+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 4 của 4

Chủ đề: Những trùng hợp kỳ lạ giữa PÀLI và các ngôn ngữ khác

  1. #1

    Những trùng hợp kỳ lạ giữa PÀLI và các ngôn ngữ khác

    Ta thử bàn một thuật ngữ rất gần gũi với đa số người Việt là chữ Vu-Lan. Thiệt bụng thì TK vẫn thắc mắc tại sao thiên hạ cứ khăng khăng bảo rằng chữ Vu-Lan kia là phiên âm từ danh từ Ullumbana rồi dịch sang chữ Hán là Đảo Huyền, và giải thích rằng đó là tên gọi một hình phạt “treo ngược đầu” ở địa ngục. Ô hay, theo kinh mà nói (Nemiràjajàtaka-atthakathà) thì khổ hình dưới kia có trăm ngàn kiểu tàn khốc, cớ sao ở đây lại chọn riêng một món mà gọi tên chung cho cả một đại lễ. Ở đây khoan bàn đến sử tính của cái gọi là lễ Vu Lan (không có trong kinh điển Pàli), ta chỉ nên nêu một thắc mắc, cũng là một đề nghị: Sao người ta lại không cho chữ gốc của từ Vu-Lan là Ullumpana (sự cứu vớt, cứu độ) mà lại chọn một chữ không mấy đắc địa là Ullumbana (huyền không, đảo huyền, sự treo tòn ten), cho dù đó có là một kiểu khổ hình nào đó ở âm ty. Trộm nghĩ, nhiều khi chỉ sự nhầm lẫn của một người đi trước có thể kéo theo sự nhầm lẫn của hàng triệu người đi sau, khi sự ‘tháp tùng” lâu ngày thành ra “phục tùng”, và đến nước này thì chỉ có trời cứu !

    Chuyện xác định này nọ trong vấn đề chữ nghĩa là công việc của các nhà ngôn ngữ học, ở đây tôi không dám lạm bàn gì hết ngoài việc liệt kê vài sự trùng hợp thú vị với hi vọng là biết đâu lại giúp ai đó nhớ được dăm ba từ vựng Pàli cho vui, chỉ có lợi mà không hại gì. Ai cũng có thể làm việc này được cả. Đọc sách báo thấy có gì ngộ nghĩnh hay những khi ngẫu nhiên nhớ ra chuyện chi lý thú thì rất nên ghi lại trong sổ tay. Khi thấy có kha khá thì đem cống hiến cho thiên hạ. Biết đâu đời có kẻ cần !

    Trong bài viết này, TK nhớ đến đâu thì viết đến đó, từng mục từ không được sắp xếp theo trật tự của bảng chữ cái tiếng Anh hay Pàli. Nghĩa là các chữ xuất hiện theo cách tràn lan tùy hứng. Thế mới đúng là giải trí vậy.

    Nếu tiếng Anh có chữ Pour (châm, đổ, rót) thì tiếng Pàli có chữ Pùreti (làm đầy)

    Centipede (con rết, từ gốc La-Tinh có nghĩa là Trăm Chân)…Tương đương với Satapadì (nghĩa gốc là 100 chân) trong Pàli, cũng để gọi con rết.

    Path trong tiếng Anh nghĩa là con đường. Trong Pàli có chữ Patha cũng nghĩa là con đường.

    Soup, Soupe trong các tiếng Anh-Pháp-Đức đều là món súp hay canh. Trong Pàli chữ đó là Sùpa. Dù có thể món canh ở mỗi nơi và mỗi thời khác nhau, nhưng ta có thể xem đây là những từ tương đương.

    Dent trong tiếng La-Tinh là răng động vật nói chung, tương đương với Danta trong Pàli (với nghĩa rộng hơn, gọi chung cho cả răng người và ngà voi).

    Ahiphena (nghĩa gốc trong tiếng Pàli là nước bọt của con rắn, nhưng chữ này được dùng để gọi thuốc Á-Phiện). Ngẩm kỹ, ta sẽ thấy hai chữ này có một tương đồng đặc biệt về ngữ âm (phonetic).

    Khamati (chịu đựng, từ ngữ căn Kham trong Pàli), phải chăng có một quan hệ nào với chữ Kham trong Kham Nhẫn ?

    Khamàpeti trong tiếng Pàli nghĩa là Xin Lỗi. Ở tiếng Sanskrit, chữ này là Ksamàpeti mà nhẩm đọc tới lui ta dễ dàng thấy ra một sự tương đồng với chữ Sám trong Sám Hối.

    Tưởng cũng nên nhắc lại ở đây là phụ âm kép Ks bên tiếng Sanskrit vẫn thường được dùng tương đương với phụ âm Kh bên tiếng Pàli. chẳng hạn Khattiya (giai cấp Sát-Đế-Lỵ) bên Pàli sẽ trở thành Ksatriya bên Sanskrit, Khetta (ruộng đồng ; cảnh giới) bên Pàli sẽ thành ra Ksetra bên Sanskrit. Từ đó người Tàu xưa vẫn gọi các cảnh chùa là Phật Sát, tức Cửa Phật hay Phật Môn, vốn phiên âm từ chữ Buddhaksetra. Có điều là nhiều người bây giờ vẫn xem chữ Sát trong Phật Sát là chữ Hán. Đó cũng là trường hợp chữ Mạt-Lợi (hoa lài) trong tiếng Hán hiện đại vốn xuất phát từ chữ Mallikà (cũng là hoa nhài hay lài) trong kinh Phật.

    Bhikkhunì (Tỷ-kheo-ni, gồm hai từ tố Bhikkhu và Nì). Phải chăng đây là nguồn gốc chữ Ni trong Ni Cô ?

    No và Not trong tiếng Anh, Nein và Nicht trong tiếng Đức, Nada trong tiếng Tây-Ban-Nha hay Non và Ne (pas) trong tiếng Pháp tương đương với Na, No, Natthi (Na+atthi) trong tiếng Pàli. Chữ nào cũng bắt đầu với N. Đã vậy, số 9 trong Pàli là Nava lại trùng hợp với Neun trong tiếng Đức, Nine trong tiếng Anh, Neuf trong tiếng Pháp. Chưa hết, chữ Nava trong Pàli còn có nghĩa là Mới (không cũ), trong tiếng Anh ta thấy có chữ New, tiếng Pháp là Nouveau, tiếng Ý là Nuovo, tiếng Tây-Ban-Nha là Nuevo (Nueva), tiếng Đức là Neu. Cứ cho là mấy ngôn ngữ trên đây là cùng một nhóm ngữ hệ, nhưng sự giống nhau giữa chúng với tiếng Pàli thì thật ly kỳ !

    Vidù trong tiếng Pàli tương đương với Wise trong tiếng Anh và Weise trong tiếng Đức.

    Màtà, Màtu (mẹ, má, mệ, mẫu, mụ) trong Pàli tương đương với Mother, Maman, Mutter trong Anh-Pháp-Đức và theo TK được biết thì có rất nhiều ngôn ngữ khác cũng bắt đầu chữ Mẹ bằng phụ âm M.

    Số 3 trong tiếng Pàli là Ti, Te, Taya hay Tri. Thật lạ lùng khi bên tiếng Anh là Three, tiếng Đức là Drei, tiếng Pháp là Trois. Nhìn như anh em một nhà. Ai xài máy ảnh lớn hẳn phải biết chữ Tripod là cái giá ba chân để gắn máy ảnh. Chữ này nếu đổi sang Pàli hay Sanskrit thì mới ngoạn mục : Tripada. Ngó y chang !

    Trong tiếng Pali có hai chữ Dvàra (cửa), Torana (cổng). Ly kỳ là trong tiếng Anh thì có chữ Door, tiếng Đức là Tur, cũng đều có nghĩa là cái cửa.

    Số 2 trong tiếng Pàli là Dve, Dvi, Dvà. Trong khi đó bên tiếng Anh là Two, tiếng Pháp là Deux, tiếng La-Tinh là Duo, tiếng Ý là Due. Thú vị nhất là ông Bình Nguyên Lộc trong cuốn Nguồn Gốc Mã-Lai Của Dân Tộc Việt Nam từng cho rằng chữ Đũa (để gắp) vốn xuất phát từ chữ Sanskrit là Dva (số 2). Vì rằng đó là thứ vật dụng được làm nên từ 2 chiếc que !

    Chữ Muni (Tàu âm Mâu-Ni) trong tiếng Pàli nghĩa gốc là bậc Tịnh Giả, người lặng lẽ hoàn toàn. Trong khi đó chữ Monk (thầy tu) trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Hi-Lạp xưa là Monos, nghĩa là Lẽ Loi, Đơn Chiếc hay Một Mình. Ý nghĩa của hai chữ cứ như có một chút gì quan hệ..

    Chữ Thùpa trong tiếng Pàli có nghĩa là ngôi tháp. Thật lạ lùng khi có chút gì đó ngờ ngợ khi tiếng Anh có chữ Tower và tiếng Pháp là Tour, tiếng Đức là Turm. Ta lại ngờ ngợ chữ Tháp trong âm Hán Việt qua giọng Quảng Nam với chữ Top trong tiếng Anh. Rõ ràng càng đi càng xa, nhưng qua đó ta lại thấy ra một tương quan lạ lùng giữa nhiều thứ trong đời.

    Trong tiếng Pàli, ta có các chữ Vàcà (lời nói), Vàcati (nói), đều từ ngữ căn Vàc. Trong khi đó, trong tiếng Anh, ta lại phát hiện các chữ có ý nghĩa tương tự: Voice, Vocal, Vociferous… vốn đều xuất phát từ ngữ căn Voc trong tiếng La-tinh !

    Dameti là một động từ Pàli có nghĩa là Thuần Hoá, Điều Phục. Chữ này xuất phát từ ngữ căn Dam, và cũng là nguồn gốc của chữ Damma trong Purisadammasàrathì (Điều Ngự Trượng Phu, một trong các hồng danh chư Phật). Điều thú vị là động từ Tame trong tiếng Anh cũng có ý nghĩa giống hệt như Dameti trong Pàli

    Bạn có biết rằng người Tàu hôm nay gọi trái mít là Ba-La-Mật. Chữ Ba-La-Mật này có thể xuất phát từ chữ Pàramita trong Pàli và Sanskrit. TK cứ ngờ rằng có thể chữ Mít trong tiếng Việt được biến âm từ chữ Mật trong Ba-La-Mật kia không chừng !

    Giáo sư Rhys David từng có giả thuyết cho chữ God trong tiếng Anh là xuất phát từ chữ Gotama và chữ Allah (thượng đế của Hồi Giáo) là biến âm của chữ Araham trong Pàli hay Arhat trong Sanskrit, đều có nghĩa là vị La-Hán. Việc chữ R va L thay thế lẫn nhau vốn rất bình thường, như trên các bia ký thời vua A-Dục ta thấy chữ Ràjà (nhà vua) trong tiếng Pàli và Sanskrit biến thành Làjà. Trong tiếng Hán cũng có hiện tượng này. Các chữ ngoại quốc có R khi được phiên âm ra tiếng Tàu sẽ thành L. Như Sàriputta, Sàriputra sẽ là Xá-Lợi-Phất, Manjusrì thành ra Văn Thù Sư Lợi, Veluriya thành ra Lưu-Ly, Yasodharà thành ra Da-Du-Đà-La, Ràhula thành La-Hầu-La,…

    Chữ Daka trong tiếng Pàli có nghĩa là nước (thủy) và thật thú vị khi trong tiếng Mnông ở Tây Nguyên Việt Nam cũng có chữ Dak nghĩa là nước. Từ đó mới có các địa danh Đắc-Lắc, Đắc-Min, Đắc Nông, Đắc Tô…

    Bạn có biết rằng địa danh Phan-Rang vốn biến âm từ chữ Panduranga trong tiếng Sanskrit lẫn Pàli vốn rất gần gũi với ngưới Chiêm Thành xưa. Rồi thì, tên gọi Chế Mân chính là Jayavarman. Trường hợp Aya trở thành E vốn là sự thường trong một số ngôn ngữ, chẳng hạn Pàli và Sanskrit.
    Last edited by tykheo; 08-24-2019 at 05:51 AM.

  2. #2
    RONG CHƠI RỪNG CHỮ

    Ở phần 2 này, các mục từ được nhắc đến không chỉ trên khía cạnh ngữ âm, mà còn là những sự kiện liên quan. Rất có thể đó không là những cứ liệu mang tính khoa học, nhưng hoàn toàn có thể xem là những gợi ý thú vị cho việc học tập, như lớp đường bọc ngoài một viên thuốc đắng cho dễ nuốt hơn. Và như mọi khi, tiêu chí của chúng tôi luôn gói tròn trong mấy điều vô hại, hữu ích và vui vẻ.

    Chindati (Chặt, đốn, cắt) trong Pàli xuất phát từ ngữ căn Chid, ngó rất gần gũi với động từ Chặt trong tiếng Việt. Đã thế, chữ Cut trong tiếng Anh và Cát trong tiếng Hán lại y chang như chữ Cắt trong tiếng Việt về cả ý nghĩa lẫn hình thức.

    Trong thuật ngữ Y học hiện đại có chữ Progeria chỉ cho hội chứng Già Trước Tuổi. Những đứa bé mắc bệnh này dù chỉ vài tuổi đã có cơ thể cằn cỗi giống hệt một cụ già tám mươi. Liếc sơ chữ Geria (từ chữ gốc Hi-Lạp Geras - già cả) trong thuật ngữ trên, người học tiếng Pàli khó lòng không liên tưởng đến chữ Jarà (già lão) trong Pàli.

    Thật là một trùng hợp lạ lùng khi động từ Bujjhati trong tiếng Pàli (gốc của chữ Buddha- “Người Tỉnh Giấc ; Người Hiểu Biết”, Phật, Bụt) lại có cùng lúc hai nghĩa y hệt chữ Giác trong tiếng Hán: Hiểu biết; Thức dậy hay tỉnh giấc từ một giấc ngủ hay cơn mơ. Như trong hai câu thơ ngũ ngôn của Khổng Minh Gia Cát Lượng: Đại mộng thùy tiên giác, bình sinh ngã tự tri !

    Trong tiếng Hán ta thấy có chữ Ma nghĩa là Mài, Chà, Xoa, Xát như Án Ma Pháp (phép day huyệt) hay Ma Sát (chà xát). Chữ này tình cờ lại khiến ta tưởng ngay đến chữ Mó (sờ mó) hay Mò (Mẩm) trong tiếng Việt và Massage trong nhiều ngôn ngữ Tây Phương. Và kỳ thú nhất là trong tiếng Pàli lại có động từ Àmasati (danh từ là Àmasana), từ ngữ căn Mas, có nghĩa là sờ mó, rờ rẫm. Ngẩm kỹ cũng ngộ thiệt !

    Bạn có chút liên tưởng nào khi thấy động từ Cày trong tiếng Việt với chữ Canh (cũng nghĩa là cày) trong chữ Hán. Điều thú vị là bên tiếng Pàli có động từ Kassati (cày xới), rồi danh từ Kassaka (nông phu, dân cày), đều từ ngữ căn Kas, cũng là gốc của danh từ Àkàsa (hư không), nguyên dạng là Akasa nghĩa đen là “chỗ không thể cày xới ” !

    Động từ Gacchati (từ ngữ căn Gamu) trong tiếng Pàli có nghĩa là Đi, và cũng là một trùng hợp thú vị khi động từ đó bên tiếng Anh là Go và tiếng Đức là Gehen. Đều bắt đầu bằng G !

    Hai động từ Bhavati và Hoti trong tiếng Pàli tương đương với To Be và To Have trong tiếng Anh, Être và Avoir bên tiếng Pháp, Sein và Haben trong tiếng Đức. Chuyện lạ lùng là vai trò của cặp động từ này trong các ngôn ngữ trên đều quan trọng như nhau, tần suất thông dụng có thể nói là tương đương nhau. Có lẽ đó cũng là lý do người Tây Phương học hai thứ tiếng Pàli và Sanskrit rất mau, rất dễ. Cứ nhìn số lượng học giả Âu Mỹ về hai ngôn ngữ này thì biết.

    Trong khoa Tử Vi của Trung Quốc có một ngôi sao chiếu mệnh tên là La-Hầu nổi tiếng hắc ám cỡ như Thái Bạch, Kế Đô hay sao Quả Tạ của người Việt, đều là những hung tinh đáng sợ. Trong kinh điển Pàli có nói đến một vị đại lực tiên ông tên Ràhu (Tàu âm là La-hầu) thỉnh thoảng vẫn chơi trò nuốt nhả hai vị đại tiên Suriya - Thái Dương (người chủ quản mặt trời) và Candimà - Nguyệt Thần (người chủ quản mặt trăng) để tạo nên hiện tượng gần giống nhật thực và nguyệt thực. Chẳng rõ có quan hệ nào giữa hai tên gọi La-hầu vừa nói chăng nhỉ ?

