+ Trả lời Chủ đề
Kết quả 1 đến 2 của 2

Chủ đề: Chánh tri kiến và tư duy về khổ

  1. #1

    Chánh tri kiến và tư duy về khổ

    KHỔ LÀ GÌ?

    Những điều thiết thực mà Đức Phật dạy cho chúng ta không gì ngoài Khổ và diệt khổ. Cùng tri kiến lại để thấy một cách tường tận “khổ là gì?” khi thấy được rõ ràng thì mới giúp chúng ta dễ dàng đối chiếu để tìm ra đúng phương pháp diệt khổ. Giống như việc giải quyết một bài toán, không nhìn ra được ẩn số là đâu thì làm sao tìm ra cách nào phù hợp để giải, việc nhìn rõ khổ là gì cũng giống như vậy.

    Từ trước đến nay, nhiều người trong chúng ta đều biết khổ đó là Bát khổ trong Tứ Diệu Đế. Bao gồm: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, Cầu bất đắc, Oán tấn hội, Ái biệt ly, Ngũ ấm xí thạnh.
    Sanh, lão, bệnh, tử: bốn giai đoạn phát triển này trong tất cả chúng sanh muôn loài đều phải trải qua, không ai có quyền quyết định. Từ khi sinh ra (sanh), đến khi trưởng thành ổn định (trụ), thay đổi trong mỗi người do bệnh tật già yếu… (dị) rồi mất đi (hoại diệt) con người và các sự vật hiện tượng xung quanh đều chịu sự ràng buộc lẫn nhau mà không hề có sự độc lập riêng biệt được, không ai được tự do quyết định nơi mình sinh ra, lớn lên, không ai quyết định được mình không già, không mang bệnh tật trong người với sự đau đớn, hành hạ, chết đi với sự lo lắng sợ hãi kèm theo sự tiếc nuối bỏ lại những người thân yêu… những quy luật này không chừa một ai, kể cả đó là vị chức cao, quyền lớn… đều phải trải qua. Trong suốt quá trình tồn tại của đời sống mỗi con người lại kèm theo những mong muốn nhưng bất thành (Cầu bất đắc khổ) rồi những điều yêu thích nhưng lại bị xa lìa (ái biệt ly khổ) rồi lại đối mặt với những cám cảnh dù không mong muốn (oán tấn hội khổ), chưa kể những khiếm khuyết của cơ thể (ngũ ấm xí thạnh) thì ngay cả hành vi đi đứng nằm ngồi, suy nghĩ… còn hạn chế nói chi đến việc tìm cho mình phương pháp để có đời sống tốt đẹp hơn?
    Đó là cơ bản nhất về khổ, tuy nhiên, việc đưa cụ thể các trường hợp để chúng ta dễ hình dung, nhưng bao hàm chung lại cốt yếu của 8 sự Khổ trên đều từ việc chúng ta hoàn toàn lệ thuộc (mất tự do) trước sự chuyển biến ngay chính trong nội tại của bản thân mình (gọi la nội pháp), mất tự do và luôn bị tác động của các sự vật hiện tượng bên ngoài chi phối (gọi là ngoại pháp). Hay còn gọi là ta bị chư pháp (các sự vật hiện tượng ngay cả bản thân ta và xung quanh) trói buộc. Và đó cũng chính là nghĩa đúng của từ Dukkha = khổ: sự ràng buộc, trói buộc, mất tự do. Các tướng trạng thường thấy như: nghèo khổ, bệnh khổ, đau khổ vì thiếu thốn, bệnh tật... đó chỉ là một khía cạnh rất nhỏ chứ chưa đủ nghĩa Dukkha mà Đức Phật nói đến.

    Một số người may mắn có cuộc sống bản thân đầy đủ, không bệnh tật, rồi lầm tưởng đó là không khổ, hoặc được đi đến nhiều nơi với phong cảnh hữu tình hiệu ứng đám đông tạo sự vui vẻ rồi cho là đã an lạc đã hết khổ, đang thiếu thốn bỗng dưng tìm được phương pháp làm ăn vựt dậy thì cho là không còn khổ… đó chỉ là những giải pháp tạm thời cho cuộc sống bản thân (pháp kinh tế, pháp tâm lý…) ngay thời điểm đó. Bởi lời Phật dạy: Chư Hành Vô Thường Ấn nghĩa là mọi sự vận hành đều không thường còn, đều hoại diệt bất cứ lúc nào và mất đi bất cứ lúc nào chứ không theo ý muốn của con người. Chư Pháp Vô Ngã Ấn nghĩa là mọi sự tồn tại trên cõi đời này đều được gán ghép với nhau nên rõ ràng có vận hành và chắc chắn luôn biến đổi. Khi con người chúng ta vẫn còn nằm trong vòng vây của chư pháp thì chúng ta không tự quyết định được, còn bị trói buộc là còn Dukkha,
    Tri kiến và tư duy thêm những lời dạy của các vị Tổ về ý nghĩa Khổ-Dukkha nhằm giúp người học có nhiều hướng nhìn rõ hơn về Khổ mà quyết tâm trên con đường diệt khổ (chuyển hóa khổ).

