Thí dụ một người nào đó chưa bao giờ được đọc hay được nghe nói đến Tam Tạng Kinh, thế nhưng người ấy biết quan sát thật sâu xa mỗi lần khổ đau hiển hiện ra và đốt cháy mình như thế nào, thì có thể bảo rằng người ấy biết tìm hiểu Tam Tạng Kinh một cách trực tiếp và đúng đắn hơn nhiều so với những người chỉ biết đem ra mà đọc. Đây là những người chỉ biết tìm kiếm sự vui thích bằng cách vuốt ve kinh sách, họ hoàn toàn không ý thức được là những trang giấy ấy hàm chứa cả một nền tảng Đạo Pháp bất tử. Cũng thế, chúng ta may mắn được thừa hưởng tiềm năng con người, thế nhưng tiếc thay chúng ta lại chỉ biết sử dụng tiềm năng đó để lao đầu vào đủ mọi chuyện vô bổ và không hề nghĩ đến việc sử dụng nó để tìm hiểu xem mình là gì, và cũng không giải quyết nổi những khó khăn của chính mình. Chúng ta luôn bị vướng mắc vào khổ đau, bị nô lệ cho sự ham muốn, và trong từng giây phút của cuộc sống này sự ham muốn ấy luôn tìm cách làm gia tăng thêm cái khổ đau sẵn có của mình, trong khi ấy nguyên nhân mang lại tình trạng vừa kể thì lại hết sức đơn giản: đấy là cái vô minh của mình không cho phép mình nhìn thấy bản chất đích thật của mọi vật thể.

Quả thật hết sức khó cho chúng ta hiểu được Tam Tạng Kinh và những sự thật sâu xa hàm chứa trong đó, vì thế tốt hơn hết chúng ta nên khởi sự học hỏi Đạo Pháp của Đức Phật bằng cách tìm hiểu bản chất đích thật của chính mình trước đã. Chúng ta hãy tập nhận biết tất cả những vật thể tạo ra thân xác này và cả cái tâm thức này của mình. Tìm hiểu những bài học do cuộc sống này mang lại, một cuộc sống xoay tròn bất tận trong chu kỳ của sự ham muốn, của những hành động phát sinh từ sự ham muốn, của sự ham muốn được thụ hưởng các kết quả do hành động mang lại..., thế rồi tất cả các thứ ấy lại tiếp tục nuôi dưỡng thêm sự ham muốn để thúc dục được thụ hưởng những thứ ấy nhiều hơn nữa, và cứ tiếp tục như thế cho đến vô tận. Cuộc sống ấy bị vướng mắc vào cái vòng lẩn quẩn của thế giới Ta-bà (Samsara), tức là cái đại dương của khổ đau này, mà nguyên nhân gây ra thì lại hết sức đơn giản: đấy là sự u mê không biết gì về bản thể đích thật của mọi sự vật.

Tóm lại, Phật Giáo là một phương pháp thực dụng có một cấu trúc rõ rệt, nhằm mục đích giúp chúng ta nhìn thấy các sự vật đúng với bản chất đích thật của chúng. Khi nào mà ta nhìn thấy được cái bản chất ấy của chúng thì khi ấy ta cũng sẽ không còn cần phải nhờ vả đến bất cứ ai khác đứng ra giảng dạy hay trợ lực cho ta nữa, vì ta có thể tu tập lấy một mình. Mức độ thăng tiến mà ta thực hiện được trên Con Đường của người A-la-hán sẽ tương quan với mức độ gia tăng của khả năng loại bỏ được các thứ ô nhiễm trong tâm thức, và khả năng tránh được các hành động sai lầm. Sau hết, chúng ta sẽ đạt được những gì cao đẹp nhất của một con người, và đấy cũng là những gì mà người ta gọi là Quả do Con Đường mang lại, tức đấy chính là Niết-bàn. Chúng ta có thể đạt được Niết-bàn tự lực một mình, bằng cách đơn giản chỉ cần cố gắng tập tìm hiểu ý nghĩa sâu xa nhất của bản chất đích thật của các sự vật là đủ.