    Có lẽ ít người ngờ rằng ngoài một vài thứ tiếng như Sanskrit, Prakrit, Hindi (ngôn ngữ phổ thông của Ấn Độ) và tiếng Nepalese (dùng trong vùng Nepal, sinh quán của hoàng tử Tất-Đạt xưa), có một thứ ngôn ngữ khá lạ lẫm nhưng được xem là có một lượng lớn từ vựng giống hệt tiếng Pàli là thứ chữ Ba-Tư cổ được dùng để ghi chép Thánh Kinh Avesta trong Bái Hỏa Giáo của đạo tổ Zoroastre (cũng là Zarathustra), người cùng thời hay trước đức Phật ít lâu. Tương truyền tôn giáo này chính là tiền thân của Ma-Ni Giáo hay Minh Giáo được người Trung Quốc nhắc đến trong ngôn ngữ và văn chương của họ xưa giờ, chẳng hạn truyện võ hiệp của Kim Dung (Ỷ Thiên Đồ Long Ký).

    Có bao giờ ta chịu nghĩ rằng các danh từ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức trước khi trở thành những thuật ngữ đặc hữu trong Phật Pháp với những ý nghĩa chuyên môn (theo giáo lý A-Tỳ-Đàm chẳng hạn), thì đã có một thời chúng cũng từng mang những ý nghĩa tương tự hay rất gần gũi với các định nghĩa sau này. Đó là lý do vì sao nhóm năm tỷ kheo do ngài Kiều-Trần-Như dẫn đầu đã có thể nghe nổi bài kinh Vô-Ngã-Tướng (Anattalakkhanasutta) ngay trong những ngày hoằng pháp đầu tiên của đức Phật một cách thoải mái và trực tiếp, chẳng cần một chú thích từ vựng nào cả !

    Đến đây ta thử bàn chơi một thuật ngữ rất gần gũi với đa số người Việt là là chữ Vu-Lan. Thiệt bụng thì TK vẫn thắc mắc tại sao thiên hạ cứ khăng khăng bảo rằng chữ Vu-Lan kia là phiên âm từ danh từ Ullumbana rồi dịch sang chữ Hán là Đảo Huyền, và giải thích rằng đó là tên gọi một hình phạt “treo ngược đầu” ở địa ngục. Ô hay, theo kinh mà nói ( Nemiràjajàtaka-atthakathà) thì khổ hình dưới kia có trăm ngàn kiểu tàn khốc, cớ sao ở đây lại chọn riêng một món mà gọi tên chung cho cả một đại lễ. Ở đây khoan bàn đến sử tính của cái gọi là lễ Vu Lan (không có trong kinh điển Pàli), ta chỉ nên nêu một thắc mắc, cũng là một đề nghị: Sao người ta lại không cho chữ gốc của từ Vu-Lan là Ullumpana (sự cứu vớt, cứu độ) mà lại chọn một chữ không mấy đắc địa là Ullumbana (huyền không, đảo huyền, sự treo tòn ten), cho dù đó có là một kiểu khổ hình nào đó ở âm ty. Trộm nghĩ, nhiều khi chỉ sự nhầm lẫn của một người đi trước có thể kéo theo sự nhầm lẫn của hàng triệu người đi sau, khi sự ‘tháp tùng” lâu ngày thành ra “phục tùng”, và đến nước này thì chỉ có trời cứu !

    Một thuật ngữ khác cũng quan trọng, thậm chí là linh hồn của cả hệ thống giáo lý A-Tỳ-Đàm, là Paramattha, lại cũng là một “nghi án” kỳ lạ đáng để bàn soạn. Trong A-Tỳ-Đàm, toàn bộ thế giới mà ta vẫn nương gá, nhìn ngắm và cảm nhận chỉ là cái vỏ ngoài Tục Đế (Sammutisacca), Giả Lập (Parikappa, Parikalpita), Thi Thiết (Pannatti, Prajnapti) của một thế giới tinh thể rốt ráo, hay Chân Đế (Paramattha) vốn chỉ là những bản thể, tính chất, trạng thái không có hình dáng hay quy mô như ta vẫn thấy qua các ngành khoa học, nghệ thuật, triết học. Một cách nôm na nhất, khái niệm “ly nuớc” là Tục Đế và những thành phần hoá học tạo nên nước và thủy tinh trong cái gọi là Ly Nước chính là Chân Đế (Paramattha). Người học A-Tỳ-Đàm hôm nay tuyệt không thể không biết đến thuật ngữ Paramattha. Vậy mà, có ai ngờ được rằng chữ này lại chỉ xuất hiện hiếm hoi trong toàn bộ kinh điển Pàli. Theo chỗ TK được biết thì trong Tam Tạng Pàli chỉ có một vài chỗ (không quá một bàn tay) nhắc đến thuật ngữ này. Đó là chương đầu trong bộ A-Tỳ-Đàm thứ năm tức bộ Luận Điểm (Kathàvatthu) và tập Cariyàpitaka (Bồ Tát Hạnh Tạng). Đã vậy, chỉ trong bộ Luận Điểm, chữ Paramattha mới có ý nghĩa Chân Đế như vừa nhắc sơ ở trên, còn ở tập Bồ Tát Hạnh Tạng thì chữ này có ý nghĩa là “ cứu cánh cao nhất ”, ám chỉ Phật Quả.

    Ai người học Phật lại không biết đến hay nghe qua chữ Ba-La-Mật (Pàramì, Pàramita), đoạn đường hành trì bắt buộc để một người thành Phật, nên thánh. Thế nhưng điều đặc biệt là khái niệm Ba-La-Mật này lại cũng là của hiếm trong kinh điển Pàli. Ngoại trừ một chỗ trong Trung Bộ Kinh (M.II.211) có nhắc đến chữ Abhinnàvosànapàramippatta hay trong Suttanipàta (câu kệ 1018, 1020) và tập Cariyàpitaka (vẫn bị ngờ là hậu tác) trong Tiểu Bộ Kinh Pàli, ta khó lòng tìm thấy chỗ nào khác trong kinh điển Pàli nhắc đến thuật ngữ này, nói gì là việc bàn sâu nói rộng. Cái gọi là lý tưởng Bồ Tát Đạo trong Phật giáo Nam Tông chỉ được đậm nét trong trong dòng kinh văn bậc hai là các tập Sớ Giải ra đời sau ngày Phật tịch, có nghĩa là không phải trong dòng kinh văn bậc một, tức Chánh tạng Pàli. Nếu chịu khó khách quan và bình tĩnh một tí để xét lại sử tính của các kinh điển Phật giáo thời kỳ bộ phái, thì ta cũng sẽ thấy ra nhiều sự ly kỳ. Nghĩa là thiên hạ đời sau đã y cứ vào một vài chỗ bỏ ngõ trong kinh văn truyền thống để mở ra những sân chơi náo nhiệt với một Miễn Tử Kim Bài gắn ở cổng vào là Như Thị Ngã Văn, Evam Mayà Srutam, thậm chí…Evam Me Sutam (tác phẩm Dasabodhisattuppattikathà viết về mười vị Phật tương lai cũng bắt đầu bằng Evam Me Sutam)!

    Từ lâu, nếu có ai hỏi vì sao đức Phật gần như chẳng nói gì về lý tưởng Bồ Tát Đạo thì tôi chỉ trả lời theo cách hiểu dốt nát của mình rằng tỷ lệ giữa người có thể thành Phật Chánh Đẳng Giác với số người không tới được cứu cánh này chỉ là một trên nhiều tỉ. Từ đó, tuyệt đại đa số đối tượng độ sinh của Thế Tôn chỉ là những người đơn giản cầu thoát tử sinh, đem Bồ Tát Đạo nói cho họ phải chăng không phải chỗ. Riêng đối với bậc đại nhân có đủ bản lãnh thành Phật thì chẳng cần nói nhiều, họ chỉ cần nghĩ nhớ về Phật rồi y cứ trên tinh thần đại thể của Phật Pháp là thừa biết mình phải làm gì. Chẳng hạn các chương trình giáo dục trong các trường lớp trên toàn cầu nào có chỗ nào dạy người ta thành tỷ phú hay đoạt giải Nobel đâu, mọi thứ cứ theo trình độ phổ thông của thiên hạ mà tính. Ai trong thiên hạ là bậc kỳ nhân thì tự dưng chọn được hướng riêng cho mình dựa trên cái chung đã học với thiên hạ.

    Cái độc đáo trong kinh điển nguyên thủy là một nội dung bao hàm vô số vấn đề một cách kín đáo. Câu hỏi nào cũng có lời đáp, nhưng nội dung những lời đáp đó nhiều khi bàng bạc khắp nơi, kẻ cầu đạo phải chịu khó dụng công một tí mới có thể thấy ra. Phàm phu muốn thay Phật làm lớn chuyện những vấn đề nọ kia nhiều khi chỉ khiến hoài phí thời gian bởi trí tuệ và ngữ ngôn của chúng ta rõ ràng có quá nhiều giới hạn, dễ gây nên những chuyện lợi bất cập hại. Cứ làm theo những lời dạy “có vẻ đơn giản” của Thế Tôn rồi một lúc nào đó tự dưng thấy thêm những chuyện khác. Cứ ngồi đó tán suông lắm khi chỉ là hại mình, hại người !

  3. #3
    XIN ĐỪNG HỎI VÌ SAO

    Có một sự trùng hợp lạ lùng khó giải thích là ở nhiều ngôn ngữ, câu nói chào khách, hoan nghênh kẻ mới đến, đều có một nội dung và từ vựng giống nhau. Trong khi người Tàu chào khách bằng hai chữ Hoan Nghênh thiệt riêng tây, thì ở một loạt ngôn ngữ khác, gồm tiếng Pàli và nhiều ngôn ngữ Tây Phương lại có cách biểu đạt giống hệt nhau, tương đồng về cả từ nguyên. Tiếng Anh, Mỹ nói Welcome (gồm Well (tốt) + Come (Đến, Tới), tiếng Đức cũng dùng chữ này nhưng biến đổi một chút thành Willkommen, tiếng Tây Ban Nha là Bienvenidos và tiếng Pháp là Bienvenue (đều có cùng ngữ căn Bien (Tốt) + Venir (Đến, Tới). Tiếng Miên vay mượn từ Pàli và Sanskrit để có chữ Soa-khum, gốc từ chữ Svàgamana (gồm Su (tốt) + Àgamana (đến, tới). Trong tiếng Pàli lại có thêm chữ khác là Svàgata (cũng gồm Su (tốt) + Àgata (đến, tới), cũng có nghĩa là Welcome !

    Ta có chút liên tưởng nào khi nhìn thấy chữ Bhàga (phần, bộ phận) trong tiếng Pàli với danh từ Part trong tiếng Anh, cũng có nghĩa là phần.

    Tiếng Pàli có từ Bhanga (sự rời rã, nát tan, thất tán, phân ly), tiếng Hán Việt có chữ Phấn cũng là tan nát, đổ vỡ. Chưa hết, lâu nay cứ thấy chữ Phân (ly), Phần, Phận trong tiếng Hán Việt thì tôi cứ nhớ đến chữ Bhanga bên tiếng Pàli, cũng như thấy chữ Bheda (bể, vỡ ; thứ, loại) của Pàli thì tôi lại nhớ đến chữ Bể bên tiếng Việt. Lạ thiệt, chúng cứ như cùng một gốc.

    Chẳng hiểu sao chữ Danh Từ hay Tên Gọi trong vài thứ tiếng lại giống nhau như đúc: Trong ba thứ tiếng Anh-Pháp-Đức là Name, Nom, Namen, còn bên tiếng Pàli là Nàma !

    Theo tiếng Pàli, Con Người được gọi là Manussa, nghĩa là con cháu hay hậu duệ của vua Manu. Tên gọi này xuất phát từ một truyền thuyết rằng ông vua đầu tiên trên xứ Ấn Độ tên là Manu . Ông là một minh quân kiểu Nghiêu Thuấn bên Tàu và chính là người đã làm ra bộ luật Manu nổi tiếng thời Cổ Ấn mà nay vẫn còn được biết đến, tương đương với bộ luật Hammurabi của vương quốc Babylon ngày trước. Chẳng rõ vì lý do nào, chữ Man bên tiếng Anh và Mann trong tiếng Đức lại ngó như có cùng nguồn gốc với chữ Manussa bên Pàli!

    Bên tiếng Pàli có chữ Sama nghĩa là cái giống nhau, thứ tương tự, như Asama là vô địch, không có cái tương đương. Thú vị là nhìn lại bên tiếng Anh ta thấy có chữ Same và Similar cũng có cùng nghĩa như vậy!

    Trong tiếng Pàli có chữ Kanittha nghĩa là bé nhỏ, như Kanitthabhàtà là em trai hay Akanittha là cõi Phạm Thiên cao nhất trong 5 cõi Tịnh Cư. Ở cõi này, toàn bộ Ngũ Quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định , Tuệ) của các Phạm thiên đều ở mức toàn hảo, vì đây là nơi chốn cuối cùng để các vị chứng ngộ La-Hán rồi viên tịch, không còn có thêm một kiếp tái sinh nào nữa. Ở bốn cõi Tịnh Cư kia có thể có những Phạm Thiên còn chút khiếm khuyết trong đạo lực, nhưng ở cõi Akanittha thì không, vì vậy tên gọi Akanittha ở đây có nghĩa là “không một thiện pháp nào ở đây là yếu ớt, nhỏ nhoi”. Thật lạ lùng, mỗi khi TK nhìn thấy chữ Kanittha trong Pàli thì lại nhớ đến chữ Con Nít trong tiếng Việt. Lại cũng xin đừng hỏi vì sao!

    Trong khi bên tiếng Pàli có chữ Cora (đọc là Chô-rá) nghĩa là trộm cướp nói chung, thì trong tiếng Việt có chữ Trộm, và tiếng lóng trong nước bây giờ còn có chữ Chôm, cũng có nghĩa là trộm. Nghe chữ này cứ bắt nhớ chữ kia!

    Thật ly kỳ khi trong tiếng Pàli có chữ Bhàra là Gánh Nặng (như câu Phật ngôn Bhàrà Have Pancakkhandhà, năm uẩn đúng là những gánh nặng), thì bên tiếng Anh ta có động từ Bear nghĩa là cưu mang, gánh vác. Ngó kỹ hai chữ Bhàra và Bear ta thấy như có chút gì bà con.

    Trong Pàli có động từ Vaddhati (tăng trưởng, phát triển), danh từ Vaddhana (sự phát triển), danh từ Vaddhaka (bậc trưởng thượng hay người già cả). Nhìn sang chữ Phát trong Hán Việt, ta thấy chữ Vaddhati bỗng trở nên dễ nhớ hơn.

    Trong tiếng Hi-Lạp có chữ Sophia là trí tuệ, sự sáng sủa (như trong chữ Philosophy). Điều thú vị là bên Pàli có 2 chữ Subha và Sobhana cũng đều có nghĩa là sáng sủa, tinh khiết, chói sáng. Chẳng rõ có sự liên quan nào giữa ba chữ này.

    Trong khi tiếng Anh có chữ Youth là tuổi trẻ, bên tiếng Pàli có chữ Yuva cũng là tuổi trẻ!

    Chữ Sutta trong tiếng Pàli có nhiều nghĩa, trong đó có ý nghĩa Sợi Chỉ. Từ nghĩa này, thật thú vị khi thấy chữ Sutta tôi cứ liên tưởng đến chữ Suốt trong tiếng Việt. Xin đừng hỏi vì sao !

    Chữ Mad trong tiếng Anh nghĩa là điên khùng. Tôi đã ngẫu nhiên thấy ra chút gì gụi gần giữa chữ Mad này với ba chữ Ummattaka (người loạn trí), Mada (say đắm), Majja ( say sưa) trong tiếng Pàli, rồi thì chữ Mê trong tiếng Việt. Nhờ kiểu liên tưởng Madly này mà tôi nhớ được nhiều từ vựng chăng !

    Thật ly kỳ khi tình cờ nhiều ngôn ngữ có chung một cách diễn tả về cái chết. Như khi tiếng Việt gọi là Qua Đời, thì tiếng Hán Việt gọi là Quá Cố, Quá Vãng, đều nhắm đến ý nghĩa “qua khỏi, bỏ lại sau lưng” cái cõi trần gian này. Thế rồi tiếng Anh lại có chữ Passing Away cũng là sự từ trần, sự phủi áo ra đi, sự vượt qua, bỏ lại cái gì đó. Và ý nghĩa “Vượt qua, bỏ lại” ấy ai ngờ lại từng xuất hiện trong cả tiếng Pàli từ mấy nghìn năm trước, chẳng hạn trong lời dặn dò sau cùng của đức Phật cho chúng tăng: Những giáo lý và giới luật đã được ta tuyên thuyết, chế định sẽ tiếp tục là đạo sư cho các ngươi ngay khi ta đã ra đi (mamaccayena). Accaya (Ati+aya) có nghĩa là sự đi qua khỏi, sự quá vãng, quá cố, qua đời. Cũng phải thôi, sinh ra là một lần ghé lại, đời sống là chuỗi ngày rong ruỗi, rồi thì chết là lúc đôi chân đã rời khỏi nhân gian. Đời người là cái gì đó phải vượt qua, bỏ lại !

    Đã nói đến cái chết mà không nhắc thêm một động từ Pàli nữa thì cũng là đáng tiếc vậy. Đó là chữ Marati (chết) trong tiếng Pàli cùng một loạt những trùng hợp thú vị với các ngoại ngữ khác. Có ai trong chúng ta ngờ rằng chữ Ma (yêu ma) trong tiếng Việt và Hán lại xuất phát từ chữ Màra (ma vương, ác ma) trong tiếng Pàli và Sanskrit. Chữ Màra này vốn có nghĩa đen là Thần Chết, kẻ sát nhân. Trong kinh điển Pàli, chữ Màra có nhiều nghĩa, nhưng đại khái là cái gì gây nên chuyện chết chóc, phá hoại. Như Ác Ma thiên tử là vị thiên vương chủ quản cõi Dục Thiên cao nhất luôn tìm dịp phá rối, trêu chọc những người tu hành thượng thặng, kể cả đức Phật. Phiền não, cái chết, và cả sự hiện hữu trong Tam Giới cũng được gọi là Màra vì đó là những gì làm khổ chúng sinh. Và dù ở ý nghĩa nào, chữ Màra cũng xuất phát từ động từ Marati (chết). Từ động từ này, ta lại có thêm động từ Màreti (giết, làm cho chết).

    Điều khó hiểu nhưng thú vị là nhìn sang các ngôn ngữ Tây Phương, ta thấy dường như chữ Marati của Pàli có khá nhiều bè bạn. Tiếng Pháp có Mort, tiếng La-Tinh có Morior, đều nghĩa là chết. Rồi thì tiếng Anh có Murder (kẻ sát nhân), tiếng Đức có Mord cũng đồng nghĩa. Cuối cùng, hình thức Quá khứ Phân Từ của Marati (chết) là Mata lại khiến ta liên tưởng đến chữ Mất trong tiếng Việt, cũng có nghĩa là Chết!

    Đến đây thì ta lại phải nhắc đến một thuật ngữ vừa nổi tiếng mà cũng rất nhạy cảm trong Phật giáo hôm nay, đó là chữ Thiền. Như một định phận khốc liệt cho Phật giáo hiện đại khi mà những từ ngữ, khái niệm được xem là tối yếu, ghê gớm, quan trọng nhất lại cứ là những “nghi án” ởm ờ và khó ăn nói nhất. Có lẽ rồi sẽ đến lúc mà điều ta phải e ngại nhất chính là sự lặng lẽ quan sát của những người không phải Phật tử lại có điều kiện tham cứu tường tận kinh Phật bằng một thái độ thanh thản, bình tĩnh, không bận lòng với những tự ái, tự tôn hay một lý do cá nhân nào hết. Họ sẽ có nhiều điều kiện tâm lý để nhận ra cái gì là thừa hay thiếu, đúng hay sai. Trong khi đó, vì quá nặng lòng hay nặng tình với vài thứ, người tự nhận là Phật giáo đồ đôi lúc phải gồng gánh những thứ chính mình thấy là có vấn đề. Chẳng hạn không ít người học Phật hôm nay chẳng dám nghĩ nhiều vể sử tính của các thuật ngữ vẫn được xem là quan trọng và nổi tiếng, như Pháp Thân, Phật Tánh, A-Lại-Da Thức, Như Lai Tạng, Chân Không, Diệu Hữu, Bất Nhị, Trung Ấm, Vãng Sanh, rồi thì cả chữ Thiền mà ai cũng nghĩ là một cấm địa thiêng liêng.

  4. #4
    Thuật ngữ Thiền vẫn đang được thiên hạ sử dụng rộng rãi hôm nay như Cửa Thiền (chùa chiền, chốn tu hành), Thiền Tông (tông phái đặt nặng nội dung tu học qua việc tham án, thiền định, tĩnh tâm) với vô số danh nghĩa Thiền Phái, Thiền Sư mà mỗi nơi có một lối định nghĩa và hành trì không mấy giống nhau, vốn xuất phát từ chữ Jhàna trong tiếng Pàli và Dhyàna bên tiếng Sanskrit. Hai chữ này theo nghĩa gốc trong Tam Tạng kinh điển nguyên thủy chỉ có nghĩa là bốn tầng thiền chứng Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền. Và theo kinh điển Pàli, tầng Sơ Thiền là trình độ tâm linh chỉ có thể đạt được qua sự tập trung tư tưởng đúng mức trên các đề mục (gồm mấy chục đề mục, xin xem thêm trong Thanh Tịnh Đạo phần giải về Định Học – Samàdhiniddesa). Và trên nguyên tắc, người chứng đạt tầng Sơ Thiền phải vượt qua được năm thứ phiền não thô thiển nhất là Tham Dục, Sân Độc, Hôn Thụy, Trạo Hối, Hoài Nghi. Đồng thời, trình độ tâm linh này bao gồm năm khả năng cần thiết cho tầng Đại Định sơ cấp là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Định. Nói vậy có nghĩa là chỉ riêng tầng Sơ Thiền cũng không phải là món dễ nuốt. Nếu hành giả có cơ duyên sâu dày, sau tầng Sơ Thiền sẽ là các tầng thiền chứng còn lại với những nội dung ngày một cao cấp và vi tế hơn. Nếu đến lúc lâm chung mà vẫn giữ được các tầng thiền chứng này, hành giả sẽ sanh vào các cõi Phạm Thiên tương ứng. Khi không có chư Phật ra đời, trong thiên hạ vẫn có những người tu tập và chứng đắc các tầng thiền định trên đây, nhưng thường thì cứu cánh cao nhất mà họ đạt được chỉ là khả năng thần thông (với trình độ Tứ Thiền) và vãng sinh Phạm Thiên Giới (sống hết tuổi thọ trên đây thì đương sự tiếp tục trở về vòng quay mịt mù của Lục Đạo theo duyên nghiệp của mình). Chư Phật vẫn nhìn nhận giá trị của các tầng thiền chứng này, nhưng chỉ xem đó như bước đi thứ hai trong hành trình Tam Học (Giới, Định, Tuệ). Tức là bên cạnh sự thanh tịnh trong giới luật, hành giả cũng nên tu tập các tầng thiền định để lấy đó làm nền tảng cho trí tuệ quán chiếu Tam Tướng (Vô Thường, Khổ Não, Vô ngã) trong vạn pháp. Kể cả bản thân các tầng thiền chứng cũng được xem là đối tượng để quán chiếu Tam Tướng. Nghĩa là ngoài việc nhìn ngắm những tham, sân, si, và các loại thiện tâm của mình để quán chiếu Ngũ uẩn, hành giả từng chứng qua thiền định còn có thể quan sát các thiền tâm của mình để giác ngộ tính Tam Tướng trong đó.

    Theo bước chân hoằng hoá của các tu sĩ Phật giáo, giáo lý Tam học được giới thiệu rộng rãi ở nhiều miền đất và tùy theo trình độ, khuynh hướng của các vị mà Phật pháp ngày một có thêm những triển khai tùy thích và tùy nghi. Một trong những nhánh rẽ ngoạn mục nhất của các dòng Phật giáo là sự đào sâu, khoét rộng chữ Thiền (Jhàna, dhyàna). Hôm nay người Tàu hiểu chữ Thiền (Chan) không giống như người Nhật hiểu chữ Zen. Đó là chưa kể đến trường hợp hai chữ này được hiểu theo cách của các học giả Tây Phương. Như Philip Kapleau làm sao giống với Daisetz Tettaro Suzuki, rồi Thiền Việt Nam hải ngoại với Thiền Việt Nam quốc nội. Một cách khiên cưỡng, gượng gạo thì ta có thể nói trăm sông đều đổ về biển, hay con đường nào cũng về La-Mã, nhưng nếu có thời giờ ngó kỹ cách thức hành trì của các thiền phái Lâm Tế, Tào Động, Thảo Đường, Trúc Lâm, Thiền Tông Thần Tú, Thiền Tông Huệ Năng , nói chung là thiền Tàu, thiền Việt, thiền Nhật, thiền Đại Hàn, thiền Tây Tạng, thiền Tây Phương,…thì ta sẽ thấy không phải dòng sông nào trong số đó cũng giống nhau hay đều dẫn về biển !
    Theo chỗ TK được biết, trong kinh điển Nam Tông nguyên lai không hề có chữ Thiền với ý nghĩa như đại đa số người học Phật hôm nay vẫn hiểu. Trong tạng A-Tỳ-Đàm có hai định nghĩa về chữ Thiền. Thứ nhất, chữ này ám chỉ bốn tầng thiền chứng và ý nghĩa thứ hai (trong bộ Patthàna) là gọi chung cho những gì có quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với các Thiền Chi (Jhànanga) như Tầm, Tứ, kể cả hỷ thọ, ưu thọ…Trong một trường hợp khác, theo bộ Paramatthamanjusà (Sớ Giải của bộ Thanh Tịnh Đạo), pháp môn Tuệ Quán (Vipassanà) tức Tứ Niệm Xứ được gọi là Lakkhanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong Tam Tướng (Tam Pháp Ấn) bằng cách an trú Chánh Niệm cùng Tỉnh Giác (Sampajanna- tức trí tuệ) và pháp môn Chỉ Tịnh (Samatha) tức việc tu tập thiền định qua các đề mục thiền Chỉ, được gọi là Àrammanùpanijjhàna, tạm dịch là sự chuyên chú trong các đối tượng án xứ bằng cách tập trung tư tưởng. Người Anh Mỹ gọi pháp môn Tuệ Quán là Insight (Nội Quán) và pháp môn Chỉ Tịnh là Concentration (Tập Trung Tư Tưởng). Cũng xin lưu ý rằng trong trích dẫn trên đây, pháp môn Tuệ Quán cũng không được gọi tên bằng một chữ Jhàna độc lập, mà là một từ ghép Upanijjhàna. Trong khi đó chữ Thiền là tiếng phiên âm từ mỗi một chữ Jhàna. Chẳng bàn chi chuyện chữ nghĩa, nếu chỉ xét về nội dung hành trì của người tu thiền bây giờ thì có lẽ thiền Chỉ hay thiền Quán thời nguyên thủy không được quan tâm nhiều lắm. Từ đó, chiếu theo những gì vừa thưa ở trên, Zen hay Thiền hay Chan theo lối hiểu phổ thông hôm nay hình như lại là một hướng đi mới của Phật giáo hậu thời nhằm khế hợp với căn cơ hay tâm tình, khuynh hướng của thời đại Hậu Phật.

    Nhưng có lẽ cũng nhờ tinh thần “phương tiện” này, người Phật tử hôm nay đã được trấn an rất nhiều khi giữa những nhịp sống xô bồ họ vẫn thấy mình không đến nổi xa rời Phật Pháp. Họ có thể chơi lan kiểng, tập luyện võ thuật, dưỡng sinh, uống trà, rồi thì hội hoạ, thơ văn, âm nhạc, kể cả trang trí nội thất,…miễn là món nào cũng có một chữ Thiền đỏ chót nằm bên cạnh là vững bụng rồi. Với lối tu hành nhẹ nhàng đó có thể khó nên thánh, nhưng có thể trở thành những phàm phu dễ thương. Vậy cũng là nhất rồi!

    Toại Khanh

    http://www.vietheravada.net/bienkhao/09kyla.htm

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình