Mê tín dị đoan “leo” đỉnh Tà Cú

Tọa lạc tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), núi Tà Cú cao 649 mét so với mặt biển, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch đến với “vương quốc” resort. Nhân mùa lễ hội dinh Thầy Thím tại thị xã Lagi vừa qua, nhiều người từ khắp mọi miền hành hương lên đỉnh Tà Cú để cầu bình an, hạnh phúc. Trong dòng người ấy có những kẻ mang theo cả hy vọng hão huyền.

“ÔNG VỀ ĐÓ”!

Trên đỉnh núi là tượng Phật Thích Ca nằm lớn nhất Đông Nam Á (lớn hơn tượng Phật dài 45m trong chùa Wat Po ở Bangkok, Thái Lan), làm bằng bê tông, quét vôi trắng, dài 49 m, cao 7m, do ông Trương Định Ý xây dựng vào năm 1963. Từ 12 giờ trưa, người ở khu vực này mỗi lúc một đông. Bỗng một người đàn bà dáng người phốp pháp hét lên: “Giờ đắc đạo nên ông về rồi”. Nhiều cụ ông, cụ bà lò dò chống gậy đi về phía phát ra âm thanh. Các nhóm thanh niên cũng chạy ào tới. Hết thảy đều chăm chú nhìn về phía nhành cây cổ thụ có một con rắn dài hơn 1 mét.

“Giờ này linh lắm, chắc ông thương mình làm ăn thất bát nên hiện hình về” - một bà cụ quê miền Tây nói giọng nghiêm trọng. Lập tức, nhiều người quỳ lạy, khấn vái... con rắn! Hai người bán vé số, một già, một trẻ nhanh chóng có mặt.

Với vẻ mặt thất thần, bà Thu - khách hành hương đến từ tỉnh Khánh Hòa khấn: “Nếu ông thương con, phù hộ cho con đánh thắng số 32”. Nói xong, bà Thu vẫy hai người bán vé số đến để mua những tờ có số cuối 32. Chẳng mấy chốc, sấp vé số được bán sạch. Hai người bán vé số nở nụ cười bí hiểm.

Vuốt vội những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt do leo núi, Thành - một du khách từ Đà Nẵng phao tin: “Linh thật, tối qua tôi đi dinh Thầy Thím cầu nguyện, sáng nay thấy thần hiện về. Tôi sẽ gọi về nhà tập trung anh em đánh con 32 mãng xà, đảm bảo ngày mai trúng đậm”. Nói xong, Thành bấm số gọi hết người này đến người khác.

Tin đồn lan nhanh, du khách ở chân núi thi nhau dùng cáp treo (25.000 đồng/lượt) lên tới đỉnh để tận mắt thấy “thần”, bất chấp trời nắng như thiêu đốt.

Đem chuyện hỏi một cư dân trên đỉnh núi, anh này cười: “Làm gì có chuyện đó. Ở đây là đỉnh núi nên rắn rít bò là chuyện bình thường”.

THẦN MAY MẮN?

“Người ta bảo lên đất Phật hên lắm, cầu được ước thấy nên tụi tôi thuê xe từ Đồng Tháp ra tận đây” - bà Thảo, chủ một tiệm buôn ở chợ Cao Lãnh nói. Bà cùng bạn bè khệ nệ vác theo đồ cúng leo từng bước khổ ải lên đỉnh. Tới tượng Phật nằm, bà cùng mọi người kính cẩn quỳ lạy. Dù có biển cấm leo trèo nhưng để linh thiêng ứng nghiệm, bà cố leo lên rờ vào vạt áo của tượng nhưng chẳng may trượt ngã làm bong gân chân. Kết quả là hai bà trong đoàn phải dìu người đàn bà tội nghiệp hạ sơn với từng bước khập khiễng.

Chen nhau sờ vào quần áo của tượng

Cách pho tượng Phật nằm khoảng 50m về phía dưới là nhóm tượng Di Đà xếp thành hàng ngang, xây trên đài sen: tượng A Di Đà ở giữa cao 7m, hai bên là tượng Quán Thế Âm và tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5m. Giữa cái nắng gay gắt, chúng tôi nghe một người phụ nữ phấn son lòe lẹt vừa lạy vừa khấn như than thở: “Chồng con mắc bệnh ung thư bị bệnh viện trả về, cầu mong thần linh thiêng phù hộ cho nhà con”.

Đứng bên cạnh, trong bộ váy ngắn áo hai dây sực nức mùi nước hoa, một cô gái trẻ nói rõ to: “Mong Phật phù hộ cho con lấy được chồng ngoại giàu có. Nếu được điều đó, con sẽ bỏ tiền xây lối lên đây thật khang trang”.

Trên đường xuống núi, thấy nơi nào có đặt tượng là nhiều người mê tín lại lao vào đụng chạm bộ vải che quanh để cầu may. Chưa hết, thấy một dòng suối chảy róc rách, ai nấy chạy tới thật nhanh để uống “nước thánh”.

Nhiều đỉnh núi có thờ tượng Phật hiện nay như núi Bà Đen (Tây Ninh), núi Chứa Chan ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), núi Ba Thê ở huyện Thoại Sơn (An Giang)... luôn bị những người mê tín dị đoan nhũng nhiễu, phao tin đồn thất thiệt. Bằng chứng là ngày hôm sau, chúng tôi kiểm tra kết quả của các công ty xổ số kiến thiết các tỉnh thành không nơi nào có kết quả mãng xà (32). Tôi gọi điện cho Thành, anh ta ngán ngẩm: “Nghe người ta đồn gặp rắn là thấy thần, tôi gọi mọi người tập trung đánh số 32, nhưng trật lất”.
http://www.baomoi.com/Me-tin-di-doan...37/3474369.epi