Chương II: Bản chất đích thật của mọi sự vật

Chữ "tôn giáo" hàm chứa một ý nghĩa bao quát hơn so với chữ "luân lý". Luân lý có mục đích cải thiện những gì liên quan đến cách hành xử và hạnh phúc của con người. Các loại luân lý đó đều na ná như nhau ở bất cứ xó kẹt nào của thế giới này.

Tôn giáo là một phương pháp tu tập thuộc một cấp bậc cao thâm hơn nhiều, thế nhưng các phương pháp thực hành giữa các tôn giáo thì lại hết sức khác biệt nhau. Luân lý giúp cho ta trở thành một người lương thiện, biết hành xử phù hợp với những nguyên tắc quy định cho nếp sống tập thể trong xã hội, nhằm mục đích giúp mình không gây ra thiệt hại cho người khác.

Thế nhưng một người dù cho thật đạo đức đi nữa thì cũng phải gánh chịu khổ đau như tất cả mọi người khác, đấy là những khổ đau liên quan đến sự sinh, sự già nua, đớn đau và cái chết, đấy là chưa nói đến sự chi phối của những thứ u mê tâm thần. Quả thật luân lý không thể giúp loại bỏ được sự thèm muốn, ghét bỏ và u mê, do đó cũng sẽ không loại bỏ được khổ đau. Trong khi đó tôn giáo - nhất là đối với Phật Giáo - nhắm vào những mục đích cao xa hơn: đấy là sự loại bỏ hoàn toàn những thứ ô nhiễm tâm thần, có nghĩa là sự đình chỉ của mọi thể dạng khổ đau liên quan đến sự sinh, sự già nua, đớn đau và cái chết. Điều đó cho thấy là tôn giáo khác với luân lý đơn thuần, và đối với Phật Giáo thì sự khác biệt đó lại còn nổi bật hơn nữa, nhất là khi đem so sánh Phật Giáo với các hệ thống luân lý thông thường trong thế gian này. Quả thật sự khác biệt đó quá lớn và thật hiển nhiên, vì thế chúng ta cũng nên quan tâm tìm hiểu Phật Giáo xem sao.

Phật Giáo là một phương pháp nhằm mục đích mang lại một sự hiểu biết chuyên biệt gắn liền với sự thực hành, và nhằm đưa đến cho chúng ta một sự quán thấy thực tiễn mang một cấu trúc rõ rệt giúp tìm hiểu bản chất đích thật của mọi sự vật. Nên ghi nhớ cách định nghĩa này, vì nó sẽ giúp chúng ta hiểu được Phật Giáo dễ dàng hơn.

Chúng ta phải luôn tự vấn xem chúng ta quán thấy các vật thể có thật đúng với sự hiện hữu của chúng hay không. Ngay cả trường hợp mà chúng ta biết chính mình là gì, sự sống là gì, công ăn việc làm là gì, bổn phận là gì, các phương tiện sinh sống là gì, tiền bạc là gì, của cải là gì, danh dự và sự lừng danh là gì, thế nhưng chúng ta có dám tự nhận là chúng ta hiểu được những thứ ấy một cách tường tận hay không? Nếu như chúng ta thật sự hiểu được các vật thể đúng với sự hiện hữu của chúng, thì chúng ta sẽ không thể nào hành động sai lầm được, và nếu ví như hành động của chúng ta lúc nào cũng giữ được đúng đắn thì nào chúng ta có phải gánh chịu khổ đau như thế này đâu. Thật ra thì chúng ta mù tịt về bản chất đích thật của mọi vật thể, do đó chúng ta chỉ có thể hành xử đúng được phần nào mà thôi, và vì thế không thể nào tránh khỏi được sự phát sinh của khổ đau. Phép tu tập Phật Giáo có mục đích giúp chúng ta nhận thấy những gì "đúng như thế". Khi đã hiểu được một cách thật minh bạch "nó là như thế" thì cũng có nghĩa là đạt được Quả trên Con Đường, và cũng có thể đấy là quả cuối cùng còn gọi là Niết-bàn, bởi vì sự hiểu biết đó đã tẩy xóa được tất cả mọi thứ ô nhiễm trong tâm thức của mình.

