XIN ĐỪNG HỎI VÌ SAO

Có một sự trùng hợp lạ lùng khó giải thích là ở nhiều ngôn ngữ, câu nói chào khách, hoan nghênh kẻ mới đến, đều có một nội dung và từ vựng giống nhau. Trong khi người Tàu chào khách bằng hai chữ Hoan Nghênh thiệt riêng tây, thì ở một loạt ngôn ngữ khác, gồm tiếng Pàli và nhiều ngôn ngữ Tây Phương lại có cách biểu đạt giống hệt nhau, tương đồng về cả từ nguyên. Tiếng Anh, Mỹ nói Welcome (gồm Well (tốt) + Come (Đến, Tới), tiếng Đức cũng dùng chữ này nhưng biến đổi một chút thành Willkommen, tiếng Tây Ban Nha là Bienvenidos và tiếng Pháp là Bienvenue (đều có cùng ngữ căn Bien (Tốt) + Venir (Đến, Tới). Tiếng Miên vay mượn từ Pàli và Sanskrit để có chữ Soa-khum, gốc từ chữ Svàgamana (gồm Su (tốt) + Àgamana (đến, tới). Trong tiếng Pàli lại có thêm chữ khác là Svàgata (cũng gồm Su (tốt) + Àgata (đến, tới), cũng có nghĩa là Welcome !

Ta có chút liên tưởng nào khi nhìn thấy chữ Bhàga (phần, bộ phận) trong tiếng Pàli với danh từ Part trong tiếng Anh, cũng có nghĩa là phần.

Tiếng Pàli có từ Bhanga (sự rời rã, nát tan, thất tán, phân ly), tiếng Hán Việt có chữ Phấn cũng là tan nát, đổ vỡ. Chưa hết, lâu nay cứ thấy chữ Phân (ly), Phần, Phận trong tiếng Hán Việt thì tôi cứ nhớ đến chữ Bhanga bên tiếng Pàli, cũng như thấy chữ Bheda (bể, vỡ ; thứ, loại) của Pàli thì tôi lại nhớ đến chữ Bể bên tiếng Việt. Lạ thiệt, chúng cứ như cùng một gốc.

Chẳng hiểu sao chữ Danh Từ hay Tên Gọi trong vài thứ tiếng lại giống nhau như đúc: Trong ba thứ tiếng Anh-Pháp-Đức là Name, Nom, Namen, còn bên tiếng Pàli là Nàma !

Theo tiếng Pàli, Con Người được gọi là Manussa, nghĩa là con cháu hay hậu duệ của vua Manu. Tên gọi này xuất phát từ một truyền thuyết rằng ông vua đầu tiên trên xứ Ấn Độ tên là Manu . Ông là một minh quân kiểu Nghiêu Thuấn bên Tàu và chính là người đã làm ra bộ luật Manu nổi tiếng thời Cổ Ấn mà nay vẫn còn được biết đến, tương đương với bộ luật Hammurabi của vương quốc Babylon ngày trước. Chẳng rõ vì lý do nào, chữ Man bên tiếng Anh và Mann trong tiếng Đức lại ngó như có cùng nguồn gốc với chữ Manussa bên Pàli!

Bên tiếng Pàli có chữ Sama nghĩa là cái giống nhau, thứ tương tự, như Asama là vô địch, không có cái tương đương. Thú vị là nhìn lại bên tiếng Anh ta thấy có chữ Same và Similar cũng có cùng nghĩa như vậy!

