứ Thiền) và vãng sinh Phạm Thiên Giới (sống hết tuổi thọ trên đây thì đương sự tiếp tục trở về vòng quay mịt mù của Lục Đạo theo duyên nghiệp của mình). Chư Phật vẫn nhìn nhận giá trị của các tầng thiền chứng này, nhưng chỉ xem đó như bước đi thứ hai trong hành trình Tam Học (Giới, Định, Tuệ). Tức là bên cạnh sự thanh tịnh trong giới luật, hành giả cũng nên tu tập các tầng thiền định để lấy đó làm nền tảng cho trí tuệ quán chiếu Tam Tướng (Vô Thường, Khổ Não, Vô ngã) trong vạn pháp. Kể cả bản thân các tầng thiền chứng cũng được xem là đối tượng để quán chiếu Tam Tướng. Nghĩa là ngoài việc nhìn ngắm những tham, sân, si, và các loại thiện tâm của mình để quán chiếu Ngũ uẩn, hành giả từng chứng qua thiền định còn có thể quan sát các thiền tâm của mình để giác ngộ tính Tam Tướng trong đó.

Theo bước chân hoằng hoá của các tu sĩ Phật giáo, giáo lý Tam học được giới thiệu rộng rãi ở nhiều miền đất và tùy theo trình độ, khuynh hướng của các vị mà Phật pháp ngày một có thêm những triển khai tùy thích và tùy nghi. Một trong những nhánh rẽ ngoạn mục nhất của các dòng Phật giáo là sự đào sâu, khoét rộng chữ Thiền (Jhàna, dhyàna). Hôm nay người Tàu hiểu chữ Thiền (Chan) không giống như người Nhật hiểu chữ Zen. Đó là chưa kể đến trường hợp hai chữ này được hiểu theo cách của các học giả Tây Phương. Như Philip Kapleau làm sao giống với Daisetz Tettaro Suzuki, rồi Thiền Việt Nam hải ngoại với Thiền Việt Nam quốc nội. Một cách khiên cưỡng, gượng gạo thì ta có thể nói trăm sông đều đổ về biển, hay con đường nào cũng về La-Mã, nhưng nếu có thời giờ ngó kỹ cách thức hành trì của các thiền phái Lâm Tế, Tào Động, Thảo Đường, Trúc Lâm, Thiền Tông Thần Tú, Thiền Tông Huệ Năng , nói chung là thiền Tàu, thiền Việt, thiền Nhật, thiền Đại Hàn, thiền Tây Tạng, thiền Tây Phương,…thì ta sẽ thấy không phải dòng sông nào trong số đó cũng giống nhau hay đều dẫn về biển !
Theo chỗ TK được biết, trong kinh điển Nam Tông nguyên lai không hề có chữ Thiền với ý nghĩa như đại đa số người học Phật hôm nay vẫn hiểu. Trong tạng A-Tỳ-Đàm có hai định nghĩa về chữ Thiền. Thứ nhất, chữ này ám chỉ bốn tầng thiền chứng và ý nghĩa thứ hai (trong bộ Patthàna) là gọi chung cho những gì có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với các Thiền Chi (Jhànanga) như Tầm, Tứ, kể cả hỷ thọ, ưu thọ…Trong một trường hợp khác, theo bộ Paramatthamanjusà (Sớ Giải của bộ Thanh Tịnh Đạo), pháp môn Tuệ Quán (Vipassanà) tức Tứ Niệm Xứ được gọi là Lakkhanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong Tam Tướng (Tam Pháp Ấn) bằng cách an trú Chánh Niệm cùng Tỉnh Giác (Sampajanna- tức trí tuệ) và pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha) tức việc tu tập thiền định qua các đề mục thiền Chỉ, được gọi là Àrammanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong các đối tượng án xứ bằng cách tập trung tư tưởng. Người Anh Mỹ gọi pháp môn Tuệ Quán là Insight (Nội Quán) và pháp môn Chỉ Tịnh là Concentration (Tập Trung Tư Tưởng). Cũng xin lưu ý rằng trong trích dẫn trên đây, pháp môn Tuệ Quán cũng không được gọi tên bằng một chữ Jhàna độc lập, mà là một từ ghép Upanijjhàna. Trong khi đó chữ Thiền là tiếng phiên âm từ mỗi một chữ Jhàna. Chẳng bàn chi chuyện chữ nghĩa, nếu chỉ xét về nội dung hành trì của người tu thiền bây giờ thì có lẽ thiền Chỉ hay thiền Quán thời nguyên thủy không được quan tâm nhiều lắm. Từ đó, chiếu theo những gì vừa thưa ở trên, Zen hay Thiền hay Chan theo lối hiểu phổ thông hôm nay hình như lại là một hướng đi mới của Phật giáo hậu thời nhằm khế hợp với căn cơ hay tâm tình, khuynh hướng của thời đại Hậu Phật.

Nhưng có lẽ cũng nhờ tinh thần “phương tiện” này, người Phật tử hôm nay đã được trấn an rất nhiều khi giữa những nhịp sống xô bồ họ vẫn thấy mình không đến nổi xa rời Phật Pháp. Họ có thể chơi lan kiểng, tập luyện võ thuật, dưỡng sinh, uống trà, rồi thì hội hoạ, thơ văn, âm nhạc, kể cả trang trí nội thất,…miễn là món nào cũng có một chữ Thiền đỏ chót nằm bên cạnh là vững bụng rồi. Với lối tu hành nhẹ nhàng đó có thể khó nên thánh, nhưng có thể trở thành những phàm phu dễ thương. Vậy cũng là nhất rồi!

Toại Khanh

http://www.vietheravada.net/bienkhao/09kyla.htm