Khi nào chúng ta đạt được sự hiểu biết "đấy là như thế", tức có nghĩa đạt được bản chất đích thật của mọi vật thể, thì khi đó sự tỉnh ngộ cũng sẽ lấn lướt và vượt lên trên sự đam mê, và đương nhiên khi đó chúng ta cũng sẽ được giải thoát khỏi mọi khổ đau. Thế nhưng trong lúc này đây thì chúng vẫn còn đang tu tập ở một cấp bậc mà chúng ta chưa đủ sức để hiểu được thế nào là bản chất đích thật của mọi sự vật, và nhất là chúng ta vẫn chưa đạt được sự hiểu biết rằng tất cả đều vô thường và hoàn toàn không hàm chứa một cái "ngã" mang tính cách cá thể nào cả. Chúng ta vẫn chưa nhận thức được là sự sống này cùng với tất cả những gì mà chúng ta gắn bó, yêu thích, ham muốn và quý chuộng... đều là vô thường, bất toại nguyện, và trống không về một cái "ngã", cho nên chúng ta vẫn còn tiếp tục say đắm những thứ ấy, yêu quý chúng, ham thích chúng, vui sướng được có chúng, bám chặt lấy chúng. Thế nhưng khi đã hiểu được những lời giảng huấn của Đức Phật, thì chúng ta cũng sẽ nhìn thấy mọi vật thể một cách đúng đắn hơn, nhận ra một cách thật minh bạch là chúng đều vô thường, bất toại nguyện và không hàm chứa một cái "ngã" nào cả, và hiểu rằng chúng không đáng để cho chúng ta bám víu. Đương nhiên sau đó thì một sự thăng tiến tuần tự sẽ xảy ra giúp chúng ta tháo gỡ dần dần sức mạnh thống trị của những vật thể ấy.

Cốt tủy những lời giáo huấn của Đức Phật đúng theo trong Tam Tạng Kinh thật ra không ngoài sự hiểu biết về bản chất đích thật của mọi sự vật - đơn giản chỉ có thế. Phải cần ghi khắc trong tâm cách định nghĩa ấy: đấy là những gì thật cần thiết cần phải nhớ trong khi tu tập.

Đến đây thiết nghĩ chúng ta cũng nên chọn một thí dụ chẳng hạn như Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế) để chứng minh cho sự vững chắc của cách định nghĩa trên đây.

Sự Thật Cao Quý Thứ Nhất cho biết tất cả đều là khổ đau hay nguyên nhân của khổ đau, đấy là cách nêu lên một cách chính xác các vật thể là gì. Thế nhưng chúng ta lại không đủ sức để hiểu tất cả chỉ là nguồn gốc của khổ đau, cho nên chúng ta vẫn ham muốn muốn được có những vật thể. Đến khi nào chúng ta biết nhìn chúng là nguồn gốc mang lại khổ đau, thì nhất định khi ấy chúng ta sẽ không còn thèm muốn được có chúng nữa.

Sự Thật Cao Quý Thứ Hai cho biết là sự ham muốn là nguyên nhân mang lại khổ đau. Người ta cũng vẫn không hiểu đấy là gì, không nhìn thấy gì cả, không đủ sức hiểu được rằng sự ham muốn là nguyên nhân mang lại khổ đau. Sở dĩ chúng ta ham muốn có cái này hay cái nọ, đơn giản chỉ vì chúng ta không hiểu được bản chất của sự ham muốn là gì.

Sự Thật Cao Quý Thứ Ba cho thấy là sự giải thoát - có nghĩa là không còn bị trói buộc bởi khổ đau, tức thể dạng Niết-bàn - là sự tắt nghỉ hoàn toàn của sự ham muốn. Chẳng có ai chịu hiểu rằng Niết-bàn là một thể dạng có thể đạt được bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu, và vào đúng lúc mà sự ham muốn hoàn toàn tan biến hết. Sở dĩ không hiểu bản chất của sự sống là gì nên người ta cũng chẳng quan tâm đến việc phải diệt bỏ sự ham muốn. Cũng thế người ta nào có quan tâm đến Niết-bàn để làm gì bởi vì người ta không hề biết nó là gì.

Sự Thật Cao Quý Thứ Tư còn gọi là "Con Đường" hay "Bát Chánh Đạo". Đấy là phương pháp giúp loại bỏ mọi sự ham muốn. Chẳng có ai chịu hiểu như thế, và cũng chẳng có ai quan tâm là Bát Chánh Đạo lại có thể giúp loại bỏ được mọi khổ đau. Chẳng có người nào nhìn thấy đấy là một sự trợ lực mà mình phải cần đến, một điểm tựa mà mình phải nhanh chóng làm cho vững chắc thêm. Họ không hề quan tâm đến Con Đường Bát Chánh Cao Quý của Đức Phật, mặc dù đấy là một viên bảo châu hoàn hảo và quý giá nhất so với cả cái khối hiểu biết lớn lao của con người. Sự u mê ấy quả thật hết sức là kinh hoàng!