Trong tiếng Pàli có chữ Kanittha nghĩa là bé nhỏ, như Kanitthabhàtà là em trai hay Akanittha là cõi Phạm Thiên cao nhất trong 5 cõi Tịnh Cư. Ở cõi này, toàn bộ Ngũ Quyền (Tín, Tấn, Niệm, Định , Tuệ) của các Phạm thiên đều ở mức toàn hảo, vì đây là nơi chốn cuối cùng để các vị chứng ngộ La-Hán rồi viên tịch, không còn có thêm một kiếp tái sinh nào nữa. Ở bốn cõi Tịnh Cư kia có thể có những Phạm Thiên còn chút khiếm khuyết trong đạo lực, nhưng ở cõi Akanittha thì không, vì vậy tên gọi Akanittha ở đây có nghĩa là “không một thiện pháp nào ở đây là yếu ớt, nhỏ nhoi”. Thật lạ lùng, mỗi khi TK nhìn thấy chữ Kanittha trong Pàli thì lại nhớ đến chữ Con Nít trong tiếng Việt. Lại cũng xin đừng hỏi vì sao!

Trong khi bên tiếng Pàli có chữ Cora (đọc là Chô-rá) nghĩa là trộm cướp nói chung, thì trong tiếng Việt có chữ Trộm, và tiếng lóng trong nước bây giờ còn có chữ Chôm, cũng có nghĩa là trộm. Nghe chữ này cứ bắt nhớ chữ kia!

Thật ly kỳ khi trong tiếng Pàli có chữ Bhàra là Gánh Nặng (như câu Phật ngôn Bhàrà Have Pancakkhandhà, năm uẩn đúng là những gánh nặng), thì bên tiếng Anh ta có động từ Bear nghĩa là cưu mang, gánh vác. Ngó kỹ hai chữ Bhàra và Bear ta thấy như có chút gì bà con.

Trong Pàli có động từ Vaddhati (tăng trưởng, phát triển), danh từ Vaddhana (sự phát triển), danh từ Vaddhaka (bậc trưởng thượng hay người già cả). Nhìn sang chữ Phát trong Hán Việt, ta thấy chữ Vaddhati bỗng trở nên dễ nhớ hơn.

Trong tiếng Hi-Lạp có chữ Sophia là trí tuệ, sự sáng sủa (như trong chữ Philosophy). Điều thú vị là bên Pàli có 2 chữ Subha và Sobhana cũng đều có nghĩa là sáng sủa, tinh khiết, chói sáng. Chẳng rõ có sự liên quan nào giữa ba chữ này.

Trong khi tiếng Anh có chữ Youth là tuổi trẻ, bên tiếng Pàli có chữ Yuva cũng là tuổi trẻ!

Chữ Sutta trong tiếng Pàli có nhiều nghĩa, trong đó có ý nghĩa Sợi Chỉ. Từ nghĩa này, thật thú vị khi thấy chữ Sutta tôi cứ liên tưởng đến chữ Suốt trong tiếng Việt. Xin đừng hỏi vì sao !

Chữ Mad trong tiếng Anh nghĩa là điên khùng. Tôi đã ngẫu nhiên thấy ra chút gì gụi gần giữa chữ Mad này với ba chữ Ummattaka (người loạn trí), Mada (say đắm), Majja ( say sưa) trong tiếng Pàli, rồi thì chữ Mê trong tiếng Việt. Nhờ kiểu liên tưởng Madly này mà tôi nhớ được nhiều từ vựng chăng !

Thật ly kỳ khi tình cờ nhiều ngôn ngữ có chung một cách diễn tả về cái chết. Như khi tiếng Việt gọi là Qua Đời, thì tiếng Hán Việt gọi là Quá Cố, Quá Vãng, đều nhắm đến ý nghĩa “qua khỏi, bỏ lại sau lưng” cái cõi trần gian này. Thế rồi tiếng Anh lại có chữ Passing Away cũng là sự từ trần, sự phủi áo ra đi, sự vượt qua, bỏ lại cái gì đó. Và ý nghĩa “Vượt qua, bỏ lại” ấy ai ngờ lại từng xuất hiện trong cả tiếng Pàli từ mấy nghìn năm trước, chẳng hạn trong lời dặn dò sau cùng của đức Phật cho chúng tăng: Những giáo lý và giới luật đã được ta tuyên thuyết, chế định sẽ tiếp tục là đạo sư cho các ngươi ngay khi ta đã ra đi (mamaccayena). Accaya (Ati+aya) có nghĩa là sự đi qua khỏi, sự quá vãng, quá cố, qua đời. Cũng phải thôi, sinh ra là một lần ghé lại, đời sống là chuỗi ngày rong ruỗi, rồi thì chết là lúc đôi chân đã rời khỏi nhân gian. Đời người là cái gì đó phải vượt qua, bỏ lại !

