Các tôn giáo khác chỉ biết khuyên bảo phải tránh cái xấu và nên bám vào cái tốt, bám vào cái tốt quá chặt đến độ bám luôn cả cấp bậc cao nhất của nó: ấy là Trời. Phật Giáo đi xa hơn thế nhiều vì Phật Giáo không chấp nhận bất cứ một sự bám víu nào. Bám víu vào cái tốt như là một đối tượng cho sự tu tập chỉ có thể đưa đến một cấp bậc tạm thời nào đó, vì sau đấy dù cho ta có cố gắng đến đâu đi nữa thì sự tu tập đó cũng sẽ dừng lại đấy và nó sẽ không thể đưa chúng ta vượt lên một cấp bậc khác cao hơn được. Tu tập ở cấp bậc thấp nhất là tránh điều xấu, sau đó thì phải cố gắng tối đa để thực hiện điều tốt, và vào cấp bậc cao nhất thì phải đưa tâm thức vượt lên trên sự khống chế của cả cái tốt lẫn cái xấu.

Khi còn bám víu vào quả ngọt do hành động tốt mang lại thì khi đó ta vẫn chưa đạt được sự giải thoát hoàn toàn khỏi khổ đau. Nếu như một người hung dữ phải chịu khổ đau tương quan với sự hung dữ của hắn thì một người tốt cũng phải chịu khổ đau tương quan với cái tốt của người ấy. Nếu ta là một người tốt thì ta cũng sẽ khổ đau tương tự như những người tốt khác phải khổ đau. Một vị thiên nhân tốt vẫn cảm thấy cái khổ đau xảy ra cho tất các thiên nhân, kể cả một vị trời cũng phải khổ đau tương quan với cái bản chất thiêng liêng của chính vị ấy. Sự giải thoát hoàn toàn của khổ đau chỉ có thể xảy ra khi một cá thể được giải thoát và vượt xa hơn những gì mà người ta gọi là "cái tốt", hầu trở thành một vị Thánh nhân (Aryan), tức là một cá thể đã vượt lên trên các điều kiện trói buộc con người để sau đó sẽ trở thành một cá thể hoàn toàn hoàn hảo tức là một vị A-la-hán.

Như chúng ta đã thấy, Phật Giáo tức là những lời giáo huấn của Đức Phật, còn gọi là vị Giác Ngộ, và Phật tử là những người mang ra thực hành những lời giáo huấn ấy. Vậy thì Đức Phật đã giác ngộ về cái gì? Thật hết sức đơn giản, đấy là bản chất đích thật của mọi vật thể. Tóm lại Phật Giáo là những lời giáo huấn giúp chúng ta nhìn thấy những gì đúng như thế. Vậy về phần chúng ta thì phải luyện tập như thế nào để tự mình có thể nhận ra cái sự thật ấy. Chúng ta có thể vững tin rằng khi nào đạt được sự hiểu biết hoàn hảo đó, thì lúc ấy mọi sự ham muốn cũng sẽ theo đó mà tan biến hết, bởi vì sự hiểu biết sẽ phát lộ ngay vào giây phút mà vô minh bắt đầu biến mất.

Đối với Phật Giáo, bất cứ khía cạnh tu tập nào cũng đều nhằm vào mục đích phát huy sự hiểu biết. Lý do thật hết sức đơn giản là vì nếu muốn đạt được sự hiểu biết thì ta phải hướng tâm thức vào con đường tu tập hầu giúp mình đạt được tâm điểm Đạo Pháp của Đức Phật (Buddha-Dhamma). Tuy nhiên cũng phải biết tu tập như thế nào để có thể đạt được một sự hiểu biết đúng đắn do sự quán thấy sâu xa và minh bạch mang lại, không phải là một sự hiểu biết nông cạn của thế tục có thể khiến cho mình lầm lẫn giữa cái xấu và cái tốt, và tin rằng một nguyên nhân nào đó sẽ đưa đến hạnh phúc thế nhưng thật ra thì đấy chỉ là nguồn gốc mang lại khổ đau. Hãy cố gắng nhìn vào các sự vật xuyên qua thể dạng khổ đau của chúng và rồi tuần tự từng bước một ta cũng sẽ đạt được sự hiểu biết như vừa kể. Sự hiểu biết đó chính là sự hiểu biết của Phật Giáo, xây dựng trên những nguyên tắc thật vững chắc.

Nếu biết sử dụng phương pháp đó thì bất cứ một người bình dị nào, không nhất thiết phải có một trình độ học vấn cao, cũng đều có thể đạt được chỗ tinh anh ấy của Phật Giáo. Trong khi đó một học giả uyên thâm về tôn giáo, đạt được thật nhiều văn bằng đại học, chỉ biết vùi đầu vào việc nghiên cứu Tam Tạng Kinh mà không để tâm quán nhìn các vật thể qua góc cạnh đó (khổ đau), thì sẽ không bao giờ có thể thấu triệt được những lời giáo huấn. Một số người trong chúng ta nhờ vào một khả năng thông minh nào đó đều có thể nghiên cứu và quan sát thật kỹ lưỡng các vật thể giúp mình nhìn thấy được bản chất đích thật của chúng. Tất nhiên là cần phải quan sát tất cả các hiện tượng xảy đến với ta, tìm hiểu bản chất của chúng, và nhất là phải nhìn thấy nguồn gốc của khổ đau do chúng mang lại, cái khổ đau đó sẽ bùng lên thành ngọn lửa để thiêu đốt ta. Hãy dựa vào những gì được giải thích trên đây để triển khai một sự chú tâm cao độ giúp cho ta biết quan sát, xét đoán và chờ đợi xem khổ đau sẽ xảy đến với mình như thế nào: đấy là phương pháp tốt nhất để tìm hiểu Đạo Pháp của Đức Phật (Buddha-Dhamma). Làm được như thế sẽ mang lại cho ta nhiều lợi ích hơn là cách học hỏi Đạo Pháp trong Tam Tạng Kinh. Nếu cứ vùi đầu vào việc nghiên cứu Đạo Pháp trong Tam Tạng Kinh, dù trên phương diện ngôn ngữ hay văn chương, thì cũng đều bất lực không thể giúp ta khám phá ra được bản chất đích thật của mọi sự vật. Tất nhiên là Tam Tạng Kinh ghi chép vô số những lời giải thích về bản chất đích thật của mọi sự vật, thế nhưng người ta lại chỉ biết nghe như những con vẹt và sau đó lập lại những gì mà mình nhớ được. Họ không đủ sức để tự đi sâu vào bản thể đích thật của mọi sự vật. Thế nhưng, nếu họ biết sử dụng phương pháp nội quán để tự mình khám phá ra xem tâm thức mình vận hành như thế nào, biết dựa vào những kinh nghiệm cá nhân để nhận thấy sự ô nhiễm đã từng làm cho tâm thức mình bị u mê ra sao, sự vận hành của khổ đau và của thiên nhiên như thế nào - nói cách khác là tất cả những gì tạo ra sự sống của chính mình - thì họ sẽ có đủ khả năng đi sâu vào Đạo Pháp đích thật của Đức Phật.