    Trong kinh Thiếu Thất Lục Môn Yếu Chỉ, Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma có dạy: “Tánh của Niết Bàn là không còn sanh vọng tưởng. Nhập Niết bàn là không nơi nào còn phiền não”. Phiền não sanh ra do còn vọng tưởng, mà vọng tưởng là do còn tham ái, 6 căn bị ngoại trần (chư pháp – sự vật hiện tượng xung quanh) quấy nhiễu không yên, làm cho mất tự do. Nghĩa là còn vọng tưởng là còn phiền não tức là Dukkha. Hằng ngày chúng ta đều ghi nhận những sự vật xung quanh qua 6 căn, chính những điều đó sẽ đọng lại (vọng) trong tiềm thức của mình và sẽ tưởng nhớ (tưởng) đến bất cứ lúc nào, khi vọng tưởng còn thì đó chính là nguyên nhân để ta chịu tái sinh luân hồi theo niệm tưởng ấy và tiếp tục nằm trong sự tương tác của các pháp và bị trói buộc vào bát khổ như đã nêu.
    “Tánh của đắc đạo là không còn thọ lãnh thân đời sau”. Còn thân đời sau là còn Dukkha, Nếu có người bảo rằng mình đắc đạo, chẳng khác nào còn chấp vào ngã, mà người chấp trước ngã pháp thì chìm trong biển sinh tử. Theo cấu trúc của hệ tâm thức (thọ - tưởng – hành – thức) thì còn tưởng đến đắc đạo tức còn hành thức, còn hành thì chính là còn vô thường vô ngã, đó là Dukkha. Ở đây Tổ đang nói sâu hơn nhằm nhắc nhở những người đã tu tập và có công phu nhưng vẫn còn tưởng như tưởng mình chứng đắc thì sẽ vẫn là còn tái sinh.
    Với cái nhìn bình thường, ta cho rằng thân đời sau nghĩa là sau khi thân hiện tại ta bị hoại diệt, ta sẽ mang 1 thân khác.Thực tế, thân ta đang chuyển đổi liên tục bởi những sự chuyển hóa của các tế bào, trong từng niệm đều là sự chuyển hóa không ngừng. Như câu: không có ai tắm 2 lần trên dòng sông, hoặc là có con đường nhưng không có người đi, nghĩa là với sự thấy của mắt thường, ta không nhìn thấy được sự chuyển đổi từng sát-na nhỏ như vậy, nhưng với ánh mắt chư thánh thì đang chuyển liền liền, ta đang thọ thân đời sau trong từng cái chuyển của niệm tưởng. Ngay cả cảnh Vô Sắc thiền thiên được tạm xem như không còn thân nữa nhưng vẫn còn tưởng – mong cầu Niết Bàn, Niết bàn của riêng mình  thì còn chuyển hóa (với chu kỳ rất dài so với chúng sanh ở các cõi thấp hơn), mà còn chuyển thì vẫn được gọi là còn thọ thân đời sau. Bởi vậy, với người tu tập dù có công phu cao gần như là thành tựu nhưng nếu vẫn còn tưởng Niết Bàn thì cũng vẫn là còn khổ. (trói buộc trong chính niệm tưởng của mình).

    Như vậy, nên hiểu rõ nghĩa của khổ-dukkha tức là còn bị chi phối, ràng buộc của các sự vật hiện tượng xung quanh, khi nào ta tự do tự tại và thực sự làm vua pháp của chính mình (Tác tại giác vương) thì lúc đó mới thật sự tự do, tự tại, giải thoát.

  2. #2
    Junior Member
    Ngày tham gia
    May 2019
    Bài viết
    5
    Cảm ơn Hành giả đã đăng bài này. Qua lời dạy từ Đức Phật và các vị Tổ sư cho chúng ta hiểu về khổ và có con đường giúp chúng ta chuyển hóa khổ (diệt khổ).

+ Trả lời Chủ đề

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình