Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Những trùng hợp kỳ lạ giữa PÀLI và các ngôn ngữ khác

Threaded View

  1. #1

    Những trùng hợp kỳ lạ giữa PÀLI và các ngôn ngữ khác

    Ta thử bàn một thuật ngữ rất gần gũi với đa số người Việt là chữ Vu-Lan. Thiệt bụng thì TK vẫn thắc mắc tại sao thiên hạ cứ khăng khăng bảo rằng chữ Vu-Lan kia là phiên âm từ danh từ Ullumbana rồi dịch sang chữ Hán là Đảo Huyền, và giải thích rằng đó là tên gọi một hình phạt “treo ngược đầu” ở địa ngục. Ô hay, theo kinh mà nói (Nemiràjajàtaka-atthakathà) thì khổ hình dưới kia có trăm ngàn kiểu tàn khốc, cớ sao ở đây lại chọn riêng một món mà gọi tên chung cho cả một đại lễ. Ở đây khoan bàn đến sử tính của cái gọi là lễ Vu Lan (không có trong kinh điển Pàli), ta chỉ nên nêu một thắc mắc, cũng là một đề nghị: Sao người ta lại không cho chữ gốc của từ Vu-Lan là Ullumpana (sự cứu vớt, cứu độ) mà lại chọn một chữ không mấy đắc địa là Ullumbana (huyền không, đảo huyền, sự treo tòn ten), cho dù đó có là một kiểu khổ hình nào đó ở âm ty. Trộm nghĩ, nhiều khi chỉ sự nhầm lẫn của một người đi trước có thể kéo theo sự nhầm lẫn của hàng triệu người đi sau, khi sự ‘tháp tùng” lâu ngày thành ra “phục tùng”, và đến nước này thì chỉ có trời cứu !

    Chuyện xác định này nọ trong vấn đề chữ nghĩa là công việc của các nhà ngôn ngữ học, ở đây tôi không dám lạm bàn gì hết ngoài việc liệt kê vài sự trùng hợp thú vị với hi vọng là biết đâu lại giúp ai đó nhớ được dăm ba từ vựng Pàli cho vui, chỉ có lợi mà không hại gì. Ai cũng có thể làm việc này được cả. Đọc sách báo thấy có gì ngộ nghĩnh hay những khi ngẫu nhiên nhớ ra chuyện chi lý thú thì rất nên ghi lại trong sổ tay. Khi thấy có kha khá thì đem cống hiến cho thiên hạ. Biết đâu đời có kẻ cần !

    Trong bài viết này, TK nhớ đến đâu thì viết đến đó, từng mục từ không được sắp xếp theo trật tự của bảng chữ cái tiếng Anh hay Pàli. Nghĩa là các chữ xuất hiện theo cách tràn lan tùy hứng. Thế mới đúng là giải trí vậy.

    Nếu tiếng Anh có chữ Pour (châm, đổ, rót) thì tiếng Pàli có chữ Pùreti (làm đầy)

    Centipede (con rết, từ gốc La-Tinh có nghĩa là Trăm Chân)…Tương đương với Satapadì (nghĩa gốc là 100 chân) trong Pàli, cũng để gọi con rết.

    Path trong tiếng Anh nghĩa là con đường. Trong Pàli có chữ Patha cũng nghĩa là con đường.

    Soup, Soupe trong các tiếng Anh-Pháp-Đức đều là món súp hay canh. Trong Pàli chữ đó là Sùpa. Dù có thể món canh ở mỗi nơi và mỗi thời khác nhau, nhưng ta có thể xem đây là những từ tương đương.

    Dent trong tiếng La-Tinh là răng động vật nói chung, tương đương với Danta trong Pàli (với nghĩa rộng hơn, gọi chung cho cả răng người và ngà voi).

    Ahiphena (nghĩa gốc trong tiếng Pàli là nước bọt của con rắn, nhưng chữ này được dùng để gọi thuốc Á-Phiện). Ngẩm kỹ, ta sẽ thấy hai chữ này có một tương đồng đặc biệt về ngữ âm (phonetic).