Đã nói đến cái chết mà không nhắc thêm một động từ Pàli nữa thì cũng là đáng tiếc vậy. Đó là chữ Marati (chết) trong tiếng Pàli cùng một loạt những trùng hợp thú vị với các ngoại ngữ khác. Có ai trong chúng ta ngờ rằng chữ Ma (yêu ma) trong tiếng Việt và Hán lại xuất phát từ chữ Màra (ma vương, ác ma) trong tiếng Pàli và Sanskrit. Chữ Màra này vốn có nghĩa đen là Thần Chết, kẻ sát nhân. Trong kinh điển Pàli, chữ Màra có nhiều nghĩa, nhưng đại khái là cái gì gây nên chuyện chết chóc, phá hoại. Như Ác Ma thiên tử là vị thiên vương chủ quản cõi Dục Thiên cao nhất luôn tìm dịp phá rối, trêu chọc những người tu hành thượng thặng, kể cả đức Phật. Phiền não, cái chết, và cả sự hiện hữu trong Tam Giới cũng được gọi là Màra vì đó là những gì làm khổ chúng sinh. Và dù ở ý nghĩa nào, chữ Màra cũng xuất phát từ động từ Marati (chết). Từ động từ này, ta lại có thêm động từ Màreti (giết, làm cho chết).

Điều khó hiểu nhưng thú vị là nhìn sang các ngôn ngữ Tây Phương, ta thấy dường như chữ Marati của Pàli có khá nhiều bè bạn. Tiếng Pháp có Mort, tiếng La-Tinh có Morior, đều nghĩa là chết. Rồi thì tiếng Anh có Murder (kẻ sát nhân), tiếng Đức có Mord cũng đồng nghĩa. Cuối cùng, hình thức Quá khứ Phân Từ của Marati (chết) là Mata lại khiến ta liên tưởng đến chữ Mất trong tiếng Việt, cũng có nghĩa là Chết!

Đến đây thì ta lại phải nhắc đến một thuật ngữ vừa nổi tiếng mà cũng rất nhạy cảm trong Phật giáo hôm nay, đó là chữ Thiền. Như một định phận khốc liệt cho Phật giáo hiện đại khi mà những từ ngữ, khái niệm được xem là tối yếu, ghê gớm, quan trọng nhất lại cứ là những “nghi án” ởm ờ và khó ăn nói nhất. Có lẽ rồi sẽ đến lúc mà điều ta phải e ngại nhất chính là sự lặng lẽ quan sát của những người không phải Phật tử lại có điều kiện tham cứu tường tận kinh Phật bằng một thái độ thanh thản, bình tĩnh, không bận lòng với những tự ái, tự tôn hay một lý do cá nhân nào hết. Họ sẽ có nhiều điều kiện tâm lý để nhận ra cái gì là thừa hay thiếu, đúng hay sai. Trong khi đó, vì quá nặng lòng hay nặng tình với vài thứ, người tự nhận là Phật giáo đồ đôi lúc phải gồng gánh những thứ chính mình thấy là có vấn đề. Chẳng hạn không ít người học Phật hôm nay chẳng dám nghĩ nhiều vể sử tính của các thuật ngữ vẫn được xem là quan trọng và nổi tiếng, như Pháp Thân, Phật Tánh, A-Lại-Da Thức, Như Lai Tạng, Chân Không, Diệu Hữu, Bất Nhị, Trung Ấm, Vãng Sanh, rồi thì cả chữ Thiền mà ai cũng nghĩ là một cấm địa thiêng liêng.