    Khamati (chịu đựng, từ ngữ căn Kham trong Pàli), phải chăng có một quan hệ nào với chữ Kham trong Kham Nhẫn ?

    Khamàpeti trong tiếng Pàli nghĩa là Xin Lỗi. Ở tiếng Sanskrit, chữ này là Ksamàpeti mà nhẩm đọc tới lui ta dễ dàng thấy ra một sự tương đồng với chữ Sám trong Sám Hối.

    Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là phụ âm kép Ks bên tiếng Sanskrit vẫn thường được dùng tương đương với phụ âm Kh bên tiếng Pàli. chẳng hạn Khattiya (giai cấp Sát-Đế-Lỵ) bên Pàli sẽ trở thành Ksatriya bên Sanskrit, Khetta (ruộng đồng ; cảnh giới) bên Pàli sẽ thành ra Ksetra bên Sanskrit. Từ đó người Tàu xưa vẫn gọi các cảnh chùa là Phật Sát, tức Cửa Phật hay Phật Môn, vốn phiên âm từ chữ Buddhaksetra. Có điều là nhiều người bây giờ vẫn xem chữ Sát trong Phật Sát là chữ Hán. Đó cũng là trường hợp chữ Mạt-Lợi (hoa lài) trong tiếng Hán hiện đại vốn xuất phát từ chữ Mallikà (cũng là hoa nhài hay lài) trong kinh Phật.

    Bhikkhunì (Tỷ-kheo-ni, gồm hai từ tố Bhikkhu và Nì). Phải chăng đây là nguồn gốc chữ Ni trong Ni Cô ?

    No và Not trong tiếng Anh, Nein và Nicht trong tiếng Đức, Nada trong tiếng Tây-Ban-Nha hay Non và Ne (pas) trong tiếng Pháp tương đương với Na, No, Natthi (Na+atthi) trong tiếng Pàli. Chữ nào cũng bắt đầu với N. Đã vậy, số 9 trong Pàli là Nava lại trùng hợp với Neun trong tiếng Đức, Nine trong tiếng Anh, Neuf trong tiếng Pháp. Chưa hết, chữ Nava trong Pàli còn có nghĩa là Mới (không cũ), trong tiếng Anh ta thấy có chữ New, tiếng Pháp là Nouveau, tiếng Ý là Nuovo, tiếng Tây-Ban-Nha là Nuevo (Nueva), tiếng Đức là Neu. Cứ cho là mấy ngôn ngữ trên đây là cùng một nhóm ngữ hệ, nhưng sự giống nhau giữa chúng với tiếng Pàli thì thật ly kỳ !

    Vidù trong tiếng Pàli tương đương với Wise trong tiếng Anh và Weise trong tiếng Đức.

    Màtà, Màtu (mẹ, má, mệ, mẫu, mụ) trong Pàli tương đương với Mother, Maman, Mutter trong Anh-Pháp-Đức và theo TK được biết thì có rất nhiều ngôn ngữ khác cũng bắt đầu chữ Mẹ bằng phụ âm M.

    Số 3 trong tiếng Pàli là Ti, Te, Taya hay Tri. Thật lạ lùng khi bên tiếng Anh là Three, tiếng Đức là Drei, tiếng Pháp là Trois. Nhìn như anh em một nhà. Ai xài máy ảnh lớn hẳn phải biết chữ Tripod là cái giá ba chân để gắn máy ảnh. Chữ này nếu đổi sang Pàli hay Sanskrit thì mới ngoạn mục : Tripada. Ngó y chang !

    Trong tiếng Pali có hai chữ Dvàra (cửa), Torana (cổng). Ly kỳ là trong tiếng Anh thì có chữ Door, tiếng Đức là Tur, cũng đều có nghĩa là cái cửa.

    Số 2 trong tiếng Pàli là Dve, Dvi, Dvà. Trong khi đó bên tiếng Anh là Two, tiếng Pháp là Deux, tiếng La-Tinh là Duo, tiếng Ý là Due. Thú vị nhất là ông Bình Nguyên Lộc trong cuốn Nguồn Gốc Mã-Lai Của Dân Tộc Việt Nam từng cho rằng chữ Đũa (để gắp) vốn xuất phát từ chữ Sanskrit là Dva (số 2). Vì rằng đó là thứ vật dụng được làm nên từ 2 chiếc que !

    Chữ Muni (Tàu âm Mâu-Ni) trong tiếng Pàli nghĩa gốc là bậc Tịnh Giả, người lặng lẽ hoàn toàn. Trong khi đó chữ Monk (thầy tu) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hi-Lạp xưa là Monos, nghĩa là Lẽ Loi, Đơn Chiếc hay Một Mình. Ý nghĩa của hai chữ cứ như có một chút gì quan hệ..

    Chữ Thùpa trong tiếng Pàli có nghĩa là ngôi tháp. Thật lạ lùng khi có chút gì đó ngờ ngợ khi tiếng Anh có chữ Tower và tiếng Pháp là Tour, tiếng Đức là Turm. Ta lại ngờ ngợ chữ Tháp trong âm Hán Việt qua giọng Quảng Nam với chữ Top trong tiếng Anh. Rõ ràng càng đi càng xa, nhưng qua đó ta lại thấy ra một tương quan lạ lùng giữa nhiều thứ trong đời.

    Trong tiếng Pàli, ta có các chữ Vàcà (lời nói), Vàcati (nói), đều từ ngữ căn Vàc. Trong khi đó, trong tiếng Anh, ta lại phát hiện các chữ có ý nghĩa tương tự: Voice, Vocal, Vociferous… vốn đều xuất phát từ ngữ căn Voc trong tiếng La-tinh !

    Dameti là một động từ Pàli có nghĩa là Thuần Hoá, Điều Phục. Chữ này xuất phát từ ngữ căn Dam, và cũng là nguồn gốc của chữ Damma trong Purisadammasàrathì (Điều Ngự Trượng Phu, một trong các hồng danh chư Phật). Điều thú vị là động từ Tame trong tiếng Anh cũng có ý nghĩa giống hệt như Dameti trong Pàli

    Bạn có biết rằng người Tàu hôm nay gọi trái mít là Ba-La-Mật. Chữ Ba-La-Mật này có thể xuất phát từ chữ Pàramita trong Pàli và Sanskrit. TK cứ ngờ rằng có thể chữ Mít trong tiếng Việt được biến âm từ chữ Mật trong Ba-La-Mật kia không chừng !

    Giáo sư Rhys David từng có giả thuyết cho chữ God trong tiếng Anh là xuất phát từ chữ Gotama và chữ Allah (thượng đế của Hồi Giáo) là biến âm của chữ Araham trong Pàli hay Arhat trong Sanskrit, đều có nghĩa là vị La-Hán. Việc chữ R va L thay thế lẫn nhau vốn rất bình thường, như trên các bia ký thời vua A-Dục ta thấy chữ Ràjà (nhà vua) trong tiếng Pàli và Sanskrit biến thành Làjà. Trong tiếng Hán cũng có hiện tượng này. Các chữ ngoại quốc có R khi được phiên âm ra tiếng Tàu sẽ thành L. Như Sàriputta, Sàriputra sẽ là Xá-Lợi-Phất, Manjusrì thành ra Văn Thù Sư Lợi, Veluriya thành ra Lưu-Ly, Yasodharà thành ra Da-Du-Đà-La, Ràhula thành La-Hầu-La,…

    Chữ Daka trong tiếng Pàli có nghĩa là nước (thủy) và thật thú vị khi trong tiếng Mnông ở Tây Nguyên Việt Nam cũng có chữ Dak nghĩa là nước. Từ đó mới có các địa danh Đắc-Lắc, Đắc-Min, Đắc Nông, Đắc Tô…

    Bạn có biết rằng địa danh Phan-Rang vốn biến âm từ chữ Panduranga trong tiếng Sanskrit lẫn Pàli vốn rất gần gũi với ngưới Chiêm Thành xưa. Rồi thì, tên gọi Chế Mân chính là Jayavarman. Trường hợp Aya trở thành E vốn là sự thường trong một số ngôn ngữ, chẳng hạn Pàli và Sanskrit.
    Last edited by tykheo; 08-24-2019 at 05:51 AM.

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình